CHI HỌ TÔ ĐĂNG – TÔ TRỌNG THÔN TRUNG THÀNH, XÃ CỘNG HOÀ, HUYỆN HƯNG HÀ, TỈNH THÁI BÌNH


              Đường nông thôn mới trong huyện Hưng Hà, Thái Bình (Ảnh TL)

          Đây là cùng một chi họ nhưng có hai cành, một cành là Tô Đăng, một cành là Tô Trọng.

          Chi họ trước đây có gia phả và nhà thờ nhưng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà thờ bị bom phá hủy, gia phả cũng không còn, nên việc tìm về cội nguồn cũng gặp khó khăn.

          Trong Văn cáo tế chỉ biết Thủy tổ của chi họ là Tô Quý Công, tự Phúc Tường, còn tên húy là gì không rõ. Tên cụ bà cũng không biết.

          Không biết các cụ từ đâu về lập nghiệp ở làng Nội, tên chữ là thôn Phú Khê, xã Thọ Khê, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Nếu tính từ Thủy tổ đến nay là 12 đời, thì Thủy tổ về đây lập nghiệp khoảng 300 năm.

          Thủy tổ sinh được 2 người con trai. Người con cả lập nghiệp tại quê. Người con thứ hai sang lập nghiệp ở làng Bùi (thôn Phi Xá), tổng Canh Hoạch, phủ Khoái Châu, nay là thôn Phi Xá, xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

          Theo gia phả Họ Tô thôn Phi Xá, thì ông Tổ chi họ từ Thái Bình sang lập nghiệp vào đời Lê Cảnh Hưng (khoảng năm 1750) và đã được 12 đời là phù hợp. Chi họ ở quê hiện có khoảng 100 hộ, với 226 đinh, còn nhân khẩu chưa thống kê được. Chi họ chia làm hai Phân chi là Tô Đăng và Tô Trọng.

          Nghề nghiệp chính của chi họ là làm ruộng và có thêm nghề xây dựng (thợ mộc, thợ xây). Đời sống trung bình và khá, không còn hộ nghèo.

          Do đời sống trước đây khó khăn nên các cháu thường học hết phổ thông rồi đi làm, số học tiếp lên cao rất ít. Trong chi họ có 4 người tốt nghiệp đại học và 1 thạc sĩ.

           Xưa kia chi họ có nhà thờ riêng, nhưng trong kháng chiến chống Pháp bị bom đốt cháy, chưa xây lại được. Hiện nay nhà thờ cúng Tổ tiên vẫn làm ở nhà Tộc trưởng nhưng khá chu đáo, trọng thể. Theo các cụ kể lại thì do nhà thờ bị đốt nên việc cũng lễ cũng gián đoạn một thời gian. Năm 1958, có 4 cụ đại diện trong họ đã họp lại để bàn tổ chức, nghi lễ tế Tổ. Từ đó đến nay việc tổ chức lễ nhằm chi ân Tiên tổ, giáo dục truyền thống cho con cháu đời sau thường được làm vào dịp đầu xuân, ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Khoảng hai chục năm nay thì hai bên Phi Xá liên lạc tìm về thì ngày tế Tổ càng đông vui.

           Một điều vui mừng là cách đây vài năm theo lời truyền khẩu, chi họ tích cực đi tìm và đã tìm thấy mộ Thủy tổ bị thất lạc từ lâu. Và đã động viên con cháu đóng góp tiền của, công sức xây dựng lại mộ Tổ khang trang, đẹp đẽ, trở thành yếu tố quan trọng để xây dựng tình đoàn kết trong chi họ ngày càng bền chặt.

                Tô Đăng Chuyền (Đời 9, Trường tộc)