Chắp nối dòng họ, tìm về cội nguồn là tâm nguyện lâu đời của những người con họ Tô Việt Nam. Mỗi người thường tự hỏi: Thủy tổ của dòng họ là ai? Thủy tổ của chi họ là ai. Người từ đâu và từ bao giờ về đây định cư lập nghiệp phát triển thành cả một chi họ có hàng trăm hộ với bề dày lịch sử mấy trăm năm đến hàng ngàn năm? Từ quê hương đã bao nhiêu người ra đi lập thành các nhánh họ ở các địa phướng khác mà chúng ta chưa tìm lại được? Chi họ ta với các chi họ Tô khác (có khi ngay cùng một xã) có mối quan hệ (huyết thống) gì không?
Trước đây trả lời cho các câu hỏi đó thật khó khăn. Còn ngày nay khi giang sơn đã thu về một mối, giao thông liên lạc ngày càng phát triển, các phương tiện truyền thông và các ấn phẩm ngày càng phổ cập có điều kiện giải đáp thì những câu hỏi trên càng đau đáu trong lòng mỗi người có tâm huyết với dòng họ. Nhiều người con họ Tô đã chủ động đi tìm cội nguồn: Thanh Hóa tìm về Thái Bình, Thái Bình tìm về Bắc Ninh, Hưng Yên, miền Trung, miền Nam tìm về miền Bắc. Nhưng chưa có sự kết nối nên những chuyến đi con thoi đơn độc tìm kiếm như vậy thường không có kết quả. Vì vậy nhiều người muốn có một tổ chức chắp nối dòng họ Tô Việt Nam.
Người đầu tiên khởi xướng công cuộc chắp nối dòng họ là cụ Tô Hoàn. Cụ quê ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là cán bộ quân đội đã nghỉ hưu ở thị xã Hà Đông. Ngày 08 tháng 7 năm 1997, Cụ được dự cuộc hội thảo khoa học “Danh nhân Tô Hiến Thành cuộc đời và sự nghiệp” do Sở văn hóa – Thông tin tỉnh Hà Tây phối hợp với Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, với UBND huyện Đan Phượng tổ chức tại huyện Đan Phượng. Từ đó Cụ nẩy ra ý tưởng liên lạc để chắp nối các chi họ Tô cả nước. Mùa xuân năm Mậu Dần (1998) các ông Tô Đa Mạn, Tô Thuận, Tô Tần, Tô Dực họ Tô Thượng Tầm, Thái Bình tại Hà Nội đã về xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng thắp hương tưởng niệm ở Đền thờ Đức Tô Hiến Thành và phần mộ của Người, về thăm các gia đình hậu duệ của Người ở xóm Lẻ cùng xã.
Từ đó cũng nảy ra ý tưởng lấy đền Văn Hiến là nơi quy tụ, chắp nối dòng họ Tô Việt Nam. Các ý tưởng tốt đã gặp được nhau. Ngày 8 tháng Tư năm Mậu Dần (1998) nhân ngày giỗ cụ Thủy Tổ Tô Huyền Thông của họ Tô Thượng Tầm tại Hà Nội, ở xóm Quan Hoa, quận Cầu Giấy (lúc đó còn thuộc huyện Từ Liêm) đã diễn ra như một cuộc họp trù bị cho việc lập ra Ban liên lạc họ Tô Việt Nam. Dự họp có đại diện họ Tô Thượng Tầm tại Hà Nội và các chi họ Tô Xuân Cầu (Cụ Tô Gĩ), Bắc Ninh (Cụ Tô Hoàn), Yên Hòa (cụ Tô Văn Hồng) Bao Hàm (cụ Tô Tiến, Tô Khơi)… đã thống nhất sẽ tổ chức cuộc họp rộng rãi hơn để chắp nối dòng họ TôViệt Nam.
Ngày 12 tháng Sáu năm Mậu Dần (03-8-1998) nhân ngày giỗ lần thứ 819 Đức Tô Hiến Thành tại đền Văn Hiến, được sự giúp đỡ rất chu đáo của UBND xã Hạ Mỗ, hơn 150 người con họ Tô từ 17 tỉnh thành trên miền Bắc về đã tham gia cuộc tọa đàm ở Đình Vạn Xuân, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây và nhất trí thành lập Ban liên lạc họ Tô Việt Nam, tôn vinh Đức Tô Hiến Thành người họ Tô đầu tiên có tên trong lịch sử, danh nhân kiệt xuất của dất nước làm biểu tượng tinh thần của dòng họ. Và đề cử cụ Tô Gĩ, cán bộ lão thành cách mạng quê ở Xuân Cầu, Hưng Yên làm trưởng ban lâm thời.
Ngày mồng 6 tết năm Kỷ Mão (21-02-1999) Ban liên lạc đã họp bầu trưởng ban, các phó trưởng ban và phân công các mặt công tác tổ chức, thông tin tư liệu, tài chính.
Đã bầu cụ Tô Gĩ (tức Lê Giản) làm trưởng ban danh dự, ông Tô Tử Hạ là trưởng ban và các ông Tô Hoàn, Tô Ngọc Thanh, Tô Thuận, Tô Vũ Tuấn, Tô Văn Hồng làm phó trưởng ban.
Trong Ban liên lạc ban đầu còn có các ông: Tô Quyết Thắng, Tô Ngọc Quyết, Tô Văn Minh, Tô Xuân Huệ, Tô Ngọc Đại, Tô Điện, Tô Đức Chiêu, Tô Dực, Tô Sản, Tô Bỉnh, Tô Văn Gia, Tô Tiến, Tô Đa Mạn, Tô Tín, Tô Hồng Khoái, Tô Văn Chung. Trong 12 năm qua mặc dù số đông thành viên ban liên lạc là những người tuổi cao sức yếu (trong đó có một số vị đã về với tổ tiên như các cụ Tô Gĩ, Tô Hoàn, Tô Ngọc Cừ, Tô Thiện, Tô Bang, Tô Xuân Thạch, Tô Hiến Lý, Tô Quyết Thắng) nhưng với tấm lòng tất cả vì dòng họ, Ban liên lạc họ Tô Việt Nam qua các thời kỳ đã làm được một số việc quan trọng:
- Lập được Ban liên lạc họ Tô khu vực Nam Bộ (gồm 8 tỉnh, thành) Ban liên lạc các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, các huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), Đông Anh (Hà Nội) chắp nối được với 125 chi họ Tô trong cả nước. Xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp, thắm tình nghĩa họ tộc trong dòng họ Tô.
- Hướng dẫn các chi họ làm 3 việc lớn: viết gia phả (để tìm về cội nguồn) tôn tạo nhà thờ và phần mộ Thủy tổ trở thành 3 tài sản quý giá, là sợi dây kết nối mọi người trong chi họ. Khuyến khích các chi họ tôn vinh người cao tuổi và động viên thanh thiếu niên có thành tích tốt trong học tập, sản xuất kinh doanh.
- Phát hành tờ Thông tin họ Tô Việt Nam ra được 12 số (mỗi năm 1, 2 số) là công cụ đắc lực cho việc thông tin, chắp nối dòng họ được nhiều người trong ngoài dòng họ đánh giá cao.
- Năm 2003 mở cuộc vận động “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”. Hơn 600 bà con trong dòng họ hưởng ứng đóng góp được 75 triệu đồng; với sự giúp đỡ hết lòng của hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã dựng bức tượng đồng Đức Tô Hiến Thành uy nghiêm trước đền Văn Hiến và khánh thành vào ngày 11/7/2003.
- Năm 2007 lại mở cuộc vận động quyên góp trong dòng họ được hơn 300 triệu đồng để tôn tạo phần mộ Đức Tô trong khu lăng mộ cùng được tôn tạo bằng ngân sách tỉnh Hà Tây và đã khánh thành bước I nhân dịp kỷ niệm 907 năm ngày sinh của người, tổ chức vào ngày 21 tháng Giêng năm Kỷ Sửu (15/02/2009) làm đẹp thêm cảnh quan khu đền Văn Hiến.
- Một năm hai lần mời bà con họ Tô cả nước về đền Văn Hiến dâng hương kỷ niệm ngày sinh (22 tháng Giêng âm lịch), ngày mất (12 tháng Sáu âm lịch) của Người và cũng là dịp họp mặt bà con trong dòng họ. Mỗi lần đều có 400 – 500 người về dự. Riêng cuộc họp mặt ngày Chủ nhật 21 tháng Giêng năm Kỷ Sửu (15/02/2009) kỷ niệm 10 năm chắp nối dòng họ (1998- 2008) đã có 1200 bà con về dự.
- Sau gần 02 tháng chuẩn bị công phu, đã lập trang website họ Tô Việt Nam, khai trương vào ngày 30/5/2010 để mở rộng hơn nữa sự giao lưu, thông tin trong và ngoài họ không chỉ với và con ở trong nước mà cả bà con ở nước ngoài.
- Đang triển khai biên soạn cuốn sách Họ Tô Việt Nam như một cuốn tổng phả của dòng họ, phấn đấu hoàn thành vào năm 2015 để đoàn kết tập hợp dòng họ, tiếp tục phát triển việc chắp nối dòng họ tìm về cội nguồn, nâng cao lòng tự hào về lịch sử và truyền thống của dòng họ Tô Việt Nam.
- Giữ mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền và nhân dân xã Hạ Mỗ là quê hương Đức Tô Hiến Thành và ở đây còn có đền thờ, phần mộ và tượng đài của người. Dòng họ Tô Việt Nam đã coi Hạ Mỗ như quê hương thứ hai của mình và chính quyền nhân dân xã Hạ Mỗ cũng coi bà con họ Tô như người nhà, đón tiếp trọng thị và thân tình những dịp bà con về thăm viếng đền thờ, lăng mộ, tượng đài Đức Tô. Trong cả hai lần quyên góp để dựng tượng và tôn tạo phần mộ Người, chính quyền đều hết sức giúp đỡ và nhân dân cũng nhiệt tình hưởng ứng ủng hộ hàng chục triệu đồng.
Phát huy kết quả và thành công bước đầu của 12 năm qua, Ban liên lạc họ Tô Việt Nam nhiệm kỳ 2009 – 2013 mà Ban thường trực là các ông Tô Thuận (trưởng ban danh dự), Tô Đa Mạn (Trưởng ban), Tô Quang Mậu (phó trưởng ban thường trực), Tô Bỉnh, Tô Văn Gia (phó trưởng ban), Tô Điện, Tô Nhuần, Tô Bá Trọng, Tô Văn Liệt (ủy viên thường trực) đang có nhiều đổi mới trong hoạt động để chắp nối được phần lớn các chi họ Tô trong cả nước, xây dựng được sự đoàn kết gắn bó trong tình nghĩa họ hàng của bà con họ Tô trên mọi miền đất nước cũng như bà con họ Tô đang định cư ở nước ngoài và với các dòng họ khác, góp phần vào sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Thường trực
Ban liên lạc họ Tô Việt Nam.
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐÃ GÓP TIỀN LÀM SÁCH HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG QUÝ IV-2013
Hôm nay : 361
Tháng hiện tại : 21668
Tổng lượt truy cập : 2664738