Anh hùng LLVTND - Liệt sỹ Tô Vĩnh Diện


          Anh hùng LLVTND – Liệt sỹ Tô Vĩnh Diện

Tô Vĩnh Diện sinh năm 1928, trong một gia đình nghèo ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay là huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Lên 8 tuổi anh đã phải đi ở cho địa chủ. Suốt 12 năm đi ở Tô Vĩnh Diện đã phải chịu đựng bao cảnh áp bức bất công.

Năm 1946, anh tham gia dân quân địa phương, đến tháng 7/1949 anh xung phong nhập ngũ. Trong học tập và trong công tác hay trong hành quân chiến đấu anh luôn thể hiện tinh thần gương mẫu, bền bỉ vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tháng 5 năm 1953, quân đội ta thành lập các đơn vị cao xạ chuẩn bị cho đánh lớn, đồng chí Tô Vĩnh Diện được điều về làm Tiểu đội trưởng đơn vị pháo cao xạ 37 ly thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, theo lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, bộ đội ta đã kéo pháo vào trận địa bằng tay để chuẩn bị tiêu diệt tập đoàn cứ điểm theo phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh”. Sau khi Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay đổi phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” bộ đội ta lại kéo pháo ra.

Để giữ bí mật bất ngờ cho hai loại pháo lựu 105mm và cao xạ 37mm lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường, các đơn vị đều hành quân vào ban đêm, liên tục trong các ngày 13, 14 và 15-1-1954, từ Tuần Giáo vào tập kết ở kilômét 63 đường 42. Sau đó, bộ đội phải kéo pháo bằng sức người trên đường quân sự mới mở, có chỗ phải vượt qua núi cao 1.450m để vào trận địa cách xa vị trí tập kết 15km. Từ trưa ngày 16-1, được sự trợ giúp của bộ binh và công binh, các đơn vị bắt đầu kéo pháo, đến ngày 24-1 mới đưa được pháo vào trận địa.

Trong lúc kéo pháo cũng như lúc nghỉ dọc đường, Tô Vĩnh Diện luôn nhắc đồng đội chuẩn bị chu đáo và tự mình đi kiểm tra tỉ mỉ từng dây kéo pháo, xem xét từng đoạn đường, từng cái dốc rồi phổ biến cho anh em để tránh những nguy hiểm bất ngờ xảy ra. Lúc kéo pháo qua những chặng đường khó khăn nguy hiểm, Tô Vĩnh Diện xung phong cầm lái để bảo đảm cho pháo được an toàn.

Kéo pháo vào đã khổ, kéo pháo ra càng gay go ác liệt. Anh đã đi sát từng người động viên, giải thích rõ nhiệm vụ, giúp anh em xác định quyết tâm cùng nhau khắc phục khó khăn để đảm bảo thắng lợi.

Qua 5 đêm kéo pháo ra đến dốc Chuối - một cái dốc nghiêng 700 đường hẹp và cong rất nguy hiểm. Tô Vĩnh Diện và đồng chí Ty đã xung phong lái pháo. Nửa chừng, dây tời bị đứt, pháo lao xuống dốc, anh vẫn bình tĩnh giữ càng, lái cho pháo xuống thẳng đường. Nhưng một trong bốn dây kéo lại bị đứt, pháo càng lao nhanh, đồng chí Ty bị hất xuống suối. Trước hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em “Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo” và đồng chí buông tay lái xông lên trước, lấy thân mình chèn bánh xe pháo. Pháo bị vướng, nghiêng dựa vào sườn núi, nhờ đó đơn vị kịp gìm giữ pháo dừng lại. Pháo được cứu nhưng anh thì đã nằm xuống trên con đường kéo pháo huyền thoại, lúc đó là 2h30’ ngày 1/2/1954. Đồng đội nghiêng mình trước khẩu đội trưởng kiên cường đã hy sinh thân mình cứu pháo. Đám tang anh được âm thầm tổ chức trong rừng vắng vì chiến dịch chưa mở màn, phải giữ bí mật cho những con đường kéo pháo nên không có hương khói thắp trên mồ anh, không có tiếng súng vĩnh biệt anh. 

Ảnh chụp tranh mô phỏng hành động dũng cảm lấy thân chèn pháo của anh  Tô Vĩnh Diện

Tấm gương hy sinh cứu pháo của anh Tô Vĩnh Diện được toàn mặt trận học tập noi theo. Ngay trong đơn vị, các đồng chí, đồng đội đã theo gương anh vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.

Ngày 7/5/1956, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng Liệt sỹ Tô Vĩnh Diện Huân chương quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Trước đó, anh đã được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất ngay tại mặt trận.

Anh hùng Tô Vĩnh Diện đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, trở thành người anh hùng pháo cao xạ đầu tiên của quân đội ta ngã xuống trên mặt trận Điện Biên Phủ. Tấm gương ấy, con người ấy đã trở thành động lực trong mỗi bước chiến đấu của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu trong bài “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” cũng viết:

“Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

Nát thân, mắt nhắm, còn ôm”

Hiện nay, hài cốt của anh được Nhà nước quy tập và an táng tại nghĩa trang đồi A1, thành phố Điện Biên. Di tích Đường kéo pháo bằng tay năm xưa đã được xây dựng, ở đó có đặt một tượng đài kéo pháo hoành tráng mô phỏng cảnh trung đội pháo của anh Tô Vĩnh Diện đang kéo khẩu pháo xuyên rừng, vượt dốc vào trận địa. Nơi anh Tô Vĩnh Diện hi sinh cũng được đặt bia nhằm tôn vinh sự hành động “Vì nước quên mình” của anh.

Tượng đài bộ đội ta kéo pháo bằng tay (nguồn: dienbien.gov.vn)

Khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 - Bảo vật quốc gia (nguồn: baomoi.com)

Khẩu pháo 37mm mang số hiệu 510681 do Liên Xô sản xuất năm 1939 (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Phòng không – Không quân) gắn liền với tấm gương hy sinh của anh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận là Bảo Vật quốc gia đợt 1 (1/10/2012) cùng 29  hiện vật tiêu biểu khác trong hệ thống bảo tàng, di tích quốc gia Việt Nam.

               Phương Mai (Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa)