Những vần thơ về Cách mạng tháng Tám


          Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một cuộc Tổng khởi nghĩa, biểu dương sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân, đập tan xích xiềng nô lệ của thực dân, phong kiến, xây dựng chính quyền mới với cuộc sống mới độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc. Lại diễn ra trong mùa thu nên có tên là cuộc Cách mạng mùa thu. Do vậy Cách mạng tháng Tám đã tạo nguồn cảm hứng lớn lao, một đề tài mới lạ cho Văn học nghệ thuật Việt Nam ở thời đại mới; trong đó có thơ và trường ca. Nhà thơ Tố Hữu đã viết bài “Hồ Chí Minh” ngay trong ngày 26-8-1945. Đây là bài thơ sớm nhất viết về Bác Hồ kính yêu của chúng ta:

          “…Hồ Chí Minh

          Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng

          Trên đầu ta ngọn cờ dân tộc

          Trăm thế kỷ trong tên người Ái Quốc

          Bạn muôn đời của thế giới đau thương…”

          Và cũng nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại cuộc cánh mạng ở cố đô Huế trong bài “Huế tháng Tám” có những câu:

          “…Chừ đây Huế, Huế ơi, xiềng gông xưa đã gãy

          Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!

          Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi

          Cổ ta rẻ trăm trận cười, trận khóc!

          Ta ôm nhau, hôn nhau, từng mái tóc

          Hả hê chưa ai bịt được mồm ta

          Ta thét huyên thiên, ta chạy khắp nhà

          Ai dám cấm ta say, say thần thánh…”

          Đối với Nguyễn Đình Thi, Cách mạng tháng Tám đã mang lại một lẽ sống lớn. Trong niềm vui khôn cùng khi đất trời được giải phóng, ông viết:

          “Mùa thu về bỡ ngỡ sáng nay

Gặp những chàng trai bên hồ hò reo say

Reo reo hò cờ rực đỏ ánh cây

Thoáng sao vàng nghiêng nghiêng vẫy”

          Ba tháng sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, nhà thơ Xuân Diệu đã hoàn thành bản trường ca “Ngọn quốc kỳ” phác họa lại cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Mặt trận Việt Minh mà biểu tượng thiêng liêng là lá cờ đỏ sao vàng, có sức mạnh lôi cuốn, thúc giục lòng người, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đứng vào đội ngũ đấu tranh giành quyền sống:

          “…Cờ như mắt mở thức thâu canh

          Như lửa đốt hoài trên chót đỉnh

          Cờ như nắng mãi ấm luôn luôn

          Sưởi khắp lòng ai nghe vắng lạnh

          Sớm hôm canh giữ lấy hồn thiêng

          Bay mãi trên trời, treo sứ mệnh…”

 Trong bài “Cách mạng tháng Tám” của Trần Dần cũng tràn đầy cảm hứng hào sảng trong ký ức:

 

         “Lịch sử có những ngày rất lớn

          Những người lơ đãng nhất cũng không quên

          Đầu óc người ta có thể vãi rơi đi cả ngày sinh tháng đẻ bản thân minh

          Nhưng – mãi mãi ngày sinh nhật nước

          Không bao giờ ta có thể quên…”

Từ Nha Trang, Trần Mai Ninh có những vẫn thơ mới về quê hương đất nước và Tổ quốc với những con người mang sức sống mới, được làm chủ đời mình:

          “Dân tộc rớt mồ hôi thấm đất

          Căng như đồng

          Tay ghì cán cuốc

          Tay ghì tay xe

          Nhìn quanh là cả bốn bề cần lao

          Có mối tình nào hơn thế nữa”

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương nhớ lại ngày Cách mạng tháng Tám thành công tại Thủ đô trong bài “Nhớ về Hà Nội vàng son” có những câu:

          “…Ba mươi sáu phố phường ngày hôm ấy

          Là những ngành sông đỏ bóng cờ

          Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại

          Năm cánh xòe trên năm của ô”

Cánh mạng tháng Tám trả lại những giá trị văn hóa truyền thống và tích hợp những giá trị mới, sức sống mới của dân tộc được phục sinh, tân tạo trong thơ Đoàn Văn Cừ:

          “Bao thôn nữ hôm qua còn yếm đỏ

          Miệng hoa cười tươi tựa ánh bình minh

          Hôm nay đều ra khỏi lũy tre xanh

          Với dòng máu quật sôi trong huyết quản…”

Bằng ngôn ngữ nghệ thuật thơ và trường ca, các nhà thơ đã ghi lại hình ảnh những ngày Cách mạng tháng Tám vĩ đại của dân tộc. Đó là tiếng lòng ngợi ca Tổ quốc, đất nước độc lập, tự do. Là nét vẽ tươi màu, đa sắc về một cuộc sống mới đang sinh sôi, nảy nở và được tái tạo trong hồn dân tộc. Thơ và trường ca đã phác họa hình ảnh một đất nước Việt Nam mới tươi trẻ, lạc quan và tràn đầy hy vọng. Đó là một dòng thơ tuôn chảy từ trái tim của nhà thơ và cũng là người công dân mới, người nghệ sĩ, chiến sĩ. Bằng ngôn ngữ thơ, các nhà thơ đã đánh dấu những cột mốc trên hành trình lịch sử phát triển của dân tộc.

                                                   Tô Kiều Thẩm (tuyển chọn)