Trang thông tin điện tử Họ Tô Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Đại tá Tô Bỉnh – nguyên Phó trưởngBan Liên lạc Họ Tô Việt Nam, tại Lễ kỷ niệm 10 năm suy tôn thần Long Đỗ - Tô Lịch là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam (19/9/2010 - 19/9/2020)
Ngay sau khi thành lập Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam (tháng 8-1998), nhiều người Họ Tô đã đặt câu hỏi: Thủy tổ Họ Tô Việt Nam là ai? Và trong Thông tin Họ Tô Việt Nam số 2 (tháng 6-2000) đã có bài viết của cụ Tô Ca, Họ Tô làng Bao Hàm nói Tô Lịch là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam và bài viết về Thần Tô Lịch do ông Tô Kim Trọng sưu tầm: Bảo quốc Trấn Linh Định bang Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương. Điều đó chứng tỏ khát vọng của con cháu Họ Tô muốn tìm được Thủy tổ của dòng họ và nhiều người tin là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam là Thần Tô Lịch.
Đến khi chuẩn bị viết quyển sách Họ Tô Việt Nam thì việc xác định Thủy tổ Họ Tô Việt Nam là ai càng trở nên cấp thiết. Vì quyển sách Họ Tô Việt Nam là quyển phả của cả dòng họ; cũng như viết tộc phả của một chi họ, viết Lịch sử Họ Tô Việt Nam phải bắt đầu từ Thủy tổ.
Đại tá Tô Bỉnh phát biểu tại buổi lễ
Như lời phát biểu của cụ Tô Gĩ trong Lễ dâng hương lần đầu tiên ở đền Văn Hiến, nhân ngày giỗ lần thứ 819 của Đức Tô Hiến Thành (ngày 12 tháng Sáu năm Mậu Dần - 1998) là các nhánh Họ Tô không có nhiều như các họ Nguyễn, Trần, Lê… và trong Lịch sử Việt Nam không có một triều đại Họ Tô nên không có việc người Họ Tô, trải qua hưng vong phải thay tên, đổi họ. Họ Tô Việt Nam là một họ đồng nhất. Vì vậy, chúng ta xác định: Nhân vật lịch sử là người Họ Tô ở Việt Nam đầu tiên được ghi tên trong chính sử và nhiều người cho rằng, nhân vật đó có thể được coi là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam. Xem trong chính sử chúng ta thấy:
Tô Định là người Họ Tô đầu tiên có tên trong chính sử, xuất hiện cuối những năm 30 thế kỷ 1. Nhưng Tô Định là người Trung Quốc, sang làm Thái thú Giao Châu chỉ một thời gian ngắn (2 năm) đã bị Hai Bà Trưng đánh đuổi về Bắc quốc, chắc chắn không để lại dòng giống trên đất nước Việt Nam.
Tô Hiến Thành là nhân vật lịch sử nổi tiếng. Nhưng Tô Hiến Thành sinh năm 1102, đầu Thiên niên kỷ II. Không lẽ trong Thiên niên kỷ I, chưa có người Họ Tô trên đất nước Việt Nam?
Theo tư liệu ở một tấm văn bia cổ (được dựng năm Hồng Phúc nguyên niên - 1572), ở đình làng Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chúng ta phán đoán là người Họ Tô có thể xuất hiện vào thế kỷ IV Trước CN, thời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương). Nhưng tư liệu chỉ có ở văn bia, không tìm thấy ở văn bản nào khác, nên độ tin cậy không cao. Trong văn bia cũng chỉ ghi tên hai người Họ Tô (Tô Thị Nghi, Tô Văn Tuyên), không có hành trạng cụ thể, không thể coi là nhân vật lịch sử.
Tô Lịch sống vào khoảng cuối thế kỷ 3 - đầu thế kỷ 5, thời nhà Tấn (265-420CN) đô hộ nước ta. Tô Lịch không có tên trong chính sử, vì chính sử chỉ chép về các triều đại và những nhân vật quan trọng của triều đại đó, mà thời nhà Tấn đô hộ, Tô Lịch chỉ làm một chức quan nhỏ ở hương Long Đỗ. Nhưng Tô Lịch được nói đến trong nhiều sách cổ (từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 14) của cả Trung Quốc và Việt Nam. Nhiều chuyện kể về Tô Lịch mang tính huyền thoại; vậy Tô Lịch là con người có thực hay con người huyền thoại. Chuyện kể mang tính huyền thoại chỉ là những chuyện sau khi Ngài đã mất và được phong Thần. Những công trình nghiên cứu của cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng và Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã chứng minh Tô Lịch là con người có thực (Giáo sư Lê Văn Lan còn gọi Tô Lịch là Người Hà Nội gốc đầu tiên) và Thần Tô Lịch là một nhân thần.
Thần Tô Lịch còn được nói đến trong thư tịch của một số chi Họ Tô, như: Tộc phả Họ Tô làng Bao Hàm, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, viết cách đây hơn 100 năm đã ghi Tô Lịch là Viễn tổ. Câu đối trong nhà thờ Họ Tô làng Bao Hàm và nhà thờ Họ Tô làng Khánh Vân, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội có cách đây hàng trăm năm cũng nói hai chi họ này là dòng dõi Thần Tô Lịch.
Các tư liệu nói trên đủ để ta vững tin xác định Nhân thần Tô Lịch là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam.
Căn cứ các sách cổ nói trên, có thể tóm tắt sự tích Thần Tô Lịch như sau:
THẦN LONG ĐỖ - TÔ LỊCH
“Thần họ Tô, húy là Lịch, sống vào khoảng cuối thế kỷ III - đầu thế kỷ V, thời nhà Tấn đô hộ nước ta (nhà Tấn 265-420 CN). Sinh thời, Ngài đỗ Hiếu liêm, từng làm quan ở hương Long Đỗ. Tiên tổ cư ngụ ở đó đã lâu đời, dựng làng bên bờ một con sông nhỏ. Gia đình Ngài lấy sự thanh bạch, hòa thuận, hiếu thảo làm trọng, ba đời cùng nhân nhượng mà ở chung với nhau, không chút riêng biệt.
Thời nhà Tấn đô hộ, triều đình xét khen những nhà có hiếu, gia đình Ngài được khen. Gặp năm mất mùa, đói kém, gia đình Ngài đem thóc lúa cứu tế cho dân làng, triều đình lại ban khen.
Do có nhiều công đức với dân làng nên khi Ngài mất, nhân dân tôn Ngài làm Thành hoàng và lấy tên của Ngài để đặt tên làng, gọi là làng Tô Lịch. Con sông chảy quanh làng cũng mang tên là sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch còn đó, còn làng Tô Lịch đã bị Cao Biền lấy đất xây thành Đại La.
Năm 545, Lý Nam Đế cho xây một tòa thành bên sông để chống quân nhà Lương, gọi là “Tô Lịch giang thành”.
Năm Trường Khánh thứ hai (822) đời Đường Mục Tông, viên quan đô hộ là Lý Nguyên Hỷ cho xây một ngôi thành lớn bên bờ sông, tôn Ngài làm Thần chủ của tòa thành. Năm 866, Cao Biền xây thành Đại La. Vốn là phù thủy cao tay, Cao Biền dùng các loại bùa chú, kim khí để trấn yểm, hòng bắt dân ta phải đời đời thần phục Bắc quốc. Ngài đã dùng pháp thuật làm giông bão, sấm sét, chỉ trong một đêm đánh tan bùa phép của Cao Biền thành tro bụi. Cao Biền chịu thua, trước khi chạy về Bắc quốc đã xây đền thờ Ngài và tôn Ngài là “Đô phủ Thành hoàng Thần quân”.
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, đổi tên là Thăng Long. Ngài lại hiển thần thành Ngựa Trắng, giúp Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long. Để ghi nhận công lao, Lý Thái Tổ cho xây lại đền thờ (ngôi đền do Cao Biền xây), đặt tên là Bạch Mã linh từ (Đền thiêng Ngựa Trắng) chính là đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm ngày nay và phong Ngài là “Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương”. Đời sau, các vua nhà Trần lại gia phong Ngài nhiều tước vị hiển quý và duệ hiệu đầy đủ của Ngài là “Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương”. Còn ở đền Bạch Mã thì Thần hiệu của Ngài là “Long Đỗ Thần quân Quảng Lợi Bạch Mã Đại vương”.
Ở Hà Nội, đền Bạch Mã là ngôi đền cổ nhất (Cao Biền xây năm 866). Đền Bạch Mã là một trong bốn ngôi đền thiêng (Thăng Long tứ trấn: Trấn Vũ, Voi Phục, Kim Liên, Bạch Mã) trấn bốn phía kinh thành Thăng Long, giữ yên cho Quốc đô Thăng Long, cũng là giữ yên cho nước Đại Việt trường tồn và phát triển. Đền Bạch Mã trấn phía Đông, gọi là “Đông Trấn chính từ”. Lễ hội hàng năm, trước kia còn có tên là lễ Xuân Ngưu (vì có tục lệ rước trâu) vào hai ngày 12, 13 tháng Hai âm lịch”.
Ngày 28-3-2010 (ngày 13 tháng Hai âm lịch), Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam cùng ông Tô Quyết Tiến đến làm lễ dâng hương ở đình Tân Khai, phố Hàng Gà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nơi thờ Thần Tô Lịch và hai vị Thần khác nhân ngày Lễ hội truyền thống của đình. Đây là việc làm đầu tiên tiến tới việc tìm hiểu sâu hơn về Thần Tô Lịch. Khoảng tháng 5-2010, chúng ta biết đền Bạch Mã là nơi thờ chính của Thần Tô Lịch ở Hà Nội nên Thường trực Ban Liên lạc đã đến dâng hương ở đền Bạch Mã.
Khi đã xác định Thần Tô Lịch là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam thì nguyện vọng của nhiều người Họ Tô muốn có một lễ suy tôn để công khai khẳng định Ngài là Thủy tổ. Việc này là rất cần thiết nhưng cần chọn được thời gian và địa điểm thích hợp.
Ngày 5-8-2010, Ban Liên lạc Họ Tô Nam Bộ có thư gửi Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam đề nghị làm Lễ suy tôn Thần Tô Lịch là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam vào dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại đền Bạch Mã. Mặc dù thời gian rất gấp nhưng thấy đây là thời điểm thích hợp, có nhiều ý nghĩa và là thời cơ thuận lợi, nên ngày 15-8-2010, Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam đã họp và quyết định làm lễ suy tôn Thần Long Đỗ - Tô Lịch là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam vào ngày 19-9-2010 tại đền Bạch Mã, gắn với Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ban Liên lạc Họ Tô Nam Bộ đã cử ông Tô Quyết Tiến ra làm việc với Giáo sư Lê Văn Lan, đề nghị Giáo sư giúp đỡ làm Lễ suy tôn.
Thời gian chuẩn bị chỉ có 1 tháng trong lúc các cơ quan của thành phố Hà Nội đang tập trung vào Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng với quyết tâm cao, được sự giúp đỡ tích cực của Giáo sư Lê Văn Lan, Thường trực Ban Liên lạc đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, đặc biệt là những thủ tục pháp lý và tâm linh.
Ngày 6-9-2010, Thường trực Ban Liên lạc và ông Tô Quyết Tiến đến làm việc với Ban quản lý Di tích - Danh thắng thành phố Hà Nội do Tiến sĩ Nguyễn Doãn Tuân làm Trưởng ban. Giáo sư Lê Văn Lan cùng dự và đưa ra những ý kiến có tính chất quyết định, nhanh chóng giải quyết được những vấn đề cơ bản làm cơ sở cho việc chuẩn bị làm Lễ suy tôn.
Sau buổi làm việc, ông Tô Quang Mậu và ông Tô Văn Liệt, được sự giới thiệu của Ban quản lý Di tích - Danh thắng đã tích cực, năng động làm công việc chuẩn bị cụ thể, giải quyết được 3 việc lớn:
- Làm việc với Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, xin được giấy phép làm Lễ suy tôn vào ngày 19-9-2010 tại đền Bạch Mã. Làm việc với Công an quận Hoàn Kiếm và Ủy ban nhân dân phường Hàng Buồm về việc bảo đảm an ninh (trong bối cảnh an ninh được thắt chặt, chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội). Hiệp đồng với Ban Quản lý Di tích đền Bạch Mã về công việc chuẩn bị cụ thể, được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Nguyễn Văn Sâm, Trưởng ban quản lý Đền. Đã giải quyết được việc quan trọng và khó khăn nhất, là các thủ tục pháp lý.
- Làm việc với chùa Quán Sứ, với Hội Phật giáo thành phố Hà Nội, với Điện Kính Thiên, chuẩn bị cho lễ Cáo yết trước Lễ suy tôn.
- Chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất cho Lễ suy tôn.
Chiều ngày 18-9-2010, Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam cùng ông Tô Quyết Tiến và gần 20 bà con Họ Tô ở thành phố Hà Nội đến Điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long (nơi xưa kia là nhà của Thần Tô Lịch) để làm lễ cáo yết. Thượng tọa Thích Bảo Châu, Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Phật giáo thành phố Hà Nội chủ trì buổi lễ.
Để ôn lại không khí buổi Lễ suy tôn, chúng tôi ghi lại bài tường thuật buổi lễ (đăng trong Thông tin Họ Tô Việt Nam số 14, tháng 01-2011):
“Được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, với sự phối hợp và ủng hộ tích cực của Ban Quản lý Di tích - Danh thắng thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân phường Hàng Buồm; Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam đã long trọng tổ chức “Lễ suy tôn Thần Long Đỗ - Tô Lịch, Thành hoàng thành Thăng Long là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam” vào chiều Chủ nhật 19-9-2010 tại đền Bạch Mã, số 76 phố Hàng Buồm, Hà Nội, nơi thờ chính của Thần Long Đỗ - Tô Lịch và là Đông trấn thành Thăng Long. Đây là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Trước đó, chiều ngày 18-9-2010, Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam đã tổ chức Lễ dâng hương cáo yết tại Điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long, nơi gần 1800 năm trước, Đức Tô Lịch, người Hà Nội gốc đầu tiên đã sống.
Do khuôn viên Đền Bạch Mã chật hẹp, nên Ban Liên lạc không thông báo rộng rãi việc tổ chức Lễ suy tôn mà chỉ mời đại diện các chi Họ Tô các tỉnh, thành phố về dự. Mặc dù Lễ suy tôn khai mạc vào 14 giờ ngày 19-9, nhưng ngay từ sáng sớm, đông đảo bà con Họ Tô từ nhiều tỉnh, thành phố đã đến Đền Bạch Mã thành kính dâng hương hoa, lễ vật lên ban thờ Đức Tô Lịch. Đến 13 giờ đã có hơn 150 đại biểu là thành viên Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam và bà con Họ Tô các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Định, khu vực Nam Bộ có mặt tại Đền Bạch Mã trong không khí thành kính và phấn khởi, tự hào.
Đến dự Lễ suy tôn, ngoài bà con Họ Tô, còn có đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Hàng Buồm, một số cơ quan truyền thông: báo chí, phát thanh, truyền hình. Đặc biệt đến dự, có Giáo sư sử học Lê Văn Lan, người đã dày công nghiên cứu, có những bài viết sâu sắc khẳng định Tô Lịch là nhân vật lịch sử, là người Hà Nội gốc đầu tiên và đồng nhất Thần Tô Lịch với Thần Long Đỗ (Nhân thần Tô Lịch - Linh khí Long Đỗ), đã giúp cho Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam đi đến quyết định tổ chức Lễ suy tôn và còn giúp đỡ rất hiệu quả cho Ban liên lạc trong quá trình chuẩn bị lễ.
Sau Lễ dâng hương của Ban Liên lạc và của từng chi Họ Tô có mặt trong buổi lễ, ông Tô Bỉnh, Phó Trưởng ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam đã phát biểu bày tỏ khát vọng của bà con Họ Tô cả nước hướng về Thần Tô Lịch với lòng thành kính, mong muốn suy tôn Ngài là Thủy tổ và nguyện vọng đó hôm nay đã thành hiện thực. Ông Tô Nhuần, Ủy viên Thường trực Ban Liên lạc đọc bài Văn khấn suy tôn Thần Long Đỗ - Tô Lịch là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam.
Sau bài phát biểu rất cô đọng, sâu sắc của Giáo sư Lê Văn Lan, ông Tô Dùng, Trưởng ban Liên lạc Họ Tô Nam Bộ có bài phát biểu xúc động bày tỏ niềm hạnh phúc lớn lao của bà con Họ Tô Nam Bộ cũng như bà con Họ Tô cả nước đã tìm được Thủy tổ và hôm nay long trọng tổ chức Lễ suy tôn Ngài. Buổi lễ kết thúc sau Lễ cầu siêu của 30 nhà sư đươc mời từ Nam Định lên”.
Buổi Lễ suy tôn Thủy tổ thành công rất tốt đẹp và kết quả đó còn phát huy, lan tỏa trong suốt 10 năm qua:
- Tạo niềm vui lớn và niềm tự hào chính đáng cho toàn dòng họ vì tìm được và suy tôn Thủy tổ ở một địa điểm lịch sử (Đền Bạch Mã, ngôi đền thiêng ở trung tâm phố cổ Hà Nội, Đông trấn của thành Thăng Long là nơi thờ chính của Thần Long Đỗ - Tô Lịch), vào một thời điểm lịch sử, Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà Ngài là vị Thần được vua Lý Thái Tổ phong là Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương ngay từ khi Thăng Long mới ra đời.
- Thúc đẩy việc Chắp nối dòng họ - Tìm về cội nguồn, tạo sự đoàn kết ngày càng bền chặt trong dòng họ. Cuối năm 2010, mới chắp nối được 130 chi họ chủ yếu ở phía Bắc và Bắc miền Trung. Ngay sau Lễ suy tôn, trong 2 năm (2011 và 2012), Thường trực Ban Liên lạc tổ chức hai chuyến đi chắp nối ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ rồi từ đó tìm ra cách chắp nối qua danh bạ điện thoại nên đến cuối năm 2015 đã chắp nối được hầu hết các chi Họ Tô(hơn 430 chi họ) trong cả nước; thành lập được 25 Ban Liên lạc Họ Tô các tỉnh, thành phố và khu vực, tạo nên một cộng đồng dòng Họ Tô có mối quan hệ chặt chẽ, đoàn kết, nghĩa tình.
- Tìm được 15 địa điểm còn đình, đền, miếu thờ Thần Bạch Mã (Tô Lịch) ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam trong đó có đình làng Thuần Lương, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, trong Thần tích ghi rõ là thờ Thần Tô Lịch làm Thành hoàng và cho biết là Ngài còn được thờ ở phố Hàng Buồm, Hà Nội. Sự kiện này đã giúp chúng ta có được tư liệu lịch sử để khẳng định vị Thần được thờ ở đền Bạch Mã là Thần Tô Lịch.
- Có thêm một địa chỉ để phụng thờ Thủy tổ. Hàng năm vào ngày 12 tháng Hai âm lịch, Ban Liên lạc(nay là Hội đồng) Họ Tô Việt Nam phân công nhau đi dự Lễ hội ở cả đền Bạch Mã và đình Thuần Lương. Nhiều bà con Họ Tô ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình cũng về dự Lễ hội đình làng Thuần Lương.
Ban Liên lạc (Hội đồng) Họ Tô Việt Nam đã cung tiến đồ thờ vào đền Bạch Mã, đến dâng hương Thủy tổ ngày Rằm, mùng Một tại đền, tạo được mối quan hệ tốt đẹp với Ban Quản lý đền. Đóng góp công đức; cung tiến hoành phi, câu đối; trồng cây đa gốc Tân Trào ở đình Thuần Lương và đang có chương trình góp sức vào việc tôn tạo đình Thuần Lương cho xứng với vị thế của Đức Thủy tổ. Tạo được mối quan hệ tốt đẹp với Ban Quản lý Di tích, với nhân dân làng Thuần Lương, với chính quyền xã Hùng Thắng như với xã Hạ Mỗ, nơi có đền thờ Đức Tô Hiến Thành. Bước đầu tạo được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Hải Dương với đình làng Thuần Lương.
- Căn cứ một số thông tin đáng tin cậy, xác định Đức Tô Hiến Thành là hậu duệ của Thần Tô Lịch, từ đó nối liền mạch lịch sử 1700 năm của dòng Họ Tô Việt Nam, từ Đức Thủy tổ Tô Lịch đến các thế hệ hiện nay.
- Tạo tiền đề để viết quyển sách Họ Tô Việt Nam như một quyển Lịch sử dòng Họ Tô Việt Nam.
- Kết thúc tốt đẹp và trọn vẹn giai đoạn “Chắp nối dòng họ - Tìm về cội nguồn” để chuyển hoạt động dòng họ sang giai đoạn mới với yêu cầu cao hơn “Đoàn kết - Tự cường - Nghĩa tình - Phát triển”.
Đạt được những kết quả tốt đẹp như trên, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đến các vị lão thành trong dòng họ: Tô Gĩ, Tô Thuận, Tô Hoàn, Tô Tử Hạ, Tô Ngọc Cừ, Tô Ca, Tô Văn Chung, Tô Dùng, Tô Bửu Giám, Tô Kim Trọng, Ban Liên lạc Họ Tô Nam Bộ và ông Tô Quyết Tiến đã đi sâu nghiên cứu về Thần Tô Lịch, đề xuất việc suy tôn và riêng ông Tô Quyết Tiến đã góp nhiều công sức vào việc tổ chức Lễ suy tôn.
Đặc biệt cảm ơn Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã cùng với cố Giáo sư Trần Quốc Vượng có nhiều công trình nghiên cứu về Thần Tô Lịch, chứng minh Tô Lịch là con người có thực, Thần Tô Lịch là một nhân thần và đồng nhất Thần Tô Lịch với Thần Long Đỗ để từ đó Họ Tô Việt Nam xác định Thần Long Đỗ - Tô Lịch là Thủy tổ. Giáo sư đã có sự giúp đỡ quan trọng, có thể nói là quyết định để Họ Tô Việt Nam tổ chức thành công Lễ suy tôn Thần Long Đỗ - Tô Lịch, Thành hoàng thành Thăng Long là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam.
Cảm ơn hai anh em ông Phạm Văn Hiền và Phạm Văn Tuyến, người làng Thuần Lương đã có công sưu tầm trong kho lưu trữ của Viện Thông tin Khoa học xã hội Hà Nội, Tờ trình viết tháng 3 năm 1938 của ông Lý trưởng làng Thuần Lương Phạm Văn Chính (là ông nội của hai ông Phạm Văn Hiền và Phạm Văn Tuyến) gửi quan Tri huyện Bình Giang, nói rõ là đình làng Thuần Lương thờ Thần Tô Lịch, thường gọi là Đức Bạch Mã làm Thành hoàng và vị Thần này còn được thờ ở phố Hàng Buồm, Hà Nội. Văn bản này giúp chúng tôi xác định vị Thần được thờ ở đền Bạch Mã là Thần Tô Lịch. Ông Phạm Văn Hiền còn giúp làm hồ sơ để Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cấp bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa, góp phần xây dựng lại đình làng Thuần Lương để Họ Tô Việt Nam có thêm một nơi phụng thờ Thủy tổ.
Để tiếp tục phát huy kết quả của Lễ suy tôn Thủy tổ, chúng ta cần làm tốt những việc sau đây:
- Thực hiện chu đáo việc phụng thờ Thủy tổ ở cả đền Bạch Mã và đình làng Thuần Lương.
- Đẩy mạnh việc Hoạt động dòng họ theo tiêu chí mới “Đoàn kết - Tự cường - Nghĩa tình - Phát triển”, làm cho hoạt động dòng họ đạt nhiều kết quả thiết thực, động viên lớp trẻ tham gia hoạt động việc họ để xây dựng cộng đồng Họ Tô Việt Nam ngày càng đoàn kết vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
- Kiện toàn Hội đồng Họ Tô các tỉnh, thành phố (chủ yếu là bộ phận Thường trực) đã được thành lập; phấn đấu thành lập thêm các Hội đồng Họ Tô ở các tỉnh có từ 3 chi Họ Tô trở lên, như: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Gia Lai, Tây Ninh, Bạc Liêu để việc hoạt động dòng họ được đồng đều ở các địa phương.
- Góp sức cùng Ban Quản lý Di tích và nhân dân làng Thuần Lương, xã Hùng Thắng, tranh thủ sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, tôn tạo đình Thuần Lương xứng tầm vị thế của Thần Long Đỗ - Tô Lịch.
Đại tá: TÔ BỈNH
- PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG HỌ TÔ VIỆT NAM NĂM 2024
- LỄ KỶ NIỆM 844 NĂM HÚY NHẬT DANH NHÂN TÔ HIẾN THÀNH (12/6 KỶ HỢI, 1179 – 12/6 QUÝ MÃO 2023)
- Danh sách ủng hộ Quỹ tương thân tương ái hỗ trợ Người họ Tô Việt Nam gặp hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19
- Thư kêu gọi ủng hộ quỹ Quỹ Tương Thân Tương Ái hỗ trợ Người Họ Tô gặp khó khăn do đại dịch COVID–19
- THÔNG BÁO VỀ VIỆC DÂNG HƯƠNG KỶ NIỆM 842 NĂM NGÀY GIỖ DANH NHÂN TÔ HIẾN THÀNH
- DANH SÁCH TẬP THỂ CÁ NHÂN ỦNG QŨY HỌ TÔ VIỆT NAM
- DANH SÁCH TẬP THỂ CÁ NHÂN ỦNG HỘ BÀ CON HỌ TÔ MIỀN TRUNG BỊ THIỆT HẠI DO MƯA LŨ
- HỘI ĐỒNG HỌ TÔ VIỆT NAM DÂNG HƯƠNG TẠI ĐỀN VĂN HIẾN
- Thông báo Về việc dừng tổ chức Lễ kỷ niệm 919 năm ngày sinh danh nhân Tô Hiến Thành
- Họ Tô Thái Bình: Đoàn kết, đồng lòng xây dựng dòng họ ngày càng phát triển
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐÃ GÓP TIỀN LÀM SÁCH HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG QUÝ IV-2013
Hôm nay : 835
Tháng hiện tại : 29623
Tổng lượt truy cập : 2718901