THẦN LONG ĐỖ - TÔ LỊCH

    Thần họ Tô, húy là Lịch, sống vào cuối thế kỷ III – đầu thế kỷ IV, thời nhà Tấn đô hộ nước ta (nhà Tấn 265-420 CN). Sinh thời, Ngài đỗ Hiếu liêm, từng làm quan ở hương Long Đỗ. Tiên tổ cư ngụ ở đó đã lâu đời, dựng làng bên bờ một con sông nhỏ. Gia đình Ngài lấy sự thanh bạch, hòa thuận, hiếu thảo làm trọng, ba đời cùng nhân nhượng mà ở chung với nhau, không chút riêng biệt.

    Thời nhà Tấn đô hộ, triều đình xét khen những nhà có hiếu, gia đình Ngài được khen. Gặp năm mất mùa, đói kém, gia đình Ngài sẵn lòng cho dân làng vay thóc, triều đình lại ban khen.

    Do có nhiều công đức với dân làng nên khi Ngài mất, nhân dân tôn Ngài làm Thành hoàng và lấy tên của Ngài để đặt tên làng, gọi là làng Tô Lịch. Con sông chảy cạnh làng cũng lấy tên là sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch còn đó, còn làng Tô Lịch đã bị Cao Biền lấy đất xây thành Đại La.

    Năm 545, Lý Nam Đế cho xây môt tòa thành bên sông để chống quân nhà Lương, gọi là Tô Lịch giang thành.

    Năm Trường Khánh thứ hai (822) đời Đường Mục Tông, viên quan đô hộ là Lý Nguyên Hỷ cho xây một ngôi thành lớn bên bờ sông, tôn Ngài làm Thần chủ của tòa thành. Năm 866, Cao Biền xây thành Đại La. Vốn là phù thủy cao tay, Cao Biền dùng các loại kim khí để trấn yểm, hòng bắt dân ta phải đời đời thần phục Bắc quốc. Ngài đã dùng pháp thuật làm giông bão, sấm sét, chỉ trong một đêm đánh tan bùa phép của Cao Biền thành tro bụi. Cao Biền chịu thua, trước khi chạy về Bắc quốc đã xây đền thờ Ngài và tôn Ngài là “Đô phủ Thành hoàng Thần quân”.

    Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, đổi tên là Thăng Long. Ngài lại hiển thần thành Ngựa Trắng, giúp Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long. Để ghi nhận công lao, Lý Thái Tổ cho xây lại đền thờ (ngôi đền do Cao Biền xây), đặt tên là Bạch Mã linh từ (Đền thiêng Ngựa Trắng) chính là đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm ngày nay và phong Ngài là “Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương”. Đời sau, các vua nhà Trần lại gia phong Ngài nhiều tước vị hiển quý và duệ hiệu đầy đủ của Ngài là “Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương”. Còn ở đền Bạch Mã thì Thần hiệu của Ngài là “Long Đỗ Thần quân Quảng Lợi Bạch Mã Đại vương”.

     Theo các sách lịch sử và các công trình nghiên cứu thì ở Hà Nội có 24 ngôi đền, đình, miếu thờ Thần Tô Lịch gọi là Thần Bạch Mã. Nhưng do thiên nhiên, chiến tranh và con người tàn phá, ở Hà Nội hiện nay chỉ còn 11 ngôi đền thờ Thần Bạch Mã. Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam còn đi điền dã tìm được ở tỉnh Hải Dương có 1 ngôi đình thờ Thần Tô Lịch làm Thành hoàng là đình làng Thuần Lương, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang; ở tỉnh Thái Bình có 1 ngôi đình ở làng Hòa Hợp Đông, xã Hồng Lĩnh và 1 ngôi miếu ở xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, thờ Thần Bạch Mã; ở tỉnh Hà Nam có ngôi Miếu Thượng ở xã Văn Xá, huyện Kim Bảng thờ Linh Lang Bạch Mã Đại vương.

     Ở Hà Nội, đền Bạch Mã là ngôi đền cổ nhất (Cao Biền xây năm 866). Đền Bạch Mã là một trong bốn ngôi đền thiêng (Trấn Vũ, Voi Phục, Kim Liên, Bạch Mã) trấn bốn phía kinh thành Thăng Long, giữ yên cho Quốc đô Thăng Long, cũng là giữ yên cho nước Đại Việt trường tồn và phát triển. Đền Bạch Mã trấn phía Đông, gọi là “Đông Trấn chính từ”. Lễ hội hàng năm, trước kia còn có tên là lễ Xuân Ngưu (vì có tục lệ rước trâu) vào hai ngày 12, 13 tháng Hai âm lịch.

     Căn cứ vào các tư liệu lịch sử được nghiên cứu một cách khách quan, khoa học (đặc biệt là các công trình nghiên cứu của cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng và Giáo sư sử học Lê Văn Lan), được phép của các cơ quan chức năng nhà nước, nhân Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngày 19-9-2010, tại đền Bạch Mã, Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam cùng hơn 100 con cháu Họ Tô cả nước, nhiều vị khách quý và 30 nhà sư đã long trọng làm lễ suy tôn “Thần Long Đỗ - Tô Lịch, Thành hoàng thành Thăng Long là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam”

                                                                                                Tô Bỉnh