HỌ TÔ LÀNG AN HÒA (Nay là phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy)


Đảng ủy phường Yên Hòa trao tặng Huy hiệu 30, 40, 45 năm tuổi Đảng cho đảng viên

An Hòa là một xã bên bờ sông Tô Lịch, xưa kia thuộc tổng An Hạ, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Sau thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Sơn Tây rồi huyện Từ Liêm và nay là quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Họ Tô về đây định cư sinh sống đã rất lâu đời, có thể là một trong những chi họ có mặt đầu tiên ở làng cổ An Hòa. Vì vậy mộ cụ Thủy tổ của Họ Tô An Hòa được đặt ở vị trí cao nhất trong nơi chôn cất của làng là bãi Mỏ Phượng.

Thủy tổ không rõ tên húy là gì, chỉ biết tên hiệu là Minh Thông, giỗ tổ ngày 6 tháng Tư âm lịch.

Chi họ trước đây có gia phả gọi là cựu phả viết bằng chữ Hán rất chi tiết đầy đủ. Nhưng những năm kháng chiến 1946-1947 gia đình Trưởng tộc đi tản cư, nhà cửa bị đốt phá nên cựu phả không còn. Khoảng năm 1951 - 1952 hồi cư về, cụ Trưởng tộc mới sưu tầm viết lại nhưng không đầy đủ.

Theo gia phả nói thì Họ Tô là một họ lớn lâu đời và là họ có vị trí cao trong xã hội, nên nhiều người phát triển đi làm ăn hoặc đi làm quan nơi khác. Trong gia phả còn ghi danh 3 cụ có đỗ đạt và làm quan, nhưng vì ghi bằng chữ Hán lại là tên ngày xưa nên đến nay con cháu cũng không biết chính xác bằng cấp, chức tước của các cụ:

Tô Đắc Danh hiệu Phúc Thuần, Tân Mão khoa chứng thứ thư toán phụng trấn Sơn Tây xứ(*).

Tô Đức Tiến hiệu Thụy Phương, Tân Tỵ khoa chứng thứ toán, trấn sung tự phủ đầu tả thủ phủ tác chỉ Đường An huyện(*).

Tô Trọng Phan hiệu Thụy Cương, mẫu tác chỉ Thanh Lan tri huyện(*).

Tên các cụ có lẽ là tên chữ, còn Họ Tô Yên Hòa qua nhiều đời đều chỉ là một họ Tô Văn.

Có lẽ do đi làm ăn, phát triển ra các nơi khác nên Họ Tô làng An Hòa tuy là một chi họ lâu đời nhưng hiện nay là một chi họ nhỏ, chỉ có khoảng 40 hộ với khoảng 200 nhân khẩu. Cũng vì mất gia phả nên không biết đến nay là đời thứ bao nhiêu.

Nghề nghiệp của người Họ Tô An Hòa là làm ruộng và làm giấy dó. Trong thời phong kiến làm giấy dó để viết chữ Hán và đặc biệt là làm giấy sắc để viết sắc phong của nhà vua. Sau này, những năm 1960-1990 là làm giấy gói hàng xuất khẩu. Nhân dân trong làng còn cây cầu (quán) bắc qua sông Tô Lịch để 1 tháng 4 phiên chợ giấy, nhà nhà mang giấy ra bán nên có tên Cầu Giấy cho đến ngày nay.

Ngày nay ruộng đất không còn (chuyển cho các dự án thành các khu tập thể quân đội và các khu đô thị) và nghề làm giấy cũng mai một, nên người trong chi họ chuyển sang làm dịch vụ và buôn bán; một số khá đông người trẻ tuổi làm cán bộ nhà nước, làm công nhân, nhân viên các cơ sở sản xuất kinh doanh của nhà nước và tư nhân. Đời sống khá, không có hộ nghèo.

Họ Tô làng An Hòa đã xây mộ tổ khang trang nhưng chưa có nhà thờ họ. Giỗ tổ hàng năm đều cúng ở nhà Trưởng tộc.

Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng Họ Tô Việt Nam, trong ngày giỗ Tổ hàng năm chi họ đều tổ chức mừng thọ các cụ cao tuổi và đặc biệt làm tốt công tác khuyến học, trở thành chi hội khuyến học xuất sắc của phường Yên Hòa.

Trưởng tộc

Tô Văn Trường

 



(*) Những câu này là nhớ rồi viết lại nên có thể có từ không chính xác.