HUYỀN THOẠI HỌ TÔ

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền thoại đã được thêu dệt và lưu truyền trong dòng họ Tô Việt Nam. Bài viết này xin được giới thiệu năm câu chuyện trong số các huyền thoại đó.

1.NGƯỜI HỌ TÔ THỜI HÙNG VƯƠNG

Tại đình làng Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có tấm bia đá kể rằng: Đinh Công Bách, quê ở trang Ngô Đồng, huyện Bất Bạt, là Lạc tướng kiệt xuất của Hùng Duệ Vương - tức Hùng Vương thứ 18 (408-258 TrCN). Ở quê ông có một gia đình họ Tô. Người cha (Tô Ông) mất sớm, chỉ còn người mẹ (Tô Bà) và ba cô con gái. Được Tô Ông báo mộng, mách bảo, Tướng quân Đinh Công Bách đã đến gia đình họ Tô dạm hỏi và xin cưới người con gái đầu là Tô Thị Nghi, năm ấy mới tròn 17 tuổi. Hai năm sau, bà Tô Thị Nghi sinh được một con trai tướng mạo phi thường và đặt tên là Linh Quang. Vì được Ngọc Hoàng thượng đế sai xuống hạ giới đầu thai, cho nên Linh Quang lúc còn nhỏ đã là một “thần đồng”, được Vua cho tham dự các cuộc bàn luận công việc triều chính, khi lớn lên tài trí siêu phàm, cùng với cha là tướng giỏi của Hùng Duệ Vương.       

Phải chăng, ngay từ cuối Thế kỷ thứ 4 TrCN đã có người họ Tô trên đất nước ta.

2. TRẬN CHIẾN TÂM LINH

Theo tập hợp các tư liệu lịch sử đã thu thập được, thì Tô Lịch sinh trưởng vào khoảng thế kỷ thứ 4 ở vùng Long Đỗ hay Tổng Bình (tức Thủ đô Hà Nội ngày nay). Ông được suy tôn là người hiếu hạnh. Gặp khi mất mùa, ông cho cả làng vay thóc và cứu sống được nhiều mạng người. Triều đình khen ngợi ông và cho cắm cờ biểu dương ở cổng làng. Tên ông đươc đặt cho làng và cho cả con sông chảy qua. Năm 545, Lý Nam Đế cho xây dựng một tòa thành bên bờ sông và đặt tên là Tô Lịch giang thành.

Chuyện kể rằng: Năm 866, viên quan cai trị kiêm thầy phù thủy cao tay của nhà Đường là Cao Biền cho khởi công xây dựng thành Đại La. Một hôm, khi dạo chơi trên sông, viên quan cai trị đã gặp một vị thần tự xưng là Tô Lịch. Vị thần xuất hiện như muốn báo cho kẻ thống trị ngoại bang biết rằng đất này vốn đã có chủ là người bản địa rồi. Không chịu thừa nhận chân lý và thực tế đó, Cao Biền đã tuyên chiến. Kết quả là kẻ ngoại lai đại bại, phải xây đền thờ vị thần bản địa chiến thắng! Đó chính là ngôi đền Bạch Mã hiện còn đang tọa lạc trên phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Cũng chính viên quan đô hộ nhà Đường đó đã buộc phải phong vị thần chiến thắng là “Đô phủ Thành hoàng Thần quân".

Chuyện còn kể rằng: Khi dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (Thăng Long), Lý Thái Tổ cho xây một tòa thành mới, nhưng xây hôm trước xây lên được đến đâu, thì sáng hôm sau, tòa thành lại lún sụt hết. Về sau, nhờ có Bạch Mã dẫn đường, chỉ lối nên tòa thành mới được xây dựng vững bền. Người khai sinh ra kinh đô quốc gia đã phong tặng Ngài danh hiệu tôn quý “Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương”.

Nhân vật lịch sử - bậc nhân thần này đã được vinh thăng liên tiếp các vị thế và danh hiệu tôn quý từ chỗ là Thần Thành hoàng của ngôi làng Long Đỗ “Long Đỗ Thần quản Quảng lợi Bạch mã Đại vương" trở thành Thành hoàng của tòa phủ thành Đại La “Đô phu Thành hoàng Thần quân” rồi đến Thành hoàng của cả quốc gia “Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương".

Vậy nên:

Ngàn năm Bắc thuộc khắc tên Người

Khuấy nước chọc trời dễ mấy ai

Bóng nước giang đài soi lịch sử

Tổng Bình đô phủ tác dương oai.

3. NÀNG TÔ THỊ

Trong hơn chục cuộc chiến tranh liên miên chống giặc ngoại xâm, lớp lớp thanh niên trai tráng Việt Nam đã phải lên đường đánh giặc. Trong số họ, nhiều người ra đi, rồi mãi không về, để lại ở quê nhà những người vợ góa cùng những đứa con côi.

Chuyện kể rằng: Nàng bồng con tiễn chồng lên đường ra trận. Khi đến đỉnh núi cao, nàng dừng chân và nhìn theo bóng dáng người lính đang cùng đồng đội rảo bước tiến thẳng ra nơi biên thùy. Chinh phụ đứng đó chờ chồng, mong ngày, mong tháng chiến binh trở về. Chờ mãi, chờ hoài chẳng thấy chồng đâu, nàng hóa thành tượng đá bồng con, sừng sững trên đỉnh núi cao, giữa ngút ngàn rừng rậm ở nơi xứ Lạng xa xôi.

Không biết từ bao giờ, pho tượng đá đó đươc gọi là Hòn vọng phu. Liệu có phải là một sự tình cờ hay không khi người ta còn đặt cho nó cái tên Nàng Tô Thị.

Ca dao có câu:

                          Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

                          Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.

4. NGÔI SAO TÔ HIỆU

Một trong những cán bộ tiền bối của cách mạng Việt Nam là Liệt sỹ Tô Hiệu, người làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông bị thực dân Pháp bắt và giam cầm tại nhà tù Sơn La, nơi nổi tiếng là “rừng thiêng, nước độc”. Không khuất phục được Tô Hiệu, bọn thực dân Pháp đã đày người chiến sỹ cách mạng kiên trung ấy vào trong xà lim biệt giam được bao bọc vững chắc bằng tường cao, nhưng lại không có mái che mưa, che nắng.

Ở Sơn La từng lan truyền câu chuyện mang màu sắc huyền thoại như sau: Một đêm nọ, giữa lúc trời mưa sầm sập, sấm chớp ầm ầm, bỗng nhiên một ngôi sao sáng chói từ xà lim bay vút lên trời. Ngay lập tức, mưa tạnh, mây tan, ngôi sao bay lên mỗi lúc một cao hơn, rồi cùng với muôn vàn vì tinh tú khác tạo nên bầu trời quê hương sáng trong vằng vặc (lời kế của GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam).

Hơn một năm sau ngày Tô Hiệu hy sinh tại nhà tù Sơn La (7-3-1944), cả dân tộc ta đã nhất tề đứng dậy, đánh đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến, giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

5. CÂY ĐA ĐẦU VOI

Đó là câu chuyện được lưu truyền trong dòng Họ Tô làng Thượng Tầm (nay là thôn Thái Hòa, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

Chuyện kể rằng: Sau nhiều đời “độc đinh”, đến đời thứ năm cụ Tô Húy Cẩn cũng vẫn là con một. Theo quan niệm phổ biến lúc bấy giờ thì đó là một điều không may.

Nhờ một Thầy địa lý mách bảo, cụ Tô Húy Cẩn đã trồng một cây đa ở phía Đông của đình làng. Được bà con vun đắp, cây đa ngày càng vươn cao, gốc chắc, thân to, tán rộng, tỏa bóng mát ra cả một góc sân đình. Cây đa được mang tên Cây đa đầu voi và trở thành biểu tượng thiêng liêng của dòng Họ Tô làng Thượng Tầm. Cụ Tô Huỷ Cẩn, lúc bấy giờ đã là Xã trưởng, còn dầy công tu bổ ngôi chùa ở bên cạnh. Kể từ đó, Họ Tô làng Thượng Tầm thoát khỏi cảnh độc đinh, liên tục phát triển cho đến nay là đời thư 18 và trở thành một trong những dòng họ lớn ở trong làng, trong xã.

Năm 1950, giặc Pháp tràn đến Thái Bình. Sau một trận chiến đấu ác liệt, bà con Họ Tô đồng ý cho chặt hạ cây đa hơn 300 tuổi để lấy gỗ đóng quan tài mai táng các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì dân, vì nước. Họ cũng đã trồng một cây đa khác thay thế vào đúng vị trí đó. Ngày nay, cây đa cao to, cành lá xum xuê ấy vẫn tọa lạc phía trước Trường Trung học cơ sở của xã Đông Hoàng. Sự kiện giầu ý nghĩa đó đã được ghi đậm nét trong cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Đông Hoàng (1930-2015).

Người viết những dòng trên đây tin chắc rằng nhiều chi họ khác cũng có những câu chuyện huyền thoại của mình. Sự tập hợp những huyền thoại đó có thể cung cấp một bức phác họa nêu lên trí tưởng tượng, lòng mong muốn, niềm ước ao của bà con họ nhà về các vị thần linh, các nhân vật siêu phàm, có những hành động kỳ vĩ, gắn ít nhiều với các sự kiện lịch sử. Vì vậy, xin đề nghị bà con Họ Tô ở các chi họ nào có các câu chuyện như thế thì gửi về cho Ban Biên tập Thông tin Họ Tô Việt Nam để cùng giới thiệu.

Địa chỉ gửi thư điện tử: mattcsong18@gmail.com;


                                                                                       TÔ BÁ TRỌNG