Đền Tô Thị Hoạn, xóm Đồng Tâm, xã Đồng Loan (Hạ Lang).
Cùng với các di tích cấp tỉnh được xếp hạng, Đền Tô Thị Hoạn, xóm Đồng Tâm, xã Đồng Loan (Hạ Lang) là một điểm di sản về lịch sử, văn hóa nằm trong tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” của Công viên địa chất toàn cầu UNESSCO non nước Cao Bằng. Với giá trị về lịch sử và văn hóa đặc biệt là yếu tố tâm linh Đền Tô Thị Hoạn đã trở thành điểm đến để cầu phúc của du khách thập phương, góp phần quảng bá, phát triển du lịch, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Câu chuyện về Tô Thị Hoạn được lưu truyền trong dân gian. Các cụ cao tuổi ở địa phương thường kể rằng: Ở Bản Lung (nay xóm Đồng Tâm), trước đây có một người con gái họ Tô rất xinh đẹp tên là Tô Thị Đề, chưa có chồng. Vào một đêm trung thu (rằm tháng 8) thiếu nữ Tô Thị Đề ngồi trên sàn hóng mát, ngắm trăng thanh, khi nhìn lên đỉnh núi Phja Roan thì thấy ánh lửa sáng rực trên vách đá, ngõ ngách, đồng thời, có con chim kêu ba tiếng (hoạn, hoạn, hoạn), không lâu sau đó Thị Đề mang thai. Theo tục lệ ngày đó, các cụ cho rằng đây là điều may nên Thị Đề dưỡng thai đến chín tháng mười ngày thì sinh nở. Lúc bé gái cất tiếng khóc chào đời thì hương thơm ngào ngạt tỏa khắp bốn phương, nhớ đến đêm rằm Trung thu trước đó bà đặt tên bé gái tên là Tô Thị Hoạn (như tiếng chim kêu).
Khi Tô Thị Hoạn lớn lên rất xinh đẹp và nết na. Nhiều người đến dạm hỏi, nhưng chưa nhận lời. Tin lành đồn xa, triều đình nhà Lê biết chuyện nên đã cho đoàn sứ thần lên đón hai mẹ con về kinh thành. Trước khi đi hai mẹ con cùng với bà con làng xóm đến quả đồi có tên là Pò Đóong ngày nay gọi là đồi Co Lùng (cây đa) ở sau làng Bản Lẹn, xã Đồng Loan, quả đồi cao nhất vùng trồng một cây đa và thề rằng: “Mạy tứn lẻ tẻo mà, mạy thai lẻ bấu tẻo” nghĩa là: “Cây sống thì quay về, cây chết không quay về”. Đoàn sứ thần đón hai mẹ con Tô Thị Hoạn về kinh Thành, đến động Tam Thanh (Kỳ Lừa) tỉnh Lạng Sơn thì ở lại đó. Đoàn sứ thần không phân biệt được ai là mẹ, ai là con, (hai mẹ con rất xinh đẹp và giống nhau). Để phân biệt được ai là mẹ, ai là con, đoàn sứ thần đã cho hai mẹ con nhịn thật đói mới cho ăn. Thông thường, trước khi ăn người ta thường so đũa, nhưng vì đói quá người con vội vàng cầm đũa ăn ngay không kịp so đũa. Đoàn sứ thần kết luận: người biết so đũa là mẹ, người không biết so đũa là con. Đến kinh thành Tô Thị Hoạn được đưa vào làm cung phi. Sau khi Tô Thị Hoạn được làm cung phi, Nhà vua miễn thuế cho cả Tổng Phong Đằng và cho phép khai thác diêm sinh để chế biến diêm và thuốc súng.
Năm 1960, ông Mã Văn Châu, ở làng Nà Quản, xã Minh Long (Hạ Lang) có giữ một quyển truyện nói về Tô Thị Đề, Tô Thị Hoạn dài bằng truyện Nam Kim Thị Đan, theo thể thơ thất ngôn trường thiên. Ông Nông Trọng Hồ đã dịch truyện ra chữ quốc ngữ. Sau khi ông Châu qua đời quyển truyện này do Ông Nông Văn Lộc cất giữ. Thời hậu Lê, đời Dụ Tông năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718), có ông Tán Lý Quân vụ họ Tô, từ kinh sư đi dẹp giặc, đóng quân ở châu Hạ Lang. Ông nạp người con gái xã Đồng Loan là Thị Đề làm thiếp. Năm 26 tuổi, sinh được một người con gái đặt tên là Tô Thị Huệ, người thông mẫn tháo vát lạ thường, nhan sắc lại tuyệt thế. Đến năm Lê Thuần Tông niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733) thì đưa tiễn vào làm cung phi, được sủng hạnh yêu quý vô cùng. Được hơn một năm, được phụng chỉ về quy ninh (về thăm quê ) đi qua sứ Khâu Lư, Lạng Sơn thì nghe tin Vua Lê mất, nàng lên núi hướng về phía kinh thành đứng mãi trông mà hóa đá. Nay ở trước chùa Tam Thanh, xứ Khâu Lư, Lạng Sơn còn có hòn đá Vọng phu của Tô Thị, lúc bấy giờ phi mất sau dân chúng lập đền thờ ở chân núi Xuân Sơn, xã Đồng Loan để phụng sự, Triều Lê phong là Tô Thị phúc thần”.
Ở Lạng Sơn, nàng Tô Thị đã in sâu vào trong ký ức dân gian thể hiện qua câu ca dao: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh. Nàng Tô Thị không chỉ sống trong truyện cổ dân gian mà còn xuất hiện trong hội hè trở thành tín ngưỡng của nhân dân, nhiều người đến với nàng Tô Thị để cầu lộc, cầu tài, cầu cho sức khỏe, cầu cho dân an, vật thịnh, mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu…
Qua câu chuyện cổ dân gian và thư tịch cổ của Cao Bằng có thể khẳng định rằng nàng Tô Thị Huệ chính là Tô Thị Hoạn người ở xã Đồng Loan (Hạ Lang) và ngọn núi “Xuân Sơn” chính là ngọn núi Phja Roan bây giờ. Câu chuyện về Nàng Tô Thị Hoạn chính là một dị bản khác của Nàng Tô Thị - đá vọng phu, bà là biểu tượng cho tấm lòng thủy chung, son sắt của người phụ nữ Việt Nam.
Nhờ bà nên dân Tổng Phong Đằng được hưởng phúc vua ban. Sau khi Tô Thị Hoạn mất nhân dân trong vùng lập đền thờ bà ở chân núi Xuân Sơn (Phja Roan) ngọn núi cao nhất vùng. Từ nhiều đời nay vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng dòng họ Tô xóm Đồng Tâm thay phiên nhau lên thắp hương đền thờ. Vào ngày Dậu đầu năm âm lịch hằng năm (Lồng tồng) cả dòng họ Tô làm lễ dâng hương tại đền cầu cho dòng họ và bà con trong vùng một năm mới an lành, may mắn và hạnh phúc. Đến năm 2011, Đền Tô Thị Hoạn được UBND tỉnh công nhận xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đền Tô Thị Hoạn được UBND tỉnh công nhận xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Theo các cụ cao niên họ Tô kể lại rằng, trước đây đền có 3 cái chuông bằng hợp kim nhưng nay đã thất lạc. Trước đền có một cây thông to, 2 người ôm không xuể, qua thời gian cây đã bị mục và đổ và những năm 90 của thế kỷ XX.
Trải qua biến thiên của lịch sử, đền Tô Thị Hoạn không còn giữ được kiến trúc như khi mới khởi dựng. Ngôi đền hiện nay đã được dòng họ Tô trùng tu nhiều lần. Đền được xây trên một gò đất cao tương đối bằng phẳng so với mặt đất khoảng 10m, dưới chân núi Phja Roan hùng vĩ, ngọn núi cao sừng sững nhất vùng, cảnh trí đẹp và thơ mộng. Đền quay về hướng Tây Bắc, lợp ngói âm dương, mái đằng trước không còn, mái sau dột nát (nay đã được dòng họ Tô lợp lại bằng tấm lợp Fibro xi măng), hoành bằng gỗ xẻ đã bị mục, tường xây bằng đá (đá vôi), hai tường ở đầu hồi đã xuống cấp nghiêm trọng, tường phía trước và phía sau bị đổ ở khoảng giữa nay nhân dân địa phương lấy đá xếp lên, xung quanh tường có nhiều cây thạch đá bám tạo thành một thảm thực vật. Đặc biệt, những tảng đá kê chân cột có chạm trổ hoa văn (bước đầu xác định là hoa văn thời Lê) là cơ sở để thẩm định nghiên cứu về niên đại của ngôi đền và nghiên cứu sự phát triển văn hóa trên địa bàn Hạ Lang nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung.
Ngôi đền cũ bị hỏng, dột nát, tường đổ không còn giá trị về mặt kiến trúc. Nhưng đền thờ Tô Thị Hoạn là một minh chứng lịch sử giúp ta tự hào về một nền văn hóa cổ trên đất Cao Bằng nó giúp ta hiểu sâu sắc hơn về lịch sử địa phương. Đồng thời đền là trung tâm giao lưu văn hóa của các dân tộc trong vùng và du khách thập phương mỗi khi đến độ xuân về.
Để tưởng nhớ đến người phụ nữ đẹp nết, đẹp người, thủy chung son sắt và nhờ Bà mà nhân dân trong vùng được hưởng phúc Vua ban, tại Đền thờ bà, vào đêm 30 Tết gia đình trưởng dòng họ Tô sẽ chuẩn bị một mâm lễ, 1 gánh rau, 1 gánh củi và mời thầy về cúng gọi nàng Tô Thị về ăn Tết cùng gia đình, dòng họ. Cùng với đó, hàng năm nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày đầu xuân năm mới (ngày Dậu) hay còn gọi là lễ hội Lồng Tồng.
Lễ hội được tổ chức trong một ngày. Phần lễ được tổ chức vào buổi sáng, các gia đình thuộc dòng họ Tô ở xóm Đồng Tâm nhà nào cũng có mâm xôi, con gà, ngoài ra còn có bánh trưng, bánh phộng, khẩu sli, chè lam… lên đền làm lễ thắp hương cầu trời, xin phật phù hộ độ trì cho dân an, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu… Phần hội gồm có các trò chơi dân gian như: kéo co, tung còn, chọi chim, chọi gà, cờ bàn, đánh quay, đi lấy nước mới, dựng cây nêu… Ngày nay phần hội phong phú, đa dạng hơn, ngoài những trò chơi dân gian, còn có chương trình văn nghệ của các cơ quan đoàn thể, đơn vị trường học tại địa phương tham gia.
Năm 2023, UBND huyện Hạ Lang ban hành quyết định thành lập Tổ hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng huyện, trong đó Tổ hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng xây dựng kế hoạch thực hiện Mô hình phát triển du lịch cộng đồng khai thác các yếu tố lịch sử văn hóa tại xóm Đồng Tâm, xã Đồng Loan. Đồng thời, xây dựng các phương án triển khai, tu bổ, tôn tạo và quy hoạch điểm du lịch Đền Tô Thị Hoạn. Xây dựng kế hoạch thành lập đội văn nghệ truyền thống về đàn tính, hát lượn, hát sli, các trò chơi dân gian, nhóm ẩm thực chuyên phục vụ các món ăn truyền thống tại địa phương; quan tâm đào tạo hướng dẫn viên du lịch bản địa để phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, các trường học tuyên truyền rộng rãi đến học sinh, góp phần phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch Đền Tô Thị Hoạn cũng như nét văn hóa truyền thống địa phương nhằm thu hút khách du lịch đến với huyện Hạ Lang.
Đàm Thương (Cao Bằng)
- Nhà thơ Tô Nhuần - một phác thảo gần
- SI ĐÔ LA
- MÙA THU HÀ NỘI
- Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung thu
- Phẫn nộ câu nói “Thà đền một lần còn hơn nuôi suốt đời” của giới tài xế xe tải
- Về Ðông Môn nghe nhịp phách, trống chầu...
- Cúng rằm tháng 7 năm 2024 vào ngày nào, giờ nào tốt nhất?
- Nhà thơ Tô Hà và “mối tình si” với Thơ
- Tết Đoan ngọ 2024 là ngày nào?
- “Sông Tô” kể chuyện ngày xửa ngày xưa
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐÃ GÓP TIỀN LÀM SÁCH HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG QUÝ IV-2013
Hôm nay : 438
Tháng hiện tại : 29226
Tổng lượt truy cập : 2718504