HỌ TÔ DUY THÔN CHÂU TRÚC, XÃ MỸ CHÂU, HUYỆN PHÙ MỸ, TỈNH BÌNH ĐỊNH


         Đường về thôn Châu trúc, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ ngày nay (Ảnh TL)

          Theo lời kể lại của các cụ cao tuổi thì Họ Tô thôn Châu Trúc đến định cư tại xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định từ miền ngoài vào, khoảng năm 1835 – 1840. Ông Tổ chi họ là cụ Tô Duy Sanh, sinh vào khoảng 1810, là một người giàu có. Khi vào lập nghiệp đất này, ông có dẫn theo một người em gái là bà Tô Thị Chuông. Người em gái lấy chồng về thôn Vạn An, xã Châu Mỹ. Bà mua rất nhiều ruộng. Những thửa ruộng cò bay thẳng cánh ở Vạn An người ta gọi là ruộng bà Chuông.

          Ông Tổ là người giàu có, to cao, có sức khỏe lại siêng năng lao động, vào định cư tại thôn Trà Thung Thượng, xã Mỹ Châu. Tại đây ông mua ruộng đất rất nhiều. Mộ cụ Tổ vẫn còn tại thôn Trà Thung Thượng. Đến đời thứ tư của dòng họ, có ông Tô Duy Cửu (187? – 194?) được bà nội Họ Trần đưa về sống với bà tại thôn Châu Trúc, cùng xã Mỹ Châu. Khi ông trưởng thành và lập gia đình với hai bà Họ Lê cùng thôn (Bà chính thất mất, ông cưới bà Thê thứ), lập nên chi Họ Tô tại thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu. Ông đưa anh ruột là Tô Duy Chấn và các em ruột là Tô Huệ, Tô Thông từ Trà Thung Thượng về Châu Trúc sinh sống. Ông là người  đứng ra lo tạo dựng gia đình cho các em. Vì vậy Họ Tô xã Mỹ Châu, chủ yếu tại thôn Châu Trúc phát triển đến ngày nay.

          Như vậy, tính từ cụ Tổ Tô Duy Sanh đưa người em gái là Tô Thị Chuông từ miền ngoài vào sinh sống tại Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, đến nay là đời thứ 8.

          Nghề nghiệp chính của dòng họ là làm nông nghiệp. Các thế hệ trước tích tụ điền sản rất nhiều, đào nhiều ao lớn phục vụ tưới tiêu nổi tiếng còn truyền tới ngày nay trong vùng.

          Hiện nay chi họ sống tập trung tại thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu. Có một hộ lên sống tại xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ. Thời kháng chiến chống Mỹ, đây là vùng chồng lấn, chiến tranh rất ác liệt. Những ngôi nhà nhiều gian làm bằng gỗ quý của dòng họ bị bom tàn phá hoặc bị thiêu rụi. Nhiều hộ dân vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống từ trước năm 1975 và sau này. Vì vậy toàn bộ chi họ có 37 hộ, gần 150 nhân khẩu, thì ở quê nhà chỉ là 10 hộ, tại Đăk Lâk 3 hộ, Quy Nhơn có 4 hộ và thành phố Hồ Chí Minh có 20 hộ.

          Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Họ Tô thôn Châu Trúc có nhiều người tham gia cách mạng, trong đó có 1 người tập kết ra Bắc, sau về thành phố Hồ Chí Minh làm Giám đốc Công ty Thủy lợi. Một số người tham gia du kích, sau chuyển ngành về làm giáo viên. Không ai tham gia chính quyền trước 1975, phần lớn là dân thường. Thời chiến tranh bảo vệ biên giới, có 2 người đi bộ đội tại chiến trường Cămpuchia, sau xuất ngũ, 1 là doanh nhân, 1 là công chức.

          Chi họ có 15 người tốt nghiệp đại học, 1 Thạc sĩ, 1 Tiến sĩ. Đời sống kinh tế nói chung là trung bình khá. Con cháu chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo và ngày càng phát triển. Hiện nay, trong họ có 10 người làm công chức, viên chức, giáo viên, còn hoạt động kinh doanh là chính, hộ là nông – ngư còn rất ít (1 hộ).

          Tóm lại, Họ Tô thôn Châu Trúc (ban đầu định cư tại thôn Trà Thung Thượng), xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là Họ Tô gốc Duy, từ miền ngoài vào sinh sống tại Bình Định dười thời vua Minh Mạng khi Việt Nam đã thống nhất. Vì vậy rất mong “vấn Tổ tìm Tòng” Họ Tô Duy ở miền ngoài. Vì các cụ Tổ đặt tên con cháu theo quy tắc như ngoài Bắc, duy trì chữ đệm là Duy đến đời thứ 6. Từ đời thứ 7 việc đặt chữ đệm không còn theo quy tắc cũ; một số vẫn dùng chữ Duy, nhưng có một số lại dùng chữ Ngọc, chữ Đình.

          Thông qua sách Họ Tô Việt Nam, chúng tôi rất mong muốn “vấn Tổ tìm Tòng” với các chi Họ Tô trong cả nước.

          Tô Ngọc Ngời (đời thứ 7)