Trong vòng gần mười năm trở lại đây, những người yêu nghệ thuật tuồng không còn thấy Chủ tịch Tô Đình Cơ (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) ngồi cầm chầu ở các buổi diễn nữa, nhưng âm vang tiếng trống chầu của ông và ấn tượng con người ông vẫn sống mãi trong tâm thức những ai đã có dịp xem ông cầm chầu.
Ông Tô Đình Cơ (bìa phải) và lãnh đạo tỉnh
chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn
Có thể nói, ông Tô Đình Cơ là vị Chủ tịch tỉnh hiểu tuồng và yêu tuồng độc nhất vô nhị trên đất nước ta. Từ lúc làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch tỉnh Nghĩa Bình, ông Tô Đình Cơ tuy bận trăm công nghìn việc, nhưng cũng dành tâm huyết cho nghệ thuật tuồng và ca kịch bài chòi, món ăn tinh thần không thể thiếu được của đồng bào Nam Trung bộ. Ông đã góp phần không nhỏ trong việc phục hồi sự nghiệp tuồng của danh nhân Đào Tấn và thành lập Nhà hát tuồng mang tên Đào Tấn (tiền thân là Đoàn tuồng Liên khu 5), cũng như xây dựng Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định (tiền thân là Đoàn Ca Kịch Nghĩa Bình).
Quan tâm tới nghệ thuật truyền thống, ông Tô Đình Cơ không chỉ quan tâm về chủ trương, chính sách, mà còn đến tận nơi các nghệ nhân, nghệ sĩ sống và làm việc. Ông lo từng chỗ ở, nơi ăn của những người lao động nghệ thuật. Thấy cái gì chưa ổn là ông chỉ đạo cho Sở VHTT và Ban phụ trách các đơn vị nghệ thuật phải giải quyết ngay. Ai cũng biết thời ông Tô Đình Cơ làm Chủ tịch tỉnh Nghĩa Bình, TP Quy Nhơn đã liên tục diễn ra những cuộc liên hoan, hội diễn và hội thảo sân khấu dân tộc. Văn nghệ sĩ cả nước đã tập hợp về đây ngày càng đông để cùng thi thố tài năng và cùng nhau bàn bạc việc phục hồi và phát huy vốn nghệ thuật dân tộc.
Ông Tô Đình Cơ (bìa phải) đang làm việc
với Giáo sư Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu âm nhạc tại Nhà hát tuồng Đào Tấn
Sau khi nghỉ hưu, ông Tô Đình Cơ được lãnh đạo tỉnh trao cho trọng trách là Chủ tịch Hội bảo trợ tuồng và dân ca. Trên cương vị này, ông Tô Đình Cơ đã đi vận động toàn dân trong tỉnh ủng hộ nghệ thuật tuồng và dân ca bằng cách tài trợ tiền để phục hồi các đơn vị tuồng không chuyên đang gặp khó khăn về tài chính. Nhờ thế mà phong trào biểu diễn tuồng không chuyên ở Bình Định được phục hồi, phát triển và người Bình Định đỡ "đói" tuồng. Từ trong các đơn vị tuồng không chuyên đó đã xuất hiện nhiều diễn viên rất giỏi. Ông Tô Đình Cơ đã tuyển một số diễn viên xuất sắc của hai đội tuồng không chuyên, ở hai huyện Phù Cát và Tuy Phước lập thành một đội biểu diễn để đi giới thiệu tuồng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại kỳ họp Quốc hội khóa VII, Đội tuồng này đã được vinh dự mời tới biểu diễn tại Hội trường Ba Đình và cũng chính Chủ tịch Tô Đình Cơ cầm chầu đêm diễn. Những roi chầu của ông đầy tính nghệ thuật, đánh rất chính xác, rất có hồn, nên không những cổ vũ cho diễn viên mà còn cổ vũ cho cả người xem. Đêm đó, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh ngồi xem từ đầu đến cuối và đã phát biểu khen ngợi tài nghệ của diễn viên và người cầm chầu. Ông Tô Đình Cơ vui sướng và xúc động như vừa "lập được một chiến công" trong thời kỳ ông chỉ huy đánh Mỹ trên quê hương mình với mật danh là Tiến.
Ông Tô Đình Cơ sinh ra trong gia đình nho học có truyền thống cách mạng. Ông ngoại ông là nhà yêu nước Trần Cao Vân. Vì thế mà từ lúc làm Chủ tịch tỉnh, ông đã quan tâm tới việc sưu tầm tư liệu lịch sử của Trần Cao Vân và ông đã giúp cho nhà soạn tuồng Tống Phước Phổ viết ra vở tuồng "Vầng mây đỏ" mà nhân vật chính là Trần Cao Vân. Vở tuồng đã được Nhà hát tuồng Đào Tấn dựng diễn khá thành công. Ông còn nhiều dự định viết về những nhà cách mạng đã anh dũng hy sinh trên quê hương ông, nhưng chưa thực hiện được thì bệnh hiểm nghèo đã quật ngã. Ông phải nằm trong bệnh viện với căn bệnh thập tử nhất sinh gần 6 năm trời. Và vị cựu Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch Hội bảo trợ tuồng và dân ca Bình Định đã vĩnh viễn ra đi, về thế giới bên kia ngày 6-11-2004 để lại biết bao niềm tiếc thương đối với cán bộ và nhân dân tỉnh Bình Định, nhất là đối với những nghệ sĩ, diễn viên tuồng và dân ca.
Tiếng trống chầu đặc sắc của ông Tô Đình Cơ từ đây không còn nữa, nhưng tôi tin rằng âm vang của nó vẫn sống mãi trong tâm thức của những người yêu tuồng và hình ảnh vị Chủ tịch ngồi cầm chầu suốt đêm diễn tuồng, khi thì tay phải, khi chuyển sang tay trái đánh rất điệu nghệ, rất bài bản, lúc khoan, lúc nhặt, lúc rộn ràng thôi thúc… sẽ không bao giờ phai mờ trong người diễn và người xem tuồng trên đất Bình Định hôm qua.
GS Hoàng Chương (Báo Bình Định)
- Tổng Bí thư: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sắp xếp cán bộ, tổ chức bộ máy
- Anh hùng Tô Đức Thắng Kiên cường, bản lĩnh, nhân văn trên trận tuyến phòng, chống tội phạm
- Đừng khoác lại “chiếc áo” chật hơn cho xuất khẩu gạo
- Sinh viên Tô Thị Hà Vy, Lớp DHKT17A9HN – Một tấm gương sáng trong CLB Tuyên truyền và thực hiện Văn hóa học đường sinh viên.
- Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi vận hành bộ máy mới
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Cán bộ phải đặt mình trong niềm phấn khởi chung của nhân dân
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì hội nghị sơ kết công tác phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
- Tổng Bí thư: Hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” và nhà thơ Lê Anh Xuân
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- Đất nước và người mẹ trong thơ Tạ Hữu Yên
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”



