Vì sao lễ Phật quanh năm, không bằng rằm tháng giêng?


Miếu Thiên Hậu ở Bến Chương Dương (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) là một trong những địa điểm mà người Hoa thường tìm đến dịp rằm tháng giêng

          Rằm tháng giêng còn có các tên gọi khác như lễ Thượng nguyên, Tết Nguyên tiêu... Vì sao cha ông nói “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng”?

          Rằm tháng giêng là một trong những ngày quan trọng của năm, diễn ra từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) đến hết ngày 15 (đêm trăng rằm) của tháng giêng âm lịch.

          Năm nay, rằm tháng giêng trùng ngày thứ bảy, 24-2.

          Rằm tháng giêng là ngày đẹp nhất trong năm

          Trong cuốn Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam(Nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc, 1996), nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh cho rằng tục ta tin rằng ngày rằm tháng giêng, Đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của các Phật tử. 

          Ngày mùng 1 là ngày đầu tháng nhưng đêm lại tối đen; còn ngày rằm lại có trăng sáng sủa. Trong một năm, ngày rằm đầu tiên là rằm tháng giêng nên người ta mới rủ nhau đi chùa.

          Ông Toan Ánh kể thêm về nguồn gốc của lễ Thượng nguyên.

          Theo đó, lễ Thượng nguyên còn có một cái tên cũ hơn là Tết Trạng nguyên.

Vào ngày này, nhà vua hội họp với các ông trạng để thết tiệc và mời vào vườn thượng uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ.

          Tết cũng có một tên gọi khác là Tết Nguyên tiêu. Dịp này, ban đêm ở kinh thành xưa và các nơi có chăng đèn, kết hoa. 

          Một số nơi có bơi thuyền. Một số nơi khác có nhiều trò vui như đánh gươm, nhảy múa, cưỡi ngựa…

          Có nhiều nguồn gốc khác nữa nhưng theo tác giả Toan Ánh, "dân ta làm lễ Thượng nguyên vì lòng tôn kính chư Phật, đồng thời có cúng gia tiên, Thổ Công và Thần Tài…".

          Ở cuốn Đình Nam Bộ xưa và nay (Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ, 2018), hai tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tưởng cho rằng lễ cúng rằm tháng giêng cùng với lễ cúng vào rằm tháng 7 và tháng 10 đều nằm trong lễ cúng Tam nguyên.

          "Các lễ này có nguồn gốc từ lễ nghi nông nghiệp, về sau được Phật giáo "đồng hóa" theo lễ sóc vọng hằng tháng.

          Theo đó, lễ Thượng nguyên là ngày vía Thiên quan đại đế (lễ Thiên quan tứ phước) để tạ ơn vị thần này đã làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và là ngày cầu phước, cầu tài lộc và cầu an sau mùa gặt trước Tết Nguyên đán.

                                         Mâm cúng chay dịp rằm tháng giêng

          Thường cúng chay

          Theo hai tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tưởng, ở các đình Nam Bộ xưa, lễ vật cúng chay được dùng trong ba ngày Tam nguyên.

          Lễ vật cúng chay giống như lễ vật cúng ở nhà chùa, không có món gì được coi là lễ vật chính bắt buộc phải có.

          Nhà nghiên cứu văn hóa Lý Khắc Cung trong sách Hà Nội văn hóa và phong tục (Nhà xuất bản Hồng Đức, 2014) cũng nói, vào rằm tháng giêng, tất cả đình, chùa, đền, miếu… đều thắp đèn nến sáng trưng.

          Người ta thường cúng rằm tháng giêng trước đó mấy ngày, trong đó ngày 14 là ngày tưng bừng nhất.

          Ngày 14, người ta tắm rửa sạch sẽ (gọi là rũ bụi), mặc quần áo mới hoặc sạch sẽ nhất.

          Nhiều nhà không ăn mặn mà ăn chay. Nhiều người kiêng khem cả chuyện chăn gối.

          Ông Lý Khắc Cung cũng kể, vào ngày này, người dân đệ sớ lên xin Ngọc Hoàng thượng đế, Đức Phật, vua Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu, các mẫu, các vị thánh… trình bày nguyện vọng, mong muốn trong năm.

          Thường chỉ một, hoặc hai điều. Đồng thời trong sớ cũng kèm theo một vài điều sám hối của bản thân. Những điều này chỉ có đương sự và ông thầy viết sớ biết, được giữ bí mật tuyệt đối.

          Theo nhà nghiên cứu Lý Khắc Cung, dịp rằm tháng giêng, người ta "có được một không gian thiêng và thời gian thiêng", "tấm lòng rộng mở, hướng về các bậc bề trên linh thiêng…, trong đó có cả những anh hùng có công với đất nước".

          "Không phải ngẫu nhiên tập tục coi ngày rằm tháng giêng là ngày đẹp nhất trong một năm, coi lễ vật quanh năm không bằng rằm tháng giêng… Nó tồn tại với tinh thần cao cả và với vẻ đẹp thiêng liêng ăn sâu vào lòng người dân Việt", ông nhận định.

          Đậu Dung (Tuổi trẻ)