Tô Lịch trong “Sách Việt Nam Khai quốc”

Dưới thời nhà Đường cuối năm 822 Lý Nguyên Hỷ được thay giữ chức Kinh lược sứ Ung Châu, với trọng trách tái lập quyền hành của nhà Đường ở đó. Suốt thập niên sau đó, những khó khăn ở biên giới cùng với  tình hình ly loạn lúc nào cũng âm ỉ ở An Nam khiến các quan chức nhà Đường luôn  luôn ở thế phòng ngự. Suốt trong các năm sau đó “Man Hoàng Động” liên tục đánh phá Ung Châu và cướp phá An Nam khiến Lý Nguyên Hỷ phải bỏ thành Đại La. Năm 825 Lý Nguyên Hỷ đã dời trị phủ lên bờ Bắc Sông Hồng và quân nổi loạn đã hủy thành Đại La.

Sau một thời gian ngắn Lý Nguyên Hỷ lại quay về vùng phụ cận thành Đại La xây một thành nhỏ đặt tên là “La Thành”. Việc xây “La Thành” có quan hệ đến một truyền thuyết liên quan đến một vị thổ thần. Theo như câu chuyện được kể lại thì La Thành có cửa kép từng đôi, bốn hướng vây tròn, nhà cửa san sát. Lý Nguyên Hỷ tin rằng địa điểm ông đã chọn lựa để xây thành là nơi sinh ra của một vị thần địa phương rất linh thiêng. Thần địa phương này chính là Tô Lịch, người mà năm xưa từng làm quan lệnh dưới triều nhà Tấn. 

Theo truyền thuyết thì Tô Lịch “gia tư không hòa phú lắm, tề gia lấy sự hiếu đễ làm trọng”. Khi Tô Lịch đỗ “Hiếu liêm, có lời chiếu biểu dương môn lư của ngài, gặp năm mất mùa thiếu ăn, chiếu đong lúa kho cho ông, lấy tên ông là Tô Lịch đặt tên thôn và dòng sông chảy qua đó.

Khu vực sông Tô Lịch, ngày nay vẫn còn chảy qua Hà Nội, đã là vùng đất rất quan trọng về mặt chính trị vào thế kỷ 6 vì được dân chúng cho là đất kiểu “Long Đỗ-tức Rốn Rồng) mà theo phong thủy là tiêu biểu cho trung tâm địa lý và tinh thần của non sông Việt Nam.Và việc Tô Lịch được phong làm thành hoàng ở đó, chắc chắn là vì giới cầm quyền đã hiểu được quan niệm về vương quyền bản địa. Để gia tăng niềm tin của dân chúng địa phương vào thổ thần Tô Lịch, Lý Nguyên Hỷ còn có hàng loạt các động thái để chứng tỏ lòng tín phục các phong tục và tập quán địa phương của ông.

                                                                                         Tô Duy Phương

                                                                            Lược trích từ “Đông tác giao lưu”

                                                                               của tác giả Keith Weller Taylor