
Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ.
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đang hừng trên nét mặt
Một rạng đông với màu hồng ngọc
Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai…
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!
Nắng vẫn còn ngời trên những lá si
Và người chồng ấy đã ra đi…
Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói, tôi nghe những tiếng thì thào
“Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau…”
Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét…
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly…
Nguyễn Mỹ
Nguyễn Mỹ sinh ngày 21 tháng 2 năm 1935, tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm 1952 ông xung phong vào quân đội rồi tập kết ra miền Bắc, thuộc Sư đoàn 324, đóng quân tại Nghệ An. Sau khi xuất ngũ, ông vào học đại học rồi công tác ở Nhà xuất bản Phổ thông. Năm 1968, Nguyễn Mỹ xung phong trở lại miền Nam chiến đấu, thuộc Ban Tuyên huấn Khu V và hy sinh ngày 16 tháng 5 năm 1971 tại bờ sông Đăk Ta (Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Những tác phẩm của Nguyễn Mỹ để lại không nhiều. Nhưng “Cuộc chia ly màu đỏ” là một trong những bài thơ hay nhất của thơ ca thời kỳ chống Mỹ cứu nước nói riêng và thơ Việt Nam hiện đại nói chung. Bài thơ được viết vào tháng 9 năm 1964. Khi ấy đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh leo thang, dùng không quân và hải quân đánh phá ra miền Bắc nước ta, hòng đưa mảnh đất hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa trở về thời kỳ đồ đá. Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của Đảng và Hồ Chủ tịch, thanh niên cả nước đã lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, từ đó đã diễn ra thường xuyên những cuộc chia tay của mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng, người yêu tiễn người yêu, bạn bè tiễn nhau vào các chiến trường chiến đấu, là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… Trong rất nhiều cuộc chia ly ấy, trái tim nhà thơ đã rung lên khi chứng kiến cuộc chia tay của một cặp vợ chồng mà người vợ (nhân vật của bài thơ ) là “một cô áo đỏ”. Và, nhà thơ đã đặt tên cho bài thơ của mình: “Cuộc chia ly màu đỏ”:
“Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ.
Tươi như cánh nhạn lai hồng...”
“…Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa…
Cuộc chia ly có nước mắt chứa chan của tình yêu lứa đôi thời chiến tranh, nhưng không hề buồn nản và bi lụy. Trái lại cuộc chia ly hứa hẹn niềm tin và hy vọng về một ngày mai đoàn tụ khi đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà:
“Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đang hừng trên nét mặt
Một rạng đông với màu hồng ngọc
Câu si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai…
Ngày mai sẽ là ngày sum họp…”.
“Cuộc chia ly màu đỏ” có ý nghĩa cao cả thiêng liêng hơn khi trách nhiệm của mỗi người trước đất nước lâm nguy thì phải biết hy sinh, chiến đấu cho độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc:
“Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
“Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau…”.
Lý tưởng cách mạng và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ nổi bật trong toàn bài là:
“Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau…
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly”.
Bài thơ được in lần đầu trên Báo Văn nghệ ngay trong năm 1964, rồi xuất bản thành tập “Sắc cầu vồng” (in chung với Nguyễn Trọng Định) và được nhiều thế hệ độc giả yêu mến, làm hành trang cuộc sống. Nguyễn Mỹ được truy tặng “Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” và “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật”.
Tô Kiều Thẩm
Hè - 2011
- Lịch sử, ý nghĩa Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động hưởng ứng tại Việt Nam
- Tết hàn thực, ngày 03 tháng 3 âm lịch
- XUÂN CHỜ
- BẾN QUÊ
- Vì sao “cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”
- Tết ông Công ông Táo 2025 là ngày nào dương lịch, nguồn gốc và ý nghĩa?
- Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch Đền Tô Thị Hoạn
- Nhà thơ Tô Nhuần - một phác thảo gần
- SI ĐÔ LA
- MÙA THU HÀ NỘI
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” và nhà thơ Lê Anh Xuân
- Đất nước và người mẹ trong thơ Tạ Hữu Yên
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”



