GIA ĐÌNH HỌ TÔ CÓ BA THẾ HỆ GÓP PHẦN TRỒNG NGƯỜI


                 Gia đình cụ Tô Văn Bàng có ba thế hệ góp phần trồng người

          Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, công việc dạy học đã sớm và luôn được người dân Việt Nam quý trọng như một nghề đạm bạc mà thanh cao.

Chẳng ham ruộng cả, ao liền.

          Chỉ ham cái bút, cái nghiên anh đồ.

          Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên coi trọng nghề dạy học như là sự nghiệp cao qúy trồng người. Ngày 13 tháng 9 năm 1958, khi đến thăm và phát biểu tại “Lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc” Bác Hồ đã nói:

          Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây.

          Vì lợi ích trăm năm thì phải trông người.

          Tại làng Thượng Tầm, nay là thôn Thái Hòa, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, trong một gia đìnhHọ Tôcó ba thế hệ nối tiếp nhau tham gia sự nghiệp trồng người.

          Hưởng ứng phong trào “Truyền bá Quốc ngữ”, các gia đình có điều kiện kinh tế thuận lợi ở trong xóm Cộc ở làng Thượng Tầm đã góp công, góp của mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho con cháu của một số gia đình có điều kiện. Trong hoàn cảnh nghèo, túng thiếu của gia đình, cậu thiếu niên Tô Văn Bàng đã không thể chính thức được theo học ở các lớp đó mà phải học dự thính. Để được học dự thính, tức là được cùng ngồi nghe giảng, nhưng chỉ được ngồi nghe mà không được quan tâm, hoặc được chăm sóc ít hơn các học sinh chính thức, người học trò ham học mà yếu thế đó đã phải nhận làm các công việc phục vụ như quét dọn phòng học, sắp xếp chỗ ngồi cho trò, đun nước uống pha trà cho thầy. Có lần trời mưa rào xối xả, cậu học trò ấy còn phải cõng trên lưng người anh họ con nhà có điều kiện, to béo hơn, nặng cân hơn, băng qua mảnh vườn ngập nước để đến được lớp học. Cực nhọc là như vậy, nhưng chính nhờ cách học dự thính miễn phí đó mà cậu thiếu niên nghèo, ham học và giàu nghị lực đã thoát nạn mù chữ và đạt được trình độ tiểu học.

          Khi đến tuổi trưởng thành, chàng thanh niên Tô Văn Bàng phải đi làm thuê, làm mướn ở Hà Nội rồi đến Bắc Giang, gia nhập Hội Ái hữu và Nghiệp đoàn tại nhà máy dệt thảm len Tràng Kênh (Hải Phòng), tham gia giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại quê nhà, hoạt động trong hệ thống giao liên của Trung ương Đảng tại Chiến khu Việt Bắc, kinh qua công tác Bí thư Chi bộ Đảng kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến-Hành chính xã Thượng Phương, nay là hai xã Đông Hoàng và Đông Á, rồi trở thành ủy viên Ủy ban Hành chính huyện Đông Quan, nay là huyện Đông Hưng. Những kiến thức phải vất vả lắm mới góp nhặt được trước đây đã giúp người cán bộ cách mạng làm nên nhiều việc có ích.

          Sau khi tốt nghiệp lớp bổ túc văn hóa do Chính quyền Khu Tả ngạn tổ chức tại Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Hành chính Tô Văn Bàng được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Giáo dục huyện Đông Quan. Lúc này miền Bắc nước ta tiến hành cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai, hợp nhất hai hệ thống giao dục phổ thông là hệ thống giáo dục 9 năm của vùng tự do trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và hệ thống giáo dục ở vùng mới giải phóng thành hệ thống giáo dục phổ thông thống nhất 10 năm theo những nguyên lý của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Với tư cách là trưởng phòng giáo dục, ông đã chỉ đạo thực hiện thành công những nhiệm vụ đó. Cũng trong thời gian này, ông cùng cán bộ trong phòng giáo dục tổ chức xây dựng trường phổ thông cấp II của huyện Đông Quan tại thị trấn Đống Năm, gồm năm ngôi nhà cao ráo, sạch sẽ với khung bằng gỗ, mái giàn bằng tre luồng và lợp bằng lá gồi. Nhà trường có phòng làm việc cho Ban Giám hiệu, cho các thầy, cô giáo và phòng học cho gần chục lớp, từ lớp 5 đến lớp 7. Tuy còn đơn sơ, nhưng đây là ngôi trường phổ thông cấp II chính thức đầu tiên của huyện Đông Quan kể từ khi lập nước, khác hẳn các ngôi đình làng đã từng là nơi ngồi học của các lớp học sinh trong những năm kháng chiến và giai đoạn hòa bình đầu tiên trước đó. Từ ngôi trường mới này, do ông tổ chức và chỉ đạo xây dựng, lớp lớp thiếu niên Đông Quan đã trưởng thành, trong đó có cả một số cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.

          Tiếp nối theo công việc của cha mình, các con ông cũng tham gia công tác trong ngành giáo dục. Người con cả của ông, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp mang tên Karl Marx tại thành phố Leipzig, nước Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ), về nước đã nhận công tác giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó, anh được điều động tới nhận công tác nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Với những kết quả nghiên cứu tích lũy được trong nhiều năm, anh đã bảo vệ thành công Luận án về giáo dục kỹ thuật tổng hợp và nhận bằng Tiến sỹ Khoa học Giáo dục tại Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, anh được bổ nhiệm làm Phó Văn phòng Bộ Giáo dục, sau đó làm Vụ phó, rồi Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế. Cũng trong thời gian này, anh được phong chức danh khoa học Phó giáo sư. Người bạn đời của anh, con dâu cả của gia đình tốt nghiệp Trường Đại học Dược Hà Nội và Khoa Hóa học thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, làm công tác giảng dạy tại Bộ môn Hóa học hữu cơ thuộc Trường Đại học Dược Hà Nội, ở đây chị đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học và trở thành Chủ tịch Công đoàn của Trường.

          Người con thứ 2 của ông, sau 10 năm tham gia quân đội được trở về học tại khoa Vật lý, trường đại học Sư phạm Hà Nội, tốt nghiệp ra trường và được giữ lại làm cán bộ giảng dậy khoa Vật lý của trường. Sau đó, anh được điều về công tác tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Anh đã được phong chức danh khoa học Phó giáo sư. Người con dâu thứ 2 cũng tốt nghiệp khoa tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ và đã được giữ lại trường làm giảng viên của khoa tiếng Anh Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội.

          Đáp ứng nhu cầu cáp bách của ngành giáo dục miền Nam mới được giải phóng, vợ chồng người con gái út của gia đình đã vào nhận nhiệm vụ dạy học tại Trường phổ thông cấp III Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Sau này, người con rể út đã chuyển sang giảng dạy và làm Chủ nhiệm Khoa Cơ bản của Trường Sỹ quan Đặc công thuộc Bộ Quốc phòng.

          Thế hệ nhà giáo thứ ba bắt đầu khi một cháu trai nội của gia đình làm Giảng viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong khuôn khổ chương trình 320 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Trường Đại học Tổng hợp Svvansea (Vương quốc Anh). Một cháu gái nội làm Giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và một cháu gái ngoại làm Giảng viên của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Sau khi nhận bằng Tiến sỹ Toán học, cháu đích tôn của gia đình tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học lần lượt tại các trường đại học ở Southampton (Vương quốc Anh), Lyon (Cộng hòa Pháp) và Fluminense (Cộng hòa Liên bang Brazil).

          Những tháng năm công tác của các con cháu hai cụ Tô Văn Bàng và Nhâm Thị Mùi gắn liền và song hành cùng với quá trình nghiên cứu khoa học, đào tạo và tự đào tạo. Đến nay, tất cả 12 người con gồm trai gái dâu rể và 26 cháu nội ngoại đều đã học qua bậc đại học, 12 người có bằng Thạc sỹ, trong đó có 7 con cháu là Tiến sỹ và 2 con trai là Phó giáo sư. Đó là một trong những gia đình đã có ba thế hệ làm giáo dục. Gia đình hai cụ được ghi nhận là “Gia đình hiếu học tiêu biểu của họ Tô thôn Thái Hòa và của họ Tô Việt Nam” (xem sách “Họ Tô Việt Nam”, tr. 513).

              Minh-Hiển