CHI HỌ TÔ VIẾT XÃ MINH THÀNH, HUYỆN YÊN THÀNH, TỈNH NGHỆ AN

Ông Tổ sơ khai dòng họ Tô Viết trên đất Đông Yên, xã Minh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An hiện nay là ông Tô Viết Sáng và bà vợ là Nguyễn Thị Tư, nguồn gốc ở thôn Thái Bình Đoài, tổng Canh Hoạch, phủ Đức Thọ, ngày nay là xã Thạch Bằng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, vào đầu thế kỷ XVIII, cách đây trên dưới 300 năm, gặp loạn chạy đến làng Đông Yên, xã Minh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, khai cơ lập ấp, lấy nghề nông là chính, đào đá phá cây, xây dựng cơ nghiệp, sinh con, để cháu ngày càng đông thành họ Tô Viết, hiện nay là một trong những dòng họ đông người trong xã.  Xã Minh Thành là mội xã miền núi của huyện Yên Thành, xã cách trung tâm huyện 10 km, đường đi lại rải nhựa rất tốt, thuận tiện, cách thành phố Vinh, trung tâm tỉnh lỵ Nghệ An khoảng 60 km về phía Bắc. Câu đối dưới đây ở nhà thờ họ Tô Đại Tôn chứng minh điều đó.

CANH HOẠCH THÁI BÌNH NGUYÊN ĐẦU THUỶ

VÂN TỤ ĐÔNG YÊN PHÁI DẪN TRƯỜNG

              Tạm dịch là: Nguồn gốc họ Tô Viết là ở tổng Canh Hoạch, xã Canh Hoạch, Thái Bình Đoài thôn, nay là xã Thạch Bằng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, chạy loạn ra thôn Đông Yên, tổng Vân Tụ, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An ( Dựa theo cuốn gia phả bằng chữ hán do thầy Tùng Lâm họ Hồ biên soạn ghi ngày 25 tháng 5 năm Kỷ Vị, thời vua Khải Định triều Nguyễn)    

        Tính đến nay con cháu họ Tô Viết xã Minh Thành đã có 12 đời với trên 142 hộ và hơn 500 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu ở trong xã, ngoài ra còn sinh cơ lập nghiệp ở các nơi khác như thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và các tỉnh như Đắc Lắc, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Vũng Tàu, Hà Nội, Ninh Bình...

Nhà thờ họ Đại Tôn có từ lâu đời, theo dấu khắc trên gỗ thì nhà thờ được xây dựng từ 1906, nghĩa là cách đây hơn 100 năm. Năm 1976 theo chủ trương di dân lên đồi, nhà thờ họ Tô Đại Tôn được con cháu di chuyển đến địa điểm mới cách nơi cũ khoảng 500 mét, tại đội 6 xã Minh Thành.  Năm 2013 con cháu đã đóng góp tiền của nâng cấp, sữa chữa lớn nhà thờ, có thượng điện, hạ điện, nhà tiếp khách, sân hành lễ, nhà bếp nấu ăn đủ dọn hàng chục mâm cỗ.phục vụ dịp giỗ, tết. Nhà thờ có vị trí khá đẹp, cao ráo, nội thất, đồ tế khí bên trong nói chung là tương đối đầy đủ, linh thiêng. Ngoài nhà thờ lớn họ Đại tôn còn có các nhà thờ nhánh của chi trong họ. Trong đó có nhà thờ Tô Bá Ngọc (1838 - 1887, Tiên liệt cách mạng thuộc đời thứ 7, bị thực dân Pháp xử tử năm 1887 vì đã nuôi dấu nghĩa quân của Phan Đình Phùng trong phong trào Cần vương chống Pháp) được công nhận là di tích lịch sử cách mạng.           

           Hàng năm họ có hai lần giỗ, vào ngày 20/10 âm lịch giỗ cụ Thuỷ tổ đầu tiên Tô Viết Sáng và bà Nguyễn Thị Tư. Vào ngày 15/5 âm lịch giỗ Tráng Tiết Kiệt Trung, Tự Nguyên Hậu Tô Tướng Công (Tô Nguyên Hậu, đời thứ 4, đi lính lập nhiều chiến công được nhà vua phong tước, rồi hy sinh, được dân làng phong là thần làng) và hiện nay con cháu họ Tô cũng lấy ngày này để kỷ niệm, tưởng nhớ các tiên liệt, liệt sỹ chống Pháp, chống Mỹ của họ. Đến ngày giỗ, ngày tết, con cháu góp tiền tuỳ theo họ quy định từng năm, ví như năm 2013 mỗi hộ góp giỗ 100.000 đồng, cúng bái tổ tiên và tổ chức nấu ăn chung tại nhà thờ do Hội đồng gia tộc điều hành. Hội đồng gia tộc do họ bầu ra theo nhiệm kỳ 3 năm một lần.

           Dòng họ có truyền thống hiếu học, tuy đời sống nhìn chung không thật khá giả nhưng gia đình nào cũng phấn đấu cho con cái ăn học, thoát ly nông nghiệp. Số người tốt nghiệp đại học và trên đại học trong họ thì rất nhiều, có nhiều người làm nghề dạy học. Họ có 3 cán bộ tiền khởi nghĩa: Tô Viết Phức, Tô Sỹ Giới, Tô Viết Thảo, đời thứ 9; trưởng thành trong quân đội có thượng tá Tô Viết Tải, đời thứ 10, trong dân sự có Tô Hồng Hải, đời thứ 10, nguyên là uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, bí thư Thành uỷ Thành phố Vinh, Trưởng ban tuyên giáo tỉnh uỷ Nghệ An

                              Tô Hồng Hải, 39 Duy Tân, phường Hưng Phúc,

                               thành phố Vinh, Nghệ An. ĐT: 0913274882