Viết lại ký ức một thời vàng son của Đầm Thị Tường


          Đầm Thị Tường (Đầm Bà Tường) là một trong những đầm nước tự nhiên lớn nhất khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long, với diện tích mặt nước trên 700 ha. Đầm là trái tim phân phát nguồn thủy sản dồi dào, nuôi sống hàng trăm con người sống xung quanh khu vực dầm. Tuy nhiên, với nhiều lý do cả trong công tác quy hoạch lẫn sự khai thác quá mức của con người, đầm Thị Tường đang dần đánh mất nét hoang sơ vốn có.

          Đầm Thị Tường – “Biển hồ giữa đồng bằng”

         Đầm Thị Tường (hay đầm Bà Tường) có nhiều giai thoại. Từ truyền thuyết xa xưa, người phụ nữ dũng cảm đã xua đuổi chim chóc do Chúa Hổ sai đến tha đá lấp mặt đầm vì không được vua Thủy Tề gả con đến chuyện thật, người thật dòng Họ Tô gốc Bình Định theo Tây Sơn chạy vào đây khai khẩn khi triều Tây Sơn sụp đổ.

          Đầm Thị Tườnglà một trong những đầm nước tự nhiên có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam được mệnh danh là "biển Hồ giữa đồng bằng", đầm Thị Tường tạo nên từ phù sa bồi lắng của sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và nhiều kênh rạch của ba huyện Phú Tân, Trần văn Thời và Cái Nước. Đầm toạ lạc ngay giữa hai huyện Phú Tân và Trần văn Thời, thuộc tỉnh Cà Mau.

        Đầm này thông ra biển Tây ở khu vực vịnh Thái Lan thông qua sông Mỹ Bình. Phía Nam của đầm, thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân là căn cứ Xẻo Đước. Đầm được hình thành bởi 3 đầm chính là Đầm Trên, Đầm Giữa và Đầm Dưới, trong đó Đầm Giữa là Đầm lớn nhất. Nó như một quả bóng phình to. Đầm trải rộng gần 2 km và dài tới hơn 10 km, diện tích mặt nước khoảng 700ha. Độ sâu của đầm, trừ một lòng lạch nhỏ chảy ven bờ đầm phía Đông, không quá đầu người lớn kể cả thời điểm thủy triều lên. Đầm Thị Tường cách thành phố Cà Mau khoảng 40 km, cách Quốc lộ 1A 7 km.

          Đầm Thị Tường được mô tả giống như một bức tranh thủy mạc thơ mộng và hữu tình, nhất là vào mỗi buổi sáng và chiều tà. Mặt nước đầm được dùng để nuôi thuỷ sản. Tỉnh đã có chủ trương phát triển du lịch sinh thái đầm Thị Tường với các sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch sông nước, thể thao nước, du lịch văn hóa, ẩm thực. 

          Đầm Thị Tường được thiên nhiên ưu đãi với hơn 54 loài thủy sản nước lợ, cung cấp cho con người rất nhiều loại hải sản như cá ngát, cá chẽm, cá nâu, cá chai, cá đối, cá dzồ chó, tôm sú, tôm thẻ, tôm đất, cua, ghẹ, ghẹm… Cư dân sinh sống quanh đầm chủ yếu bằng nguồn lợi thủy hải sản khai thác được từ đầm này. Mỗi hộ ở trên đầm được chia 100m mặt nước để đóng đáy, đóng chà, đặt lú…

          Từ sáng đến tối, người dân ra đầm đánh bắt cá nhộn nhịp, đặc biệt là về đêm. Mỗi tối từng căn chòi trên đầm người ta đặt vó, đốt đèn nhìn đẹp lung linh luôn.

          Canh cánh nỗi lo cạn kiệt nguồn tài nguyên đầm Thị Tường

         Quá khứ một thời về sự hào sản của đầm Thị Tường ngày nay gần như đã là ký ức của những người gắn bó lâu đời với đầm, bởi họ đang ngậm ngùi vì “bầu sữa” nuôi sống gia đình họ ngày nào đang cạn kiệt dần. Tôm cá, sản vật vẫn còn đấy, nhưng chẳng đáng là bao so với trước đây do sức khai thác theo kiểu tận diệt của con người.

         Giờ đây những ai từng biết đến đầm Thị Tường đều không khỏi bùi ngùi tiếc nuối cho thực tại đau lòng nơi đây. Một người dân lâu đời gắn bó với nơi đây bày tỏ: “Tôm, cá trên đầm giờ chỉ còn không được một phần trăm trước đây, nếu cứ khai thác mà không bảo tồn thì sớm muộn gì chúng ta cũng đánh mất nguồn lợi to lớn mà thiên nhiên ban tặng từ đầm Thị Tường”.

        Theo người dân kể lại, vào những năm 1990, mỗi gia đình chỉ cần 10 cái đó làm bằng sậy, một đêm cũng kiếm được 15 - 17 kg cá, tôm là không lo đói mà còn có điều kiện phát triển kinh tế. Còn hiện nay, mỗi gia đình phải có từ 100 cái lú trở lên mà mỗi đêm chỉ có 2 - 3 kg là cùng chỉ mong đủ sống. Trước đây, một đống chà không dưới 1 tấn cá, nay chỉ còn trăm ngoài ký; cá chẽm có những con nặng 40-50 kg, nay, con lớn nhất chỉ 12-13 kg.

        Khi nguồn thủy sản ngày một vơi dần theo thời gian, để đảm bảo cuộc sống, các hình thức đánh bắt cũng được người dân “cải tiến”. Nhiều hình thức khai thác khác nhau được người dân áp dụng, có người dùng nò, người đặt lú, hộ chài lưới… kích thước mắt lưới ngày một dày hơn. Có người chỉ dùng mắt lưới 1,2 phân so với trước kia ít nhất phải 1,5 phân, với mong muốn thu hoạch được nhiều để cải thiện. Chính hình thức mạnh ai nấy bắt, mạnh ai nấy làm đã vô tình khiến cho vùng cư trú, sinh sản, phát triển của nhiều loại thủy sản này trở nên cạn kiệt.

       Tình trạng bao ví, lấn chiếm mặt nước đầm Thị Tường để nuôi sò huyết và khai thác thuỷ sản trái phép vẫn còn diễn ra. Một số công trình, vật kiến trúc đã xây dựng không đúng quy định nhưng chưa được tháo dỡ; bên cạnh đó, đã xuất hiện một số đối tượng tự ý khai thác sò huyết của hộ nuôi sò huyết tự phát, dẫn đến tranh chấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

         Vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường đầm đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường đang có nguy cơ bị ô nhiễm đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

          Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc giải toả các hộ nuôi sò huyết, tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép tại đầm Thị Tường để triển khai Dự án Quy hoạch khu bảo tồn dự trữ thiên nhiên đầm Thị Tường. Tuy nhiên, Dự án trên đến nay vẫn chưa triển khai do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa giải toả được hết các hộ nuôi sò huyết và các công trình xây dựng trái phép tại đầm.

          Cẩm Hường (Trang TTĐT Đảng bộ huyện Phú Tân, Cà Mau)