BÀI PHÁT BIỂU CỦA BAN LIÊN LẠC HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG LỄ KỶ NIỆM 911 NĂM NGÀY SINH ĐỨC TÔ HIẾN THÀNH

Kính thưa:

Ông Tô Xuân Toàn nguyên uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Ninh Bình

Ông Nguyễn Xuân Cửu, Bí thư huyện uỷ, chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền huyện Đan Phượng, xã Hạ Mỗ và các xã trong huyện.

Kính thưa bà con xã Hạ Mỗ

Kính thưa bà con họ Tô về dự lễ hội

Về thân thế và sự nghiệp của Đức Tô Hiến Thành, trong cuộc hội thảo khoa học Đan Phượng năm 1997 và từ đó đến nay hàng năm 2 lần tại diễn đàn này vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Người, chúng ta đã nói khá đầy đủ.

Tuy nhiên chúng ta chỉ mới nói về Người và phu nhân của Người là bà Lã Thị Kim Dung, còn về con cháu của Người thì chưa có sách vở nào nói đến.

Trong 15 năm qua, Ban liên lạc họ Tô Việt Nam đã dành nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu về vấn đề này và đã thu được những kết quả quan trọng. Ngày 22 tháng Giêng năm Nhâm Thìn - 2012, trong lễ kỷ niệm 910 năm ngày sinh của Người, chúng tôi đã báo cáo kết quả này và báo cáo đã được đăng trong Thông tin họ Tô Việt Nam số 16 và trên trang tin điện tử của dòng họ. Hôm nay tôi xin báo cáo tóm tắt như sau:

Trong công cuộc chắp nối dòng họ, chúng tôi mới chỉ tìm được 2 chi họ có căn cứ xác đáng là dòng dõi Đức Tô Hiến Thành. Đó là chi họ Tô làng Bao Hàm, xã Thuỵ Lương, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình và chi họ Tô làng Đồn Điền, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. Hai chi họ này cùng thờ một ông tổ là quận công  Tô Chính Đạo huý Văn Bảo là đại thần các triều Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, có công đánh giặc Chiêm Thành và khai phá đồn điền ở nam phần Thanh Hoá gồm các huyện Nông Cống, Ngọc Sơn, Quảng Xương của phủ Tĩnh Ninh. Ông có đền thờ ở làng Đồn Điền và ở đền thờ có một đôi câu đối mà một vế viết là “Trung trinh hệ xuất Lý danh thần” nghĩa là ông là dòng dõi danh thần nhà Lý. Người họ Tô là danh thần triều Lý chỉ có Tô Hiến Thành. Như vậy Tô Chính Đạo là hậu duệ của Đức Tô và 2 chi họ Tô Bao Hàm, Đồn Điền chính là dòng dõi Đức Tô Hiến Thành. Điều này đã được ghi trong gia phả của cả 2 chi họ viết cách đây hàng mấy trăm năm.

Lần theo các dòng thư tịch (không có trong chính sử), chúng tôi đã tìm được một người con trai và một người con gái Đức Tô Hiến Thành.

Con trai Đức Tô là Tô Trung Từ. Ông là võ quan cao cấp của nhà Lý, triều Lý Cao Tông, có nhiều công lao đánh dẹp để bảo vệ ngôi vua của Lý Cao Tông, có công bảo vệ Thái tử Sảm, con Lý Cao Tông khi Thái tử chạy loạn ở kinh thành về trang ấp của Tô Trung Từ ở vùng Long Hưng tức huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay. Khi Thái tử Sảm lên ngôi vua là Lý Huệ Tông đã phong Tô Trung Từ là Thái uý phụ chính. Thấy cảnh triều đình nhà Lý rối ren lại bị thế lực họ Trần lấn át, ông treo ấn từ quan về ở ẩn ở làng Vỵ Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định ngày nay), dạy cho dân làng nghề trồng hoa cây cảnh. Hiện nay ông được thờ làm ông tổ nghề trồng hoa, cây cảnh Việt Nam ở đình làng Vỵ Khê, hàng năm đình mở hội từ 12 đến 16 tháng Giêng âm lịch, rất đông khách thập phương về dự lễ.

Con gái đức Tô Hiến Thành là Tô Thị Hiền tự Phương Lan là vợ của Trần Lý, ông tổ của các vua Trần. Được nhà Trần truy phong là Nguyên Từ hoàng hậu. Bà sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung.

Trần Thừa khi Trần Cảnh lên ngôi vua được phong là Thái Thượng hoàng.

Trần Thị Dung là hoàng hậu của Lý Huệ Tông. Khi Lý Huệ Tông chết, nhà Trần giáng Trần Thị Dung xuống là Thiên Cực công chúa và gả cho Trần Thủ Độ là em con chú. Trần Thị Dung có công tổ chức hậu phương kháng chiến trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông được phong là Linh từ Quốc mẫu.

Bà là thân mẫu của Thái Thượng hoàng Trần Thừa, Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, nhạc mẫu của Thái sư Trần Thủ Độ.

Là bà nội của Thái Tông Trần Cảnh, An Sinh vương Trần Liễu, Khâm Thiên vương Trần Nhật Hiệu, là bà ngoại của Lý Chiêu Hoàng, Lý Thuận Thiên sau lại là cháu dâu của bà.

Bà là cụ nội của Thánh Tông hoàng đế Trần Hoảng, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật.

Như vậy, Đức Tô Hiến Thành là ngoại tổ của các vua Trần.

Cháu và chắt Đức Tô tức là đời 3, đời 4 là những ai, chúng tôi chưa tìm được.

Đời 5, cháu tằng tôn có Tô Hiến Chương làm quan ở đất Thần Thiệu, tỉnh Ninh Bình. Vì bị mưu sát, ông chạy về trang Thượng Lao, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường nay là huyện  Nam Trực, tỉnh Nam Định đổi tên là Tô Hiến Thái, lấy người con gái địa phương là Lê Thị Nga, sinh đôi được 2 con trai, vì hiếm muộn hoặc vì lý do chính trị cho con theo họ mẹ đặt tên là Lê Hiến Phủ và Lê Hiến Tứ. Vì kiêng tên huý của Thượng hoàng nhà Trần (Trần Phủ) nên khi đi thi, Lê Hiến Phủ phải đổi tên là Lê Hiến Giản.

Khoa thi năm Giáp Dần (1374), hai anh em đi thi, Lê Hiến Giản đỗ Bảng Nhãn (thứ hai sau Trạng Nguyên), Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ. Hai anh em đều làm quan triều Trần. Lê Hiến Giản làm quan đến chức Thị lang đại học sĩ Tri thẩm hình viện, trông coi việc pháp luật. Lê Hiến Tứ có công đánh dẹp giặc trong nước và giặc Chiêm Thành được phong chức Trấn Nam tướng quân. Chống lại Hồ Quý Ly âm mưu cướp ngôi nhà Trần, bị Hồ Quý Ly sát hại cùng 1 ngày nhưng trước sau nhau 1 năm. Lê Hiến Giản bị giết hại ngày 12 tháng Chạp năm Ất Sửu (1385); Lê Hiến Tứ bị quân của Hồ Quý Ly vây đánh phải nhẩy xuống sông trẫm mình ngày 12 tháng Chạp năm Bính Dần (1386). Hiện nay ở 4 xã Thượng Lao, Xối Thượng, Xối Tây, Xối Trì còn đền thờ hai ông gọi là đền Tứ xã được cấp bằng di tích lịch sử văn hoá quốc gia và còn lăng mộ của Bảng Nhãn Lê Hiến Giản. Hàng năm 4 đền mở hội vào ngày 10 tháng 8 âm lịch. Đời sau tặng hai ông 4 chữ Đồng (Tứ Đồng): Đồng sinh (cùng sinh 1 ngày) Đồng khoa (cùng đỗ 1 khoa), Đồng liêu (cùng làm quan triều Trần), Đồng tử (chết cùng 1 ngày). Hai ông tuy mang họ Lê nhưng đích thực là cháu đời thứ 6 Đức Tô Hiến Thành.

Đời 7 có Tô Hưng làm quan Trấn thủ Sơn Nam (Thái Bình - Nam Định).

Đời 8 là hai anh em Tô Huệ ân - Tô Huệ An, làm quan cuối triều Trần hoặc nhà Hồ được vua phái đi chiêu dân lập ấp ở miền duyên hải phía Bắc, nay là làng Bao Hàm, xã Thuỵ Lương, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình.

Tô Chính Đạo là đời thứ 9

Những người trên có thể không phải là trực hệ của nhau nhưng cùng huyết thống, đại diện cho các đời con cháu Đức Tô.

Gia phả 2 chi họ Tô Bao Hàm, Đồn Điền đã chép đầy đủ các đời từ Tô Huệ Ân, Tô Huệ An nay đã đến đời 17 tức là đời thứ 26 tính từ Đức Tô Hiến Thành.

Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tổ chức trung ương Tô Huy Rứa là hậu duệ đời thứ 23 của Đức Tô Hiến Thành.

Các chi họ này sống ở vùng Thái Bình - Nam Định - Thanh Hoá có lẽ là con cháu của bà vợ thứ của Đức Tô, gốc vùng Hưng Hà, Thái Bình. Còn con cháu của bà Lã Thị Kim Dung đến nay chúng tôi chưa tìm được.

Gần đây chúng tôi có tìm được 1 tài liệu nói về 3 vị cử nhân quê xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì là Tô Quốc Nghị đỗ năm 1828, Tô Cẩn đỗ năm 1868, Tô Thục đỗ năm 1876 trong đó nói Tô Quốc Nghị tương truyền là dòng dõi Tô Hiến Thành. Nhưng có lẽ 3 người này là cùng 1 họ và đều là dòng dõi Đức Tô. Chúng tôi có liên lạc được với 1 người là Tô Quốc Trụ, giám đốc Công ty tư vấn Năng lượng nói là dòng họ Tô ở Khương Đình tức là làng Nhân Mục xưa. Nhưng vì cận Tết chúng tôi chưa đến gặp trực tiếp được. Đây nếu là dòng họ Tô của cử nhân Tô Quốc Nghị thì chúng ta tìm thêm được một chi họ Tô dòng dõi Tô Hiến Thành. Và chi họ Tô này lại ở vùng Hà Nội, may ra chúng ta có thể tìm được con cháu của bà Lã Thị Kim Dung.

Trong buổi lễ hôm nay có đông đảo bà con họ Tô từ 9 tỉnh thành miền Bắc về dự, chúng tôi xin nói về hoạt động của dòng họ trong 2 năm 2011-2012. Ban liên lạc họ Tô Việt Nam được thành lập năm 1998 ở chính xã Hạ Mỗ, đến nay đã gần được 15 năm. Khẩu hiệu ngay từ đầu khi thành lập Ban liên lạc là “chắp nối dòng họ, tìm về cội nguồn”.

Tìm về cội nguồn lúc đầu ta tìm đến Đức Tô Hiến Thành. Đến năm 2010 dòng họ suy tôn thần Long Đỗ - Tô Lịch là Thuỷ tổ của dòng họ, qua đó khẳng định là họ Tô Việt Nam xuất hiện muộn nhất vào thế kỷ 3. Nhưng gần đây nhất, qua nghiên cứu tấm bia đá (được khắc từ năm Hồng Phúc nguyên niên 1572) ở đình làng Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, có thể sơ bộ kết luận là họ Tô Việt Nam xuất hiện muộn nhất vào cuối đời Hùng Vương, thế kỷ thứ 4 TCN. Tuy nhiên việc này không làm thay đổi việc suy tôn thần Tô Lịch là Thuỷ tổ.

Về chắp nối dòng họ thì năm 2009, kỷ niệm 10 năm chắp nối dòng họ chúng ta mới tìm được 125 chi họ. Trong 2 năm 2011-2012, Thường trực Ban liên lạc đã tổ chức 2 chuyến đi chắp nối dòng họ ở miền Trung và Nam Bộ. Mỗi chuyến đi kéo dài 10 ngày, đi 3000-4000km bằng ô tô chắp nối được khoảng 70 chi họ. Sau đó lại tìm ra cách làm mới là chắp nối qua danh bạ điện thoại. Đã sưu tầm khoảng 2 vạn số thuê bao của người họ Tô cả nước, đã gọi khoảng 10 ngàn cuộc điện thoại tìm được hơn 200 chi họ Tô nữa. Như vậy chỉ trong 2 năm 2011-2012 đã liên lạc chắp nối được 300 chi họ, gấp hơn 2 lần số chi họ đã tìm được trong 12 năm trước đó. Đến nay đã chắp nối được 420 chi họ trong 49 tỉnh thành trong cả nước.

Trong quá trình chắp nối đã có những chuyện rất cảm động là có một số chi họ, nguyên gốc là họ Tô, vì lý do  nào đó đã đổi sang họ khác hàng mấy trăm năm, nay tìm về nhận họ. Như 4 chi họ Nguyễn (2 chi), Trần, Ngô ở hai huyện Gia Viễn, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình là 4 anh em họ Tô đổi họ đã 7 đời nay tìm về cành trưởng vẫn giữ họ Tô ở xã Gia Phú để nhận anh em. Hay như họ Phạm Chí thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội gốc là họ Tô đổi sang họ Phạm cách đây khoảng 200 năm, nay đã đến đời thứ 9, xem trên báo mạng thấy có Ban liên lạc họ Tô Việt Nam đã chủ động liên lạc để tham gia sinh hoạt. Cũng nhờ gia phả họ Phạm mà 2 chi họ Tô Viết, Tô Trọng ở thôn Báo Vân, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc tìm được nguồn gốc tổ tiên vì gia phả họ Phạm còn ghi tên ông tổ chi họ Tô Viết, Tô Trọng là anh em ruột của ông tổ họ Phạm. Các chi họ này ngoài xã hội vẫn giữ họ hiện nay nhưng khi về sinh hoạt họ mang thêm chữ Tô đứng trước như Tô Nguyễn, Tô Ngô, Tô Trần, Tô Phạm Chí.

Hiện nay Ban liên lạc họ Tô Việt Nam đang làm một công trình lớn là viết cuốn sách họ Tô Việt Nam có tính chất như một quyển tổng phả, tổng hợp một cách hệ thống mọi thông tin tư liệu về dòng họ tích lũy được trong 15 năm qua. Chúng tôi cho rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để viết vì ta đã tìm được cội nguồn, biết được sự hình thành và phát triển của dòng họ trong hơn 2 ngàn năm lịch sử, đã suy tôn Thủy tổ, đã chắp nối được phần lớn các chi họ Tô cả nước nên có đủ tư liệu để viết. Hơn nữa những người đã dành nhiều công sức để tìm hiểu về dòng họ trong 15 năm qua không có nhiều, phần lớn đã qua tuổi 70 một số vị trên 80 nếu không kịp thời viết ra thì không để lại cho thế hệ mai sau những tư liệu quý giá về dòng họ. Các cụ Tô Gĩ, Tô Hoàn, Tô Ngọc Cừ, Tô Thuận là những người khởi xướng việc chắp nối dòng họ, có hiểu biết sâu về dòng họ. Các cụ mất đi đem theo bao hiểu biết về thế giới bên kia. Hay gần đây nhất là ông Tô Nhuần, một người rất có tâm huyết với việc họ nghiên cứu sâu về dòng họ và còn ấp ủ dự định năm 2013 nghỉ hưu sẽ dành toàn bộ thời gian cho việc họ. Nay ông đột ngột ra đi, đem theo tất cả. Các cụ, các ông mất đi là tổn thất không gì bù đắp được cho dòng họ.

Để hoàn thành được cuốn sách, Ban liên lạc kêu gọi sự giúp đỡ của toàn thể dòng họ.

Trước hết là cung cấp tư liệu. Cuốn sách có 3 phần:

Phần một: Họ Tô trong lịch sử Việt Nam.

Phần hai: Họ Tô Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ đất nước.

Phần ba: Giới thiệu các chi họ Tô cả nước, do từng chi họ tự viết bài giới thiệu.

Đề nghị các chi họ viết bài giới thiệu chi họ theo đề cương hướng dẫn đã gửi và cung cấp tư liệu về những người tiêu biểu trong chi họ để đưa vào phần một và phần hai. Trong 420 chi họ đã chắp nối được, chúng tôi mới nhận được bài giới thiệu của 80 chi họ (mới được 20%). Đề nghị chậm nhất hết tháng 6-2013 các chi họ gửi đủ bài, nếu không đủ bài thì không có tư liệu để viết phần ba.

Thứ nữa là giúp đỡ về tài chính. Kinh phí để viết và xuất bản sách dự trù hết 600 triệu đồng nhưng Thường trực Ban liên lạc quyết tâm phấn đấu vượt mức đạt 700 triệu đồng vì còn có những khoản chi chưa tiên liệu được hết.

Thường trực Ban liên lạc chủ trương vận động rộng rãi các cá nhân và tập thể các chi họ trong toàn dòng họ nhưng trước hết là các doanh nhân, các nhà hằng tâm hằng sản, các bậc lão thành, các cán bộ cao cấp về Đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang. Sự ủng hộ về tài chính của các vị lão thành và cán bộ cao cấp có thể không nhiều, nhưng là sự động viên lớn với Ban biên tập và có tác dụng cổ vũ toàn dòng họ tham gia.

Khi đặt ra chỉ tiêu đó chúng tôi cũng rất lo vì từ trước đến nay chưa bao giờ chúng ta vận động ủng hộ số tiền lớn như vậy. Cuộc vận động quyên góp để tôn tạo lăng mộ Đức Tô Hiến Thành trong suốt 2 năm chúng ta mới có được hơn 300 triệu. Nhưng lần này cũng có thuận lợi là số chi họ tăng thêm nhiều và trong dòng họ có nhiều doanh nhân thành đạt. Có điều kiện thuận lợi như trên và có lẽ việc viết sách họ Tô Việt Nam là hợp với ý nguyện của đông đảo bà con nên cuộc vận động bước đầu đạt kết quả khả quan. Mới qua gần 2 tháng phát động nhưng đến 28-2-2013 đã có 92 người đăng ký ủng hộ 325 triệu và số tiền thực thu đã được 205 triệu đồng. Trong đó có 3 doanh nhân trẻ tuổi đăng ký ủng hộ số tiền 150 triệu: Tô Như Toàn 42 tuổi họ Tô thị trấn Thanh Oai - Hà Nội: 100 triệu; Tô Hồng Thái 42 tuổi họ Tô xã Đông Hoàng, Đông Hưng, Thái Bình tại Hà Nội: 30 triệu; Tô Văn Hùng 40 tuổi họ Tô xã Phạm Mệnh, Kinh Môn, Hải Dương tại Hà Nội: 20 triệu và 2 người đã chuyển 130 triệu vào quỹ Ban liên lạc.

Chúng tôi có ý định trong năm 2013 chủ yếu là vận động các cá nhân phấn đấu cuối năm đạt được 600 triệu. Còn với các chi họ, nơi nào có Ban liên lạc tỉnh thì vẫn vận động theo kế hoạch, còn với các chi họ lẻ trước mắt đề nghị cung cấp đủ các bài giới thiệu chi họ và đến năm 2014, Thường trực Ban liên lạc mới gửi thư vận động.

Nhân buổi lễ kỷ niệm 911 năm ngày sinh Đức Tô Hiến Thành, cũng là buổi họp mặt đầu xuân đông đảo của dòng họ Tô Việt Nam, thay mặt Ban liên lạc họ Tô Việt Nam chúng tôi chân thành cảm ơn Huyện ủy, Ủy ban nhân dân và các cơ quan chức năng của huyện Đan Phượng trong 15 năm qua đã hết lòng giúp đỡ cho hoạt động của dòng họ Tô Việt Nam; cảm ơn Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, bà con nhân dân xã Hạ Mỗ, Ban Quản lý di tích đền Văn Hiến trong 15 năm qua đã coi bà con họ Tô Việt Nam như người nhà, tạo điều kiện thuận lợi một năm 2 lần để bà con về dự lễ tưởng niệm ngày sinh, ngày mất của Đức Tô Hiến Thành, danh nhân đất nước, danh nhân xã Hạ Mỗ cũng là danh nhân của dòng họ. Và cũng là dịp họp mặt đầy tình nghĩa của dòng họ Tô cả nước.

Xin kính chúc quý vị đại biểu, bà con xã Hạ Mỗ, bà con họ Tô về dự lễ   một năm mới mạnh khỏe, làm ăn thành đạt và mọi sự như ý.

 

Tô Bỉnh