CHI HỌ TÔ THÔN Ô MỄ, XÃ TÂN PHONG, HUYỆN VŨ THƯ, TỈNH THAI BÌNH


          Chợ Mễ góp phần tích cực phát triển thương mại, dịch vụ ở Tân Phong (Ảnh TL).

          Theo lời người xưa truyền lại, vào năm 1639 cụ Tổ Tô Phúc An từ Thanh Hóa về tổng Ô Mễ khai cơ lập ấp. Cụ có bốn người con trai, trở thành 4 cành của chi Họ Tô Ô Mễ. Giỗ Thủy tổ vào ngày 15 tháng Hai âm lịch.

          Con cháu hiện nay đã phát triển đến đời thứ 17 với 500 hộ và hơn 2.000 nhân khẩu. Số sống ở quê có hơn 400 hộ; còn gần 100 hộ đi công tác, làm ăn sinh sống ở nhiều tỉnh thành trong cả nước; tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên và Tây Nguyên.

          Số sinh sống ở quê chủ yếu là làm ruộng. Đời sống ở mức trung bình và vẫn còn khoảng 10% thuộc hộ nghèo.

           Chi họ trước đây đã lập được gia phả, nhưng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân địch đóng bốt chỉ cách nhà thờ họ chừng 50 mét, gia phả bị thất lạc nên khó khăn trong việc tìm hiểu lịch sử gần 400 năm của chi họ.

          Chi họ cũng đã xây dựng được từ đường từ cuối thế kỷ 17, nhưng phải di chuyển đến 3 lần. Trong ngôi từ đường hiện nay còn đôi câu đối:

          Tô gia từ tiên thị hữu tác

          Hoàng Thành Thái Kỷ Hợi trùng tu

          Đại ý là: Nhà thờ Họ Tô đã được dựng từ trước. Năm Kỷ Hợi (1899) Thành Thái thứ 11 trùng tu.

          Đây là một trong những ngôi nhà thờ cổ ở tỉnh Thái Bình, gồm 3 gian, cột, vì kèo gỗ, lợp ngói mũi. Năm 2012 lại được trùng tu nâng cấp nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng cũ.

          Thời xa xưa chi họ có một số người có danh tiếng:

          Ngay từ đời thứ nhất, chi họ có hai bà Tổ cô Tô Thị Hoa Xuân và Tô Thị Hoa Dung tài sắc vẹn toàn, được vua Lê tuyển vào làm cung phi. Hiện có bia và sắc phong phụng thờ lưu hậu thế. Hằng năm giỗ hai bà vào ngày 8 tháng Tư tại nhà thờ Tổ.

          Đời ba có cụ Tô Đình Ngân, thường gọi là cụ Đồ Ngân, vừa dạy học chữ Nho, vừa là lương y nổi tiếng trong vùng.

          Cụ Tô Đại Hồng, nổi tiếng về võ thuật cổ truyền của xứ Bắc Kỳ thời Pháp thuộc.

           Đến thời nay, con cháu vẫn tiếp nối và phát huy truyền thống văn hóa của cha ông.

         Anh Tô Hồng Sơn là hàng cháu cụ Tô Đại Hồng, cùng là một võ sư võ thuật cổ truyền, đã đào tạo hàng ngàn môn sinh; đi thi đấu quốc gia, quốc tế đoạt nhiều giải thưởng.

          Trong chi họ có Tô Nguyệt Nga, sinh năm 1942, là nữ biên đạo múa, được phong Nghệ sĩ Ưu tú năm 1984 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012; là một trong hai Nghệ sĩ Nhân dân của dòng Họ Tô Việt Nam; được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2010.

          Hiện nay trong chi họ có một Đội Tế nữ quan, một Đội Múa lân, một Đội Võ thuật cổ truyền và một Đội Chèo, không chỉ phục vụ đời sống văn hóa trong thôn làng mà còn đi giao lưu, biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

          Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hàng trăm con em trong chi họ đã lên đường tham gia kháng chiến trong lực lượng vũ trang nhân dân. Chi họ có 5 liệt sĩ, trong đó có liệt sĩ Tô Ngọc Lâm, năm 1974 là Tiểu đội trưởng, chỉ huy giữ chốt ở cao nguyên Bôlôven (Nam Lào), bị thương vào bụng lòi ruột ra ngoài. Anh lấy mũ ấn ruột vào, tiếp tục chỉ huy chiến đấu cho đến khi địch rút, anh đã hy sinh trong vòng tay đồng đội. Tô Ngọc Lâm được làm hồ sơ truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

          Chi họ có hai người là cán bộ cao cấp quân đội (Đại tá) và 20 thương, bệnh binh.

         Chi họ có 50 người có bằng đại học, trong đó có 2 Thạc sĩ.

           Chi họ xây dựng được tình đoàn kết và đạo lý sống theo đúng đôi câu đối trước cửa nhà thờ Tổ:

         Nhất đường nội ngoại tinh thần tụ

          Vạn cổ cương thường hiếu, nghĩa, tâm.

          Tô Đường Tăng (Trưởng tộc)