Nhiều luật được đề nghị sớm thông qua


                         Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 30/5. Ảnh: Quang Vinh.

          Ngày 30/5/2024, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về: Dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

          Lựa chọn 1 trong 2 chuyên đề

          Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao. Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung). Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).

          Với chuyên đề 1, theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương), đây là vấn đề cần thiết phải giám sát tối cao trong thời gian hiện tại. Bởi lẽ, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng và được đông đảo cử tri hết sức quan tâm, tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước nói riêng đã được nhiều ĐBQH đề cập tới, đặc biệt là trong các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường trong các phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

          Bà Nga cho rằng, trên thực tế, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đang có nhiều khó khăn, nhất là sắp tới vào 1/1/2025 là thời hạn bắt buộc phải triển khai phân loại rác thải tại nguồn theo quy định và áp dụng vào việc xử phạt đối với hành vi không phân loại rác thải. Tuy nhiên hiện tại nhiều người dân, nhiều chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, trả tiền theo lượng rác thải ra sao, tập kết rác đã phân loại như thế nào và ngay cả các địa phương cũng chưa thực sự sẵn sàng cho công tác chuẩn bị. Bên cạnh đó là thiếu thiết bị thu gom, thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng đạt chuẩn, thiếu địa điểm tập kết, kể cả thiếu các quy định về định mức, đơn giá thu gom và xử lý rác thải.

          Với chuyên đề 2, ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH Cà Mau) cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề nóng. “Nên chọn chuyên đề này vì nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay đang đặt ra một cách rất bức xúc” - ông Vân nói và cho rằng nói đến nhân lực và nhân lực chất lượng cao thì phải nói đến 2 nhóm đối tượng, đó là nhóm đối tượng lành nghề, thạo việc. Người lành nghề, thạo việc là biết quy trình, quy phạm để vận hành công việc cho đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao, thuộc bài, chứ ở vị trí này nhưng làm vị trí kia hoặc không làm gì thì không phải là lành nghề, thạo việc. Nhóm thứ hai là nhóm nhân tài, xếp thành 5 loại. Theo ông Vân, thứ nhất là nhân tài trong lãnh đạo, là những người khởi xướng về chính sách, đó là nhân vật chính trị. Thứ hai là trong quản lý, quản trị, nắm được quy tắc, hành vi để vận hành bộ máy và thạo việc, có sáng kiến, có đổi mới. Thứ ba là nhân tài trong lĩnh vực chuyên gia, lành nghề, thạo việc và có cải tiến, có phát minh, sáng chế. Thứ tư là các nhà khoa học. Thứ năm là trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật.

          Ông Vân cũng đề nghị phải giám sát quá trình phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, đối xử như thế nào đối với nhân tài ở 5 lĩnh vực đó, đồng thời cần tổng rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ các cấp.

          Sớm sửa đổi Luật An toàn thực phẩm

          Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, ĐB Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) đề nghị, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động chữ thập đỏ để khắc phục các hạn chế, bất cập; đề nghị đưa Luật Hoạt động chữ thập đỏ (sửa đổi) bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 thay vì năm 2026 như đề nghị của Chính phủ.

          Theo ĐB Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH Sóc Trăng), theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có tác động dân số nhanh nhất thế giới, dự kiến bước vào thời kỳ dân số vàng vào năm 2038. Cần tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng đồng thời thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Vì thế, việc Chính phủ sớm trình Quốc hội bổ sung Luật Dân số vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 là cần thiết.

          Trong khi đó, theo ĐB Trần Thị Thanh Lam (Đoàn ĐBQH Bến Tre), báo cáo của Chính phủ 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 24 vụ ngộ độc thực phẩm với 835 người ngộ độc, 3 người chết và chưa có dấu hiệu dừng lại. Có thể nói công tác an toàn thực phẩm hiện nay chỉ quản lý phần ngọn, chưa quản lý nội dung này từ gốc, tức là khi xảy ra hậu quả thì các ngành chức năng mới vào cuộc.

          “Trong an toàn thực phẩm hiện nay cần phù hợp với tình hình thực tế. Tại Đề án định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV thì Luật An toàn thực phẩm được đề nghị trình Quốc hội năm 2022, nhưng đến nay Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 chưa thấy có nội dung này” - bà Lam nói và kiến nghị xem xét đưa Luật An toàn thực phẩm vào chương trình xây dựng luật trong thời gian sớm nhất.

          Còn ĐB Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH Nghệ An) dẫn Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh năm 2023 nhóm tuổi từ 13-17 đã tăng từ 2,6% của năm 2019 lên 8,1% và ở nhóm tuổi 13-15 của năm 2022 lên 8%. Tuy nhiên, phản ứng chính sách lại rất chậm. Trong khi đó, trong dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 vẫn thấy thiếu vắng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đề nghị cần sớm bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2025 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và có thể áp dụng quy trình xem xét, thông qua một kỳ họp.

          Cũng về vấn đề này, ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) đề nghị bổ sung nội dung về thuốc lá mới bao gồm: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tất cả các loại khác. “Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội sớm sửa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá theo quy trình rút gọn ở một kỳ họp. Cụ thể là kỳ họp thứ 8 để đưa ngay nội dung phòng, chống tác hại thuốc làm mới vào luật này” - ông Trí kiến nghị.

          Theo VPQH