Đền Bạch Mã và Thành Đại La


Hỏi về chùa ở Thăng Long - Hà Nội, rằngngôi chùa nào cổ nhất, thì câu trả lời là:chùa Trấn Quốc (ở hồ Tây) với tên gọi lúc ban đầu (thời Lý Nam Đế, thế kỷ thứ VI) là Khai Quốc, và tên gọi thứ hai (ở thế kỷ thứ XV,thời vua Lê Thái Tông) là An Quốc.

Còn hỏi về đền ở Thăng Long - Hà Nội, rằng ngôi đền nào cổ nhất, thì câu trả lời là:Đền Bạch Mã ( ở phố Hàng Buồm).

Nếu chùa Trấn Quốc có niên đại khởi dựng là thế kỷ thứ VI, thì đền Bạch Mã ra đời vàothế kỷ thứ IX. Cả hai đều ở vào đầu thời kỳ trước khi vua Lý Thái Tổ định đô ở ThăngLong: thời tiền Thăng Long

Nếu chùa Trấn Quốc đầu tiên là do vua Lý Nam Đế tạo lập khi mở nước Vạn Xuân, xây đài Vạn Xuân, đắp thành sông Tô Lịch, thì đền Bạch Mã lúc ra đời, có sự tích liên quan đến việc xây thành Đại La của viên quan đô hộ nhà Đường là Cao Biền.

Chuyện kể rằng: Cao Biền xây thành Đại La vào năm 886, Thành này có chu vi - lấy con số tròn - 6km, gồm vòng tường kèm một con đê, chạy bao quanh tâm điểm - cao điểm -thiêng điểm, là ngọn núi Long Đỗ (núi Rốn Rồng, tức núi Nùng).

Một hôm, Cao Biền từ trong thành đi ra phía ngoài cửa Đông, trông sông Tô Lịch mà ngắmsóng. Bất chợt một vòng mây ngũ sắc hiện ra.Một lão trượng quắc thước, ẩn hiện trong mây, trừng mắt nhìn viên quan đô hộ ngoại bang.

Vốn là một kẻ cai trị cáo già, Cao Biền biết ngay đó là thần sông, và có tên cũ là Tô Lịch.Đồng thời biết cả một tên nữa của thần Long Đỗ. Vì trước khi thành thần hóa thánh, đây vốn là một người già làng, đứng đầu hương Long Đỗ - ngôi làng đầu tiên của đất Thăng Long - Hà Nội, do chọn ngọn Long Đỗ làm chỗ dựa của làng, nên tên núi cũng thành tên làng, rồi tên làng cũng thành tên thánh luôn.

Cuộc đấu sức giữa thần Long Đỗ - Tô Lịch với kẻ thống trị ngoại bang Cao Biền diễn ra ngay sau đấy. Vốn là tướng khát máu, quan cai trị cáo già, kiêm thầy phù thủy cao tay, CaoBiền dùng ngay món võ quen thuộc là lấy các thứ kim loại đồng, sắt, làm bùa phép để yểm trừ Long Đỗ - Tô Lịch! Nhưng vị thần linh của đất Thăng Long - Hà Nội, có vượng khí non sông phương Nam và dân chúng nước Việt ủng hộ, còn cao tay hơn cả tên kinh lược sứ phươngBắc. Ngay trong đêm, sấm sét đã ầm ầm nổi lên, đánh cho các bùa yểm của Cao Biền vụn ra như cám!.

Sáng ngày ra, Cao Biền thấy các phép của mình thất bại, chỉ còn cách than thở: "Đất này có thần linh, ta không thắng nổi nó, ắt có ngày cuốn gói ra đi thôi"!

Quả nhiên ứng nghiệm! Năm 905, đế chế nhà Đường bên chính quốc rệu rã, suy vong. Các kinh lược sứ của nhà Đường ở đất Việt bị triệu hồi, thất tán. Hào trưởng Hồng Châu (HảiDương) là Khúc Thừa Dụ, nhân cơ hội, đưa lực lượng lên chiếm giữ thành Đại La, làm chủ nước Việt kết thúc hơn nghìn năm đại họa Bắc thuộc, mở ra giai đoạn trăm năm chuyển hóa từ Đại La thành sang Thăng Long thành.

Trở lại chuyện Cao Biền thua ở trận chiến tâm linh với thần Long Đỗ - Tô Lịch, nhưng vẫn "fair play" (chơi đẹp) viên kinh lược sứ Bắc phương trước khi cuốn gói ra đi, còn kịp "chào thua" bằng cách cho xây ngay một ngôi đền, tôn vinh thờ phụng người chiến thắng, ở chính nơi đã diễn ra trận chiến huyền kỳ ở mé ngoài cửa Đông thành Đại La, trông ra sông Tô Lịch.

Chính là ngôi đền Bạch Mã bây giờ.

Đây là nơi "Đông trấn linh từ" - đền thiêng trấn giữ phía Đông (của kinh đô nước Việt). Vì,hơn trăm năm sau lúc dựng đền thờ thần Long Đỗ - Tô Lịch, đã diễn ra đại sự Lý Thái Tổ thiên đô Hoa Lư - định đô Thăng Long. Nhà vua cho sửa sang, tôn tạo, gần như xây mới lại tòa Đại La thành, làm nơi triều hội trăm quan, tụ hội muôn dân: Thăng Long thành. Nhưng không hiểu sao thành cứ xây lên là đổ. Lý Thái Tổ bèn đến ngôi đền thờ thần Long Đỗ bên sông Tô Lịch, cầu khấn thần linh giúp đỡ. Đêm ấy, nhà vua nằm mộng thấy có Ngựa Trắng, từ trong đền bước ra, đi một vòng từ Đông sang Tây, lại từ Tây sang Đông, rồi biến mất vào đền. Biết là thần Long Đỗ đã hiển linh thành Ngựa Trắng chỉ bảo: cứ theo dấu chân ngựa mà xây thành, Lý Thái Tổ răm rắp làm theo, quả nhiên thành công.

Cảm cái ơn ấy, vị vua đầu triều nhà Lý, người khai sinh kinh đô Thăng Long, đã ban cho ngôi đền thờ thần Long Đỗ bên sông Tô Lịch cái tên lạ: đền Ngựa Trắng (Bạch Mã).

Trích sách

"Kể chuyện ngàn xưa Thăng Long - Hà Nội"

Của Ban Tuyên Giáo thành ủy Hà Nội

Nhà xuất bản Hà Nội năm 2010