Làng Thượng Tầm, tổng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh là địa danh cũ trước cách mạng tháng 8 năm 1945 nay là thôn Thái Hòa, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Người họ Tô ở đây muốn dùng tên cũ để gợi nhớ lại truyền thống lâu đời của chi họ.
Chi họ Tô Thượng Tầm còn giữ được 1 quyển gia phả viết bằng chữ Hán Nôm, đến năm 1920, năm Khải Định thứ 5 được cụ Tô Tấn Đĩnh đời 11 thường gọi là cụ Đồ Đĩnh sao lại và viết bổ sung đến đời 13.
Năm 1986 được ông Tô Văn Tuyến đời 14 thường gọi là ông giáo Tuyến dịch ra tiếng Việt. Sau đó chi họ cử ra một nhóm sưu tầm tư liệu và viết bổ sung đến đời 14. Năm 2004 chi họ đã lập ra ban gia phả 21 người làm việc suốt 2 năm để sưu tầm tư liệu, lập đề cương để viết lại cuốn gia phả cũ và bổ sung các thế hệ đến đời 17. Còn hiện nay chi họ đã phát triển đến đời 18.
Theo trong gia phả thì Thủy tổ chi họ là Tô Huyền Thông từ Đầu Sơn (?) về làng Thượng Tầm định cư từ thời gian nào chưa rõ. Chi họ đã nhiều lần đi tìm nhưng không biết Đầu Sơn là đâu. Nhưng gần đây tra cứu nhiều tài liệu thì xác định Đầu Sơn chính là Đồ Sơn. Ở đây hiện nay không có gia đình họ Tô nào nhưng vào khoảng đầu thế kỷ 16, có đông người họ Tô; không hiểu vì lý do gì cả chi họ này đã đi thuyền chuyển cư sang vùng Tam Đảo thuộc huyện Phòng Thành tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Còn về thời gian thì trong gia phả ghi cụ tổ Phúc Sinh đời 2 sinh năm Ất Tỵ, nếu tính ngược thời gian, sắp xếp hợp lý các đời thì năm Ất Tỵ là 1485 và cụ Thủy tổ Tô Huyền Thông từ Đồ Sơn về định cư vào khoảng giữa thế kỷ 15; lúc đó ở Đồ Sơn có đông người họ Tô. Còn theo bản gia phả do cụ cử Tô Văn Thống đời 11 viết (nay đã thất lạc) thì tổ tiên quê ở Đông Ngàn, Từ Sơn, Bắc Ninh. Điều này cũng có thể đúng; vì Đông Ngàn có thể là quê gốc (ở đây có đông người họ Tô cư trú từ 800 năm nay) sau đó một bộ phận chuyển cư về Đồ Sơn rồi Thủy tổ từ Đồ Sơn về Thượng Tầm.
Thủy tổ không rõ ngày tháng năm sinh, năm mất. Cụ mất ngày 8 thángTư.
Thủy tổ bà là Từ Hạnh. Không biết ngày, tháng, năm sinh, năm mất. Cụ mất ngày 24 tháng Giêng.
Hai cụ sinh được 2 con trai và 2 con gái.
Con trai trưởng tên tự là Sùng Nguyên cư trú tại thôn Phạm nay là thôn Hùng Việt, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, trở thành Thủy tổ họ Tô thôn Hùng Việt; con trai thứ tên chữ là Phúc Sinh, cư trú tại thôn Thượng, nay là thôn Thái Hòa xã Đông Hoàng. Cụ là Thủy tổ của chi họ Tô làng Thượng Tầm. Cụ sinh năm Ất Tỵ (1485) mất ngày 28 tháng Năm năm Quý Hợi (1553). Cụ bà là Từ Huệ sinh năm Quý Mão, mất ngày 24 tháng Tư năm Nhâm Thìn.
Từ đời thứ 3 (tính từ cụ Huyền Thông) đến đời thứ 5 chi họ này chỉ sinh được 1 con trai. Đời 5 là cụ Tô Văn Cẩn. Cụ làm xã trưởng nên thường gọi là xã Cẩn, còn có tên là xã Thịnh. Năm đó triều đình phái một viên quan sai về xã làm việc. Viên quan sai bị ốm nặng được cụ xã Cẩn chữa khỏi bệnh. Viên quan sai về tâu với Thượng sư (quan trên). Thượng sư là người giỏi phong thủy đã cử học trò về xã tìm một ngôi đất tốt để đền ơn. Cụ xã Cẩn đã đưa mộ cụ bà Phúc Sinh táng vào đó. Cụ lại gia tâm làm việc công đức, thiện nguyện. Có lẽ vì vậy từ đời thứ 6 chi họ bắt đầu có sự phát triển về nhân số, về đời sống vật chất và tinh thần. Cụ Cẩn sinh được 3 con trai và người con trai thứ ba là Tô Thế Lộc đã đỗ sinh đồ (tú tài) mở ra nền khoa bảng cho chi họ.
Chi họ hiện nay đã phát triển đến đời 18. Thôn Thái Hòa còn có các chi họ Lê, Phí, Phạm, Bùi, Nhâm nhưng họ Tô là lớn nhất với khoảng 1500 hộ và hơn 5000 nhân khẩu.
Ngoài số sinh sống ở quê, họ Tô còn có nhiều người đi làm việc nhà nước, đi làm ăn buôn bán rồi định cư lại ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, đông nhất là ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang… mỗi nơi có từ vài chục đến hơn 100 hộ.
Số sinh sống ở quê chủ yếu là làm ruộng. Xưa kia còn có các nghề thủ công như dệt vải, làm hàng xáo, làm bún bánh nhưng đến nay nghề thủ công còn rất ít. Các gia đình ở quê phần đông có con cháu đi công tác, đi làm ăn ngoại tỉnh hỗ trợ thêm về kinh tế nên đời sống nói chung là khá, không còn hộ nghèo.
Số thoát ly quê hương đi làm ăn xa, làm đủ mọi nghề nhưng đông nhất là sĩ quan quân đội, công an và một số đông khác theo nghề truyền thống của ông cha là dạy học và làm thầy thuốc (xưa có nhiều ông đồ và thầy lang).
Trải qua hơn 5 thế kỷ đấu tranh để sinh tồn và phát triển, chi họ đã xây dựng được nhiều nét đẹp truyền thống trong đó tiêu biểu là truyền thống hiếu học và yêu nước.
Về việc học mở đầu là cụ Tô Thế Lộc đời 6 đỗ sinh đồ, các đời sau dến đời 12 đều có người đỗ đạt từ nhị trường đến cử nhân, làm quan triều đình trong đó tiêu biểu là các cụ:
Tô Văn Tính đời 7 làm quan Vệ úy, chỉ huy quân Cấm vệ của triều đình.
Tô Văn Lợi đời 7 là em ruột cụ Tô Văn Tính là Tả lệnh sứ là quan phụ trách việc thu thuế của triều đình.
Tô Văn Lãm đời 8 đỗ hương cống là giám sinh Quốc Tử Giám, gọi là cụ Cống.
Tô Văn Thưởng đời 10 đỗ cử nhân làm giáo thụ.
Tô Văn Thống đời 11 đỗ cử nhân, được bổ làm Tri huyện nhưng cụ không nhận, ở nhà mở trường dạy học, hàm là Tri huyện hậu bổ nên thường gọi là cụ Hậu.
Sang thế kỷ 20, khi chuyển sang học chữ Quốc ngữ (tiếng Việt) thì sự nghiệp giáo dục càng phát triển. Khi ở làng chưa có trường,chi họ đã tự mở lớp để dạy chữ quốc ngữ cho con em trong họ. Nhiều con em, kể cả con gái (là điều hiếm thấy ở các làng quê thời Pháp thuộc) có bằng sơ học yếu lược, sơ học bổ túc, thành chung, tú tài, cử nhân.
Từ năm 1944 đến năm 1950, chi họ đã tổ chức “ngày hội học sinh họ Tô” như hình thức khuyến học hiện nay. Khi Pháp chiếm tỉnh Thái Bình (1950) thì hoạt động này phải dừng. Đến năm 1994 kỷ niệm 50 năm “ngày hội học sinh họ Tô”, phong trào được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Họ Tô Thượng Tầm trở thành điển hình của phong trào khuyến học tỉnh Thái Bình. Hiện nay trong họ có 616 người có bằng đại học, 84 thạc sĩ, 4 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 24 tiến sĩ, 5 phó giáo sư.
Cũng do chịu khó học hành mà bồi dưỡng được lòng yêu nước, tiếp thu ảnh hưởng của cách mạng.
Cụ cử nhân Tô Văn Thống được bổ làm Tri huyện nhưng không muốn hợp tác với người Pháp nên cụ không nhận, lấy cớ phải ở nhà phụng dưỡng cha mẹ vì cụ là con một. Cụ mở trường dạy học, tham gia phong trào Cần Vương, Đông Kinh nghĩa thục. Nhiều thanh niên họ Tô đã tham gia phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Có 5 người là cán bộ lão thành cách mạng, 7 người là cán bộ tiền khởi nghĩa, 7 người tham gia đoàn quân Nam tiến. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gần một ngàn thanh niên họ Tô đã tham gia quân đội, công an, thanh niên xung phong và dân quân du kích bảo vệ xóm làng. Nhiều người tham gia công tác trong các cơ quan Đảng và Nhà nước.
Trải qua 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, trong chi họ đã có 84 liệt sỹ trong đó có 1 liệt sỹ (Tô Văn Rự) được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Nhiều người trưởng thành trở thành cán bộ trung, cao cấp trong lực lượng vũ trang và cơ quan Đảng, Nhà nước, trong đó có 2 thiếu tướng, 31 thượng, đại tá và một số cán bộ cấp cục, vụ, viện.
Chi họ đã lập được gia phả, tôn tạo mộ tổ và nhà thờ coi đó là 3 bảo vật để tập hợp dòng họ, thắt chặt tình nghĩa họ hàng. Hiện nay họ có mấy ngàn nhân khẩu thuộc các đời 12 đến 18, dù địa vị xã hội khác nhau nhưng khi về với họ là theo đúng tôn ti, thực hiện trên kính dưới nhường. Một năm hai lần giỗ tổ ông (ngày 8 tháng Tư), tổ bà (24 tháng Giêng) là dịp con cháu từ mọi miền đất nước về xum họp dưới mái tổ đường để tri ân tiên tổ, tôn vinh người cao tuổi và khuyến khích con cháu rèn đức luyện tài, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài việc phụng thờ tiên tổ ở quê, ở những nơi xa có đông con cháu đến làm ăn đã lập ra các ban liên lạc (ban đại diện) họ Tô Thượng Tầm ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Tuyên Quang … để thờ vọng tổ tiên và quy tụ con cháu trong dòng họ, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
* Chi họ có 1 nhánh chuyển cư sang thôn Xuân Bảng, xã Bình Nguyên, huyện Kiến Xương cùng tỉnh từ đời thứ 7, nay cũng đã đến đời 18. Ở đây chỉ viết về chi họ Tô ở quê gốc Thượng Tầm còn họ Tô Bình Nguyên có bản viết riêng. |
HỘI ĐỒNG GIA TỘC
Họ Tô Thượng Tầm
- Họ Tô Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường và Họ Tô Tuyên Bình, Vĩnh Hưng, tỉnh Tây Ninh
- HỌ TÔ BẰNG LUÂN, ĐOAN HÙNG, TỈNH PHÚ THỌ
- HỌ TÔ BẰNG KHÁNH, TỈNH LẠNG SƠN
- Chi Họ Tô An Bình Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long
- HỌ TÔ VIẾT MINH THÀNH, YÊN THÀNH, TỈNH NGHỆ AN
- CHI HỌ TÔ VĂN CỬU AN, AN KHÊ, TỈNH GIA LAI
- Họ Tô Văn thôn Na Đon, Phúc Lương, Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
- Họ Tô Văn thôn Nà Cà, Hà Vị, Bạch Thông, tỉnh Thái Nguyên
- Chi Họ Tô Văn thôn Đông Thượng, Đông Yên, Quốc Oai, thành phố Hà Nội
- HỌ TÔ VĂN THÔN CƯỜNG THỊNH, XUÂN LIÊN, NGHI XUÂN, TỈNH HÀ TĨNH
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” và nhà thơ Lê Anh Xuân
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- Đất nước và người mẹ trong thơ Tạ Hữu Yên
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”



