Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” và nhà thơ Lê Anh Xuân

Quân Giải phóng tiến công Sân bay Tân Sơn Nhất

rong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.(Ảnh TL)

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công.

 

Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong.
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân

          Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, sinh ngày 5 tháng 6 năm 1940 tại quê hương Đồng khởi-Bến Tre, trong một gia đình trí thức yêu nước, thân phụ là giáo sư Ca Lê Thỉnh. Thuở nhỏ, ông theo gia đình lên ngàn theo kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc theo học trong Trường học sinh miền Nam. Sau đó ông học ở Khoa Sử, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Học giỏi, ông được giữ lại Trường làm cán bộ giảng dạy và chọn đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Nhưng ông đã tình nguyện trở lại quê hương chiến đấu và công tác ở Ban Tuyên huấn, Trung ương Cục miền Nam.

Trong đợt 2 cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (1968), Lê Anh Xuân từ căn cứ theo giao liên về thẳng Mặt trận Sài Gòn. Nhà thơ Giang Nam kể: “Lê Anh Xuân nói: Tụi em về Nam là để chiến đấu với đồng bào, với anh em. Nếu về chỉ để đứng xem và viết thì về làm gì”. Mặc dù được cấp trên khuyên nhủ nên ở lại căn cứ vì tình hình Mặt trận đang phức tạp nhưng trước lý lẽ của nhà thơ, cấp trên phải nhượng bộ cho anh đến gần Sài Gòn hơn.

Nhà thơ Giang Nam nhớ lại: “Lê Anh Xuân đi rồi, chúng tôi nhận được điện của anh Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) yêu cầu không để Lê Anh Xuân đi. Nhưng đã muộn mất rồi! Các anh kể lại: khi Lê Anh Xuân đến, dù thiếu hầm bí mật nhưng Khu ủy vẫn bố trí cho anh một hầm riêng khá an toàn. Hầm là những chiếc lu lớn có nắp đậy, đặt âm xuống đất, ngụy trang kín đáo. Kinh nghiệm khi xuống hầm bí mật là tuyệt đối không được ngủ quên, thậm chí phải xát ớt lên mi mắt để khỏi ngủ. Bởi vì hầm kín, thiếu oxy nên rất khó thở và thiếp đi lúc nào không hay. Ngày 24 tháng 5 năm 1968, trong một trận càn của quân Mỹ vùng ven Sài Gòn, Lê Anh Xuân cùng một vài đồng chí đã hy sinh do bị ngạt trong hầm”.

          Ngay từ năm 1960, Lê Anh Xuân đã có bài “Nhớ mưa quê hương” đoạt giải nhì Cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ tổ chức. Khi trở lại quê nhà, ông có các tập thơ “Tiếng gà gáy”, “Hoa dừa”, trường ca “Nguyễn Văn Trỗi”, truyện ký “Giữ đất”. Đặc biệt bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” nhà giáo, nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật 2001. Lê Anh Xuân được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2011 và tên ông gắn với ba tên trường, tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bến Tre quê hương.

          Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” với 20 câu, nhưng đó là những lời bi hùng nhất:

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt

 Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng

 Và Anh chết trong khi đang đứng bắn

 Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng

 Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng

 Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn

 Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm

 Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công…”.

 Viết về đợt 1 Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968, Tiểu đoàn 16, Phân khu 2, tỉnh Long An có nhiệm vụ tiến đánh sân bay Tân Sơn Nhứt. Trong trận chiến đấu này có một chiến sĩ bị thương, nhưng anh đã tựa mình vào một xác xe tăng bắn tiếp cho đến khi kiệt sức. Lại một viên đạn nữa xuyên vào thân thể, làm anh hy sinh trong tư thế đứng thẳng, tay vẫn kẹp súng hướng về phía quân thù làm chúng hoảng sợ. Lê Anh Xuân rất xúc động với hình ảnh này nên đã viết thành bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” gửi cho Tạp chí Văn nghệ giải phóng trước lúc lên đường đi chiến đấu và hy sinh, khi mới 28 tuổi. Bài thơ ban đầu được Lê Anh Xuân lấy tên là “Anh giải phóng quân”, nhưng khi đăng trên Văn nghệ giải phóng, nhà văn Anh Đức đã đổi thành “Dáng đứng Việt Nam”.

Cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

 Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất

 Tổ quốc bay lên bát ngát mùa Xuân.

“Dáng đứng Việt Nam” là một bài thơ hay trong kho tàng thơ ca cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, viết về Anh giải phóng quân và được phổ nhạc thành bài hát đi cùng năm tháng. 

                                                                           Tô Minh Khánh