NGƯỜI HÀ NỘI ĐẦU TIÊN


                                    Điện Kính thiên trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long.(Ảnh TL)

Năm 823, viên quan đô hộ của nhà Đường là Lý Nguyên Hỷ, đã phải tổ chức một cuộc tế lễ lớn, để phong ông là “Đô phủ Thành hoàng”.

Năm 866, võ tướng khát máu, quan cai trị cáo già của nhà Đường, đồng thời là phù thủy cao tay Cao Biền, cũng đã phải xây đền phụng thờ ông và gia phong ông là “Đô phủ Thành hoàng Thần quân”.

Đến năm 1010, thì chính người khai sinh kinh đô Thăng Long Lý Thái Tổ đã đề bạt vinh danh ông tới đỉnh cao tôn quý trong cõi tâm linh là: “Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương”.

Khởi từ chức thiêng là thần linh của ngôi làng Hà Nội gốc, tọa lạc đầu tiên ở chỗ có ngọn núi Nùng,mà sau đấy những kẻ ngoại bang từ phương Bắc đến, lấy đất làng để xây đắp, tòa phủ thành đô hộ, có tên là “La Thành” của chúng. Ông đã hiển linh giữa dòng sông - được ông “cho mượn” nhân danh để mà thành thủy danh, chảy ngang qua dãy tường lũy phía Bắc của tòa phủ thành đô hộ. Đúng vào mùa mưa, nước ở mé trong nội đồng dâng cao hơn mực nước ngoài cửa sông, khiến sông không chảy từ cửa vào đồng, mà đổi dòng chảy ngược. Ông đã làm cho kẻ đô hộ Lý Nguyên Hỷ phải hoảng sợ khi tin rằng: Dòng sông mang tên ông, sở dĩ thành “nghịch thủy” - giống như phong trào chống đối của dân chúng khi ấy đang dâng cao là do oai linh của ông. Cuộc tế lễ long trọng năm 823 để tôn ông làm thần Thành hoàng của tòa phủ thành đô hộ, có lý do từ đó.

Gần nửa thế kỷ sau, ông lại hiển linh giữa đám mây ngũ sắc. Vẫn ở trên dòng sông mang tên ông, nhưng lần này thì uốn khúc mé ngoài cửa Đông tòa phủ thành đô hộ, bấy giờ đã được viên “kinh lược sứ” Cao Biền mở mang thành “Đại La” một lần nữa. Và cuộc chiến huyền kì trong cõi tâm linh giữa ông - là đại diện tượng trưng cho dân chúng cùng văn hóa bản địa, với kẻ đứng đầu thế lực ngoại bang thống trị đã dẫn đến kết cục toàn thắng thuộc vềông, khi những trận sấm sét kinh hoàng đã đánh nát vụn như cám,đám bùa yểm bằng kim loại mà phù thủy Cao Biền toan dùng để diệt trừ ông. Ngôi đền cổ nhất đất Thăng Long - Hà Nội, về sau và đến tận bây giờ vẫn có tên quen thuộc “Bạch Mã”, do chính kẻ thất trận đã cho xây cất để “chào thua” ở ngay nơi đã diễn ra trận chiến tâm linh năm 866 và để tôn phong ông lên hàng “Thần quân” đứng đầu các vị thần linh đã xuất xứ từ hoàn cảnh đó.

Ngôi đền thiêng “Bạch Mã”, có tên này và trở thành tòa “Đông trấn chính từ” (Đền chính trấn giữ mạn Đông) kinh thành Thăng Long là bởi những lần hiển linh còn quan trọng hơn nữa của ông ở buổi đầu thời định đô Thăng Long. Trong đó đặc sắc nhất là cuộc hóa thân thành hình tượng Ngựa Trắng, để giúp Lý Thái Tổ xây vòng thành lũy bao quanh Kinh thành.

Trong thế giới của ngôn ngữ biểu tượng, Ngựa Trắng chính là hình ảnh của Mặt Trời. Nếu bằng chu kỳ đều đặn của một ngày đêm, mặt trời thực hiện một vòng tuần hoàn linh diệu trên vũ trụ: Mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây, để rồi hôm sau lại tái hiện từ phương Đông... Thì Ngựa Trắng trong giấc mơ cầu mộng của Lý Thái Tổ cũng hiện ra từ ngôi “Đông trấn chính từ”. Đi một vòng thần thánh trên vùng đất thiêng “rồng hiện lên” mới được đặt định là thành Kinh đô nước Việt từ Đông sang Tây, rồi lại trở về điểm xuất phát, biến mất vào trong ngôi đền cổ, để khoanh lại miền đế đô kinh kì ấy cho thành một vùng “Thánh Địa” có “Địa linh nhân kiệt” ở bên trong.

Người định đô Thăng Long, khi cứ nương theo dấu chân ngựa trắng mà xây đắp thành công thành lũy bao quanh Kinh thành, thì chính là đã thực hiện được cái “quy hoạch” linh thiêng cho tòa Kinh đô nước Việt, do ông, trong hình tượng ngựa trắng vạch ra. Vì thế, ông phải và xứng đáng được nhận danh hiệu cùng thiên chức thiêng quý nhất “Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương” để ngự tại ngôi đền Bạch Mã đặng bảo trợ cho cái địa bàn mà ông là người cắm đất xây ngôi làng "Hà Nội" đầu tiên. Ngôi làng cổ ấy, ngay từ thời gian đầu Công nguyên, đã nhờ “cặp mắt xanh” của ông, mà có thế “Nhìn sông tựa núi” tuyệt hảo.

Sông, ở đây chính là dòng “nước chảy trong ngần, có con buồm trắng chạy gần chạy xa”. Từ hai ngàn năm trước, vốn là một nhánh chính bên bờ phải của dòng sông Mẹ “sông Cái, Hồng Hà” uốn lượn tắm tưới và nối đường đi lại cho cả một miền “ở giữa khu vực trời đất được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam, Bắc, Đông, Tây”,như người định đô Thăng Long nghìn năm sau sẽ nói.

Còn núi, thì vốn là một doi đất cao ở bên và là sản phẩm đắp bồi, từ dòng chảy của nhánh sông rồi sẽ mang tên của ông, có cảnh trí tự nhiên cực kỳ tươi tốt, nên đã thành tên gọi núi Nùng. Những cái nhìn huyền thoại và phong thủy từ rất lâu trước khi có tên gọi núi Nùng (nghĩa là tươi tốt), đã nhận ra ở đây có một “huyệt đạo”.

Dưới thông sâu đến âm ty địa phủ, trên nối cao tới thiên đường thượng giới. Vì thế gọi đây là núi Long Đỗ (Rốn Rồng).

Ngôi làng Hà Nội gốc đầu tiên đã tựa vào ngọn Long Đỗ ấy mà xây dựng. Vì thế, có tên đầu tiên là hương Long Đỗ (làng Rốn Rồng). Và tên của vị thần bảo hộ của làng, vì thế cũng được gọi là Thần Long Đỗ. Chính là vị thần đã hiển linh trong thời chống Bắc thuộc làm khiếp vía những kẻ ngoại bang đã xây phủ đô hộ ở ngay trên đất làng của thần và trợ giúp Lý Thái Tổ khi Người định đô Thăng Long, cũng lấy ngôi làng của thần làm tiêu điểm để mở rộng ra thành tòa Kinh đô nước Việt.

Đấy là những điều đã được các bộ sách địa chí, sưu tập thần tích: “Tây Hồ chí” thế kỷ thứ 19, “Lĩnh Nam chích quái” thế kỷ thứ 14 và nhất là “Việt điện u linh” thế kỷ thứ 14 ghi lại theo phương pháp tư duy và bút tích trung cổ: Phủ mây mù và vàng son huyền thoại lên trên và lẫn vào trong những hạt nhân hiện thực của lịch sử.

Gạn lọc và giải ảo cho những hiện thực lịch sử ấy, đã thấy được mấy câu quý giá trong sách “Việt điện u linh”, nhưng là dẫn lại các sách “Giao Châu ký” và “Báo cực truyện” đầu công nguyên mà viết rằng: “....Có người họ Tô tên Lịch, đời đời ở đất (núi) Long Đỗ, dựng làng bên bờ sông (Tô Lịch), nhà không giầu có lắm, nhưng tề gia lại biết lấy đạo hiếu để làm đầu, ba đời biết nhường nhịn mà ở chung với nhau. Gặp năm mất mùa, thóc thiếu, biết đem của cải trong nhà chia cho mọi người trong làng. Vì thế lấy tên Tô Lịch đặt làm tên làng.”.

Một chuỗi liên hệ dễ dàng nhận ra ở đây, câu sử bút này: Tô Lịch là người “già làng” đứng đầu hương Long Đỗ. Ông đã cho hương Long Đỗ “mượn” nhân danh của mình để thành địa danh làng Tô Lịch, một tên gọi khác nữa của hương Long Đỗ (cũng như đã cho con sông chảy bên làng “mượn” tên thành sông Tô Lịch).Làng Tô Lịch, tức hương Long Đỗ, có thần làng là thần Long Đỗ. Thần Long Đỗ là linh khí của người đứng đầu làng Tô Lịch khi đã lìa đời mà thành thần, hóa thánh. Vậy cuối cùng thần Long Đỗ chính là ông Tô Lịch.

Cuộc gạn lọc, giải ảo cho hiện thực lịch sử thế là đã đi đến đích: Người họ Tô tên Lịch, chính là nhân vật lịch sử có thật, ở thời gian đầu Công nguyên, đã là người đứng đầu làng (hương) Long Đỗ, dựa vào núi Long Đỗ (núi Nùng) mà cắm đất lập ngôi làng Hà Nội gốc đầu tiên có vị thế “tựa núi nhìn sông”, mà nghìn năm về sau vẫn luôn là ở chỗ chính tâm của tất cả các tòa, từ phủ thành Đại La đến Kinh thành Thăng Long.

Ồng là người Hà Nội gốc đầu tiên, cũng là người đầu tiên sống, nêu gương và để lại truyền thống nghìn năm văn hiến thi thư, bên cạnh và cùng với truyền thống đấu tranh anh hùng, cũng nghìn năm, cho lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội bằng phẩm chất sống nhân nghĩa hiếu thuận của mình.

                                                                                           Giáo sư sử học Lê Văn Lan