
Học sinh Trường THCS Nam Cường, làm vệ sinh bảo vệ môi trường (Ảnh TL)
Xa xưa làng Nguyễn thuộc xã Ngân Giá, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, nay là xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ở đây có dòng Họ Tô, Họ Nguyễn, Họ Vũ từ đâu về lập nghiệp đã lâu đời. Trong gia phả không ghi lại nên con cháu cũng không biết rõ. Người Họ Nguyễn là đông nhất, lại ở đầu làng có lẽ vì thế tên làng là Nguyễn.
Họ Tô còn giữ được một bản tộc phả chữ Hán - Nôm. Tộc phả cho biết năm Canh Thân (1790) thời Hậu Lê, chúa Trịnh lúc đó là Trịnh Giang chỉ lo ăn chơi xa xỉ, cuộc sống trăm họ vô cùng khổ cực. Vì sưu cao thuế nặng, lại phải đi phu, đi lính phục vụ cho cuộc chiến “Trịnh - Nguyễn phân tranh” nên nhiều nông dân nổi lên chống lại. Nhân dân xã Ngân Giá dưới sự chỉ huy của hai tướng Vũ Đình Dung và Nguyễn Danh Chấn tục gọi là Quận Giao, Quận Phả đã nổi lên chống lại triều đình. Triều đình quy tội làm giặc gọi là “giặc làng cà” (vì ở đầu làng có một chợ chuyên bán cà), đem quân đánh dẹp suốt 5 năm. Cuộc nổi dậy thất bại, làng xóm tan hoang, hơn chục năm không có người ở, nhân dân phiêu bạt khắp nơi. Hiện nay vẫn còn ngày giỗ trận vào tháng Ba (tháng ba giặc làng cà phát lác).
Mãi đến năm 1763, có ông quan lớn là Nguyễn Công Chính chiêu dân các họ về lập lại làng lấy tên là làng Tề Cách, sau đổi là Gia Ngân, lại đổi là Gia Hòa. Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 xã đổi lại là Nam Cường.
Theo Tộc phả Thủy tổ Họ Tô làng Nguyễn (trong gia phả là đệ nhất Thế tổ) là Tô Phúc Tài đời 2, đời 3 cũng chỉ có 1 con trai. Đến đời thứ 4 có 3 con trai là Tô Phúc Kiến, Tô Hữu Dư, Tô Phúc Đĩnh trở thành ông Tổ của 3 cành họ.
Cành Trưởng là Tô Phúc Kiến, lúc quân triều đình đàn áp, chạy về xã Đại Đê, huyện Vụ Bản sinh một con trai là Tô Phúc Khang, lấy vợ định cư ở lại đó đến nay đã được 11 đời (nếu tính từ Thủy tổ Tô Phúc Tài là đời 14).
Cành Thứ cụ Tô Hữu Dư đứng làm Trưởng, phụng sự Tổ tiên. Cành này đời 8 có cụ Tô Văn Đình đi lập nghiệp ở xã Tống Xá, huyện Vụ Bản. Nhưng con cháu cụ Đình sau cũng đi lập nghiệp ở Tuyên Quang nên hiện nay ở Tống Xá không còn ai. Đời 9 có cụ Tô Đức Hoan ra ngoài tỉnh Đông (Hải Dương) lập nghiệp ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách.
Cành Thứ ba cũng ở quê nhưng đến đời thứ 8 chỉ có 1 con trai là Tô Đức Mễ đi đâu không thấy về nên cành này không còn ai.
Họ Tô làng Nguyễn hiện nay vẫn còn truyền tụng 4 câu ca về dòng họ:
Họ Tô chính ở Nam Thành (Thành Nam tức Nam Định)
Đại Đê, Tống Xá lại cành Hải Dương
Đất bẩm sinh con dòng cháu giống
Lập Từ đường thờ phụng Tổ tông
Đến đời thứ 11, 12 lại có thêm nhiều người đi lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Thanh Hoá, Hà Nội… Hàng năm vào ngày giỗ Tổ, Tết, Thanh minh con cháu các nơi đều về dâng hương tri ân Tổ tiên.
Riêng cành 2 ở quê nay đã đến đời 14, có 80 hộ và hơn 300 nhân khẩu. Nghề chính là làm ruộng. Có một số người làm thầy thuốc nổi tiếng trong họ gọi là cụ Lương như cụ Lương Khoát (Tô Văn Khoát, đời 8), cụ Lương Chiến (Tô Đức Chiến, đời 9), cụ Lương Khương (Tô Văn Khương, đời 10).
Họ Tô làng Nguyễn xây được Nhà thờ năm Nhâm Thân (1872), đã phải tu sửa nhiều lần và đến năm 2006 được Tộc trưởng Tô Văn Du, đời thứ 12 xây dựng lại. Trong Từ đường còn giữ được 2 đôi câu đối, mặt sau gỗ đã lũa, lạc khoản ghi là câu đối do Tiến sĩ Tả thị lang bộ Lễ, lĩnh Quốc tử giám tế tửu Mỹ Đình Khiếu Năng Tĩnh và Tiến sĩ tri phủ cựu hào Nguyễn Văn Tính soạn. Việc này chứng tỏ Họ Tô làng Nguyễn cũng là một dòng họ danh giá.
Trong Tộc phả còn ghi đời 6 có Tô Tướng Công tự là Xuân Bính nghe truyền lại là quan Tứ trụ triều đình (?), đời 9 có cụ Tô Đức Hân thường gọi là Cử Hân. Ngoài các lương y còn có nhiều người đỗ Tú tài, làm tiên chỉ, lý trưởng, phó lý, cai hợp, thư lại….
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chi họ có 32 người tham gia lực lượng vũ trang. Có cụ Nguyễn Thị Trà con dâu đời thứ 11 là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong chi họ có 18 người có bằng đại học, 6 thạc sĩ và 1 tiến sĩ.
Tô Xuân Đông (Đời 11 Họ Tô làng Nguyễn)
- Họ Tô làng Nhu Gia xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng
- HỌ TÔ LÀNG GIA HÒA, THỊ TRẤN PHÚC THỌ, HUYỆN PHÚC THỌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
- HỌ TÔ LÀNG ĐỒN ĐIỀN, XÃ QUẢNG THÁI, HUYỆN QUẢNG XƯƠNG, TỈNH THANH HÓA
- HỌ TÔ LÀNG CỔ ĐAM, XÃ YÊN PHƯƠNG, HUYỆN Ý YÊN, TỈNH NAM ĐỊNH
- HỌ TÔ LÀNG AN HÒA (NAY LÀ PHƯỜNG YÊN HÒA), QUẬN CÂU GIẤY, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
- HỌ TÔ KHU PHỐ 4, PHƯỜNG PHÚ KHƯƠNG, THÀNH PHỐ BẾN TRE, TỈNH BẾN TRE
- Họ Tô huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang
- Họ Tô huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình
- HỌ TÔ HUYỆN THỐNG NHẤT, TỈNH ĐỒNG NAI
- HỌ TÔ HUYỆN SƠN DƯƠNG, TỈNH TUYÊN QUANG
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” và nhà thơ Lê Anh Xuân
- Đất nước và người mẹ trong thơ Tạ Hữu Yên
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”



