HỌ TÔ LÀNG ĐỒN ĐIỀN, XÃ QUẢNG THÁI, HUYỆN QUẢNG XƯƠNG, TỈNH THANH HÓA


          Đền thờ Thành hoàng làng Đồn Điền, xã Quảng Thái (Ảnh TL)

          Theo chính phả của họ Tô làng Đồn Điền, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa thì Thủy tổ của họ Tô làng Đồn Điền là ngài Tô Văn Bảo tự Chính Đạo người làng Bao Hàm, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh, phủ Thái Bình, trấn Sơn Nam Hạ. Ngày nay là thị trấn Diêm Điền , huyện Thái Thụy , tỉnh Thái Bình.

          Tô Văn Bảo xuất thân trong một gia đình có truyền thống thi thư, quan chức kế thế thuộc dòng dõi Tô Hiến Thành – Một danh thần đời Lý. Bình sinh dáng vóc đĩnh đạc, tư chất thông minh, văn chương trác việt. Ông nội Tô Văn Bảo là Tô Huệ Hưng làm trấn thủ trấn Sơn Nam triều Trần (bao gồm Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên ngày nay). Ông sinh hạ được 2 con trai là Tô Huệ Ân và Tô Huệ An đều làm quan trấn thủ triều Lê Sơ. Tô Huệ An là thân sinh Tô Văn Bảo và Tô Văn Đậu.

       Còn chính phả của họ Tô làng Bao Hàm (Bao Hàm xã Tô Đại Tông thế phả) ghi cụ Tô  Huệ Ân và Tô Huệ An là hai anh em đều làm quan trấn thủ triều Lê Sơ. Được vua cử đi chiêu dân lập ấp ở vùng đất phía Bắc miền duyên hải Trấn Sơn Nam (bao gồm Thái Bình, Nam Định), hai cụ là những người họ Tô đầu tiên đặt chân lên đất Bao Ngạn nay là Bao Hàm và định cư lập nghiệp tại đây. Hai cụ được suy tôn là Thủy tổ họ Tô Bao Hàm. Cụ Tô Huệ Ân lấy bà Đông Quan nhưng không có con. Cụ Tô Huệ An lấy bà Bình Đẳng sinh hạ được 2 con trai là Tô Văn Bảo tự Chính Đạo, Tô Văn Đậu tự Huệ Đạo và 1 gái là Tô Thị hiệu Từ Long. Xét theo gia phả và nhiều tài liệu có liên quan, từ Tô Hiến Thành đến Tô Huệ An, Tô Chính Đạo chỉ cách nhau khoảng 8-9 đời. Vì thế họ Tô Bao Hàm đã xác nhận Tô Hiến Thành là Cao tổ họ Tô Bao Hàm.

          Ngài Tô Văn Bảo thi đỗ giải nguyên triều Lê Thái Tông (1434-1442) và được bổ nhậm chức Ái Châu Thanh Hoa Thừa Tuyên Xứ sứ thần. Niên hiệu Hồng Đức thứ nhất (1470) phụng chỉ đặc sai diệt giặc Chiêm Thành khải hoàn được ban tước Quận công. Niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472) tướng công Tô Chính Đạo cùng với các công thần Phan Thế Hợp, Đỗ Văn Nhuận, Cao Tiến An sử dụng lực lượng tù binh Chiêm Thành, tội phạm khai khẩn đất đai, dụ dân lập ấp kiến an quốc nội lập nên 24 sở đồn điền ở nam phần Thanh Hoa Thừa Tuyên trên phần đất huyện Đông Sơn và 3 huyện của phủ Tĩnh Ninh là Ngọc Sơn, Nông Cống, Quảng Xương được 2443 mẫu. Riêng sở Đồn Điền là 739 mẫu do hai sứ quan Tô Văn Bảo và Uông Ngọc Châu kiến lập gồm 17 xứ đồng. Làng Đồn Điền phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp làng Lưu Huyền, làng Lịch Giang xã Quảng Lưu, phía Bắc giáp làng Đai, xã Quảng Hải, phía Nam giáp làng Bể Thôn, xã Quảng Thái.

          Ngài Tô Văn Bảo có 2 vợ, chính thất phu nhân hiệu Hoa Tươi người huyện Thụy Anh, Thái Bình. Bà sinh hạ được 4 trai,1 gái.

                             Tô Nhất Lang tự Chân Tính

                             Tô Nhị Lang tự Trực Tính

                             Tô Tam Lang tự Vô Vi

                             Tô Tứ Lang tự Huệ Phúc

                             Tô Nhất Nương hiệu Từ Tính

          Bà cùng các con ở lại quê chồng Bao Hàm sinh sống lập nên dòng họ Tô Bao Hàm đến nay có 18 đời con cháu (Tính từ thủy thổ Tô Huệ An).

          Trắc thất phu nhân bà Lê Lệnh thị hiệu Từ Tôn người huyện Thụy Anh, Thái Bình theo chồng vào Ái Châu Thanh Hoa Thừa Tuyên Xứ và lập nghiệp tại làng Đồn Điền, khai sinh ra dòng họ Tô làng Đồn Điền. Đến nay có 17 đời con cháu (tính từ Thủy Tổ Tô Chính Đạo).

          Họ Tô làng Đồn Điền suy tôn ngài Tô Văn Bảo tự Chính Đạo và trắc thất phu nhân Lê Lệnh thị hiệu Từ Tôn là Thủy tổ của dòng họ Tô Đồn Điền.

          Bà Lê Lệnh thị hiệu Từ Tôn sinh được 5 trai 1 gái. Trưởng nữ hiệu Thanh Tân cùng với con trai thứ 3 và thứ 5 mất sớm. Còn trưởng thành 3 nam là :

                   Tô Đại Lang tức Tô Văn Dinh tự Huyền Cơ

                   Tô Thứ Lang tức Tô Văn Vinh tự Phả Quang

                   Tô Tam Lang tức Tô Văn Linh tự Huyền Thông.

          Để con cháu, hậu duệ đời sau được rõ xin chép ra đây một số tư liệu có liên quan trực tiếp về hai chi họ Tô Bao Hàm và Đồn Điền.

          Trong phả tộc Bao Hàm xã Tô Đại Tông thế phả ghi: các bài văn khấn

          Bài 1:

          Tây Sơn tú khí

          Thượng Cao chính tộc

          Noi Cáo đỉnh sinh

          Tô Xuyên phiệt duyệt

           Quảng Nạp sơ lưu

           Bao Hàm lập ấp

Bài 2:

Tiền cư Noi Cáo

Hậu đáo Tô Xuyên

Ký cư Quảng Nạp

Lập ấp Bao Hàm

           Hai bài văn khấn này nói rõ nguồn gốc họ Tô Bao Hàm từ đâu đến. Noi là Kẻ Noi (làng Noi), xã Cổ Nhuế, Cáo là Kẻ Cáo (làng Cáo), xã Xuân Đỉnh, Thượng Cao là làng Thượng Cát, cả 3 làng này đều thuộc huyện Từ Liêm – Hà Nội.

           Còn ở các nhà thờ làng Đồn Điền có một số đôi câu đối nói rõ quê hương, bản quán ký cư và định cư của họ Tô làng Đồn Điền

Bao Hàm kế xuất nguồn kia cội nọ mãi xum xuê

Quảng Nạp đễnh sinh lá ngọc cành vàng thêm tươi tốt

          Như vậy dòng họ Tô Bao Hàm và họ Tô Đồn Điền là cùng 1 gốc  tổ sinh ra.

          Họ Tô làng Đồn Điền tính từ khi ngài Tô Văn Bảo được bổ nhậm làm Thừa Tuyên Xứ Ái Châu (1472) đến nay đã hơn 550 năm, đời nối đời đều có người tài cao đức trọng như tướng công Tô Trung Thành, tằng tôn của đức Thủy tổ Tô Văn Bảo, ngài được giao chức thống lĩnh binh hải thuyền canh giữ biên cương hải đảo tiễu trừ giặc Chà Và, Xiêm La, Chiêm Thành. Do lập được nhiều chiến công hiển hách trong việc gìn giữ phên dậu phía Nam nước Đại Việt ngài được phong tước Quận công. Khi mất ngài được phong trật phúc thần giao cho làng Hà Đông phụng tờ. Tô Văn Oáng tự Quảng Lộc Thích Đại danh sư kiêm toàn y nho lý số; Tô Văn Thuận tức cụ Tô Tiên nho sư nổi tiếng cả vùng Thanh Nghệ. Thời đại Hồ Chí Minh có ông Tô Huy Rứa là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng.

          Quan Đồn Điền Tô Văn Bảo và Uông Ngọc Châu là bậc tôn thần có công giữ nước, cứu dân, khi hai ngài mất được Vua Lê Thánh Tông ban sắc phong và cho dân Đồn Điền lập đền thờ. Các triều đại sau đó phong lên bậc Phúc thần để báo đáp ơn sâu sự nghiệp trung hưng đất nước và giao cho làng Đồn Điền thờ phụng. Do điều kiện thiên nhiên và sự biến thiên của lịch sử, sự bảo quản không tốt nên hiện nay chỉ còn giữ được 1 đạo sắc phong dưới thời Khải Định (xem sắc phong cuối bài). Kị nhật của ngài Tô Chính Đạo vào ngày 4 tháng Tư âm lịch, mộ ở xứ Đồng Lị, tọa Tốn hướng Càn tục gọi Mả cố.

          Năm Tân Mão 2011 con cháu họ Tô làng Đồn Điền đã sửa sang đường sá tôn tạo khu lăng mộ của Thủy tổ Tô Văn Bảo tự Chính Đạo và trắc thất phu nhân Lê Lệnh thị hiệu Từ Tôn đẹp đẽ khang trang xứng đáng với công lao của Người. Ngày kị Tổ ông vào mùng 4 tháng Tư và Tổ bà mùng 2 tháng Năm âm lịch, con cháu nội ngoại 3 ngành Tô Ngọc, Tô Văn, Tô Vũ đến đây cầu nguyện dâng hương và chăm sóc phần mộ Ngài.

          Đền làng Đồn Điền thờ phụng nhị vị Thành hoàng Tô Văn Bảo và Uông Ngọc Châu. Trước đây đền được xây dựng trên một mặt bằng khá rộng khoảng 10ha cây cối um tùm, rậm rạp, có cây cổ thụ hai người ôm không xuể, đền rất linh thiêng ứng nghiệm, thuyền bè đi qua đều phải hạ cột buồm. Kiến trúc đền gồm một dãy nhà  tiền đường 5 gian theo kiểu chồng rường, kẻ bẩy và một hậu cung (chính tẩm) nối với tiền đường tạo thành hình chữ đinh (    ) . Trong kháng chiến chống Pháp được bảo toàn nguyên vẹn. Từ năm 1962 – 1965 đền bị phá dỡ hoàn toàn. Năm 1992 dân làng Đồn Điền xây dựng lại đền trên nền đất cũ để tưởng nhớ đến các vị Thành hoàng đã có công mở cõi và thành lập làng hơn 500 năm trươc. Năm 2002 ngôi đền lại được trùng tu tôn tạo lại gồm 5 gian tiền đường, thiết kế theo kiểu tường hồi bít đốc. Nối với dãy nhà tiền đường là hậu cung 3 gian nơi đặt bàn thờ và ngai vị các thần. Cũng năm 2002 Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra quyết định công nhận đền Đồn Điền là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.

          Với tấm lòng thành kính và tri ân tiên tổ đồng thời chuẩn bị cho kỉ niệm 540 năm thành lập làng Đồn Điền, ngày 18 tháng 3 năm 2012 bà Trương Tuyết Nhung phu nhân của ông Tô Huy Rứa, con dâu của dòng họ Tô làng Đồn Điền đã phát tâm công đức và trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng lại đền Đồn Điền khang trang, bề thế, nguy nga hơn trước.

          Trong đền còn giữ được nguyên vẹn các bức hoành phi câu đối.

          1) Kinh lý cộng đồng Uông lệnh Tổ

           Trung trinh đệ nhất Lý danh thần

          Tạm dịch: Việc kinh bang tế thế ông đã cùng tiến hành với lệnh Tổ họ Uông (Uông Ngọc Châu) còn lòng trung quân báo quốc được nối tiếp từ bậc danh thần  đời Lý (Tô Hiến Thành).

          2) Tích phân Việt địa trung hưng tướng

          Danh chấn Nam thiên thượng đẳng thần

         Tạm dịch: Xưa kia Người là vị Tướng trung hưng đất Việt, danh tiếng của Người bậc thượng đẳng vang động trời Nam.

          3) Công tại tiền triều danh tại sử.

          Sinh vi lương tướng tử vi thần

          Tạm dịch:Công lao ở triều trước danh ghi vào sử sách, khi sống làm vị tướng, khi chết thành thần .

          Họ Tô Làng Đồn Điền đến đời thứ 4 thì chia làm 3 ngành , mỗi ngành có một nhà thờ riêng.

          Ngành cả Tô Ngọc thờ Thủy tổ Tô Văn Bảo, trắc thất phu nhân Lê Lệnh thị hiệu Từ Tôn và Thế tổ Tô Văn Dinh tự Huyền Cơ và các liệt tổ liệt tông của ngành cả.

          Ngành 2 Tô Văn thờ Thế tổ Tô Văn Vinh tự Phả Quang và các liệt tổ liệt tông của ngành 2.

          Ngành 3 Tô Vũ thờ Thế tổ Tô Văn Linh tự Huyền Thông và các liệt tổ liệt tông của ngành ba.

          Họ Tô là họ lớn nhất trong 13 dòng họ đang sinh sống ở làng Đồn Điền, theo thống kê chưa đầy đủ đến tháng 12 năm 2012 Họ Tô Đồn Điền có khoảng 1400 đinh trong đó Tô Ngọc khoảng 360 đinh, Tô Văn 670 đinh, Tô Vũ khoảng 330 đinh.

          Họ Tô làng Đồn Điền không xây nhà thờ Đại Tôn tức không có nhà thờ họ chung. Vì ngài Tô Văn Bảo là Thành hoàng làng nên con cháu 3 ngành cùng với 13 dòng họ của làng cùng cúng tế tại đền. Ngày kỵ của Thế tổ từng ngành làm lễ cúng tế riêng. Song cứ đến ngày 4 tháng Tư kỵ nhật thủy tổ Tô Văn Bảo tại từ đường ngành nhất (Tô Ngọc) hai ngành Tô Văn, Tô Vũ có cỗ dâng Người và cùng vui tế lễ.

            Hậu duệ đời thứ 14 Thủy Tổ Tô Văn Bảo

            Tô Văn Thặm