Nhà thơ Tô Nhuần - một phác thảo gần


          Nhà thơ Tô Nhuần (đứng thứ hai, từ phải sang). Ảnh do gia đình nhà thơ Tô Nhuần cung cấp 

          Nhà thơ Tô Nhuần mất đầu năm 2013, vào thời điểm trời mưa rét triền miên cũng là lúc mọi người chuẩn bị cho Tết Nguyên đán với bộn bề công việc. Đám tang ông rất đông, đặc biệt là giới bạn bè văn nghệ sĩ cả nước, mọi gương mặt đều tỏ rõ tiếc thương nhà thơ Tô Nhuần. Điều đó đã cho chúng tôi-thế hệ đi sau làm công tác văn học nghệ thuật phải suy nghĩ nhiều để phấn đấu có được những việc làm hữu ích.

           Tô Nhuần từng viết những câu thơ về Bác Hồ rất hay:

          Đêm mùa thu

           Đứng trước Lăng Người

          Ngọn gió thổi đỉnh cột cờ Tổ quốc

          Lính cận vệ đến giờ thay phiên gác

          Đều như kim đồng hồ đếm nhịp thời gian

 

           “Bác nằm trong Lăng, giấc ngủ bình yên”

           Lời bài hát xốn xang lòng chiến sĩ

           Những thảm cỏ xanh trước Lăng Người lặng lẽ

          Nơi đây một ngày Bác đã đọc Tuyên ngôn

                                 ("Đứng trước Lăng Người")

          Tô Nhuần luôn là như vậy. Thơ của ông câu chữ luôn mạch lạc, tình ý rõ ràng mà phong quang thẳm sâu ý tại ngôn ngoại. Đối với ông, thơ ca trước hết phải để làm nhiệm vụ phục vụ nhân dân và Tổ quốc. Càng làm thơ về Bác Hồ càng luôn là như vậy.

          Thơ Tô Nhuần luôn nhất quán với con người ông. Mạnh mẽ. Kiên cường. Luôn biết bao dung vì nghĩa lớn. Cá tính Tô Nhuần là một cá tính rành mạch với thơ ca nhưng luôn ôm chứa, muốn làm nhiều việc trong một quãng thời gian ngắn.    Tính ông luôn sôi sùng sục, có thể dám quyết vượt qua nguyên tắc cũng vì sự phát triển của văn học nghệ thuật trong Quân đội. Đó là câu chuyện của ông với chính tôi khi tôi lúc đó còn là cậu chiến sĩ mới vừa hai mươi mốt tuổi. Tôi bỗng thành "nhà thơ Đại đội" một cách hết sức tự nhiên. Theo đà báo tường, tôi cầm bút viết văn dự thi và chẳng thể ngờ đoạt giải thưởng trong Cuộc thi “Kỷ niệm sâu sắc đời bộ đội” năm 1992-1994. Tác phẩm “Lính tò te” sau đó được in thành sách rất oách mà tôi còn giữ tới tận hôm nay.

           Mãi sau tôi mới biết truyện được in và được giải đều là từ Tô Nhuần.

          Ngày đó, dù tôi được anh em trong đơn vị gọi vui là “thủ lĩnh báo tường”, song thơ văn làm nội bộ ở cấp đại đội rất khác với thơ văn dự thi toàn quân, toàn quốc. Chữ tôi viết tay vô cùng khó đọc nhưng không hiểu tại sao Tô Nhuần lại “dịch” được, biên tập và trở thành truyện đặc sắc khi in ra sách khiến tôi như không tin ở mắt mình. Tôi rất ngạc nhiên khi biết mình đoạt giải của cuộc thi với bằng chứng nhận giải thưởng và 500.000 đồng (tương đương 2 chỉ vàng ngày đó).     Càng ngạc nhiên khi hơn 2 năm sau, cuối năm 1996, khi đã trở thành cộng tác viên đi trại viết Văn nghệ Quân đội tới "nhà số 4" Lý Nam Đế, nhà thơ Tô Nhuần, nhà văn Phạm Hoa cùng các nhà thơ, nhà văn khác của Phòng Văn hóa văn nghệ mới gọi sang trao bằng chứng nhận, trao tiền giải thưởng. Tô Nhuần cười ha hả bảo: “Phùng Văn Khai! Chú biết mày ở Tăng thiết giáp mà không sao tìm được.      Các chú bèn cho cậu bạn là Nguyễn Hữu Nghị ở Quân đoàn 2 đóng thế để nhận giải. Bây giờ giao lại cho Phùng Văn Khai”.

          Nhà văn Phạm Hoa nổi tiếng từ thuở Trường Sơn lúc đó với vai trò Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị nhìn tôi như người giời rồi quay sang mắng Tô Nhuần: “Ông Nhuần! Ông là chúa làm bừa! Thời buổi nào rồi mà không tìm được đích thị tác giả? Còn dám liều lĩnh tráo người lên nhận giải. Cũng may là giải thưởng, chứ việc xử án ông làm vậy đi tù ráo cả đấy ông ạ”.

          Nhà thơ Tô Nhuần càng cười lớn nói: “Thôi thôi! Đều là lính tráng với nhau. Thằng Khai, thằng Nghị sau này có thể sẽ đều là nhà văn đấy thủ trưởng Phạm Hoa ạ”.

          Tôi đứng như trời trồng lí nhí cảm ơn các chú, các anh. Ngày đó tôi dút dát và ít nói. Trưa hôm đó, tôi càng biết thế nào là Tô Nhuần. Giữa các văn nghệ sĩ lại có thêm hai cô văn công xinh đẹp, Tô Nhuần như giao long giữa bể hô mưa gọi gió ầm ầm. Cao hứng hơn nữa, Tô Nhuần gọi thẳng điện thoại cho Tư lệnh Tăng thiết giáp Đoàn Sinh Hưởng “ra chỉ thị” phải tìm mọi cách bồi dưỡng, chăm sóc, tạo điều kiện cho mầm non văn học Phùng Văn Khai. Quả thực sau này, cho đến tận hôm nay, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng luôn tạo mọi điều kiện để tôi học tập, phấn đấu, trưởng thành. Hôm Tô Nhuần mất, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đã trao đổi và chia sẻ với tôi rất nhiều kỷ niệm của ông với Tô Nhuần để tôi có thêm tư liệu.

          Tô Nhuần, trước hết và đáng kể nhất chính là ở mảng thơ:

          Mẹ sinh con trai cha trồng cau trước cửa

          Mong đợi từng ngày theo nhịp nôi đưa

          Ra mặt trận cha thành liệt sĩ

          Mẹ ru con kẽ liếp gió lùa

 

          Mẹ chẳng sợ nhà tranh vách nứa

           Câu ru tựa nỗi đơn côi

           Nhưng mẹ sợ tàu cau lay gọi

           “Gái một con...” mỏi mắt ai nhìn

 

          Tóc mẹ xõa để con gối đệm

          Mo cau làm quạt mỗi đêm hè

          Mẹ dạy con đếm sáng sao, sao sáng

          Tàu lá cau im lặng, lắng nghe

                             (Khúc ru xanh)

          Thơ Tô Nhuần, dường như bài nào cũng là những vần thơ về quê hương, đồng đội, cha mẹ và nhất là những người đã hy sinh. Viết về người mẹ, người vợ liệt sĩ, Tô Nhuần có những câu thơ buốt nhói: Mẹ mong đợi hái buồng cau chạm ngõ/ Điều linh thiêng dòng dãi nắng mưa.../ Nhưng chiến tranh đến đây gõ cửa/ Mẹ nằm nghiêng về phía chiến trường xa ("Khúc ru xanh").

          Trong con người Tô Nhuần lúc nào cũng thấm đẫm từng lời ru, vô vàn ca dao tục ngữ, vô số chất liệu văn nghệ dân gian nên trong thơ của ông thường trực phong vị ca dao là vì thế: Lên Cao Bằng em hát “Lý thương nhau”/ Xa ngàn dặm em theo cùng câu hát/ Những người lính làm sao mà quên được/ Giọng Quảng Nam ấm một khoảng vùng biên ("Lý thương nhau hát ở Cao Bằng").

          Thơ Tô Nhuần càng đặc biệt ở chỗ, dù cho ông có viết thơ tình chăng nữa, vẫn đậm đặc trong đó tinh thần dân tộc, tinh thần chiến đấu và luôn đặt nghĩa vụ với nhân dân, với đất nước trong cả những mối tình riêng đôi trai gái hẹn hò: Cây phượng đu mình mặt nước/ Trầm ngâm tuổi tác bên hồ/ Ghế đá bên gốc cây ký ức/ Nghe gió lay Hà Nội chiều thu / Một chiều xưa trai gái tiễn nhau đi/ Họ trẻ lắm, mái tóc thề trước gió/ Lời hò hẹn xin mặt hồ lưu giữ/ Chiến trường xa anh có nhớ về? ("Cây phượng và ghế đá bên Hồ Gươm").

          Tô Nhuần, trong khoảng thời gian hơn 30 năm mặc áo lính với 40 năm sáng tác và công tác đã viết hàng chục tập sách ở nhiều thể loại: Thơ, trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản sân khấu... cho thấy sức lao động nghệ thuật cường tráng và hiệu quả của ông. Chỉ tính riêng trường ca "Ru xanh áo lính" với hàng nghìn câu thơ đậm đặc về chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ chính là một bản giao hưởng lớn của Tô Nhuần. Chỉ có ở thơ, nhất là trường ca, Tô Nhuần mới bộc lộ hết khả năng và sức vóc của mình. Trường ca “Ru xanh áo lính” chính là nơi Tô Nhuần trả ơn nghĩa cho đồng đội, nhân dân và Tổ quốc với những suy tư, ngẫm ngợi rất riêng của ông: Đi từ hoang sơ/ Khi con người thoát khỏi đêm dài mông muội/ Tồn vong sống dọc thời gian/ Thời gian kéo dài thành lịch sử/ Thời gian giữ những điều thiêng liêng nhất/ Lịch sử chạy dọc/ Con người đi ngang/ Thành lát cắt xếp chồng lên đất nước/ Trùng trùng lớp lớp/ In vào dáng núi hình sông ("Trường ca Ru xanh áo lính").

          Thơ ca chính là lẽ sống của Tô Nhuần. Trong Tô Nhuần luôn có hai con người, con người sáng tác và con người công tác. Ông từng nhiều lúc nhầm lẫn hai con người này với nhau khiến bạn bè văn nghệ, nhất là cấp trên phải bật cười. Nhưng không có ai trách ông càng không có ai giận dỗi Tô Nhuần. Tô Nhuần dường như cũng không biết điều đó và càng không để ý gì điều đó. Trong sáng tác, Tô Nhuần ở nơi đâu nơi đó liền tưng bừng như mở hội. Ông có thể đọc thơ thâu đêm suốt sáng và nhớ vô số thơ của bạn bè. Tô Nhuần còn có tài diễn kịch. Ông cũng là một đạo diễn lừng danh toàn quân, toàn quốc. Một vở kịch với chất lượng kịch bản còn khiêm tốn nếu vào tay Tô Nhuần tình hình khác hẳn, luôn sinh động và mới mẻ, thậm chí khi cần thiết, Tô Nhuần sẵn sàng “chế tạo” thêm các tình tiết đặc sắc để các vở kịch đó cất cánh.

          Nhà thơ Tô Nhuần sinh năm 1953 tại Quảng Thái, Quảng Xương,Thanh Hóa. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, với quân hàm Đại tá, ông chuyển ra Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho tới lúc mất. Cuộc đời nhà thơ Tô Nhuần là một tấm gương về sự cần mẫn trong lao động văn học nghệ thuật. Ông luôn sống hết mình và sáng tạo hết mình, cho tới trước khi nhắm mắt cũng là trong một chuyến đi công tác để sáng tác. Ông như người lính cận vệ trung thành, nghĩa tình với đồng chí, đồng đội, nhất là với văn chương nghệ thuật như những vần thơ ông viết trong tác phẩm "Đứng trước Lăng Người":

          Lính cận vệ đứng gác trước Lăng

           Đất nước đi qua bao ngàn ngày giặc dã

          Đất nước đi qua những thăng trầm, giông tố

          Để làm nên những khoảnh khắc bình yên

 

          Đứng trước Lăng Người con gác giữ bình yên

          Mà cuộc sống ồn ào vẫn vượt qua trước mặt

          Giữ bình yên, chúng con đang gác

           Cho chính chúng con thanh thản ở bên Người

 

          Đêm mùa thu đứng gác trước Lăng Người

          Ngọn gió thổi đỉnh cột cờ Tổ quốc...

          Những người lính làm công tác văn học nghệ thuật trong đó có nhà thơ Tô Nhuần luôn là như thế.

          Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI (Quân đội nhân dân cuối tuần)