Theo sử Giao Châu Ký và truyện Báo Cực thì Vương vốn họ Tô, tên Lịch, làm quan Lệnh ở Long Đô; Vương vẫn ở Long Đô, làng ở trên bờ sông nhỏ, gia tư không hào phú lắm, tề gia lấy sự hiếu đễ làm trọng, đã ba đời nhân nhượng nhau không ở riêng biệt.
Thời nhà Tấn thì đậu Hiếu Liêm, có lời chiếu biểu dương môn lư của Vương, gặp năm mất mùa thiếu ăn, chiếu đong lúa kho cho Vương, lấy tên Vương là Tô Lịch đặt tên thôn.
Thời vua Mục Tông nhà Đường, năm Trường Khánh thứ hai, quan Đô Hộ Lý Nguyên Hỷ thấy ngoài cửa bắc thành Long Biên có dòng nước chảy ngược, địa thế khả quan mới tìm chỗ cao ráo để dời phủ lỵ đến; quy chế trù liệu là cửa kép tường đôi, bốn hướng vây tròn, nhà cửa san sát, ấy là cố trạch của Vương lúc sinh thời vậy. Nhân cơ hội ấy, quan Đô Hộ giết trâu đặt rượu, mời tất cả các kỳ lão hương thôn đến ăn uống, rồi thuật chuyện muốn tâu xin phụng Vương làm thành hoàng thì trên dưới một lòng, mưu tính bàn bạc với nhau rất là thỏa thiếp.
Khi ấy bàn tính việc khởi công làm đền thờ, chẳng bao lâu đền thờ làm xong thì là một toà đền lớn, nguy nga tráng lệ; ngày khánh thành, trăm điệu múa đều có, đàn địch vang trời. Đất bởi người mà đẹp, người bởi đức mà long trọng, có phải vậy không?
Đêm ấy, Nguyên Hỉ đang yên lặng nằm bên cửa sổ, hốt nhiên một trận thanh phong ào ào thổi đến, bụi cuốn cát bay, rèm lay án động, có một người cỡi một con hươu trắng từ trên không chạy xuống, mày râu bạc phơ, áo xiêm sặc sỡ, nói với Nguyên Hỉ rằng:
– Mông được Sứ quân uỷ cho ta chủ thành, nếu Sứ quân có giáo hóa cư dân trong thành cho hết lòng hết sức thì mới sung được nhiệm vụ của quan thú mục, mới xứng với trách nhiệm của một bậc tuần lương.
Nguyên Hỷ vái tạ xin vâng, hỏi đến họ tên thì không đáp. Hốt nhiên tỉnh dậy mới hay là mộng.
Kịp đến lúc Cao Biền xây thành Đại La, nghe Vương linh dị, lập tức đem lễ điện tế bái chức Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân.
Thời Lý Thái Tổ dời đô thường mộng thấy một ông đầu bạc, phảng phất đứng trước bệ rồng, cúi đầu lạy hai lạy hô vạn tuế. Vua lấy làm lạ, hỏi tính danh thì ông tâu rõ lai lịch như thế. Vua cười bảo rằng:
– Tôn thần cũng giữ được hương lửa trăm năm hay sao?
Ông liền đáp:
– Mong muốn hoàng đồ như Thái Sơn bàn thạch, thánh thọ vô cương, trong triều ngoài quận thái hòa, bọn thần không chỉ hương hỏa một trăm năm mà thôi.
Vua tỉnh dậy, khiến quan Thái chúc đem rượu đến tế, phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương. Dân cư cầu đảo hoặc thề nguyện điều gì, lập tức thấy họa phúc linh ứng.
Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong hai chữ Bảo Quốc; năm thứ tư, gia phong hai chữ Hiển Linh, năm Long Hưng thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Định Bang.
Thực là cái đức của quỷ thần rất là thịnh vậy. Tuy rất tối mà rất sáng, rất kín mà rất hở. Cho nên bảo rằng: thông minh, chính trực gọi là Thần, không nên lấy thước tấc mà đo lường được. Xem như việc linh dị của Tô Lịch há chẳng nên sợ hay sao?
Ôi! Lịch vốn con nhà dòng dõi trâm anh, chỗ ở vào nơi biển bãi, tùy nhà lấy đức, hiếu đễ hòa làng giềng, lớn nhỏ thỏa thiếp, gần xa vui vầy; chỉ nhờ nết tốt hiếu đễ mà đậu được khoa hiếu liêm, có lời chiếu chỉ khen thưởng, nhà nghèo lấy sự thanh bạch giữ mình, chí tháo ngày thường, đã hơn kẻ tầm thường gấp bội.
Tuy sinh tiền được cái vinh danh nước Bắc chiếu nêu, sau khi chết anh linh phi thăng không mất.
Ban đầu báo mộng cho Nguyên Hỷ mà đài cao, gác rộng từ đó mộng ân, kế lại báo vào trong mắt Lý Đế mà muôn dặm cân nhắc, một hàng phụng chiếu xuống Thiên thư, muôn thuở tiếng linh không dứt, thì so với các người sống làm chức Khanh Tướng, chết được vua bao phong, há chẳng phải trong khó mà có dễ, trong dễ mà có khó hay sao?
Ghi chú:
1) Theo Cương Mục (tiền biên, IV, 31) thì Tô Lịch là một nhánh sông Nhị. Theo Thanh Nhất Thống Chí sông Tô Lịch đi từ phía đông thành phủ Giao Châu chuyển sang phía Bắc rồi đi sang phía Tây thẳng đến sông Nhuệ. Xưa kia có người tên là Tô Lịch ở đấy, cho nên gọi sông ấy là sông Tô Lịch. Hồi đầu niên hiệu Vĩnh Lạc (1403-1424) nhà Minh, Hoàng Phúc lại đào thêm, nhân đổi tên là sông Lai Tô. Nay ở phía đông tỉnh Hà Nội, huyện Thọ Xương có một cửa sông, đấy là chỗ phân lưu từ sông Nhị.
2) Về Lý Nguyên Hỉ, Cưu Đường Thư (quyển 17 thượng, tờ 5b) viết: Năm Bảo Lịch nguyên niên (825) tháng 5, Lý Nguyên Hỉ ở An Nam tâu xin di chuyển đô hộ phủ sang bờ sông phía Bắc.
TÔ DUY PHƯƠNGsưu tầm
- Thông báo Lễ dâng hương kỷ niệm 845 năm giỗ Danh nhân Tô Hiến Thành
- THÔNG BÁO LỄ KỶ NIỆM 922 NĂM NGÀY SINH THÁI ÚY TÔ HIẾN THÀNH
- Tổ chức kỉ niệm 921 năm ngày sinh danh nhân Tô Hiến Thành
- Thông báo Kế hoạch tổ chức Lễ dâng hương Kỷ niệm 843 năm ngày giỗ danh nhân Tô Hiến Thành
- Chương trình Tổ chức Lễ dâng hương kỉ niệm 920 năm ngày sinh Danh Nhân Tô Hiến Thành
- Lễ kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 841 của Danh Nhân Tô Hiến Thành
- Chúc văn Lễ Dâng tặng Lộc bình thờ Đền Bạch Mã
- Thông báo Lễ kỷ niệm 918 năm ngày sinh Danh nhân Tô Hiến Thành.
- Lễ kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 840 của Danh Nhân Tô Hiến Thành
- Thông báo lễ hội Đình Làng Thuần Lương nơi thờ thần Tô Lịch (thần Bạch Mã)
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐÃ GÓP TIỀN LÀM SÁCH HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG QUÝ IV-2013
Hôm nay : 1583
Tháng hiện tại : 18286
Tổng lượt truy cập : 2748729