CHI HỌ TÔ THÔN SA BA, XÃ TRỰC NỘI, HUYỆN TRỰC NINH, TỈNH NAM ĐỊNH


                   Một góc xã Trực Nội nông thôn mới ngày nay (ảnh TL)

          Họ Tô thôn Sa Ba, xã Trực Nội, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định là một chi họ lớn. Theo các thư tịch và lời người xưa để lại thì Thủy tổ của chi họ là cụ Tô Đình Cường, quê xã Tương Trạch (?), Hà Nội; do cảnh loạn ly đã đưa gia đình về định cư lập ấp ở làng Sa Đê, huyện Nam Chân (huyện Nam Trực và Trực Ninh ngày nay), tỉnh Nam Định. Làng Sa Đê có bốn thôn: Sa Một, Sa Hai, Ba Ba, Sa Bốn. Thủy tổ Tô Đình Cường về lập ấp ở thôn Sa Ba. Trong bi ký của chùa làng, có ghi tên cụ Tô Đình Phổ, đời thứ 5, đỗ Nhị trường năm 1865. Nếu tính ngược lại bốn đời đến cụ Thủy tổ là 100 năm thì Thủy tổ Tô Đình Cường về Sa Đê lập ấp vào khoảng năm 1770 – 1790, cuối triều Lê, đầu triều Tây Sơn.

          Thủy tổ sinh được một người con trai là Tô Đình Hợp.

          Cụ Tô Đình Hợp (đời 2) sinh được ba con trai là Tô Đình Thế, Tô Đình Mộc và Tô Đình Quỷnh. Ông Quỷnh mất sớm còn hai người anh trở thành ông Tổ của hai cành Họ Tô hiện nay.

          Cành Trưởng đến đời thứ 5 có sự phân hóa. Cụ Tô Đình Thế (đời 3) sinh được ba con trai là Tô Đình Nhưỡng, Tô Đình Củng và Tô Đình Chẩm. Hai người con của cụ Chẩm là Tô Đình Khô và Tô Đình Thóc (đời 5). Vào thời Nguyễn Công Trứ lấn biển khai hoang lập ra hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải; cụ Tô Đình Thóc đã đem theo người con trai thứ ba là Tô Đình Đạo cùng hai người con gái là Tô Thị Ngôn, Tô Thị Ngữ và người con của cụ Tô Đình Khô là Tô Đình Lộc vào khai hoang lập ấp ở thôn Tuân Hóa, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Khi tuổi đã già, cụ Tô Đình Thóc trở lại quê hương Trực Nội và mất ở quê. Hai ông Tô Đình Lộc và Tô Đình Đạo ở lại quê hương mới, thành một nhánh của cành Trưởng Họ Tô Sa Ba ở Tuân Hóa.

          Chi Họ Tô Sa Ba nay đã phát triển tới đời 12, với khoảng 200 gia đình và 1.000 nhân khẩu. Chi họ do ông Tô Đình Hịnh (đời 10) làm Tộc trưởng và ông Tô Đình Nghị (cũng đời 10) làm cành Trưởng cành Hai. Cả chi họ đã xây dựng được nhà thờ và cành Hai cũng mới khánh thành nhà thờ riêng của cành. Nhánh Họ Tô Tuân Hóa nay phát triển đến đời thứ 7 (nếu tính theo quê cùng là đời thứ 12) với 69 gia đình và khoảng 230 nhân khẩu. Tuy xa quê đã gần 200 năm nhưng nhánh Họ Tô Tuân Hóa vẫn giữ mối quan hệ dòng tộc với Họ Tô Sa Ba và hàng năm thường cử người về quê gốc theo giỗ tết.

          Một điều đáng quý là dòng họ đã đến đời 12, nhưng cả ở Sa Ba và Tuân Hóa từ cụ Thủy tổ đến các thế hệ hiện nay hàng đinh vẫn chỉ đệm một chữ “Đình”.

          Nghề nghiệp chính của chi họ từ trước đến nay là làm ruộng, dạy học và làm thuốc.

          Trong thời kỳ phong kiến, chi Họ Tô Sa Ba là một chi họ có vị trí quan trọng trong làng xã. Trải qua các đời đã có 3 người làm Lý trưởng, 3 người làm Phó lý, 3 người là Xã tuần; 2 người đỗ Nhất trường, 1 người đỗ Nhị trường và nhiều người làm lương y.

          Đến thời đại Hồ Chí Minh con cháu vẫn phát huy được truyền thống cha ông. Hiện nay trong chi họ có 48 người có bằng đại học; trong đó có 1 Thạc sĩ, 8 bác sĩ, 41 giáo viên và 18 sĩ quan quân đội, công an.

          Một số người thành đạt trong chi họ hiện nay:

          - Tô Đình Hải (đời 10) Đại tá, Thạc sĩ, giảng viên Học viện Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng.

          - Tô Thị Loan, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nay công tác tại Ban Dân vận Trung ương.

          - Tô Đình Dịch – Thường vụ Huyện ủy huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

          - Tô Đình Thức, hai khóa Huyện ủy viên huyện Nam Trực, Bí thư Đảng ủy xã Trực Nội nay là Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trực Nội.

                 Họ Tô Việt Nam