Gặp Nàng Tô Thị ngỡ người làng ta


 

                         Tượng nàng Tô Thị ở Lạng Sơn (Ảnh TL)

        Bài thơ “Gặp nàng Tô Thị ngỡ người làng ta” được Vũ Xuân Tửu viết tháng 2 năm 1998 tại Trại sáng tác văn học Lạng Sơn, được in trong tập thơ Miếng trầu xanh, Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội, năm 1998.

"Miếu thờ dù đổ vẫn thiêng

Tượng thờ dù đổ vẫn nguyên tượng thờ"

                             (Léc môn tốp)   

Tôi đến Lạng Sơn gặp nàng Tô Thị

Ngỡ như là nàng gốc quê ta

Nàng đi tìm chồng đang trấn ải

Rồi chờ chồng và ở lại nơi đây.

Tôi hỏi: Khi nào nàng trở lại?

Nàng cười và lặng ngóng trời xa

Tôi bảo: Cho cháu về quê nội.

Nàng cười: Thôi để cháu đợi cha

Tôi bảo: Hay gửi thư, gửi ảnh

Nàng cười và bảo: Chẳng cần đâu

Chờ khi anh ấy xong nhiệm vụ

Sẽ cùng về thăm lại thôn quê.

 

Tôi đã đi "Nhắn tìm đồng đội"

Mà đến nay chưa thấy hồi âm,

Tôi rủ cả làng lên thăm chị

Chị bồng con ra đón lệ nhạt nhòa.

 

 "Đất nước bao phen bon ngựa đá"

Bao chàng trai ra trận chưa về

Đâu đâu cũng gặp nàng Tô Thị

Bồng con bế cái vọng nước non

Bỗng một hôm Nàng hóa thành tượng đá

Người làng tôi xa ngái thắp hương thờ.

(Vũ Xuân Tửu - rút trong tập Miếng trầu xanh - 1998)

           Lời bình của Bùi Thị Mai Anh

            Bài thơ “Gặp nàng Tô Thị ngỡ người làng ta” được Vũ Xuân Tửu viết tháng 2 năm 1998 tại Trại sáng tác văn học Lạng Sơn, được in trong tập thơ Miếng trầu xanh, Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội, năm 1998.

          Thông qua câu chuyện của nhân vật trữ tình với nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng trên núi cao, tác giả bày tỏ cảm xúc yêu thương, trân trọng với những người phụ nữ Việt Nam chung thủy chờ chồng trong chiến tranh.

           Khổ thơ đầu của bài thơ là hoàn cảnh “gặp gỡ” và “cuộc trò chuyện” giữa nhà thơ và nàng Tô Thị. Bằng trí tưởng tượng phong phú, nhà thơ đã cho độc giả được chứng kiến “cuộc gặp gỡ” và “cuộc trò chuyện” ấy. Với tác giả, đây chính là cuộc gặp gỡ chủ động, đã định trước: “Tôi đến Lạng Sơn gặp nàng Tô Thị”.

           Vũ Xuân Tửu coi việc đến Lạng Sơn thăm nàng Tô Thị như thăm một người quen, thân mật: “Ngỡ như là nàng gốc quê ta”. Sở dĩ nhà thơ thấy “quen” là vì đất nước này trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc. Cũng từng ấy cấp số nhân những người vợ chờ chồng trở về sau chiến tranh. Không phải ngẫu nhiên mà trên khắp đất nước, rất nhiều tỉnh có hòn Vọng Phu, hòn Ông Chồng, Bà Chồng... Những biểu tượng về tình cảnh chờ chồng trở về đến tuyệt vọng ấy có sức tác động ghê gớm tới tâm trí người tới thăm, người chiêm ngưỡng.

           Những điều tưởng như rất quen thuộc trong truyện cổ tích về nàng Tô Thị thêm một lần nữa được kể lại một cách ngắn gọn qua câu chuyện ngắn gọn về người phụ nữ đoan chính này:

“Nàng đi tìm chồng đang trấn ải

Rồi chờ chồng và ở lại nơi đây”.

           Và “cuộc trò chuyện” giữa tác giả và nàng Tô Thị như một cuộc khám phá nội tâm của nhà thơ với người phụ nữ này. Ba lần nhà thơ trao đổi với nàng Tô Thị thì cả ba lần nàng đều cười và trả lời với một niềm tin sắt đá không lay chuyển:

“Tôi hỏi: Khi nào nàng trở lại?

Nàng cười và lặng ngóng trời xa

Tôi bảo: Cho cháu về quê nội.

Nàng cười: Thôi để cháu đợi cha

Tôi bảo: Hay gửi thư, gửi ảnh

Nàng cười và bảo: Chẳng cần đâu

Chờ khi anh ấy xong nhiệm vụ

Sẽ cùng về thăm lại thôn quê”.

          Lúc thì nhà thơ “hỏi”, lúc thì nhà thơ khuyên nhủ, phân tích, đề nghị (bảo) cũng không làm lay chuyển tấm lòng nàng Tô Thị đã đứng đó suốt cả ngàn năm. Khi không thể trả lời nổi câu hỏi của nhà thơ: “khi nào nàng trở lại?” thì “Nàng cười và lặng ngóng trời xa”. Tô Thị “cười” nhưng là nụ cười gượng mang đậm một niềm hy vọng cùng dáng vẻ nhẫn nại “lặng ngóng trời xa”. Nàng không hề bi quan hay tuyệt vọng, mà nàng vẫn hy vọng một ngày nào đó, chồng nàng sẽ trở về mà ngày đó, nàng không thể biết được.

          Khi nhà thơ khuyên: “Cho cháu về quê nội” thì “Nàng cười: Thôi để cháu đợi cha”. Không ai tới thăm, đứng ngắm hình tượng nàng Tô Thị bồng con ngóng chồng nơi xa xăm mà không động lòng thương cảm. Dãi dầu mưa nắng cùng thời gian, người phụ nữ thủy chung ấy có thêm hy vọng khi bồng con đứng trên đỉnh núi.  Vũ Xuân Tửu, là đàn ông, nhà thơ cũng chỉ có thể khuyên chị “cho cháu về quê nội” mà không thể hiểu hết lòng người đàn bà hóa đá kia: Dù sao chị cũng không đơn độc trong cuộc đợi chờ dài nhiều thế kỷ. Và chị mong khúc khải hoàn đón chồng trở về không chỉ có chị mà còn có cả con, tức là không phải chỉ có mình chị mong anh trở về mà là cả gia đình mong ngày đoàn tụ. Và nếu không có niềm tin mãnh liệt ấy, không thể có hành động của Tô Thị “Nàng cười: Thôi để cháu đợi cha”.

          Lời đề nghị tiếp theo giống như một cứu cánh đối với nàng Tô Thị: “Hay gửi thư, gửi ảnh” để tìm chồng nàng. Một câu chuyện cổ tích đã bước ra ngoài hiện thực. Không gian thì vẫn đấy nhưng thời gian đã chuyển nhanh khủng khiếp: Từ thời gian quá khứ cổ tích xa xăm chuyển ngay sang thời gian hiện tại. Nhưng thái độ bình thản của Tô Thị khiến chúng ta khâm phục:

“Nàng cười và bảo: Chẳng cần đâu”

           Đó là nụ cười của sự tự tin, của lòng chung thủy, của sự tin tưởng sắt đá trong lòng người phụ nữ này. Theo nhà thơ, Tô Thị vẫn tin chồng mình vẫn chưa “xong nhiệm vụ” và nàng vẫn kiên gan cùng con:

“Chờ khi anh ấy xong nhiệm vụ

Sẽ cùng về thăm lại thôn quê”.

          Với Tô Thị lúc này, thời gian vừa giống như một liều thuốc quý vừa giống như người bạn đồng hành, để cho nàng yên tâm chờ đợi và hy vọng.

           Thấu hiểu được những tình cảm của nàng Tô Thị, Vũ Xuân Tửu đã có một sự đồng cảm sâu sắc, điều này được thể hiện trong khổ thứ hai, nhưng mọi nỗ lực của nhà thơ và mọi người đều không có kết quả:

“Tôi đã đi: “Nhắn tìm đồng đội”

Mà đến nay chưa thấy hồi âm”.

             Nhà thơ đã:

“Tôi rủ cả làng lên thăm chị”

            Lúc này, nàng Tô Thị không còn cười, dù là cái cười gượng, mà là “lệ nhạt nhòa”. Nàng không khóc vì chồng chưa về mà khóc vì tấm lòng của bà con làng xóm dành cho mẹ con chị.

           Khổ cuối, nhà thơ đưa người đọc trở về với hiện thực đau xót:

"Đất nước bao phen bon ngựa đá"

Bao chàng trai ra trận chưa về

Đâu đâu cũng gặp nàng Tô Thị

Bồng con bế cái vọng nước non”

             Đặc biệt, hai câu thơ cuối của bài thơ là sự kết thúc cuối cùng về hình tượng người phụ nữ chờ chồng hóa đá:

“Bỗng một hôm nàng hóa thành tượng đá

 Người làng tôi xa ngái thắp hương thờ”

              Hình tượng người đàn bà chờ chồng hóa đá đã trở thành một biểu tượng đẹp mà đau xót trong lòng dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà  “Người làng tôi xa ngái thắp hương thờ” mà cả dân tộc đều nghiêng mình trước biểu tượng vĩnh cửu ấy.

             Bài thơ được viết theo kiểu một câu chuyện tưởng tượng giữa nhà thơ với nàng Tô Thị nhưng gây xúc động mạnh trong lòng độc giả. Ngôn ngữ bài thơ giản dị, không cầu kỳ, không “lạ hóa” một biểu tượng quen thuộc nhưng lại có sức gợi lớn. Đó là điểm cộng cho bài thơ “Gặp nàng Tô Thị ngỡ người làng ta”.

                            Bùi Thị Mai Anh