HỌ TÔ PHƯỜNG ĐÔNG HƯNG THUẬN

Nhân dân phường Đông Hưng Thuận làm vệ sinh đường phố đón Xuân Tân Sửu 2021 

                                                      Ảnh: Tuấn Lê

Họ Tô phường Đông Hưng Thuận (quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) là một chi nhánh của Họ Tô lớn, có gốc tích ở chùa Cây Mai (Chợ Lớn). Sau này Pháp phá chùa và xây thành đồn Cây Mai, năm 1925 đổi lại tên là đồn Pháp Thủ.

          Họ Tô phường Đông Hưng Thuận, xưa kia có gia phả do người cháu, đời thứ ba, ngành út là Tô Văn Danh lập vào những năm cuối thế kỷ 19, hoặc đầu thế kỷ 20.

          Trải qua chiến tranh và những lần sửa chữa nhà cửa, cuốn gia phả bị thất lạc. Đến năm 1986, cháu nội của ông Tô Văn Danh là Tô Văn Ba đã đi hỏi những người cao tuổi, trong dòng họ, sưu tầm tư liệu, trong gần 20 năm, đến tháng 11 – 2004 mới xuất bản cuốn gia phả mới.

          Gia phả tuy có nói đến gốc gác và các đời trước, nhưng chủ yếu chép về ngành út của chi họ là ngành ông Tô Văn Thới.

          Như trên đã nói, dòng Họ Tô này phát tích từ chúa Cây Mai. Trải qua mấy đời mới đến Thủy tổ của dòng họ (tính từ đời 1) lập nghiệp ở đây khoảng năm 1800. Thủy tổ không biết tên là gì, sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái).

Cụ hai Tô Văn Tường, sinh được 10 người con (3 trai, 7 gái).

          Cụ ba Tô Văn Thạnh, chỉ sinh được 1 người con trai, nhưng người con trai này cũng sinh được nhiều con cháu.

          Cụ tư Tô Thị Bình sinh được 3 người con trai.

          Cụ năm Tô Văn Thới, sinh được 6 người con (2 trai, 4 gái) là các ông, bà: Tô Văn Danh, Tô Thị Điền, Tô Thị Hợi, Tô Thị Phòng, Tô Văn Dự và Tô Thị Trích.

          Cụ sáu Tô Thị Lựu, có chồng là Nguyễn Ánh Viết, sinh được 5 người con (2 trai, 3 gái).

          Cuốn gia phả này chủ yếu chép về ngành năm – cụ Tô Văn Thới. Còn ngành cụ hai Tô Văn Tường và cụ ba Tô Văn Thạnh cũng đông con, nhiều cháu, nhưng nay vẫn chưa sưu tầm được.

          Cụ Tô Văn Thới làm quan văn ở tỉnh Thuận Kiều – Bà Điểm (?), sau này thuộc tỉnh Gia Định; có bạn là cụ Nguyễn Ánh Thủ, là quan võ. Cụ Tô Văn Thới đứng gả em gái là cụ Tô Thị Lựu cho con trai lớn của cụ Nguyễn Ánh Thủ là Nguyễn Ánh Viết.

          Lúc Pháp tấn công, tỉnh Thuận Kiều thất thủ, cụ Tô Văn Thới chạy về Gò Cát, lúc đó là xã Bình Hưng, thuộc huyện Bình Chánh hiện nay. Còn cụ Nguyễn Ánh Thủ là quan võ, nên mộ quân đánh lại quân Pháp và bị tử trận.

          Khoảng năm 1890 – 1900, cụ Tô Thị Lựu - vợ cụ Nguyễn Ánh Viết làm mai cưới vợ cho cháu là Tô Văn Danh (con lớn của cụ Tô Văn Thới). Ông Tô Văn Danh về bên vợ ở xã Trung Hưng, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định; sau là xã Đông Hưng Thuận, quận Hóc Môn; nay là phường Đông Hưng Thuận, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

          Ông Tô Văn Danh là người tài hoa, văn hay, chữ tốt, vẽ giỏi, có tài điêu khắc, còn để lại nhiều kỷ vật ở nhà thờ Tổ. Và ông đã viết cuốn gia phả Họ Tô xã Đông Hưng Thuận, sau bị thất lạc.

          Họ Tô phường Đông Hưng Thuận nay đã đến đời thứ 7, với 330 hộ,  (Họ Tô Đông Hưng Thuận ghi cả con trai, con gái và các thế hệ kế tiếp của con trai, con gái vào gia phả nên 330 hộ là tính cả nội ngoại) tập trung ở Đông Hưng Thuận và một số xã kế bên. Trước đây chủ yếu làm nghề nông. Từ năm 1985, dần dần hết đất nông nghiệp, con cháu trong họ chuyển sang làm mọi ngành nghề: viên chức nhà nước, công nhân các xí nghiệp, thủ công, buôn bán, dịch vụ… Đời sống trung bình khá, không còn hộ nghèo.

          Con cháu Họ Tô phường Đông Hưng Thuận, các đời đều có người tham gia chống Pháp, chống Mỹ từ phong trào Thiên Địa Hội, đến các phong trào cách mạng, do Đảng lãnh đạo. Đời 4 có ông Tô Văn Út nuôi giấu cán bộ của Đảng năm 1936; nhà ông Tô Văn Bình là nơi hội họp của các tổ chức bí mật của Đảng; ông Tô Văn Tống bị tù tại Côn Đảo và mất ở đảo năm 1941.

          Trong họ có 4 liệt sĩ là:

          Tô Văn Giê, đời 5 hoạt động bí mật bị địch bắt tù đày. Năm 1954 trao trả tù binh, tập kết ra Bắc, tham gia làm đường sắt và hy sinh ở Phủ Lý, Hà Nam.

          Trương Văn Nô, con rể đời 5, hoạt động cách mạng, năm 1959 bị địch bắt và bắn chết tại chỗ.

          Trương Văn Lang, cháu ngoại đời 6 (con ông Trương Văn Nô) làm liên lạc hy sinh năm 1968.

          Tô Văn Chệt, đời 6, năm 1968 hy sinh khi dẫn bộ đội tấn công sân bay Tân Sơn Nhất.

                                                                              Tô Văn Ba (đời 5)