Mẹ Việt Nam anh hùng Tô Thị Chiểu


      Đoàn cơ sở Ngân hàng Vietcombank Đắk Lắk do đồng chí Trịnh Ngọc Hoàng – Bí thư Ban chấp hành (đứng thứ 2, từ phải sang) tặng quà cho Mẹ VNAH Tô Thị Chiểu

Chiến tranh đã qua, đất nước hòa bình, nhưng những nỗi đau thương mất mát do chiến tranh gây ra thì không có gì có thể bù đắp được. Chúng ta tưởng nhớ những người đã khuất, tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng bằng lòng biết ơn và sự kính trọng lớn lao.

Sáng ngày 26/07/2020, Đoàn cơ sở Ngân hàngVietcombank Đắk Lắk đã tổ chức đến thăm hỏi và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Tô Thị Chiểu tại Phường Tân Hoà, TP. Buôn Ma Thuột. Mẹ Tô Thị Chiểu có chồng và con trai duy nhất đều hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự hy sinh của Mẹ và gia đình để đổi lấy hòa bình độc lập cho thế hệ hôm nay là không gì bù đắp được.

Đoàn cơ sở đã ân cần thăm hỏi, trò chuyện và kính chúc mẹ thật nhiều sức khoẻ, luôn lạc quan, sống vui vẻ và tiếp tục quan tâm đến thế hệ trẻ hôm nay để có những đóng góp cho sự phát triển lớn mạnh của địa phương, đất nước.

*

Mẹ Tô Thị Chiểu, tên thường dùng là Tô Thị Tài, sinh ngày 10 tháng 10 năm 1930, tại xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Tháng 4 năm 1946, Mẹ Tô Thị Chiểu tham gia cách mạng, làm cán bộ Phụ nữ thôn Trung Chánh, xã Cát Minh. Năm 1949, Mẹ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1951, Mẹ làm cán bộ Phụ nữ xã Cát Minh, huyện Phù Cát. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Mẹ không tập kết ra miền Bắc, mà ở lại tiếp tục hoạt động tại địa phương. Bị chế độ Mỹ Diệm đàn áp, khủng bố nên mất liên lạc với Đảng.

Năm 1957, Mẹ Tô Thị Chiểu tham gia tổ chức thanh niên chống Mỹ, bị địch bắt giam 9 tháng. Sau khi được tha về, Mẹ lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1962 Mẹ lại bị địch bắt lần thứ hai. Năm 1963, Mẹ bị chế độ ngụy quyền tập trung di dân lên đỉnh điển Giang Ré, tại tỉnh Đắk Lắk.

Năm 1965, Mẹ Tô thị Chiểu làm cán bộ Phụ nữ xã Giang Ré, huyện 8 (nay là huyện Krông Bông), tỉnh Đắk Lắk. Năm 1966, Mẹ được kết lại vào Đảng Lao động Việt Nam. Năm 1967 Mẹ được Đảng điều động vào nội thành Buôn Ma Thuột (gọi là H6 – Thị ủy Buôn Ma Thuột), tỉnh Đắk Lắk làm cán bộ hợp pháp, xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch. Năm 1969, người con trai duy nhất của Mẹ là chiến sĩ giao liên của H6 đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, là liệt sĩ. Năm 1970, cơ sở bị vỡ, Mẹ bị địch bắt giam tại Nhà lao Buôn Ma Thuột. Do không khai thác được gì, nên năm 1972, địch phải trả tự do cho Mẹ.

Sau khi ra tù, Mẹ Tô Thị Chiểu trở lại khu căn cứ, tiếp tục công tác, làm Ủy viên Thị ủy và Hội trưởng Hội Phụ nữ thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Giữa lúc này, một tổn thất lớn, một nỗi đau khôn nguôi đã đến với Mẹ Tô Thị Chiểu. Đó là người chồng yêu quý của Mẹ là ông Nguyễn Phú Kinh đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu ở Lâm Đồng. Thế là trong vòng 3 năm, cả chồng và con của Mẹ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Các đoàn viên Đoàn cơ sở Ngân hàng Vietcombank Đắk Lắk quây quần bên Mẹ VNAH  Tô Thị Chiểu và gia đình

Trải qua quá trình công tác kiên trì và bền bỉ, Mẹ Tô Thị Chiểu được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, nhiều Huân, Huy chương và phần thưởng cao quý khác. Mẹ cũng đã được nhận Huy hiệu 30 năm, 40 năm và 50 năm tuổi Đảng. Ngày 27 tháng 12 năm 2007, Mẹ Tô Thị Chiểu được trao tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

                                                                              Họ Tô Việt Nam