ÔNG TÔ GĨ (Lê Giản)


       Ông Tô Gĩ sinh ngày 1 tháng Bẩy năm Quí Sửu (2-8-1913) tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (xưa thuộc tỉnh Bắc Ninh).

    Xuân Cầu là một làng có truyền thống hiếu học, có nhiều gia đình khoa bảng. Cụ Tô Trân là Kỵ nội (Cụ Tổ 5 đời) của Tô Gĩ, đỗ Tiến sĩ năm 1826, con trai thứ hai của Tiến sĩ Tô Trân là Tô Đăng đỗ Cử nhân năm 1867. Đầu thế kỷ 20, quê hương Xuân Cầu lại xuất hiện hai nhà văn hóa lớn: Nguyễn Công Hoan, nhà giáo-nhà văn lão thành và Tô Ngọc Vân, họa sĩ bậc thầy trong làng hội họa Việt Nam.

    Xuân Cầu còn là một làng giầu truyền thống cách mạng. Cuối thế kỷ 19, người dân Xuân Cầu đã tham gia nghĩa quân Bãi Sậy, từ 1885 đến 1889, dưới sự lãnh đạo của hai danh tướng Tán Thuật và Tán Huy (Ngô Quang Huy, người xã Trưng Trắc, huyện Văn Giang, Đốc học tỉnh Bắc Ninh, là ông ngoại của hai liệt sĩ cách mạng tiền bối Tô Chấn, Tô Hiệu). Cuộc Khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng ý chí đấu tranh vì độc lập dân tộc được tôi luyện trong nhân dân Xuân Cầu từ đấy. Đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên đất nước ta, thì làn sóng yêu nước ở nhiều nơi, trong đó có Xuân Cầu lại dâng lên mạnh mẽ. Nhiều người con ưu tú của Xuân Cầu như Tô Chấn, Tô Hiệu, Tô Điển (Tô Quang Đẩu), Nguyễn Công Miều (Lê Văn Lương), Tô Gĩ…đã gia nhập đội quân tiên phong của giai cấp công nhân và trở thành những chiến sĩ cách mạng tiền bối.

    Tô Gĩ trải qua tuổi thơ vất vả vì mẹ bị bạo bệnh mất sớm, khi em gái ông mới được 8 tháng tuổi. Cha ông, gà sống nuôi con, cuộc sống túng bấn, khó khăn. Từ 1922 đến 1925, Tô Gĩ được cha gửi ra nhà ông Tô Phong (là em trai của ông nội) ở 92 Hàng Gai, vừa đi học vừa giúp việc vặt trong nhà. Từ 1926 đến 1930, ông chuyển đến nhà chú ruột là Tô Chử ở phố Hàng Vôi. Năm 1929, thi vào trường Sư phạm không đỗ, Tô Gĩ thôi học, xin làm thư ký cho một hãng buôn.

    Thời gian học ở Hà Nội, sớm được giác ngộ cách mạng, Tô Gĩ tham gia Học sinh đoàn và Thanh niên xích vệ đội. Ông từng tham gia bãi khóa, đòi trả tự do cho Cụ Phan Bội Châu; vận động làm lễ truy điệu để tang Cụ Phan Chu Trinh. Ông còn giác ngộ quần chúng treo cờ, căng biểu ngữ vào những ngày lễ như ngày 1 tháng 5, ngày kỷ niệm Cách mang tháng Mười Nga; được phân công bảo vệ những cuộc mít tinh, biểu tình, bảo vệ các “đồng chí cao cấp”. Tháng 6 năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng năm 1930, sau cuộc khởi nghĩa không thành của Việt Nam Quốc dân đảng, thực dân Pháp tiến hành “khủng bố trắng”. Nhiều đảng viên cộng sản bị bắt bớ, bị tra tấn dã man. Tô Gĩ cũng bị mật thám theo dõi.

    Tháng 7 năm 1930, ông xin phép tổ chức cho vào Sài Gòn hoạt động. Ở đây, ông đã liên hệ với mấy người anh họ là Tô Chấn, Tô Hiệu, Tô Điển. Nhóm 4 anh em Họ Tô đã từng lập kế hoạch mưu sát hai tên Toàn quyền Pasquier (Đông Dương) và Degreb (Nam Dương nay là Indonésia), khi chúng có kế hoạch gặp nhau tại Hà Nội hoặc Sài Gòn để bàn cách cấu kết đàn áp cách mạng của Đông Dương và Nam Dương. Kế hoạch trên đã phải hủy bỏ, khi nhận được lời khuyên của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Đảng Cộng sản Đông Dương. Đánh hơi được vụ việc này, thực dân Pháp đã lần lượt bắt Tô Chấn, Tô Hiệu. Làm việc ở Tòa báo Trung Lập được một thời gian, năm 1931, Tô Gĩ xin đi làm phụ bếp dưới tầu biển Jean Dupuis, chuyên chở hàng ven biển đi Singapore và Hồng Kông. Ông hy vọng sẽ kiếm được việc làm trên các tầu viễn dương, đi các nước xa hơn để tìm đường cứu nước. Ý nguyện chưa thành thì tháng 5 năm 1931, ông bị buộc thôi việc vì chủ tầu nghi ông tham gia “hội kín”. Khi về quê Xuân Cầu, ông bị bắt lên tỉnh Bắc Ninh, rồi bị giam ở Sở mật thám Hà Nội (tháng 7-1931). Không khai thác được gì, chúng phải thả ông và quản thúc ở quê. Năm 1932, Tô Gĩ lập gia đình. Ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Chế (người thôn Tam Kỳ, cùng xã Nghĩa Trụ) sinh sống ở Hải Phòng, nơi có nhiều bà con Xuân Cầu làm ăn, buôn bán. Bà buôn bán nhỏ, ông vừa dạy học, vừa làm báo và hoạt động cách mạng. Nhà ông là chỗ qua lại của nhiều cán bộ cách mạng như Tô Hiệu, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Linh, Bùi Đình Bổng… Năm 1939, sau khi Chính phủ Mặt trận Bình dân ở Pháp bị đổ, bọn mật thám Pháp lại theo dõi sát sao hoạt động của những người cộng sản. Thỉnh thoảng, chúng lại bắt giam ông vài ba ngày, vào dịp kỷ niệm ngày 1-5 hoặc 7-11. Tháng 4-1940, ông bị bắt giam ở “căng” Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Đầu tháng 11-1940, ông bị chuyển lên nhà tù Sơn La. Ở đây, ông được học tập, rèn luyện thêm về lý luận, lý tưởng cách mạng. Ông được gặp lại Tô Hiệu, khi đó là Bí thư chi bộ nhà tù và nhiều đồng chí cộng sản như Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Khang, Xuân Thủy, Hoàng Tùng…

    Tháng 6 năm1941, ông bị đày đi đảo Madagascar, Châu Phi. Cùng ở đây với ông, có các đồng chí Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Văn Địch (Trần Hiệu), Hoàng Đình Rong, Dương Công Hoạt, Nguyễn Phòng. Hai năm ở đảo, ông cùng các đồng chí luôn giữ vững nền nếp sinh hoạt, học tập chính trị; tăng gia sản xuất, cải thiện điều kiện sinh hoạt nhà tù; làm công tác dân vận với người bản xứ và không để xẩy ra xung đột với những tù nhân người Việt có xu hướng chính trị khác biệt (Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Thế Song, Phạm Công Tắc (Hộ pháp đạo Cao Đài) và 5 chức sắc Cao Đài khác đều là những phần tử thân Nhật).

    Tháng 6 năm 1943, quân Đồng Minh chiếm đảo Madagascar, trả tự do cho những người tù chính trị ở đây. Tô Gĩ là một trong ba đảng viên cộng sản được đưa về Ấn Độ sớm nhất và được quân Đồng Minh mời làm việc cho họ ở các Đài phát thanh như New Delhi (Ấn Độ), Sydney (Australia). Ông và các đồng chí của ông một mực xin được trở về nước chống phát xít Nhật, đồng thời nhận bất cứ việc gì có ích cho các nước Đồng Minh. Cuối cùng họ đã chấp nhận yêu cầu nói trên và huấn luyện cho các ông về nghiệp vụ tình báo: sử dụng vũ khí, điện đài và nhẩy dù.

    Tháng 8 năm 1944, Tô Gĩ và Hoàng Đình Rong được bay từ Calcutta (Ấn Độ) về Việt Nam và nhẩy dù xuống Cao Bằng. Các ông đã liên lạc được với tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh. Thời gian ở chiến khu, ông mang bí danh Lê Giản. Sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công, Hồ Chủ tịch giao cho các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nam, Hoàng Văn Thái và ông ở lại Việt Bắc, giúp đỡ địa phương xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống của đồng bào các dân tộc.

    Cuối tháng 9 năm 1945, Hồ Chủ tịch điều ông về Hà Nội, bổ sung cán bộ cho ngành Công an. Lúc đầu, ông giữ chức Phó Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ. Cuối tháng 2 năm 1946, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Nha Công an Việt Nam (Bộ Công an ngày nay). Nhiệm vụ của ngành Công an lúc đó rất nặng nề. Chính quyền non trẻ của ta phải đương đầu với bao âm mưu xảo quyệt của thù trong, giặc ngoài. Khi Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946), ngành Công an phải lo vừa bảo vệ vùng tự do, đặc biệt là An toàn khu (ATK), nơi có cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ; vừa tổ chức hoạt động trong vùng địch chiếm.

    Tháng 12 năm 1952, ông tham gia Cải cách ruộng đất, làm Bí thư Đoàn ủy Cải cách ruộng đất.

    Giữa năm 1955, ông trở về công tác ở ngành Công an và giữ chức Vụ trưởng Vụ Trị an Hành chính, kiêm Cục trưởng Cục Biên phòng.

    Cuối năm 1958, ông chuyển công tác về ngành Tòa án, làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho đến cuối năm 1978, trong đó có 3 năm được biệt phái vào Miền Nam để củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng bộ máy ngành Tòa án, sau ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

    Hơn 30 năm công tác trong hai ngành chuyên chính của Đảng và Nhà nước, ông luôn luôn vừa làm vừa học với tất cả lương tâm và trách nhiệm của người cộng sản. Mạnh dạn nhưng thận trọng, kiên quyết với kẻ thù, nhưng hết lòng thương yêu đồng bào, đồng chí; ông luôn luôn sáng suốt, tỉnh táo khi phải sử lý các tình huống phức tạp. Không để lọt một kẻ tội phạm, nhưng cũng không bắt oan, xử oan một người vô tội. Chí công Vô tư, suốt đời giữ được tính liêm khiết, giản dị.

    Ông được Nhà nước  trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; được phong tặng danh hiệu Lão thành cách mạng.

     Sau một thời gian cùng các ông Tô Thuận, Tô Hoàn chuẩn bị, ngày 3-8-1998 (12 tháng Sáu năm Mậu Dần), ông đã có bài phát biểu quan trọng trong Lễ dâng hương tại đền Văn Hiến (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây) tưởng niệm 819 năm ngay hóa của Đức Tô Hiến Thành, danh nhân kiệt xuất của Đất nước và của dòng Họ Tô Việt Nam. Sau đó, tại đình Vạn Xuân, xã Hạ Mỗ, ông đã chủ tri buổi tọa đàm đầu tiên về dòng họ của 150 đại biểu của 21 chi Họ Tô ở 12 tỉnh, thành phố Miền Bắc và Bắc Miền Trung. Hội nghị đã quyết định thành lập Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam và nhất trí cử ông làm Trưởng ban lâm thời.

    Ngày 21-2-1999, tại nhà ông ở số 8, phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội, ông đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam. Hội nghị đã suy tôn ông là Trưởng Ban danh dự và bầu ông Tô Tử Hạ, Họ Tô huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, Phó Trưởng ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ làm Trưởng Ban liên lạc. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ông Tô Gĩ đã có đóng góp quan trọng để thành lập Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam và định hướng chính xác cho hoạt động của Ban liên lạc những ngày đầu với tiêu chí “Chắp nối dòng họ - Tìm về cội nguồn”.Và hoạt động dòng họ đã theo tiêu chí đó trong suốt 20 năm (1998 – 2018), thu được kết quả rất tốt đẹp.

    Ông mất ngày 21-2-2003, hưởng thọ 91 tuổi. Đông đảo bà con Họ Tô cả nước đã về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội để tiễn biệt ông về nơi an nghỉ cuối cùng với đôi câu đối:

              Bẩy mươi năm tuổi Đảng, khi nước ngoài, lúc trong nước, vì Cách mạng  một lòng son sắt

              Chín mươi mốt tuổi đời, khi còn trẻ, lúc tuổi già, với Dòng họ trọn nghĩa vẹn tình

                      (Bài viết có sử dụng một số tư liệu của Cố Giáo sư Tô Linh,

                                           con trai trưởng của ông Tô Gĩ)

                                                                                                                      Tô Bỉnh