Tô Hà chẳng những là một tác giả rất có cá tính trong sáng tác mà còn là một người cực kỳ khó tính trong việc tạo nên những câu thơ. Để làm nên một câu, một bài thơ, ông mất rất nhiều công sức. Ông hình thành nên bài thơ có thể không mất nhiều thời gian, thậm chí có trường hợp chỉ sau nửa giờ đồng hồ. Nhưng để hoàn chỉnh phải mất cả tuần, có khi cả tháng, thậm chí là cả năm.
Thời gian ông dành cho sự đẽo gọt, mài rũa không bao giờ là đủ. Nhiều trường hợp câu thơ hoặc một chữ nào đó đã rất ổn, nhưng ông vẫn tiếp tục suy nghĩ tìm kiếm để thay đổi cho đến khi vừa ý hoặc không tìm được mới đành chịu. Một ví dụ: Trong bài "Con đường lên Sơn Tây" có hai câu tôi cho là rất đặc sắc: "Ngựa sững vó đầu làng/ Quán gầy xôi nếp thơm".
Tô Hà cho rằng "ngựa sững vó" thì được rồi nhưng "quán gầy" chưa ổn. Tôi nói viết như thế là rất hay. Quán gầy là một hình tượng đắt, rất gợi cảm, rất đúng với những quán nước bé nhỏ ở hai bên ven đường thời trước. Tôi thấy đã rất hay nhưng Tô Hà nói "quán gầy" còn có phần trừu tượng, chưa biểu hiện được sự tiêu điều, xiêu vẹo, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào của những quán như thế này. Tôi bảo không thể có chữ nào hay hơn. Tìm mãi không ra được chữ khác, ông mới chịu để "quán gầy".
Tô Hà là nhà thơ rất thích âm nhạc. Ông biết và thuộc khá nhiều bài hát. Trong nhiều bài nổi tiếng, ông vẫn vạch ra được nhiều lời ca ngô nghê, thể hiện sự dễ dãi hoặc cẩu thả của tác giả. Có thể nói trường hợp nào cũng chính xác và tôi rất tâm đắc.
Ông bảo có những nhạc sỹ ông rất yêu thích, hâm mộ toàn bộ sự nghiệp nhưng riêng về viết lời ca thì có rất nhiều trường hợp chưa được. Ông bảo ở nước ta, sau Văn Cao là nhạc sỹ lớn nhất, phải kể ngay đến Đỗ Nhuận. Bài "Du kích sông Thao" của nhạc sỹ này là một trong những ca khúc hay nhất của nền âm nhạc cách mạng.
Nhưng có khá nhiều lời ca chưa ổn, ví như "Hồng Hà ơi! Nay cũng mùa thu thấy quân thù "ngơ ngác" nhìn sông "bên" Việt Trì tàn phá. Hồng Hà reo, du kích về đây ngăn quân thù như nước phù sa đang "pha hòa" dòng Lô…". Ông rất say sưa phân tích để tôi thấy cái dở của những chữ ở trên. Tất nhiên là tôi thấy rất chí lý.
Nhưng cũng là người sáng tác ca khúc, tôi "bênh" Đỗ Nhuận: "Thì anh cũng phải thông cảm cho nhạc sỹ, nhiều khi do cần tuân thủ giai điệu mà buộc phải hy sinh phần lời ca, chấp nhận sự chưa hoàn chỉnh, có khi không được sáng nghĩa chứ chưa nói là hay. Nhưng rồi công chúng vẫn chấp nhận đó thôi. Phải thế nào bài hát đó mới sống mãi theo thời gian chứ".
Tô Hà phản ứng tôi khá gay gắt: "Nghĩ như ông thì chán bỏ mẹ, còn nói làm quái gì nữa!". Rồi có lần, ông gạ tôi: "Này, Nguyễn Đình San. Tôi muốn làm một cuốn vạch ra mọi sự yếu kém về ca từ trong các bài hát hiện nay. Chúng ta cùng thực hiện. Tôi phân tích cái dở về tu từ. Ông là nhạc sỹ sẽ phân tích sự bất ổn khi ghép nó vào âm nhạc. Được không? Cuốn này mà ra đời thì sẽ rất có ích và tôi tin bạn đọc sẽ rất hưởng ứng. Ông thấy sao?".
Tôi chỉ ừ hữ, vâng dạ cho xong vì nghĩ không dễ thực hiện. Vấn đề trên nếu viết một bài báo, hoặc tiểu luận thì được, chứ triển khai thành cả một cuốn sách sẽ không khả thi vì khó tránh khỏi sự liệt kê dài dòng, sẽ bôi ra cho dày cuốn sách.
Tôi không chỉ chuyên làm thơ. Nhưng mỗi khi gặp nhau là Tô Hà hầu như chỉ nói chuyện về thơ. Thăm hỏi cuộc sống, vợ con, công việc, nói đến người này người khác mà cả hai đều quen biết, giao du… cũng chỉ được vài câu rồi cuối cùng lại quay trở về chuyện thơ phú. Và chỉ có chuyện này mới có thể khiến Tô Hà để tâm, hứng thú.
Có cảm giác ông bàn về thơ không bao giờ là đủ, có thể thâu đêm suốt sáng. Tất nhiên phải trước những đối tượng có khả năng nghe, hiểu, thẩm thấu, tung hứng được những điều ông nói. Lúc còn sống, Tô Hà ở khu tập thể Đại học Bách khoa, tôi ở khu Fafim (Ngã Tư Sở). Vợ ông sang Ăngôla làm chuyên gia y tế. Ở nhà, ông rất buồn, nhớ vợ.
Lúc này ông là Trưởng ban biên tập báo Người Hà Nội, tôi ở báo Văn hóa-Nghệ thuật. Một hôm, ông gọi điện đến cơ quan tôi thông báo sự việc vợ đã đi công tác xa và nói tôi đến chơi để nghe một sáng tác mới của ông. Tôi ít nhiều lưỡng lự thì ông nói liền: "Bài thơ thú vị lắm. Ông đến nhé". Tô Hà cũng không quên nói thêm: "Vợ đi xa, tôi rất buồn. Không lẽ ông không cảm thông với tôi mà lại tiếc thời gian?". Ông đã nói vậy, tôi không thể không đến.
Ngay chiều hôm ấy, tôi đến nhà ông (cánh làm báo chúng tôi hồi ấy chỉ đến cơ quan buổi sáng). Đến nơi đã thấy một đĩa lòng lợn ú hụ để giữa mâm. Thì ra ông đã chuẩn bị cho cuộc đàm đạo. Ông đọc rất say sưa bài thơ "Em về chiêm bao" vừa sáng tác tặng vợ đi công tác xa: "Ăng-gô-la là đâu/ Mà lên đường em khóc?/ Ru-an-đa là đâu/ Mà tháng năm dằng dặc?/ Mà nửa vòng trái đất/ Mà nửa vòng chiêm bao". Đọc xong, Tô Hà hỏi cảm tưởng của tôi.
Thấy tôi không trả lời ngay mà có phần dè dặt, ông nói liền: "Bình thường phải không? Mình biết ông khó tính. Đúng. Bài này trung bình, mình chỉ ưng ý câu cuối cùng. Lúc mới viết xong thì sướng lắm, muốn đọc ngay cho bạn bè nghe. Nhưng bây giờ thì hết muốn. Thôi, coi như nhật ký bằng thơ". Tôi rất nể đức tính ấy của Tô Hà. Ông say sưa từng lời thơ của mình, sống chết với nó. Có cảm giác ông yêu nó hơn mọi thứ trên đời. Nhưng không vì thế mà chủ quan, ngộ nhận, chỉ thấy thơ mình hay còn thì chẳng để ý đến sáng tác của người khác như nhiều người viết vẫn mắc tật này.
Sự khó tính với bản thân trong sáng tác của Tô Hà không phải ai cũng có được. Có rất nhiều bài lúc đầu ông viết dài. Nhưng rồi đọc đi đọc lại, vẫn sẵn sàng lược bỏ rất nhiều, có khi chỉ để lại một khổ. "Quán gió" là một trong những bài thơ khá của ông. Lúc đầu ông viết 6 khổ, mỗi khổ 4 câu, vị chi 24 câu tất cả. Cuối cùng ông vứt hẳn đi 5 khổ để chỉ còn 1 khổ 4 câu. Tôi nói 5 khổ kia có thể chưa đặc sắc, nhưng cũng không đến nỗi nào, bỏ đi thì phí bao nhiêu công sức.
Ông nói nghệ thuật không thể trung bình mà phải đặc sắc, ít nhất là theo quan niệm của người sáng tác. Bài "Em về chiêm bao" tôi vừa nhắc ở trên lúc đầu Tô Hà cũng làm khá dài. Nhưng cuối cùng ông đã lược bỏ gần hết để chỉ còn lại 6 câu như đã dẫn. Bài "Qua thị trấn" cũng là một trường hợp thú vị. Sau khi làm xong, ông cứ băn khoăn mãi vì chưa yên tâm một câu. Lúc đầu ông viết: "Dưới gốc bàng già tán lá tươi xanh".
Hai chữ "tươi xanh" ông cho rằng quá bình thường, thậm chí là tầm thường. Ông mất ăn mất ngủ vì chi tiết này. Phải tới vài tháng qua đi, bỗng một hôm, ông sửa được lại thành "ran xanh". "Dưới gốc bàng già tán lá ran xanh" quả là hay hơn rất nhiều.
Từ một câu chỉ là lời nói thông thường trở thành rất gợi cảm. "Ran" là một từ tượng thanh đã biến thành "ran xanh" chỉ màu sắc. Như vậy, người đọc hình dung dưới những lá xanh kia có rất nhiều chim đang trú ngụ, hót ríu ran. Sự sống đã được biểu hiện sinh động hơn rất nhiều qua từ "ran xanh" mà nếu "tươi xanh" thì chỉ là những chiếc lá không khô héo.
Có thể nói Tô Hà tiêu biểu cho khuynh hướng duy mỹ, đặc biệt là trong việc làm thơ. Ồng quan niệm thơ phải đạt được cái đẹp vĩnh hằng. Vậy nên khi có ai in sai hoặc đọc sai thơ của mình, ông vô cùng buồn phiền, bứt rứt, bức xúc. Tôi có phổ nhạc bài thơ "Con đường lên Sơn Tây" của ông. Tôi đề nghị bỏ chữ "con" để chỉ là "Đường lên Sơn Tây". Ông dứt khoát không đồng ý với lý luận: "Đường" thì có phần chung chung, gần với nghĩa bóng (đường hướng, đường lối). Ông muốn nói đến con đường cụ thể là từ Hà Nội lên Sơn Tây nên phải có chữ "con".
Tôi cũng không vừa: "Nhà thơ ơi! Ta vẫn hỏi thăm nhau: Đường đến điểm A, nơi B đi thế nào, chứ có ai nói "con đường" đâu". Tô Hà vẫn một mực bảo lưu ý mình. Cuối cùng chúng tôi đành dung hòa bằng cách trong bài thì tôi để nguyên - có chữ "con". Nhưng tên bài hát thì chỉ là "Đường lên Sơn Tây". Khi thu thanh bài hát này ở Đài Phát thanh Hà Nội, tôi bận công tác xa nên không có mặt tại phòng thu thanh. Biên tập viên sơ ý đã để ca sỹ hát sai một chữ trở nên rất ngớ ngẩn: "Triền đay" thành "Chiều đay" (Triền đay hoa trắng vỗ).
Tô Hà rất bức xúc việc này. Ông đốc thúc tôi yêu cầu Đài thu thanh lại. Tôi chưa thực hiện, ông nhắc đến cùng. Tôi đành nói: "Tôi đã nhắc. Họ hứa sẽ thu lại. Nhưng xin anh hiểu cho là chúng ta không là cái đinh gì đối với họ. Thu lại tốn kém lắm. Giá bảo chúng ta là Đỗ Nhuận và Huy Cận (hai nhạc sỹ và nhà thơ lớn, có quyền chức to lúc bấy giờ) thì họ sẽ chiều các tác giả ngay. Nhưng ta chỉ là ta". Tô Hà càng bực, mặt đỏ bừng, phán: "Vậy xin ông đến Đài nói họ đừng phát nữa. Tôi xấu hổ về cái chữ "chiều đay" ấy lắm".
Tô Hà là như thế. Ông si thơ như người trai si tình mê người đẹp. Ông sẵn sàng bỏ thời gian nhiều năm để thực hiện cuốn sách "Những câu thơ trong trí nhớ" sưu tầm những câu thơ hay nhất. Ông khó tính đến nghiệt ngã trong nghiệp thơ bao nhiêu thì lại dễ tính, xuề xòa trong cuộc sống đời thường bấy nhiêu. Ông là một gương mặt thật đáng yêu, khó quên trong làng thơ đương đại. Thật tiếc khi ông từ giã cõi tạm quá sớm, lúc mới 52 tuổi - độ tuổi đang chín của nghề cầm bút (Tô Hà sinh năm 1939, mất năm 1991).
Nguyễn Đình San
- Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch Đền Tô Thị Hoạn
- Nhà thơ Tô Nhuần - một phác thảo gần
- SI ĐÔ LA
- MÙA THU HÀ NỘI
- Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung thu
- Phẫn nộ câu nói “Thà đền một lần còn hơn nuôi suốt đời” của giới tài xế xe tải
- Về Ðông Môn nghe nhịp phách, trống chầu...
- Cúng rằm tháng 7 năm 2024 vào ngày nào, giờ nào tốt nhất?
- Tết Đoan ngọ 2024 là ngày nào?
- “Sông Tô” kể chuyện ngày xửa ngày xưa
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐÃ GÓP TIỀN LÀM SÁCH HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG QUÝ IV-2013
Hôm nay : 1585
Tháng hiện tại : 18288
Tổng lượt truy cập : 2748731