![](/data/2023-05-08NGƯỜI HỌ TÔ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC.docx.png)
Đại diện dòng Họ Tô Việt Nam cùng lãnh đạo xã Hạ Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội) dâng hương Đền Văn Hiến, kỷ niệm ngày sinh danh nhân Tô Hiến Thành ngày 9/7/2022 (Ảnh TL)
Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tinh thần dũng cảm, kiên cường, tài trí thông minh, sáng tạo của quân và dân ta lại được tiếp tục phát huy lên một tầm cao mới. Trong những điều kiện chiến trường vô cùng khó khăn, ác liệt, Trung đoàn trưởng pháo binh, Chủ nhiệm pháo binh mặt trận Tây Nguyên và Quân khu 5 Tô Thuận cùng các cán bộ, chiến sỹ pháo binh đã sáng tạo ra cách đánh độc đáo là tháo rời những khẩu pháo nặng nhiều tấn (ca nông 85, lựu pháo 105, 122) thành nhiều bộ phận, rồi dùng sức người khiêng, kéo lên cao, vào gần, bắn thẳng, đạt kết quả cao trong các trận đánh ở Plây Cần, Đắc Siêng, Đắc Pét, Chư Nghé, Đức Cơ (Tây Nguyên) hay Nông Sơn, Minh Long, Giá Vụt (Quân khu 5). Trong trận tiêu diệt cứ điểm Nông Sơn ở độ cao 380m, bộ đội pháo binh Quân khu 5 do ông Tô Thuận chỉ huy đã tháo rời pháo 85, khiêng kéo lên dãy núi An Châu Đao cao 420m, ngắm bắn trực tiếp vào từng mục tiêu của địch. Kết quả là ta đã phá hủy 38 trong số 41 lô cốt và hàng loạt hỏa điểm tiền duyên của địch, chi viện cho Sư đoàn 2 bộ binh tiêu diệt gọn hai tiểu đoàn địch. Bên ta có hơn mười chiến sỹ bị thương vong, bằng hơn 1 phần 40 tổn thất trong trận tấn công không thành lần trước đó. Cách đánh táo bạo và sáng tạo này đã góp phần nâng cao hiệu quả chiến đấu của Bộ đội Pháo binh, giảm thương vong cho bộ binh, tiết kiệm được đạn dược và đã trở thành cách đánh truyền thống của Bộ đội Pháo binh Tây Nguyên, Quân khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Do những cống hiến to lớn trong hơn 40 năm chiến đấu, đặc biệt là trong Binh chủng Pháo binh, ông Tô Thuận, Họ Tô thôn Thái Hòa, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã được đề bạt làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Pháo binh và được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1985, một trong 12 tướng lĩnh quân đội và công an là những người con của Họ Tô Việt Nam. (Nguồn: Bài của Đại tá Tô Bỉnh “Đánh giặc kiên cường, nghĩa tình trọn vẹn”, Thông tin họ Tô Việt Nam, số 11, 7/2008, tr. 46-48). Sau này, Thiếu tướng Tô Thuận làm Trưởng Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam nhiệm kỳ (2003-2008).
Trải qua hơn 20 năm chiến đấu kiên cường chống Mỹ, cừu nước, quân và dân ta đã lập nên biết bao chiến công hiển hách, trong đó có phần đóng góp tích cực của những người con trai, con gái Họ Tô. Đặc biệt là giữa biển lửa chiến tranh trên tiền tuyến lớn, đội quân tóc dài và các chiến sĩ gái đã nhiều phen làm cho quân thù bạt vía, kinh hồn. Bên cạnh những nam anh hùng như Tô Văn Đực, Tô Quang Lập,Tô Nàothì nữ anh hùng Tô Thị Huỳnh là một tấm gương như thế. Đội nữ du kích chín người gồm năm cô gái Việt và bốn cô gái Khmer ở xã Lương Hòa, cách thị xã Trà Vinh không đầy 4km đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 500 tên giặc. Riêng Tô Thị Huỳnh đã tham gia 150 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hơn 100 địch, làm bị thương hơn 20 tên, bắt sống 30 tên, vận động đươc 16 lính ngụy bỏ hàng ngũ địch, trở về với nhân dân, thu gần 50 súng các loại. Ngoài ra, Chị còn tổ chức được 5 cơ sở làm nội ứng cho ta, vận động được 6 thanh niên vào bộ đội, 40 thanh niên nam nữ khác gia nhập lực lượng vũ trang địa phương. Tháng 12.1966, trong một trận chiến đấu ác liệt, Chị đã anh dũng hy sinh. Ngày 17.9.1967, Tô Thị Huỳnh được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Giải phóng hạng Ba và danh hiêu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào theo đạo Phật. Hòa thượng Thích Viên Hảo (Tô Thế Bình) là một trường hợp như thế. Ông sinh năm 1932 tại thị xã Sa Đéc (Sóc Trăng). Sau gần 10 năm tu hành và theo học kinh Phật tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn, năm 30 tuổi, Ông chủ trì chùa Tam Bảo, một ngôi chùa nhỏ ở đường Dương Công Trường, Quận 10, Sài Gòn. Từ đây, Ông tham gia kháng chiến và trở thành chiến sỹ biệt động thành thuộc Phân khu 6. Hai người em trai của Ông là Tô Chi Lư và Tô Ngọc Sử cũng tham gia biệt động thành. Ngôi chùa nhỏ, lại đang trong quá trình xây dựng, mở rộng là nơi thuận lợi cho Ông đào hầm bí mật làm nơi chứa vũ khí, tổ chức các cuộc hội họp và trú ẩn an toàn. Với bề ngoài của người tu hành, Ông có điều kiện đến nhiều nơi, trinh sát, vẽ sơ đồ các mục tiêu cần thiết. Ông cũng nhiều lần vận chuyển thuốc nổ, súng B40, súng K54, cối 81ly từ Củ Chi về cất dấu trong hầm bí mật ở dưới nền chùa. Các loại vũ khí này đã được Ông và đồng đội sử dụng có hiệu quả trong nhiều trận đánh như ở bến xe Sài Gòn, trường đua Phú Thọ, chợ Thiếc, nhà Quốc hội...Cuối năm 1967, trong khi tích cực tham gia chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân1968, Ông bị chỉ điểm và bị địch bắt. Mặc dù những trận đòn tra tấn dã man của kẻ thù, Ông vẫn một lòng trung thành với Cách mạng và kiên quyết không khai báo, đầu hàng. Bọn giặc đày Ông đi trại giam tù binh Phú Quốc. Theo Hiệp định Paris năm 1973, Ông được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đón về an dưỡng tại khu nghỉ mát Sầm Sơn (Thanh Hóa). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (30-4-1975), Ông trở về thành phố Hồ Chí Minh, tham gia công tác Mặt trận Tổ quốc thành phố cho đến khi viên tịch tại chùa Thiện Hạnh, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh (2005). Chiến sỹ biệt động thành Tô Thế Bình-HòaThượng Thích Viên Hảo được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. (nguồn:http:/www.baophuyen.com.vn).
Trại giam tù binh Phú Quốc là một trong những địa ngục trần gian do đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai lập nên để giam cầm, tra tấn hơn 40.000 chiến sỹ cách mạng Việt Nam, trong đó có nhiều người con của Họ Tô. Ở đây, bọn dã thú mang mặt người đã áp dụng những biện pháp và thủ đoạn hành hạ đồng loại chưa từng có: giam hãm trong chuồng cọp thép gai, đánh đập bằng chày vồ, bằng gậy, bằng roi cá đuối, bắt lộn trên vỉ sắt đấy mấu, đục răng và bẻ răng, rút móng tay, móng chân, đóng từ 1 đến 9 cái đinh dài tư 5 đến 8cm vào mu bàn tay, bàn chân, cổ chân, mắt cá, xương bánh chè, đầu gối, trán, đục lấy xương bánh chè, đâm sắt nhọn nung đỏ xuyên qua bắp chuối, ném người vào nước sôi, đổ nước xà phòng sôi vào miệng, chiếu đèn điện công suất cao vào mặt làm cho mù mắt, nướng người, đốt miệng, đốt hạ bộ, chôn sống tùbinh, xả súng bắnchết tù binh. Trong số nạn nhân của những đòn tra tấn quái gở ấy có Tô Hồng Minh, tên trong tù là Trần Văn Lung, quê Cà Mau, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Vùng 4. Trong một cuộc đấu tranh chống chế độnhà tù hà khắc, Anh đã bị tên trung sỹ cảnh sát ngụy Nghĩa cùng với mấy tên trật tự tiếp tay hành hạ dã man. Đánh đập, khảo tra mãi mà không moi được gì, chúng bèn đổi cách. Tên Nghĩa bắt anh Minh cởi hết quần áo ra. Hắn bắt Anh phải khai, nếu không hắn sẽ cho đốt tuyệt tự, không còn có thể lập gia đình, có vợ, có con được. Anh Minh không khai. Chúng xếp hai chiếc ghế băng song song nhau, có chừa khoảng cách ở giữa, rồi bắt anh Minh ngồi bệt lên đó, hai chân quàng qua hai chiếc ghế băng, để đít ở ngay khoảng trống. Tên trưởng trật tự Dương Văn Hai bưng đến một cái đĩa trong có để một nhúm bột màu đen. Hắn châm lủa đốt, rồi đưa chiếc đĩa đầy lửa vào ngay dưới ngọc hoàn và dương vật của anh Minh. Anh Minh vặn mình, cố chịu đau đớn. Lửa cháy làm nứt da, nước chảy xuống sàn, kêu xèo xèo. Anh Minh chết ngất. (Nguồn: Ban Liên lạc tù binh Việt Nam, Trại tù binh Phú Quốc thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, NXB Tổng hợp thành phố HồChí Minh 2012).
Trước sức tiến công mãnh liệt của Quân giải phóng và khí thế nổi dậy đồng loạt của nhân dân ta, cuối tháng 4 năm 1975 nội các Dương Văn Minh chia thành hai phe chủ chiến và chủ hòa. Phe chủ hòa nhờ ông Tô Văn Cang, một trí thức yêu nước, một cán bộ tình báo cùng với con trai hoạt động bí mật trong mạng lưới A24 từ đầu năm 1973, giúp liên hệ với đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Ông Cang đã truyền đạt ý kiến của Mặt trận đến nội các Dương Văn Minh, dẫn người của họ đến gặp đại diện có thẩm quyền của Măt trận và góp phần tác động tích cực đến quyết định tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh. Gần trưa ngày 30.4.1975, khi Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, ông Cang đã có mặt tại đó và tham gia tổ chức đón tiếp. Theo sự phân công của cấp trên, ông Cang chấp bút dự thảo Thông báo số 1 của
Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn-Chợ Lớn, và sau khi Thông báo được cấp trên thông qua, ông Cang cũng là người tuyên đọc văn kiện quan trọng này trên Đài Phát thanh, loan báo với đồng bào cả nước và thế giới Quân giải phóng đã tiến vào và làm chủ hoàn toàn Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, nguyên là thủ đô của chế độ ngụy quyền. Ông Tô Văn Cang đã trở thành người Họ Tô góp phần quan trọng trong ngày vui toàn thắng.
Ngày 30.4.1975 đã đặt dấu son chói lọi trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đây là ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày đất nước thống nhất, ngày Bắc-Nam sum họp một nhà. Đây cũng là ngày cả nước ta thoát khỏi chế độ phong kiến đã tồn tại hàng nghìn năm, ngày quê hương sạch bóng quân thực dân, đế quốc xâm lược. Ngày toàn thắng của cả dân tộc cũng đồng thời là ngày mà một người con Họ Tô, một chiến sỹ Quân giải phóng ra đi mãi mãi. Đó là Tô Văn Thành, 21 tuổi đời, 4 tuổi quân, quê ở thôn Ninh Đàm, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Sau hàng chục ngày đêm liên tục vừa hành quân thần tốc, vừa chiến đấu ác liệt, trưa ngày 30.4.1975, Anh và đồng đội vui sướng đến tột cùng khi được tin quân và dân ta đã giành được quyền làm chủ Sài Gòn. Tưởng như mọi gian khổ, hiểm nguy đã lùi lại phía sau. Nhưng chính lúc ấy, một viên đạn bắn lén của địch đã bay tới bất ngờ, cướp đi mạng sống của Anh. Tô Văn Thành trở thành người chiến sỹ giải phóng cuối cùng hy sinh trên mảnh đất Sài Gòn vừa mới được giải phóng. Liệu có nỗi mất mát nào, nổi đau đớn nào lớn hơn thế này không?
Trung tá, Anh hùng Tô Hoài Đức, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh TL)
Trải qua hơn sáu thập niên đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống các đội quân xâm lược, các gia đình Họ Tô đã tiễn đưa hàng vạn người con trai, con gái ra tiền tuyến. Trong số họ có hơn mười người đã trở thành tướng lĩnh và gần một trăm người trở thành cán bộ cấp cao của quân đội và công an, hơn một chục người được tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hơn 80 người được phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, trong đó đại bộ phận là những người có một con duy nhất hy sinh cho Tổ quốc, 6 người có hai con, 6 người có ba con, 3 người có bốn con và 4 người có chồng và một hoặc hai con là liệt sỹ.
Trong công cuộc xây dựng đất nước, người Họ Tô đã có những đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội. Hơn 50 cán bộ lãnh đạo cấp trung ương, tỉnh, thành phố và tương đương là một phần rường cột của hệ thống chính trị nước nhà. Bên cạnh đó là hàng chục Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc Ưu tú. Hơn 20 nhà báo, nhà biên kịch, nhà thơ, nhà văn là những cây bút đã viết nên những tác phẩm để đời. Gần 80 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ vừa là thành tựu của Cách mạng vừa là lực lượng đáng quý trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà. Trong số đó có Đại tá,Phó Giáo sư,Tiến sỹ Tô Văn Dực, sinh năm 1941, Họ Tô Thượng Tầm, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, là đồng tác giả công trình nghiên cứu được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học-Công nghệ năm 2000. Một nữ khoa học gia được nhiều người biết đến là Tiến sỹ Tô Thị Tường Vân, sinh năm 1946, Họ Tô Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cháu gọi các liệt sỹ Tô Chấn và Tô Hiệu là chú ruột. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp ngành dâu tằm tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội, chị làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Bungari. Những năm sau, chị tiếp tục thực tập, nghiên cứu tại các nước Trung Á, Ấn độ và Nhật Bản. Kể từ khi về nước, chị gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm tại cao nguyên Lâm Đồng. Từ năm 1986 đến 2004, chị trực tiếp nghiên cứu và chủ trì hơn mười đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước có liên quan đến cây dâu, con tằm. Chị là tác giả của 14 giống tằm mới, trong đó có hai giống được nhận bằng sáng chế. Các giống tằm mới, từ BV1-KO9, BV2-KO9 đến BV8, BV10, BV11, BV12 và TN10 đã tạo nên bước nhảy vọt về năng suất cũng như chất lượng tơ tằm. Với những cống hiến xuất sắc đó, năm 2003, Tiến sỹ Tô Thị Tường Vân đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Tập thể nữ khoa học gia do chị phụ trách cũng được nhận Giải thưởng Kôvalevskaia (Nguồn: TTHTVN số 16, tr. 73).
Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mọi thành phần kinh tế trong cả nước. Trong hoàn cảnh đó, hàng nghìn người con của Họ Tô đã phát huy tính năng động chủ động, giám nghĩ giám làm, mạnh dạn đầu tư vào các công việc sản xuất, kinh doanh. Một trong số gần hai chục doanh nhân họ Tô thành đạt nhất là Tô Văn Nhật, sinh năm 1974, Họ Tô xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, có nguồn gốc từ Họ Tô xã Yên Phú, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, đông con, Nhật đã sớm phải làm nhiều công việc vất vả để vừa phụ giúp gia đình, vừa có tiền ăn học. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Quốc dân vào loại giỏi, Nhật được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Năm 1997, Nhật giành được học bổng của Chính phủ Thụy sỹ để theo học một khóa đào tạo 2 năm về quản trị kinh doanh tại Bangkok, Thái Lan. Năm 2003, Nhật lại được Chính phủ Việt Nam cử đi làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp London, Vương quốc Anh. Khi về nước, Nhật cùng với anh ruột là Tô Văn Năm lần lượt xây dựng được Nhà máy AMACCAO-1, Nhà máy AMACCAO-2, Nhà máy vật liệu xây dựng Thăng Long, Nhà máy AVINAA-1, đang xúc tiến xây dựng Nhà máy AMACCAO-3 và Nhà máy AVINAA-2. Ngoài ra, Tập đoàn AVINAA còn có 3 công ty. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh của AVINAA không chỉ có quy mô lớn, mà còn thu hút được hơn 1000 lao động, trong đó có nhiều trí thức đã được đào tạo tại các trường đại học nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Hiện nay, Tô Văn Nhật vẫn là giảng viên của Trường đại học Kinh tế quốc dân, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn AVINAA. Anh là một doanh nhân được đào tạo rất bài bản, có kiến thức tổng hợp và tư duy sáng tạo để xây dựng một hệ thống quản lý theo mô hình tập đoàn hiện đại (Nguồn: TTHTVN số 16, tr. 71).
Tô Bá Trọng (Theo “HỌ TÔ VIỆT NAM”, tr.242-253)
- Anh hùng, thương binh Tô Quang Lập
- Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang)
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị của Ban Bí thư đánh giá công tác tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025
- Rạng rỡ Việt Nam
- Người đàn ông không chân ở TPHCM: Vợ đẹp con ngoan, đổi đời sau cú sốc
- Tiểu sử tóm tắt, tên đường Anh hùng lực lượng vũ trang Tô Thị Tẻ
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Nỗ lực hơn nữa để đất nước sánh vai các cường quốc năm châu
- Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- Đất nước và người mẹ trong thơ Tạ Hữu Yên
![](/images/users.png)
![](/images/today.png)
![](/images/month.png)
![](/images/hits.png)