Về quê hương người chiến sỹ cộng sản Tô Hiệu


Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác toàn diện giai đoạn 2022-2025 giữa hai tỉnh Sơn La và Hưng Yên.

          Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh (1912-2022) và 78 năm ngày mất (7/3/1944-7/3/2022) của Nhà cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu, Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân; đồng thời, thành lập Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn, về thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, để dâng hương tưởng nhớ người chiến sỹ cách mạng kiên trung - người đã gieo hạt giống đỏ cách mạng trong Nhà ngục Sơn La.

         Theo Đoàn công tác của Tỉnh ủy Sơn La về quê hương của người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu, chúng tôi thêm khâm phục vùng quê văn hiến, vùng đất khoa bảng này. Dưới thời kỳ phong kiến, riêng thôn Xuân Cầu có tới 11 người thi đỗ đại khoa. Xã Nghĩa Trụ cũng là số ít các địa phương có 2 người con được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, đó là nhà văn, nhà giáo Nguyễn Công Hoan và họa sĩ Tô Ngọc Vân. Từ miền quê cổ kính, thơ mộng, giàu truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường này đã xuất hiện những nhà cách mạng ưu tú mà lịch sử mãi ghi danh và cũng là niềm tự hào của người dân Nghĩa Trụ, đó là các đồng chí Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Tô Chấn… Tính đến nay, xã Nghĩa Trụ còn là địa phương duy nhất của cả nước từng có 5 đại biểu được dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II vào tháng 1/1951, gồm các đồng chí: Tô Duy, Lê Giản, Lê Văn Lương, Trần Bình, Tô Quang Đẩu.

           


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Sơn La phát biểu tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác toàn diện giai đoạn 2022-2025 giữa hai tỉnh Sơn La và Hưng Yên.

           Tự hào về truyền thống của quê hương nói chung và dòng họ nói riêng, ông Tô Quyết Tiến, thân nhân liệt sĩ Tô Hiệu, chia sẻ với chúng tôi: Dòng họ Tô yêu nước với nhiều đời khoa bảng. Riêng ông ngoại của đồng chí Tô Hiệu là tướng quân Ngô Quang Huy - một vị danh tướng đã tham gia khởi nghĩa cùng ông Nguyễn Thiện Thuật đánh Pháp tại vùng bãi Sậy, tỉnh Hưng Yên theo chiếu Cần vương của Vua Hàm Nghi. Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, chứng kiến cuộc sống lầm than khổ cực của nhân dân dưới ách đô hộ của thực dân xâm lược, đồng chí Tô Hiệu đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động từ năm 14 tuổi. Hy sinh khi tuổi đời mới 32, đồng chí Tô Hiệu đã trọn đời cống hiến cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

           Về thôn Xuân Cầu - quê hương của người chiến sỹ cộng sản Tô Hiệu hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự nhộn nhịp trong phát triển kinh tế, xã hội, cuộc sống của người dân đang khởi sắc. Theo các đồng chí lãnh đạo xã, sự phát triển này là kết quả của việc thay đổi định hướng phát triển kinh tế trong những năm qua. Người dân đã chuyển từ sản xuất thuần nông sang phát triển tập trung hình thức trang trại VAC quy mô lớn, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động hoặc làm công nhân tại các khu công nghiệp trong tỉnh theo phương châm “ly nông bất ly hương”. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của thôn Xuân Cầu hiện đạt gần 100 triệu đồng/người/năm.


Các đại biểu tham quan mô hình Nhà tù Sơn La tại Khu lưu niệm Tô Hiệu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

           Thật xúc động khi được tham dự hoạt động chính của dịp Kỷ niệm 110 năm ngày sinh, 78 năm ngày mất của đồng chí Tô Hiệu là Lễ Dâng hương và đón Bằng công nhận Di tích quốc gia Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu. Dự Lễ Dâng hương có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành của Trung ương đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy Sơn La, Hưng Yên và Thành ủy Hải Phòng và thân nhân gia đình liệt sĩ Tô Hiệu… Các đại biểu đã bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với những đóng góp to lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu.

           Theo chia sẻ của thân nhân gia đình liệt sĩ Tô Hiệu nhiều năm trước đây, gia đình đã xây dựng khu nhà tưởng niệm người con ưu tú của dòng họ mình. Trong ngôi nhà tưởng niệm rộng chừng 40m², gia đình đã sắp xếp trưng bày nhiều kỷ vật về các chặng đường hoạt động của đồng chí Tô Hiệu. Nhân dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Khu lưu niệm Tô Hiệu. Tỉnh ủy Hưng Yên cũng kỳ vọng rằng Di tích quốc gia Khu lưu niệm Tô Hiệu xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang sẽ trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho các thế hệ người dân sinh sống tại địa phương.       


Lãnh đạo hai tỉnh Sơn La và Hưng Yên ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Hưng Yên và Sơn La giai đoạn 2022-2025.

           Trong chuyến về thăm quê hương của người chiến sỹ cộng sản Tô Hiệu lần này, Đoàn công tác của tỉnh Sơn La còn tham quan, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế với tỉnh Hưng Yên. Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác toàn diện giai đoạn 2022-2025 giữa hai tỉnh Sơn La và Hưng Yên, lãnh đạo hai tỉnh đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2021 vừa qua. Trong đó, tỉnh Hưng Yên chia sẻ một số kinh nghiệm trong lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trên địa bàn. Hiện tỉnh Hưng Yên có 15 khu công nghiệp, trong đó 7 khu công nghiệp đang hoạt động, số lượng lao động ước tính trên 120.000 người. Ngoài ra, còn có 8 khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Lãnh đạo hai tỉnh đã thảo luận cho ý kiến về việc hợp tác trong giai đoạn 2022-2025, với một số điểm nổi bật, như: Hợp tác về phát triển du lịch; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; hợp tác về phát triển, sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản; hợp tác chặt chẽ trong công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, phát triển đô thị và các khu, cụm công nghiệp…

           Tại cuộc làm việc với tỉnh Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, cho rằng, hai tỉnh Sơn La và Hưng Yên có nhiều nét tương đồng, trong đó có chung người con kiên trung, người chiến cộng sản Tô Hiệu – đây là sợi dây liên kết đặc biệt giữa hai tỉnh. Trên cơ sở đó, đồng chí đề nghị hai tỉnh tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực phát triển công nghiệp. Đồng chí đề nghị tỉnh Hưng Yên chia sẻ, hỗ trợ tỉnh Sơn La thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025.

           

Đoàn công tác của Tỉnh ủy Sơn La làm việc với Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam.

           Cũng trong chuyến công tác, Đoàn công tác của Tỉnh ủy Sơn La đã tham quan, học tập kinh nghiệm thu hút, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài và quản lý khu công nghiệp Thăng Long II thuộc Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; tham quan nhà máy sản xuất máy giặt, tủ lạnh – Tập đoàn Panasonic. Tại cuộc làm việc với Ban quản lý khu công nghiệp và Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam, Đoàn công tác của Tỉnh ủy Sơn La đã trao đổi, học hỏi một số nội dung về thu hút nhà đầu tư và phát triển quy hoạch, quản lý khu công nghiệp. Trong đó, tập trung vào các vấn đề tìm kiếm nhà đầu tư, xây dựng và trực tiếp quản lý khu công nghiệp; điều kiện, phương án lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với thế mạnh của tỉnh; xây dựng giá thuê mặt bằng, phương án quản lý gia thuê mặt bằng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc đào tạo lao động, thu hút, giải quyết việc làm cho lao động trong các khu công nghiệp…

           Khu công nghiệp Thăng Long II đứng chân tại thị xã Mỹ Hào và huyện Yên Mỹ, có diện tích quy hoạch trên 525 ha, trong đó, 345 ha đã được Tập đoàn Sumitomo Corporation đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện đang triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, mở rộng 180 ha tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp. Khu công nghiệp Thăng Long II hiện là nơi đứng chân của nhiều Tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản như: Kyocera, Hoya, Daikin, Todo, Panasonic… Số lượng lao động đang làm việc tại khu công nghiệp khoảng 30.000 người.

           

         Các đại biểu tham quan sản phẩm tại Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam. 

           Nói về chất lượng lao động của tỉnh Sơn La đang làm việc tại nhà máy, ông Masato Sasaki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam – một trong những nhà đầu tư lớn của Nhật Bản đang hoạt động tại khu công nghiệp Thăng Long II, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, đánh giá: Người lao động của tỉnh Sơn La là lực lượng lao động có tinh thần học hỏi, cầu tiến. Tuy nhiên, hầu như chưa được qua đào tạo, nên còn hạn chế về tay nghề. Tôi nghĩ rằng, tỉnh Sơn La cần có thêm chính sách đào tạo cơ bản cho người lao động, như vậy sẽ giúp người lao động nhanh chóng tiếp thu và bắt nhịp với công việc tại các khu công nghiệp.  


     Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn công tác tham quan Trung tâm giống cây trồng Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

           


                     Đoàn công tác tham quan mô hình nuôi gà VietGAP tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

           

          Một chuyến đi đã để lại cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc về sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xã hội trên quê hương của đồng chí Tô Hiệu. Và chúng tôi tin “tinh thần Tô Hiệu” sẽ mãi là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc nói chung, của nhân dân các dân tộc Sơn La và Hưng Yên nói riêng trong bước đường phát triển.

          Khải Hoàn(Sơn La)