Cô giáo Tô Thị Kim Quy và "duyên nợ" đào tạo học sinh giỏi


Cô Tô Thị Kim Quy, giáo viên Trường THPT Chuyên Trà Vinh.

Mấy chị em cô sống cảnh mồ côi cha mẹ từ thuở ấu thơ. Thiếu thốn, khó khăn, lo toan, vật lộn với cuộc mưu sinh tất cả đã không làm cô nản chí. Ngược lại, cô đã tích lũy được sự kiên nhẫn, vững tin vươn lên trong cuộc sống để thực hiện ước mơ: làm cô giáo. Để rồi có một ngày, từ quê hương Hà Tĩnh xa xôi, cô đã khăn gói vào Nam nhận công tác ở một ngôi trường của miền quê Tiểu Cần (Trà Vinh). Đó là câu chuyện về cô Tô Thị Kim Quy, giáo viên môn Hóa học Trường THPT Chuyên Trà Vinh.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuộc xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, cha mẹ mất sớm, ngay từ lúc thiếu thời cô Tô Thị Kim Quy đã vừa đi học vừa tảo tần mưu sinh nuôi ba người em nhỏ. Dù thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ, cuộc sống khó khăn vất vả nhưng với quyết tâm vượt lên “số phận”, cô đã cố gắng học thật giỏi và thi đậu vào đại học để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo.

Sau những tháng năm miệt mài học tập, năm 1982 cô Quy tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sinh học của Trường Đại học Sư phạm Vinh (TP Vinh, Nghệ An). Đặc biệt, cô là một trong số trên 30 tân giáo viên của khóa học này tình nguyện vào Nam công tác. Và cô Quy đã tình nguyện đăng ký về Trường THPT Tiểu Cần (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh). Bây giờ, có ai nhắc đến chuyện này, cô rất vui và cho rằng đó cũng là “cái duyên nợ” của vợ chồng cô. Bởi khi về công tác ở Trường THPT Tiểu Cần, cô Quy mới gặp được thầy Hồ Hữu Đức chồng cô (hiện nay là cán bộ Trung tâm Tin học Ngoại ngữ thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh). Cô vẫn thường bảo, chính chồng cô là người đã hết lòng động viên, giúp cô vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống.

Năm 1993, cô Quy được chuyển công tác về Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Trà Vinh. Đến năm học 1995 - 1996, lần đầu tiên tỉnh Trà Vinh có học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với Đội tuyển 5 em, trong đó đã có 2 học sinh do cô Quy trực tiếp bồi dưỡng và một trong hai em này đã xuất sắc đoạt giải ba. Và từ đó, năm nào cô cũng tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi và nhiều em đã đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đến năm 2000, đáp ứng nhu cầu đào tạo học sinh giỏi cho Trường THPT Chuyên Trà Vinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định chuyển cô Quy về giảng dạy tại trường này cho đến nay.

Năm nay, cô Quy bước qua tuổi 50 với 25 năm tuổi nghề. Từ kinh nghiệm giảng dạy của 25 năm qua, cô đã đúc kết cho mình những bài học quý báu: “Để giảng dạy có hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của giáo viên thì vai trò chủ thể của học sinh vô cùng quan trọng. Do đó, bên cạnh những kiến thức sách vở tôi còn hướng dẫn cho các em phương pháp tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi để mở rộng, nâng cao kiến thức cho mình. Tùy từng đối tượng học sinh mà tôi sẽ có một phương pháp dạy học sao cho thật thích hợp”.

Là một giáo viên tâm huyết với nghề, với phương châm “có thầy giỏi mới có trò giỏi”, cô Quy đã không ngừng miệt mài học hỏi nâng cao trình độ để thực hiện tiêu chí chất lượng học tập của học sinh. Qua mỗi kỳ thi học sinh giỏi, cô đều rút kinh nghiệm và tự kiểm điểm bản thân. Mỗi lần chấm điểm cho học sinh là cô tự chấm điểm cho mình.

Để làm được điều này, cô Quy đã không ngại khó đi tham khảo đề thi, kiểm tra của các trường nổi tiếng trong nước, nắm bắt các kiến thức cần thiết rồi viết thành chuyên đề để bồi dưỡng cho học sinh. Cô còn làm nhiều đồ dùng dạy học và tích cực sử dụng để các em nắm bắt kiến thức được nhanh hơn. Bảy năm giảng dạy ở trường chuyên, cô đã bồi dưỡng và có hơn 100 em học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp khu vực và quốc gia. Cô thổ lộ: “Bảy năm công tác ở trường cũng là bảy năm tôi dẫn học sinh đi thi học sinh giỏi. Có lẽ mình là người rất có duyên với thi cử nên mỗi lần cô dẫn trò đi thi đều có giải mang về. Sau mỗi kỳ thi, tôi lại có thêm rất nhiều kinh nghiệm trong cách truyền thụ kiến thức cho học sinh”.

          Ngoài những thành tích nổi bật trong giảng dạy, cô Quy còn là một đảng viên, đoàn viên công đoàn ưu tú. Liên tiếp từ năm 2000 đến 2005, cô đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen do đạt thành tích xuất sắc trong phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” 5 năm liền, được trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Niềm vui càng được nhân lên khi cậu con trai duy nhất của cô được tuyển thẳng vào đại học (đang học năm thứ hai Trường Đại học Ngoại thương TP Hồ Chí Minh).

Vừa qua, cô Tô Thị Kim Quy là đại biểu duy nhất của tỉnh Trà Vinh tham dự báo cáo điển hình tiên tiến do Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức tại Hà Nội. Đối với cô, đó là niềm hạnh phúc rất lớn. Cô Quy tâm sự: “Hai mươi lăm năm đứng trên bục giảng, từ sự kính trọng quý mến của học trò đến sự thương yêu tin tưởng của phụ huynh đã giúp tôi hiểu được ý nghĩa của nghề dạy học “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Chính điều này đã giúp tôi có thêm nghị lực và niềm tin”.

                 Đinh Thanh (Cần Thơ)