HÀNH TRÌNH ĐI TÌM GỐC TÍCH TỔ TIÊN

Họ Tô làng Thượng Tầm, tổng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh, nay là thôn Thái Hòa, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã có lịch sử hơn 500 năm. Hiện nay bà con trong họ vẫn giữ tên gọi “Họ Tô làng Thượng Tầm” để gợi nhớ lại truyền thống đáng tự hào của Chi họ.

    Chi họ còn giữ được một quyển tộc phả, không biết được viết từ thời gian nào bằng chữ Hán Nôm. Tộc phả được viết đến đời thứ 10. Năm Khải Định thứ năm (1920), cụ Tô Tấn Đĩnh đời 11, thường gọi là cụ Đồ Đĩnh sao lại và viết bổ sung đến đời 12. Năm 1984, ông Tô Văn Tuyến đời 13, thường gọi là ông Giáo Tuyến dịch ra tiếng Việt. Sau đó Chi họ cử ra  một nhóm sưu tầm tư liệu, viết bổ sung đến đời 14. Năm 2004, Chi họ lập Ban gia phả 21 người, làm việc suốt 2 năm để sưu tầm tư liệu, làm đề cương viết lại quyển tộc phả cũ và bổ sung các thế hệ đến đời 17. Hiện nay Chi họ đã phát triển đến đời 18.

    Quyển phả viết lại là một văn kiện khá hoàn chỉnh, chép lại được họ tên, năm sinh, ngày mất từ Cụ Thủy tổ Tô Huyền Thông và Tổ bà Từ Hạnh đến 17 đời con cháu. Từ đời 1 đến đời 12 chỉ ghi tên con trai, con dâu. Từ đời 13 trở đi, ghi tên cả con trai, con gái, con dâu, con rể.

    Căn cứ năm sinh, năm mất của các cụ Tổ ghi theo âm lịch, sắp xếp hợp lý các đời, đối chiếu với năm dương lịch thì Thủy tổ Tô Huyền Thông về định cư ở đất Thượng Tầm vào khoảng giữa thế kỷ 15. Nhưng quê quán của Thủy tổ thì vẫn là điều bí ẩn. Trong tộc phả chữ Hán Nôm có ghi một câu “Văn truyền Đầu Sơn nhân lai”, dịch ra có nghĩa là “Nghe nói là người từ Đầu Sơn về”. Nhưng Đầu Sơn là đâu, con cháu nhiều năm đi tìm vẫn chưa tìm được.

     Theo một cuốn phả khác do cụ Cử nhân Tô Văn Thống, đời 11 viết nay đã thất lạc thì Thủy tổ quê ở Đông Ngàn, Từ Sơn, Bắc Ninh. Hiện nay chỉ có thôn Đông Ngàn, thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, nhưng ở đây không có người Họ Tô. Vì vậy từ Đông Ngàn có thể là huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn. Địa giới huyện Đông Ngàn xưa rất rộng, bao gồm các huyện Văn Giang (Hưng Yên); Gia Lâm, Đông Anh (Hà Nội); Kim Anh (Vĩnh Phúc); Yên Phong, Từ Sơn (Bắc Ninh) ngày nay. Từ đầu những năm 40 thế kỷ trước, một số vị thuộc đời 13: Tô Tám, Tô Văn Thạc, Tô Văn Phấn… học ở Hà Nội đã nhận họ với các học sinh Họ Tô quê ở Bắc Ninh, có thể là huyện Văn Giang, Hưng Yên, lúc đó thuộc phủ Từ Sơn.

    Vì không tìm được theo hướng Đầu Sơn, nên từ mấy chục năm nay, một số người có tâm huyết thuộc đời 13, 14 (Tô Đa Mạn, Tô Văn Phụng, Tô Bỉnh, Tô Thuận) đã đi tìm theo hướng Đông Ngàn. Các ông đi đến nhiều nơi như Xuân Cầu (Văn Giang), Yên Phụ (Yên Phong), Nguyên Khê (Đông Anh). Ở những nơi này, Họ Tô khá đông, có chi họ đã định cư được 800 năm như Họ Tô xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, nhưng tộc phả thường không đầy đủ và mới ghi được thời gian 300 năm trở lại đây nên cũng chưa tìm được điểm chắp nối. Các ông còn tìm đến cả Họ Tô Bao Hàm (Thái Bình), Họ Tô Đồn Điền (Thanh Hóa), tuy có tộc phả chép được 600 năm, nhưng cũng chưa tìm được nét tương đồng.

    Có thể nói một công việc lớn mà Họ Tô làng Thượng Tầm bền bỉ tiến hành hơn 30 năm qua là sưu tầm tư liệu để bổ sung và viết lại quyển tộc phả Tổ tiên để lại. Tháng Giêng năm Bính Tuất (2006), quyển tộc phả mới dày 562 trang được in ra, trở thành tài sản tinh thần vô giá để tập hợp, đoàn kết hơn 5.000 con cháu từ đời 12 đến đời 18 với tình nghĩa “Một giọt máu đào…”. Tuy nhiên nhiều con cháu trong Chi họ vẫn còn một điều khắc khoải là chưa tìm được quê quán Cụ Thủy tổ Tô Huyền Thông và trong tâm trí họ vẫn canh cánh một câu hỏi: “Đầu Sơn là đâu?”.

    May sao năm 2015, ông Tô Đa Mạn, Trưởng ban liên lạc Họ Tô Việt Nam là người Họ Tô làng Thượng Tầm, tìm được một tài liệu đăng trên:  http//haiphong.gov.vn (Giới thiệu chung; Đồ Sơn-Miền đất-Con người) có nói đến từ Đầu Sơn, từ đó hé mở hy vọng Họ Tô làng Thượng Tầm tìm được gốc tích Tổ tiên. Xin trích dưới đây đoạn mở đầu tài liệu đó:

Nguồn gốc tên gọi

Thời Lê, Thầy địa lý Tả Ao biết ở vùng này có huyệt phát tích đế vương nên đã tìm đến. Khi ông đến chợ Nghi Dương, vào quán nghỉ chân uống nước, hỏi thăm đường. Bà hàng nước mách:”Ông cứ đi qua Cổ, qua Họng là đến Đầu”. Thầy địa lý tưởng bà hàng nước nói lỡm, nhưng đúng là phải qua đò Họng mới sang được Đầu Sơn.

    Truyện Tả Ao đến Đồ Sơn là truyền ngôn. Còn việc đầu thế kỷ 16, nhân có lời sấm truyền “Phương Đông có khí sắc Thiên tử” nên tháng Tư năm Tân Mùi (1511), Vua Lê Tương Dực sai Nghĩa Quốc công Nguyễn Văn Lang đem thuật sĩ ra Đồ Sơn để yểm bùa trấn áp thì Đại Việt sử ký toàn thư có chép. Một số bản đồ địa lý thời Pháp cũng ghi đảo Hòn Dấu là Đầu Sơn. Thư của Lãnh sự Hà Nội gửi Thống đốc Nam kỳ ngày 30-5-1877 cũng nhắc đến Đầu Sơn: “Tỉnh Hải Dương, cách đây 3 năm từng là địa bàn của phong trào (hải tặc) quan trọng nhất… Cách đây vài ngày cũng bọn ấy đã cướp phá làng Đầu Sơn, cách hải đăng không xa…” (AOM, AT13002).

    Trước đây một số người Họ Tô làng Thượng Tầm đã nghĩ đến và tìm về Đồ Sơn, nhưng ở đây không có người Họ Tô gốc và cũng không có tài liệu nào chứng minh Đầu Sơn là Đồ Sơn. Nay đã có tài liệu chứng minh Đầu Sơn là tên dân gian, còn Đồ Sơn là tên chữ. Và cũng có tài liệu chứng minh là vào giữa thế kỷ 15 lúc Cụ Tô Huyền Thông về làng Thượng Tầm định cư lập nghiệp thì ở Đồ Sơn có đông người Họ Tô, nhưng vì lý do kinh tế hay chính trị, vào đầu thế kỷ 16, cả Chi họ này cùng 11 chi họ khác đã chuyển cư lên vùng cực Đông Bắc của Tổ quốc. Vùng đất này xưa kia thuộc tỉnh Quảng Yên, Việt Nam. Năm 1887, thực hiện Hòa ước Thiên Tân ký năm 1885 giữa nước Pháp (Patenotre là đại diện) và nhà Thanh, Trung Quốc (Lý Hồng Chương là đại diện), để tạo thuận lợi cho việc nhà Thanh công nhận quyền bảo hộ của nước Pháp ở Bắc Kỳ, thực dân Pháp đã cắt vùng đất này cho nhà Thanh. Và những người Họ Tô ở đây (nay là vùng Tam Đảo huyện Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) cùng với người các họ Nguyễn, Đỗ, Hoàng, Vũ, Bùi, Cao, Ngô, La, Cung, Khổng, Lương trở thành cư dân Trung Quốc. Nhà nước Trung Hoa gọi cộng đồng người Việt này là Kinh tộc, một trong các tộc người thiểu số của Trung Quốc.

     Tìm được tài liệu chứng minh Đầu Sơn là Đồ Sơn là một tin vui với Họ Tô làng Thượng Tầm. Vì vậy Ban biên tập sách Họ Tô Việt Nam đã kịp thời đưa thông tin đó vào bài giới thiệu Họ Tô làng Thượng Tầm. Không ngờ bài giới thiệu lại gây phản ứng rất căng thẳng của một số người Họ Tô làng Thượng Tâm. Họ cho là Ban biên tập đã xuyên tạc lịch sử Họ Tô làng Thượng Tầm và viết như vậy là Họ Tô Thượng Tầm có nguồn gốc Trung Quốc!?

    Việc này cũng được Thường trực Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam rất quan tâm. Để làm sáng tỏ vấn đề, Thường trực đã cử một Đoàn công tác gồm ba người là các ông Tô Quang Mậu, Tô Văn Thặm, Tô Bỉnh đến Hải Phòng và Đồ Sơn để tìm hiểu và xác minh tư liệu.

     Tại Phòng Văn hóa- Thông tin và Du lịch quận Đồ Sơn, Đoàn đã được chị Lương Thị Việt Hà, Phó trưởng phòng đưa xem quyển “Địa chí thị xã Đồ Sơn”. Sách do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hải Phòng phối hợp với Thị ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thị xã Đồ Sơn biên soạn. Giáo sư sử học- NGND Đinh Xuân Lâm là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu sách.

    Vì sách của phòng Văn hóa- Thông tin chỉ có một quyển, không tặng được nên Đoàn phải tranh thủ đọc tại chỗ và chụp ảnh những trang quan trọng có liên quan đến mục đích chuyến đi. Ở chương mở đầu, Đoàn chú ý đến một đoạn văn kể chuyện ông Tả Ao, hoàn toàn giống với bài viết đã đăng trên haiphong.gov.vn mà ông Tô Đa Mạn đã sưu tầm. Nhưng ở đầu đoạn văn có một câu mà trong tài liệu sưu tầm của ông Tô Đa Mạn không có: Địa danh Đồ Sơn trước đây dân địa phương và lân cận thường gọi là Đầu Sơn”. Sau đó Đoàn về Hội Khoa học lịch sử thành phố Hải Phòng, găp cụ Ngô Đăng Lợi, Nguyên Chủ tịch Hội là người chủ biên Chương mở đầu quyển sách nói trên, được cụ Ngô Đăng Lợi tái khẳng định những thông tin trên. Cụ Lợi còn nói thêm “Đồ” là từ Hán, dịch sang tiếng Việt có nghĩa xấu nên nhân dân tránh không dùng mà gọi là Đầu Sơn.

    Vấn đề như thế đã rõ ràng để những người Họ Tô làng Thượng Tầm có thể khẳng định quê gốc của Thủy tổ Tô Huyền Thông là tổng Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, trấn Hải Đông, nay thuộc quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.

    Trải qua 18 năm “Chắp nối dòng họ, tìm về cội nguồn”, Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam ghi nhận Họ Tô làng Thượng Tầm là Chi họ đầu tiên và cho đến nay cũng là Chi họ duy nhất, trong hành trình bền bỉ 30 năm đã tìm được tới cội nguồn gốc tích Tổ tiên.

                                                                                          TÔ BỈNH