VỀ NHỮNG HẬU DUỆ CỦA ĐỨC TÔ HIẾN THÀNH

Bài phát biểu trong Lễ kỷ niệm 910 năm ngày sinh Đức Tô Hiến Thành

22 tháng Giêng Nhâm Ngọ (1102)- 22 tháng Giêng Nhâm Thìn (2012)

Về thân thế sự nghiệp của Đức Tô Hiến Thành đã có nhiều sách vở, báo chí và hội thảo tại Đan Phượng năm 1997 nói khá đầy đủ, rõ ràng. Và ngay tại diễn đàn này, trong nhiều năm qua đã có nhiều diễn giả phát biểu ý kiến.

Hôm nay thay mặt Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam tôi xin cung cấp một số tư liệu về những hậu dụê của Người cũng chính là để làm phong phú thêm về tài năng, đạo đức và công trạng của Người.

Từ trước đến nay chúng ta mới chỉ có những tài liệu nói về thân thế sự nghiệp của Người và một chút ít về phu nhân Lã Thị Kim Dung, còn về con cháu của Người thì chưa có  sách vở nào nói đến.

Từ khi suy tôn người là biểu tượng tinh thần của dòng họ, Ban liên lạc họ Tô Việt Nam  đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để tìm hiểu về những hậu duệ của Người và đã có thêm được nhiều tư liệu quan trọng:

1.Con trai Đức Tô Hiến Thành là Tô Trung Từ,

Ông là võ quan cao cấp của triều đình nhà Lý dưới triều Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông và đã được Lý Huệ Tông phong chức Thái uý phụ chính năm 1211.

Tô Trung Từ là con trai Đức Tô Hiến Thành không có sách vở nào nói đến nhưng chúng tôi chắp nối  tư liệu từ 2 cuốn sách. Sách “Triều Trần và con người thời Trần” của Viện Sử học và Hội khoa học lịch sử Việt Nam viết: “Vợ Trần Lý là con gái Thái uý Tô Hiến Thành”. Sách “Thái Bình với sự nghiệp triều Trần” của Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Thái Bình viết: “Vợ Trần Lý chính là chị gái viên quan đại thần nhà Lý là Thái uý Tô Trung Từ”. Như vậy rõ ràng Tô Trung Từ là con trai Đức Tô Hiến Thành.

Tô Trung Từ  có công bảo vệ Thái tử Xảm (sau này lên ngôi là Lý Huệ Tông) lúc Thái tử chạy loạn từ kinh thành về ở thái ấp của Tô Trung Từ ở đất Hưng Nhân. Tô Trung Từ đóng quân ở Nam Định, Hải Dương nhiều lần đem quân dẹp loạn ở Thanh Hoá, Thái Bình bảo vệ cung Ngự Thiên (Thái Bình) và bảo vệ kinh thành Thăng Long. Khi Lý Huệ Tông lên ngôi vua (1210) đã phong Tô Trung Từ làm Thái uý phụ chính. Năm 1211 thấy cảnh triều đình nhà Lý rối ren, đổ nát, Tô Trung Từ treo ấn từ quan về ở ẩn ở đất Vỵ Khê (xã Điền Xá, tỉnh Nam Định ngày nay) dạy cho dân làng trồng hoa, cây cảnh. Khi ông mất dân làng thờ ông làm ông tổ nghề trồng hoa cây cảnh. Hiện nay ở đình làng Vỵ Khê, bên ban thờ ông có đôi câu đối mà một vế là: “Tài thụ, chủng hoa, Tô tướng thuỷ” nghĩa là: Trồng cây, ươm hoa là nghề Tô tướng công khởi đầu.

Tháng 2 năm Giáp Dần (1374) Trạng nguyên Đào Sư Tích qua đây có đề thơ:

Dương Xá chi nam Bình Giã bảo

Tô công thứ nhất kiến gia cư

Hoa thôn Nguyễn ấp tòng tư thịnh

Thị quán, giang tân niệm thế sư

Đại ý là: Thành Bình Giã phía nam Dương Xá. Tô tướng công đã từng ở đây. Làm cho làng hoa Nguyễn ấp ngày càng thịnh vượng. Chợ búa, đò sông tấp nập, vui vẻ nhớ đến công ơn của Thầy.

Tô Trung Từ còn có công lớn với nhà Trần vì đã đưa nhiều người họ Trần từ Trần Lý, Trần Thừa, Trần Tự Khánh ( các con Trần Lý), Trần Thủ Độ vào làm quan triều Lý, giúp cho họ Trần phát triển thế lực sau này đoạt ngôi nhà Lý.

2. Con gái Đức Tô Hiến Thành là Tô Phương Lan

Bà là tổ mẫu của các vua nhà Trần. Sách “Triều Trần và con người thời Trần” viết là: “Vợ Trần Lý là con gái Thái uý  Tô Hiến Thành” tiếc là sách không cho biết tên người con gái đó nên chúng tôi phải đi tìm, mà hướng tìm là trong gia phả họ Trần.

Chúng tôi đã tìm gặp các ông Trần Ngọc Bảo, Trần Mạnh Quảng trong “Hội đồng Trần tộc” và được các ông cung cấp cuốn sách “Văn hoá họ Trần” xuất bản tháng 9 năm 2010 chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong đó có in phả hệ họ Trần. Trong phả hệ ghi rõ:

Trần Lý (1160 - 1210) sau được truy tôn là Nguyên tổ hoàng đế.

Thê là: Tô Phương Lan sau được truy tôn là Nguyên từ hoàng hậu.

Các con: Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung, Trần Thị Tam Nương.

Như vậy bà là thân mẫu của Thái thượng hoàng Trần Thừa, Kiến Quốc đại vương Trần Tự Khánh, Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung và là nhạc mẫu của Trần Thủ Độ.

Bà là Tổ mẫu (bà nội) của Trần Thái Tông Trần Cảnh, An Sinh vương Trần Liễu, Khâm Thiên vương Trần Nhật Hiệu. Bà là bà ngoại của Lý Chiêu Hoàng, Lý Thuận Thiên đều là Hoàng hậu của Trần Thái Tông và lại thành cháu dâu của bà.

Bà là cụ nội của Thánh Tông hoàng đế Trần Hoảng, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật.

Và như vậy Đức Tô Hiến Thành là “ngoại tổ” của các vua nhà Trần.

Hai người con trai, con gái Đức Tô Hiến Thành là con bà trắc thất của Đức Tô, sinh ra và lớn lên tại thái ấp của Người ở huyện Hưng Nhân (Thái Bình). Còn con của phu nhân Lã Thị Kim Dung hiện nay chúng tôi chưa tìm hiểu được

3. Hai người cháu đời thứ 6 của Đức Tô (theo bản lý lịch di tích Lịch sử -Văn hoá đền Thượng Lao - Xối Thượng của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Nam Định).

Vào đời Trần cháu tằng tôn của quan Thái phó Tô Hiến Thành là Tô Hiến Chương làm quan ở đất Gia Viễn - Ninh Bình vì sợ mưu sát nên đổi tên thành Tô Hiến Thái về sống ẩn dật tại làng Thượng Lao, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường nay là huỵên Nam Trực, tỉnh Nam Định lấy người con gái địa phương là Lê Thị Nga chuyên nghề thêu thùa dệt vải. Hai ông bà tính tình hiền hậu, hay làm phúc cứu người, đem nghề dệt vải dạy lại cho dân làng. Hiềm một nỗi hiếm muộn, tuổi đã ngoại tứ tuần mà chưa có con. Sau khi đến động Hương Tích cầu tự thì bà Lê Thị Nga hoài thai. Ngày mười tháng hai năm Ất Dậu (1345) năm thứ năm niên hiệu Thiệu Phong đời vua Trần Dụ Tông, bà Lê Thị Nga sinh đôi được hai bé trai mặt mũi khôi ngô tuấn tú, đặt tên chung là “Đồng”. Nhân vì hiếm hoi hoặc vì lý do nào đó cho con theo họ mẹ. Lớn lên đặt tên cho người anh là Lê Hiến Phủ, em là Lê Hiến Tứ. Hai anh em tư chất thông minh, học hành chăm chỉ, văn chương uyên bác, võ lược siêu phàm. Đi thi hương đỗ đầu khoa.

Mùa xuân tháng hai năm Giáp Dần (1374 niên hiệu Long Khánh năm thứ hai đời vua Trần Duệ Tông), Thượng hoàng Trần Dụ Tông về cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường (xã Lộc Vương ngoại thành Nam Định ngày nay) mở khoa thi Đình. Vì kiêng tên huý của Thượng hoàng là Trần Phủ, Lê Hiến Phủ đổi thành Lê Hiến Giản. Khoa thi đó Đào Sư Tích đỗ Trạng Nguyên, Lê Hiến Giản đỗ Bảng Nhãn, Trần Đình Thám đỗ Thám Hoa còn Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ.

Hai ông được bổ làm quan. Lê Hiến Giản làm quan đến chức Thị Lang đại học sĩ Tri thẩm Hình viện trông coi việc pháp luật. Lê Hiến Tứ làm quan Hạ đại phu được điều đi trấn thủ Cao Bằng, có công dẹp giặc vùng Quảng Nguyên nay là tỉnh Quảng Ninh (?) mà được phong chức Trung lang tướng và đánh dẹp giặc Chiêm Thành ở biên giới Tây Nam được phong chức Trấn Nam tướng quân.

Hai ông tuy làm quan đại thần trong triều nhưng vẫn quan tâm đến quê hương đã cho đào một con sông gọi là Đào giang để ghi nhớ công ơn thầy dạy học là trạng nguyên Đào Toàn Bân (sinh ra trạng nguyên Đào Sư Tích).

Sông bắt nguồn từ sông Hồng chỗ ngã tư Cổ Lễ, chảy qua huyện Nam Trực, Trực Ninh đổ vào sông Ninh Cơ gọi là cửa Bà Nữ, để cho thuyền bè đi lại dễ dàng.

Hai ông lại cho đào con ngòi bắt nguồn từ sông Đào giang chảy qua các cánh đồng quê hương Thượng Lao, Xối Thượng, Xối Tây, Xối Trì để dẫn thuỷ nhập điền làm cho đời sống nhân dân no đủ. Ông Lê Hiến Giản có thời gian trấn thủ ở phủ Thiên Trường đã lấn biển khai phá đất hoang vùng Giao Thuỷ, Xuân Trường. Một số làng ở đây đã lập đền thờ ông.

Lúc đó triều Trần đã bước vào thời kỳ suy vong. Quân Chiêm Thành thường hay sang quấy nhiễu cướp phá. Trần Duệ Tông thân chinh cất quân đi đánh dẹp, phong Lê Hiến Giản làm Đốc lĩnh trung quân, Lê Hiến Tứ làm Điều vận binh nhung sự. Tháng Giêng năm 1377 quan quân tiến quân vào cửa Thị Nại đánh lấy đồn Thạch Kiều, Ý Mang (đất Bình Định ngày nay). Vua Chiêm Chế Bồng Nga cho 1 viên quan nhỏ đến trá hàng nói dối là Chế Bồng Nga đã bỏ thành chạy trốn. Vua Trần Duệ Tông tưởng thật, không nghe lời khuyên của các tướng đem quân tấn công đã bị quân Chiêm Thành giết chết. Lê Hiến Giản, Lê Hiến Tứ đã thu thập tàn quân đánh lại và thắng lớn mới thu quân về.

Lúc đó Hồ Quý Ly được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tin dùng nên  chuyên quyền lấn át ngôi vua. Hồ Quý Ly đã xúi dục Nghệ Tông phế truất vua Xương Phù bắt thắt cổ chết (nên sau có miếu hiệu là Trần Phế Đế). Để trừ hậu hoạ, bảo vệ ngôi vua nhà Trần, Lê Hiến Giản đã sai người tâm phúc hành thích Hồ Quý Ly. Nhưng sự việc không thành Lê Hiến Giản bị Hồ Quý Ly xử trảm vào ngày 12 thág 12 năm Ất Sửu (1385). Nhà vua vô cùng thương tiếc đã cho quần thần đưa thi hài ông vào quan đồng quách đá; linh cữu được đưa bằng thuyền từ kinh thành Thăng Long  theo sông Nhị Hà vào sông Đào giang đưa về quê hương an táng và xây lăng mộ tại thôn Thượng Lao bên cạnh con ngòi lúc sinh thời ông đã cho đào. Bốn ngưòi hầu nữ quá thương xót ông đã nhảy xuống ngòi tự vẫn. Vì vậy con ngòi sau mang tên là “Mỹ nữ hàn khê”. Hiện nay trên cánh đồng Mưỡu, tại gò cao nhất vùng còn có lăng Bảng Nhãn, về hướng Tây có gắn tấm bia ghi dòng chữ “Cố Trần triều Bảng Nhãn Hiến Giản đại vương chi lăng”.

Lúc đó Lê Hiến Tứ đang làm quan ở đất Hưng Yên biết chuyện anh trai bị giết hại đã xuống thuyền trốn về núi Thần Thiệu (huyện Gia Viễn, Ninh Bình ngày nay), nơi trước đây cha ông là Tô Hiến Chương làm quan. Thời gian sau Hồ Quý Ly biết tin cho quân đến bắt. Lê Hiến Tứ đem số quân ít ỏi đánh nhau với tướng Nguyễn Sâm, biết mình không thể thoát được đã gieo mình xuống sông tuẫn tiết. Hôm đó là ngày 12 tháng 12 năm Bính Dần (1386) đúng một năm sau ngày Lê Hiến Giản bị sát hại. Hai ông được dân 4 xã Thượng Lao, Xối Thượng, Xối Tây, Xối Trì lập đền thờ (nên gọi là đền Tứ xã) hàng năm mở lễ hội vào ngày 10 tháng 8 âm lịch để ghi nhớ ngày hai ông đánh thắng quân Chiêm Thành.

Tương truyền vào năm Bính Ngọ (1426) Bình Định Vương Lê Lợi đem quân ra Bắc, khi qua địa phương hai ông hiển linh báo mộng. Năm 1428 sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua đã ban sắc phong cho hai ông làm “Thượng đẳng phúc thần”.

Vào đời Lê Chiêu Tông, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê. Thái tử cùng Thái uý Nguyễn Kim đem quân đến đóng ở trước đền Lê Hiến Tứ, đêm nằm mơ thấy Thần dâng mũ ngọc, xin giúp việc quân, sau quả ứng nghiệm. Khi Thái tử lên ngôi vua (Lê Trang Tông) gia phong cho Lê Hiến Tứ 4 chữ “Quan phục linh ứng”.

Đền thờ hai ông còn lại nhiều hoành phi câu đối và 14 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam..

Người đời sau đã tặng cho hai ông bốn chữ “Đồng” mà hiện nay nhân dân địa phương vẫn còn truyền tụng:

Đồng sinh  : Cùng sinh một ngày

Đồng khoa: Cũng đỗ một khoa

Đồng liêu   : Cùng làm quan một triều

Đồng tử      : Mất cùng một ngày

Vì một lý do nào đó hai ông mang họ mẹ, nhưng vẫn mang dòng máu họ Tô và vẫn mang cốt cách của Đức tiên tổ Tô Hiến Thành: Trung trinh bất khuất.

4. Cháu đời thứ 8 Đức Tô Hiến Thành, quận công Tô Chính Đạo

Quận công Tô Chính Đạo tên huý là Tô Văn Bảo sinh khoảng năm 1400 tại làng Bao Hàm, tổng Hổ Đội, huyện Thuỵ Anh, phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định. Là con ông Tô Huệ Ân, thuở nhỏ ham học văn võ song toàn. Thi đậu giải nguyên triều Lê Thái Tông (1434-1442) được bổ nhiệm chức Thanh Hoa thừa tuyên xứ sứ thần. Có lòng nhân ái độ lượng được nhân dân trong vùng kính trọng. Thời gian này Ngài được đặc phái đi đánh giặc Chiêm Thành ra quấy nhiễu vùng Nghệ An, lập công lớn được phong tước quận công.

Năm thứ 3 Quang Thuận - Hồng Đức (1461) ngài cùng đại thần Lê Công Bình phụng chỉ nhà vua Lê Thánh Tông đi chiêu dân lập ấp, khai phá lập các Sở đồn điền ở Nam phần Thanh Hoá gồm 3 huyện Nông Cống, Ngọc Sơn, Quảng Xương của phủ Tĩnh Ninh.

Ngài mất ngày 4 tháng Tư âm lịch không rõ năm nào. Hiện nay ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá có đền thờ quận công Tô Chính Đạo. Trong đền thờ có đôi câu đối ca tụng công đức của Ngài mà một vế là “Trung trinh hệ xuất Lý danh thần” chứng tỏ Ngài là dòng dõi danh thần nhà Lý tức Tô Hiến Thành.

Quận công Tô Chính Đạo có 2 phu nhân:

- Chính thất phu nhân Lê Lệnh thị hiệu Hoa Tiên người Đông Quan, Thái Bình ở lại quê chồng làng Bao Hàm sinh hạ 4 trai, 2 gái truyền nối dòng họ Tô Bao Hàm ngày nay.

- Trắc thất phu nhân Lê Lệnh thị hiệu Từ Tôn người Thuỵ Anh, Thái Bình cùng chồng vào Thanh Hoá ở lại làng Đồn Điền sinh hạ 5 trai, 1 gái truyền nối  dòng họ Tô làng Đồn Điền, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá.

Từ đó kết luận là 2 chi họ Tô làng Bao Hàm (Thái Bình) và làng Đồn Điền (Thanh Hoá) là 2 chi họ anh em, là hậu duệ của Quận công Tô Chính Đạo cũng là hậu duệ của Thái uý Tô Hiến Thành.

Hai chi họ này cho đến tận ngày nay đã sinh ra nhiều người có công với dân với nước như Tô Trung Thành cháu 5 đời của Tô Chính Đạo là quan chỉ huy hải quân của triều đình nhà Lê đã lập nhiều chiến công hiển hách; cử nhân (Hán học) Tô Thế Mỹ, Án sát tỉnh Khánh Hoà, sau cách mạng Tháng 8 năm 1945 làm Chủ tịch lâm thời tỉnh Nghệ An sau làm Chủ tịch uỷ ban MTTQ tỉnh Nghệ An; Tô Vĩnh Diện liệt sỹ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lấy thân mình chèn pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong buổi lễ trọng thể kỷ niệm 910 năm ngày sinh Đức Tô Hiến Thành (1102-2012) hôm nay, chúng tôi xin cung cấp thêm một số tư liệu về những hậu duệ của Đức Tô Hiến Thành, những người tiếp nối truyền thống và làm rạng danh tiên tổ.

 Tô Bỉnh