Làm báo là lương tâm, trí tuệ, trách nhiệm, tay nghề


        Nhà báo Tô Kiều Thẩm bên cộc mốc biên giới Việt – Trung, đoạn Hoành Bồ, Quảng Ninh (Ảnh TL)  

          Tác giả của tập sách“Hoa cà phê” này - nhà báo Tô Kiều Thẩm - vốn là một người lính chủ lực trong những đơn vị tinh nhuệ mà chiến công qua từng chùm sáng rực trên quân kỳ. Chiến đấu trên chiến trường miền Nam những năm tháng đầy sự thử thách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, anh đã trưởng thành.

          Sự trưởng thành của cây bút này chính là sự tích luỹ vốn sống trong chiến hào, chiến trận, chiến luỹ, chiến công. Cái vốn anh có chính là giá máu của đồng đội, đồng bào. Với cái vốn ấy, anh cầm cây bút “tập viết”. Đầu tiên là mấy cái tin - xem như là sự “thông báo” thành tích, chiến công của đơn vị - rồi ghi chép với dăm bảy cái phác thảo về “chân dung” đồng đội trong sinh hoạt, chiến đấu, tình đồng đội, tình hậu phương, sự tỏ tình của đôi lứa trước khi anh lính lên đường, sự chờ đợi và ước mong ngày chiến thắng, ngày đoàn tụ…

          Thời ở đơn vị, rồi thời được làm báo chuyên nghiệp, anh chịu khó ghi chép, vun vén tư liệu, phân tích những dữ liệu và tìm cách để làm thành một bài báo, tùy theo độ ngắn dài mà cái vốn sẵn có cho phép.

          Làm báo là phải chịu đi. Đi, ghi, nghe, hỏi, đối thoại và đọc - đọc được càng nhiều càng hay. Từ thượng vàng đến hạ cám, sao cho vốn kiến thức, vốn sống đời, vốn nghiệp vụ, vốn văn hóa ngày càng đầy lên, ngày càng phong phú. Tô Kiều Thẩm là một cây bút đang đi theo hướng này và xem ra, anh đang hăm hở, đang gắng sức.

          Đọc những bài báo của anh, tôi có cảm nhận: anh đang gắng tìm hiểu, khai thác những khía cạnh trăm màu trăm vẻ của cuộc sống, chắt chiu những chi tiết đắt để làm cho bài viết có xương, có thịt. Làm báo, ai cũng rõ điều này. Muốn chống bài nhạt thì cần có chi tiết đắt, không muốn lặp lại thói quen thì tìm nhiều cách để đột phá, để tự vượt mình.

          Một số bài viết của cây bút này có hơi hướng của tản văn, tạp bút. Thiết nghĩ, đó là một điều cần, để cây bút trong tay được “thoải mái ”hơn, “phóng khoáng” hơn. Nhưng, anh cần đề phòng cái điều mà trong một số bài viết hay “bị” lặp lại. Rằng, “buổi sáng ấy tôi đến gặp ông…”, “buổi chiều ấy tôi đến nhà chị…”. Rằng, có những bài thiên về kể thành tích, nó na ná như những bài viết về “Người tốt việc tốt”.

          Làm báo cũng như viết văn, rất cần cảm xúc và ngẫu hứng. Nhưng mà, xin nhớ cho điều này: cảm xúc và ngẫu hứng phải trên cái vốn đã được tích luỹ của cả một đời cầm bút. Có nghề rồi mới thành nghiệp. Có nghiệp rồi gắng để thành đạo.

          Mác-két, nhà văn, nhà báo lừng danh thế giới, viết: “Nghề báo chí là niềm say mê vô hạn, một niềm say mê chỉ có thể tìm được ở con đường đúng đắn và trở nên nhân đạo trong cuộc đối đầu dũng cảm với hiện thực…Ý nghĩa cao nhất của nghề báo là khám phá lô-gíc bên trong của các biến cố”.

          Đường báo chí dài dằng dặc. Nhà báo Tô Kiều Thẩm mới bước trên đường này thôi và mới “hành quân” được mấy dặm đầu tiên. “Nhanh nhẹn, sâu sát, dũng cảm, phát hiện, vững vàng” và “Lương tâm, trí tuệ, trách nhiệm, tay nghề”, bao nhiêu là đòi hỏi đối với các nhà báo.

          Đi trong đội ngũ “Binh chủng báo chí”, mong anh vững vàng cất bước.

                                                       Thu - 2008

                                           Nhà thơ, nhà báo Tạ Hữu Yên