Họ Tô Phúc Trực thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên

Theo gia phả họ Tô Phúc Trực do tiến sỹ Tô Trân viết năm Canh Tý 1840, thì Thủy tổ chi họ là Tô Phúc Trực người thôn Tam Kỳ, xã Xuân Cầu, tổng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (trước gọi là trấn Kinh Bắc).

Đời thứ 2 là Tô Phúc Thành.

Đời thứ 3 là Tô Phúc Lạc. Ông Tô Phúc Lạc không có con trai, chỉ sinh một con gái là Từ Thuận. Bà Từ Thuận lấy chồng là Quản Nhã Thực. Ông Tô Phúc Lạc có giao hẹn với ông thông gia là nếu ông Quản Nhã Thực và bà Từ Thuận sinh được 2 con trai thì phải cho 1 người về thừa tự họ Tô.

Về sau bà Từ Thuận sinh được 2 con trai đã cho con trai thứ là Quản Đình Tuyển về ăn thừa tự họ Tô trở thành đời thứ 4 họ Tô Phúc Trực.

Đời thứ 4: Tô (Quản) Đình Tuyển sinh được 2 con trai (Tô Hiệu và Tô Trân)

Đời thứ 5: Con cả là Tô Hiệu, tự Khâm Phủ, ông có học nhưng không đỗ đạt gì nên phẫn chí bỏ quê đi nơi khác làm ăn cùng con cháu; con thứ là Tô Trân, sinh năm 1791, hiệu là Ngọc Giang, đỗ tiến sỹ, làm quan đến chức Trung Lang Đại Phu Tả Tham Tri Bộ Lễ.

Đời thứ 6: Có 2 chi:

- Chi trưởng: do cụ Tô Hiệu sinh ra, gồm: cụ Hệ, cụ Thụ. Đời thứ 7: là cụ Tự và các em là cụ Kinh, cụ Thống, cụ Khoang, nhưng đều không biết tin gì, chỉ biết là các cụ đi buôn bán ở Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Cụ Tự có con trai là Tô Đào . . . (đời thứ 8), đến nay cũng không có tung tích gì.

- Chi thứ: Ông Tô Trân (là đời thứ 5), có cháu 4 đời, là các cụ Tô Chương, Tô Giác, Tô Ái và đều đi làm ăn ở Thanh Hóa (vùng Thọ Xuân - Bái Thượng - Nông Cống) nhưng không có liên hệ gì với quê hương...

Như vậy, có thể dự đoán rằng, Thủy tổ Tô Phúc Trực có thể sinh vào khoảng năm 1650.

Hiện nay, các chi, ngành còn lại của họ Tô Phúc Trực tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Xuân Cầu (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), một số ở Sài Gòn. Tết đến xuân về anh em vẫn đi lại thăm hỏi nhau. Đa số đi làm cơ quan nhà nước, một số ít thì buôn bán hoặc ở nhà làm ruộng. Tổng số có khoảng 70 hộ với khoảng 270 người.

Tính từ Thủy tổ Tô Phúc Trực đến nay, chi họ Tô Phúc Trực thôn Xuân Cầu đã được 14 đời.

Xuân Cầu là đất văn vật, con cháu họ Tô nói chung đều coi trọng văn hóa nên ham học, nhiều người thành đạt từ trước và sau Cách mạng Tháng Tám  1945, như:

+ Đời thứ 10, có: Tô Lạc, sinh năm 1934, Đại tá quân đội. Tô Lẫm, sinh năm 1925, hy sinh năm 1952 tại Ân Thi, Hưng Yên (Liệt sĩ chống Pháp). Cụ Tô Gĩ, tham gia cách mạng bí mật cùng với ba người anh họ ngoại là Tô Hiệu, Tô Chấn, Tô Quang Đẩu. Sau khi cách mạng thành công cụ Tô Gĩ được giữ chức Phó Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Kỳ, rồi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam đầu tiên. Các con của cụ Tô Gĩ là: Tô Linh (đời thứ 11), Tô Minh Thông (nữ, đời thứ 11) đều có học vị Tiến sỹ, học hàm: giáo sư và phó giáo sư. 

+ Đời thứ 11 có: Tô Quốc Ân, sinh năm 1953 (đời thứ 11), là Thiếu tướng Tổng cục Hậu cần Bộ Công an; Tô Minh Ngọc (nữ), sinh năm 1959, Đại tá công an; Tô Thị Minh Tâm, sinh năm 1958, Phó Vụ trưởng Vụ Giam giữ cái tạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Với nghĩa cử cao đẹp và lòng biết ơn tiên tổ, con cháu dòng họ Tô Phúc Trực đã quy tập, xây cất lăng mộ tổ, các liệt tổ liệt tông. Đã xây dựng nhà thờ cụ Tô Trân, xây dựng nhà thờ Tô tộc, trong đó đặt bài vị và tượng đồng cụ Tô Gĩ.

Con cháu họ Tô Phúc Trực được nối tiếp dòng máu của Tổ tiên, của các bậc tiền nhân tài ba, như: cụ Tô Trân, Tô Gĩ và nhiều nhân sĩ, trí thức khác nên đều thành đạt đi làm quan, làm việc ở nhiều địa phương trong cả nước. Vì vậy, hiện nay số hộ định cư tại làng Xuân Cầu chỉ có 10 hộ với 40 nhân khẩu, nhưng đã có 25 người tốt nghiệp đại học và trên đại học. Số người định cư lập nghiệp tại Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn là 50 hộ với 200 nhân khẩu.

TÔ NHỮ

(tức Nhân, 85 tuổi đời thứ 9)