Nhân kỷ niệm 64 năm quốc khánh nước Cộng hòa Cu Ba (1-1-1959 - 1-1-2023) KỶ NIỆM TÂY BÁN CẦU


                             Đại tá Tô Bỉnh

         Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Cu Ba được thành lập từ tháng 3 năm 1985, vì vậy mang tên Đoàn 385. Nhưng đến năm 1990, bạn mới yêu cầu ta cử chuyên gia các binh chủng Pháo binh, Công binh.

        Tôi lúc đó đang làm việc ở Ban tổng kết quân sự của Binh chủng Pháo binh, đã được Phòng Cán bộ tiến cử với Bộ Tư lệnh cùng hai đại tá khác (Bạch Ngọc Giáp, Nguyễn Mạnh Thông) đi làm chuyên gia quân sự Pháo binh tại Cu Ba.

        Năm đó tôi đã 59 tuổi, nên tuy là phân công công tác, lại là nhiệm vụ quốc tế, nhưng đi được hay không là tự nguyện. Nghe tin tôi được cử đi, nhiều bạn bè cũng chân thành góp ý kiến:

        - Anh đã 30 năm sống xa gia đình, mấy năm nay mới được ở gần và lại là lúc chị và các cháu rất cần anh ở nhà, anh không nên đi!

         Có đồng chí lại bảo:

        - Tình hình Cu Ba đang rất khó khăn. Mỹ bao vây cấm vận và gần đây lại tăng cường đe dọa quân sự, Liên Xô đang rục rịch cắt viện trợ; chiến tranh chưa biết nổ ra lúc nào. Anh đã qua ba cuộc kháng chiến, lại đến tuổi nghỉ hưu, nếu không đi, cũng chẳng ai chê trách.

         Cũng cần nói thêm là lúc đó đi làm chuyên gia quân sự ở Cu Ba như đi làm nhiệm vụ chiến đấu, nên chính sách của Nhà nước đã quy định: Nếu bị thương kể cả do tai nạn, được công nhận là thương binh, nếu bị chết ở nước bạn kể cả do bệnh tật, được công nhận là liệt sĩ.

        Nhưng vì cảm kích tấm lòng bè bạn mà nhân dân Cu Ba đã dành cho ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ, phần hấp dẫn bởi vẻ đẹp của “Hòn đảo Tự do” được mô tả trên báo chí, lại được gia đình đồng ý và một chị bạn, nhiều năm công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô khuyến khích, nên tôi vui vẻ nhận lời sang nước bạn công tác.

        Ngày 3 tháng 6 năm 1990 tôi bay sang Liên Xô, nghỉ lại Matxcơva một ngày đêm và hôm sau bay vượt Đại Tây Dương đến đất nước của Jose Marti. Cu Ba là một quần đảo gồm Đảo Lớn và khoảng 1600 đảo nhỏ, có tổng diện tích tự nhiên là 110.000km2, bằng một phần ba diện tích Việt Nam nhưng dân số chỉ bằng một phần sáu. Cu Ba ở ngang vĩ độ Thanh Hóa - Nghệ An của ta và chiều dài đất nước nằm ngang cùng vĩ độ nên giữa các miền khí hậu không khác nhau nhiều. Bốn bề là biển, khí hậu ôn hòa, mùa hè nhiệt độ cao nhất là 280C, mùa đông thấp nhất, không dưới 100C. Với khí hậu lý tưởng lại có nhiều cảnh đẹp, đặc biệt là các bãi biển nổi tiếng thế giới như Varadero và có cơ sở hạ tầng khá phát triển nên tuy bị bao vây cấm vận nhưng năm 1990, khách du lịch nước ngoài đến Cu Ba đạt xấp xỉ hai triệu người và ngành du lịch đã đem về cho đất nước hàng tỷ đô la.

        Chúng tôi sang Cu Ba đúng lúc Đảng Cộng sản và Nhà nước Cu Ba tuyên bố “Thời kỳ đặc biệt” nên tuy là chuyên gia nhưng chúng tôi cũng đồng cam cộng khổ, chịu thiếu thốn cùng nhân dân nước bạn.

        Tôi được phân công về làm chuyên gia Pháo binh, ở Tập đoàn quân miền Trung. Bạn có ba Tập đoàn quân (miền Đông, miền Trung, miền Tây)  như cấp quân khu của ta. Tập đoàn quân miền Trung quản lý lãnh thổ (về quân sự) 5 tỉnh: Matanzas, Villa Clara, Cienfuegos, Sancti Spiritus, Ciego de Avila. Cu Ba có những tên địa phương nghe hơi lạ như Matanzas nghĩa là tàn sát, Cienfuegos nghĩa là trăm ngọn lửa… Có lẽ đó là dấu ấn lưu lại của thời kỳ chinh phục đẫm máu của đế quốc Tây Ban Nha, đầu thế kỷ 16. Hơn một năm sau, khi Đoàn 385 rút gọn, tôi về làm chuyên gia Cục Pháo binh, Bộ các lực lượng vũ trang cách mạng như Bộ Quốc phòng của ta.

        Đến Cu Ba, điều dễ nhận thấy, đó là một xã hội khá phát triển và một dân tộc văn hóa. Cuộc cách mạng dân tộc, có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa ở Cu Ba, mở đầu từ trận tấn công vào pháo đài Moncada, ngày 26 tháng 7 năm 1953. Chịu nhiều tổn thất có lúc rất nặng nề như cuộc đổ bộ từ con tàu Granma của 82 chiến sĩ cách mạng lên bãi biển Las Coloradas ngày 2 tháng 12 năm 1956 do Fidel Castro chỉ huy, bị quân Batista chặn đánh, khi rút lên đến vùng núi Sierra Maestra để lập căn cứ, chỉ còn lại 12 người. Nhưng phong trào cách mạng vẫn phát triển mạnh mẽ và đến ngày 1 tháng 1 năm 1959, quân đội cách mạng đã tiến vào giải phóng Thủ đô La Habana, đánh dấu cuộc khởi nghĩa thắng lợi trên toàn quốc và được lấy làm ngày Quốc khánh Cu Ba.

        Ngày 15 tháng 4 năm 1961, đế quốc Mỹ dùng 1000 lính đánh thuê, tổ chức cuộc tấn công phản cách mạng lên bãi biển Giron thuộc vịnh Con Lợn, bờ biển Tây Nam La Habana. Nhưng chỉ trong 72 giờ, lực lượng vũ trang, cùng dân quân Cu Ba, đã đập tan cuộc tấn công, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ đội quân đánh thuê. Ngày 16 tháng 4, trong cuộc mít tinh quần chúng để tiễn đưa những người bị máy bay Mỹ sát hại hôm trước, Fidel Castro đã tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của cuộc cách mạng và cũng từ đó xuất hiện khẩu hiệu cách mạng nổi tiếng “Tổ quốc hay là chết” (Patria o Muerte) “Chủ nghĩa xã hội hay là chết” (Socialismo o Muerte) trở thành câu cửa miệng của từ người già đến trẻ em.

        Cu Ba rất cảm ơn Việt Nam, vì cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta đã giúp cho Cu Ba được tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội, mặc dù Cu Ba chỉ cách Mỹ 90 hải lý. Với sự giúp đỡ to lớn về vật chất của Liên Xô, với tinh thần cách mạng sôi sục và sự lao động sáng tạo, nhân dân Cu Ba đã xây dựng được một xã hội khá phát triển, cả về cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng.

        Xã hội Cu Ba là một xã hội vì con người, mọi người đều được chăm sóc, đặc biệt là trẻ em. Tôi ở đó ba năm không hề thấy hiện tượng cha mẹ đánh chửi con và cũng không thấy người lớn gây lộn với nhau trên đường phố. Những năm 90, tuy là “thời kỳ đặc biệt”, mỗi người dân chỉ được cấp 5 libras gạo (= 2,3kg) một tháng, nhưng trẻ em dưới 6 tuổi vẫn được cấp mỗi ngày một lít sữa (không mất tiền) đóng chai, tiệt trùng được xe chở đến phân phối ở từng khu dân cư.

        Nhân dân Cu Ba rất tự hào về giáo dục, y tế và thể thao. Từ cấp tiểu học đến bậc đại học đều được học không mất tiền; được ăn bữa trưa miễn phí tại trường; đi học mặc đồng phục do Nhà nước cấp phát; đồng phục của mỗi cấp học thống nhất trong cả nước. Những học sinh học hết cấp II, không vào được cấp III, thì vào học tại các trường vừa học vừa làm, ở nông thôn. Trường cách thành phố, vài ba chục kilômét. Cu Ba thực hiện tuần làm việc 5 ngày rưỡi, cách một kỳ nghỉ chủ nhật (gọi là tuần lễ dài), lại là một kỳ nghỉ cả hai ngày thứ bảy, chủ nhật (gọi là tuần lễ ngắn). Tuần lễ ngắn, học sinh vừa học vừa làm được về thăm nhà, chiều thứ sáu có xe của Nhà nước đón về gia đình, chiều chủ nhật lại đưa đến trường.

        Cu Ba thực hiện chế độ khám, chữa bệnh miễn phí, mỗi cụm dân cư đều có “bác sĩ gia đình”, nhà bác sĩ gia đình là nhà công vụ do Nhà nước xây theo mẫu thống nhất trong cả nước, tầng trên để gia đình bác sĩ ở, tầng dưới là nơi khám bệnh. Bệnh nặng hơn được đưa vào các bệnh viện của tỉnh, thành phố, ở đó được sự chăm sóc bình đẳng, không phân biệt địa vị xã hội. Ở các tỉnh lỵ, thành phố đều có ngân hàng máu và có trương biển lớn ở cổng “Banco de sangre” là nơi nhân dân đến tự nguyện hiến máu. Cu Ba sản xuất được nhiều loại thuốc nổi tiếng thế giới, có hàng ngàn bác sĩ tình nguyện đi giúp các nước kém phát triển và có trường Đại học Y đào tạo hàng ngàn thầy thuốc của các nước thế giới thứ ba.

        Nhân dân Cu Ba có phong cách sống lịch sự, câu “Cảm ơn” (Gracias) hoặc “Rất cảm ơn” (Muchas gracias) là câu cửa miệng. Gặp nhau câu đầu tiên là chào (chào buổi sáng, chiều, tối khác nhau như của người Anh, Pháp) tiếp theo là câu hỏi thăm sức khỏe “Chào anh! Anh có khỏe không?” (Buenos diás! Cómo estás?). Người Cu Ba nói tiếng Tây Ban Nha, rất nhiều từ giống tiếng Pháp, còn cách ghép vần lại rất giống tiếng Việt nên người Việt đã biết tiếng Pháp thì học tiếng Tây Ban Nha rất dễ.

        Gặp phụ nữ là phải ôm hôn, chỉ là kề má hôn gió, bình thường thì một bên, thân tình thì hai bên. Chúng tôi lúc mới sang cũng lúng túng và ngượng ngập nhưng lại được các bà, các chị gỡ bí cho, gặp mà chưa kịp hôn là các bà, các chị chìa má ra chỉ vào đó, có khi còn hỏi với cách xưng hô thân mật “Anh không hôn tôi à?” (Tú no me besas?). Hết bên này lại nghiêng má bên kia. Phụ nữ Cu Ba, nhiều người không hẳn là xinh đẹp, nhưng họ khéo làm duyên nên rất hấp dẫn, nhất là những cô da nâu, lai đen trắng (Mulata).

        Người bản địa Cu Ba là thổ dân da đỏ, đầu thế kỷ 16 có khoảng 100.000 người, nhưng chỉ qua 26 năm chinh phục đẫm máu của đế quốc Tây Ban Nha (1511 - 1537), số còn lại không quá 20.000 và bị thực dân Tây Ban Nha biến thành nô lệ. Cơ cấu dân cư hiện nay gồm 66% là hậu duệ của người da trắng, chủ yếu là người châu Âu, mà phần lớn là người Tây Ban Nha, di cư sang khai thác hòn đảo đất đai màu mỡ lại nhiều khoáng sản. Có 33% là người da đen, tổ tiên họ bị thực dân Tây Ban Nha mua từ châu Phi sang làm nô lệ đã nhiều đời và các thế hệ lai đen trắng đỏ thành người da nâu. Có 1% là người châu Á, chủ yếu là người Trung Quốc, cũng đến Cu Ba lâu đời. Tất cả họ hợp thành một quốc gia và từ cuối thế kỷ 18 đã mở đầu cuộc đấu tranh giành độc lập để thoát khỏi sự thống trị của chính quốc Tây Ban Nha. Chế độ nô lệ đã được nhà cách mạng Carlos Manuel de Cespedes là luật sư - điền chủ tuyên bố xóa bỏ ngày 10 tháng 10 năm 1868 để động viên nô lệ tham gia quân khởi nghĩa chống lại đế quốc Tây Ban  Nha. Hiện nay, ngày 10 tháng 10 hàng năm, được kỷ niệm là ngày “giải phóng nô lệ”.

        Nhân dân và quân đội Cu Ba, rất có cảm tình với Việt Nam. Từ những năm 80 của thế kỷ 19, Jose Marti - người con vĩ đại của nhân dân Cu Ba (1853 - 1895) đã nói đến Việt Nam trong một truyện ngắn viết cho thiếu nhi nhan đề: “Một cuộc hành trình trên đất nước của những người An Nam” thể hiện tình cảm của những người cùng cảnh ngộ sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân.

        Nhưng trước năm 1959, người Cu Ba cũng không biết cái nước An Nam, mà Jose Marti nói đến là nơi nào trên trái đất. Sau cách mạng Cu Ba thành công năm 1959 và nhất là từ khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ ở miền Nam, chiến tranh phá hoại ở miền Bắc thì hai tiếng Việt Nam đã in sâu trong trái tim của mỗi người dân Cu Ba. Vị lãnh tụ Fidel Castro đã nói: “Người Việt Nam chiến đấu không chỉ cho họ mà còn vì chúng ta nữa”, “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Nhiều trường học, vườn hoa, xí nghiệp, nông trường mang tên đất, tên người Việt Nam như: Bác Hồ, Ấp Bắc, Việt Nam, Bến Tre, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Thắng… Tôi đã thấy có những sĩ quan Cu Ba đặt tên con là Hà Nội, Trỗi. Anh hùng Núp được nhận là anh em kết nghĩa của Fidel, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì như người anh, người bạn lớn tuổi của Fidel, mỗi lần sang Cu Ba đều được Fidel dành nhiều thời gian cùng nhau đàm đạo như hai người tri kỷ lâu ngày gặp lại.

        Chúng tôi là chuyên gia quân sự, lại là quân sự địa phương, có điều kiện gần dân, nên được hưởng tình cảm thắm thiết Việt Nam - Cu Ba. Lúc đó ở Cu Ba có cố vấn quân sự và chuyên gia kinh tế Liên Xô hàng ngàn người, có chuyên gia quân y Bắc Triều Tiên, có chuyên gia quân sự và quân y Việt Nam. Có lẽ do tình cảm sẵn có và do Bộ đội Cụ Hồ khéo dân vận nên nhân dân và quân đội Cu Ba coi chúng tôi thân thiết như người nhà, khác hẳn cố vấn, chuyên gia các nước khác. Chúng tôi thường được các sĩ quan và bạn bè Cu Ba mời về nhà chơi. Mặc dù lúc đó ở Cu Ba, thực phẩm và rượu khan hiếm nhưng đã kéo chúng tôi đến nhà thì bao giờ bạn cũng có món ăn dân tộc đưa ra mời. Đó là những dịp vui vẻ, nhưng trong những cuộc vui như vậy, tôi thường sợ hai thứ, đó là rượu và khiêu vũ. Người Cu Ba, tửu lượng rất khá, chúng tôi không địch nổi. Tuy dùng cốc nhỏ, nhưng đã nâng lên là phải cạn. Cuộc vui thường kéo dài vài tiếng đồng hồ, vài chục lần ‘trăm phần trăm” như vậy, đúng là cực hình mà lại không được say làm xấu đến quốc thể. Cuộc vui bao giờ cũng có khiêu vũ mà người Cu Ba, có lẽ tất cả đầu biết và thích nhảy. Chỉ cần nhạc nổi lên là em bé 3, 4 tuổi cũng lắc eo, lắc mông, chân tay nhún nhảy. Chúng tôi là khách, nên bao giờ cũng được các bà, các chị mời chào. Bước ra sàn nhảy mà lo hơn ra trận! Nhạc nổi lên, một cô vợ sĩ quan còn khá trẻ, mắt tô đen, môi hồng, nước hoa thơm ngát đến trước mặt khẽ nhún chân, dơ tay ra với ánh mắt nụ cười mời chào thì chỉ những người kém xã giao mới dám từ chối, thế là đành phải đứng lên. Được mời rượu đã là một cực hình, giờ được ôm eo người đẹp cũng lại là một cực hình. Chưa một lần ra sàn nhảy, nên không biết ôm thế nào cho phải, lỏng quá thì sợ mang tiếng là lạnh nhạt, chặt quá thì lại sợ bất nhã. Không có giày dạ hội, vẫn nguyên đôi giày sĩ quan Cu Ba với những bước chân quen đi đều đi nghiêm, chỉ sợ dẫm lên đôi chân xinh xắn đi giày cao gót làm đau chân, trẹo cẳng người đẹp thì thật là phiền toái. Thôi thì cảm nhận bàn tay người bạn nhảy ở trong tay và trên vai mình nặng nhẹ thế nào đề điều chỉnh vòng tay của mình trên eo người đẹp và làm như nàng Kiều:

Cũng đành nhắm mắt đưa chân

Mặc cho người đẹp xoay vần đến đâu!

        Chỉ đến khi nhạc ngừng chơi, bước chân chậm lại rồi một làn má mịn như nhung kề vào bên má thô ráp của mình kèm theo một tiếng hôn gió và một lời “cảm ơn” (Gracias) cũng nhẹ như gió mới coi là thoát nạn.

        Vì người Trung Quốc đã ở Cu Ba từ lâu đời nên nhân dân Cu Ba thường gọi người châu Á là người Tầu (Chino). Khi được chúng tôi giới thiệu rõ, họ mới gọi chúng tôi là Việt Nam, hoặc vẫn quen miệng gọi là “anh người Tầu bé nhỏ” (Chinito). Dân Cu Ba có cách gọi người thân hoặc những vật nhỏ bé, xinh xắn kèm theo với vĩ âm ito, ita như ông nội - abuelo là abuelito, mẹ - mama là mamita…

       Chúng tôi ở Cu Ba, ba năm, được về phép một lần, vào giữa nhiệm kỳ. Ai không về phép có thể để vợ sang thăm, chi phí là chuyển đổi tiêu chuẩn đi phép của chồng. Ở bên đó, đời sống của chuyên gia tuy có khó khăn (khó khăn theo tiêu chuẩn của chuyên gia thôi) nhưng đời sống tinh thần mới là vấn đề phải phấn đấu để vượt qua. Trước hết, là tin tức gia đình. Chưa có đường bay thẳng Việt Nam    

     - Cu Ba. Cũng chưa có mạng viễn thông nối liền hai nước nên tin tức chủ yếu bằng thư, mà thư lại qua Liên Xô rồi mới chuyển tải sang Cu Ba nên rất chậm và cũng dễ thất lạc. Với anh em ở Hà Nội thì mỗi khi có người về phép là dịp may để gửi thư về, thư sang. Rất khát khao tin trong nước vì không có báo gửi sang. Xem truyền hình, đọc báo của bạn, thì vốn tiếng Tây Ban Nha của chuyên gia chả có bao nhiêu. Mỗi khi kiếm được quyển sách, tờ báo của ta thật quý như vàng, truyền tay nhau đọc không sót một chữ.

        Có những việc lớn của gia đình, phải mấy tháng sau, mới nhận được tin. Tôi lên đường được năm ngày thì ông bố vợ bị tai biến mạch máu não đột ngột qua đời, nhưng phải ba tháng sau tôi mới biết tin khi nhận lá thư đầu tiên của gia đình gửi sang.

        Tôi ăn hai tết ở Cu Ba: Tết Tân Mùi (1991), Tết Nhâm Thân (1992). Người Cu Ba, ăn Tết dương lịch và cũng rất đơn giản, chỉ tập trung vào chiều và tối 31-12. Lúc kinh tế còn khá giả, nhiều gia đình mổ lợn choai, lợn sữa đốt củi quay cả con chín vàng rồi đặt lên bàn chuẩn bị cho bữa ăn tất niên theo kiểu tiệc đứng trong nhà hoặc ngoài trời. Cả gia đình cùng khách khứa mỗi người một đĩa ăn, đến cắt thịt lợn, uống bia rượu, ăn bánh mỳ, vừa ăn uống, vừa hát múa đến tận nửa đêm và cũng là hết Tết. Sáng mồng một, đường phố vắng tanh, vì mọi người còn ngủ, cho đến tận trưa, mới lác đác có người ra đường.

        Tết Nhâm Thân, tôi ăn Tết ở La Habana. Để có không khí Tết dân tộc, bạn cấp cho bếp một con lợn khoảng 25kg và chuyên gia xuống thay mấy chị cấp dưỡng Cu Ba, làm đầu bếp chính. Sáng 30 Tết, chúng tôi dậy sớm mổ lợn, cùng nhau chế biến làm những món ăn quê nhà. Đến 12 giờ trưa, hơn 20 người cả ta và bạn ngồi quây quanh hai bàn tiệc với các món lòng lợn, thịt nướng, giò xào, thịt gà luộc, nem rán, canh măng và thêm vài món đồ nguội  Cu Ba. Chúng tôi cùng nhau nâng cốc chúc sức khỏe, chúc tình hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, vừa là bữa ăn tất niên cũng là đón giao thừa vì đúng lúc đó ở Việt Nam đã bước sang năm mới.

        Tôi đã kể nhiều chuyện trong sinh hoạt, còn trong công tác cũng có nhiều chuyện đáng nhớ.

        Như trên đã nói, quân đội chính quy của bạn, có một hệ thống cố vấn quân sự và các phân đội bảo đảm chỉ huy của Liên Xô đông hàng ngàn người. Bạn chỉ nhờ ta giúp đỡ huấn luyện tác chiến cho lực lượng dân quân M.T.T. (M.T.T là viết ghép ba chữ đầu của từ Milicias de las Tropas Territoriales, dịch sát nghĩa từng từ là dân quân bộ đội lãnh thổ). Cách tổ chức lực lượng của bạn khác ta, gọi là dân quân, nhưng thực chất là lực lượng vũ trang địa phương (tỉnh, huyện), không có lực lượng thường trực, chỉ có cơ quan chỉ huy mà thủ trưởng cơ quan chỉ huy gọi là Tham mưu trưởng tỉnh, huyện và lực lượng dự bị động viên. Còn đứng đầu Hội đồng quân sự tỉnh, huyện là Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy, khi thực hành công tác động viên, diễn tập cũng mặc quân phục như quân nhân.

        Tác chiến của ta là tác chiến phối hợp ba thứ quân: chủ lực, địa phương và dân quân du kích, khó có thể tách bạch lối đánh của từng loại lực lượng. Hơn nữa, chúng tôi cũng muốn giới thiệu cho bạn, những kinh nghiệm phong phú của Pháo binh Việt Nam trong chiến tranh nhân dân, mà bạn có thể dùng cho mọi lực lượng pháo binh nếu cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ xảy ra. Vì vậy, chúng tôi giới thiệu cho bạn những cách bắn đơn giản mà có hiệu quả như súng cối bắn ứng dụng (không chân, không bàn đế), đạn hỏa tiễn phóng không nòng (đặt bắn trên nạng, trên bệ đất…) cơ động pháo bằng sức người như dùng sức người kéo pháo, tháo pháo ra từng bộ phận để khiêng vác, dùng xe đạp để thồ súng cối, ĐKZ và đạn pháo. Sau này, chúng tôi được biết, tất cả những kinh nghiệm chúng ta đã giới thiệu, bạn đều tổ chức thực nghiệm, dùng cả pháo binh chủ lực, pháo binh địa phương tham gia thực nghiệm để chọn lọc vận dụng.

        Từ khi ta rút gọn chỉ còn Đoàn Chuyên gia ở cấp Bộ các lực lượng vũ trang cách mạng thì Tổng Tham mưu trưởng bạn đề ra chế độ: Mỗi tháng, đoàn chuyên gia giới thiệu cho cán bộ cao cấp của Bộ một chuyên đề trong chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đến lượt pháo binh, tôi đã chọn chuyên đề: “Cách đánh độc lập của Pháo binh Việt Nam”. Đây là cách đánh độc đáo, sáng tạo, có hiệu quả của Pháo binh Việt Nam đã manh nha từ trong kháng chiến chống Pháp như trận dùng một khẩu pháo đánh vào sân bay Gia Lâm chiều 25-1-1947, phá hủy 2 máy bay hoặc những trận đánh tàu chiến Pháp trên sông Lô trong Chiến thắng Việt Bắc, tháng 10 năm 1947. Đến kháng chiến chống Mỹ thì cách đánh này đã phát triển mạnh mẽ ở mọi khu vực chiến trường, phù hợp với nhiều loại pháo, hiệu quả chiến đấu cao, diệt nhiều sinh lực cao cấp (sĩ quan, giặc lái, nhân viên kỹ thuật), phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh (máy bay, kho bom đạn, xăng dầu) của địch, đã trở thành một trong hai cách đánh cơ bản của Pháo binh Việt Nam.

        Với tôi, có lẽ đây là bài giảng đáng nhớ nhất trong cuộc đời sĩ quan, vì được thuyết trình một vấn đề quan trọng trước hàng trăm cấp tướng, cấp đại tá (bạn không có cấp Thượng tá) ở cơ quan chiến lược của bạn do chính đồng chí Trung tướng Tổng tham mưu trưởng bạn chủ trì. Không chỉ là danh dự cá nhân, mà còn là thể diện quốc gia, quân đội.

        Không có tài liệu giáo khoa từ bên nước đem sang, tôi phải căn cứ vào chiến lệ của mấy chục trận đánh độc lập đã diễn ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ để viết thành tài liệu. Và trong đó, lại chọn ba trận đánh điển hình, để minh họa cho cách đánh. Là trận đánh để phá vỡ lễ kỷ niệm cái gọi là “quốc khánh” của ngụy quyền Sài Gòn ngày 1-11-1963 bằng ĐKZ 75; trận đánh sân bay Biên Hòa lần thứ nhất đêm 31-10-1964 bằng súng cối 81, ĐKZ 75 và bộ binh pháo 70; trận đánh sân bay Đà Nẵng bằng hỏa tiễn A12 phóng bằng nòng tự tạo đêm 28-12-1967 (A12 là mật danh của loại pháo nguyên là hỏa tiễn BM 14 (17 nòng) của Liên Xô đặt phóng trên xe ô tô, đã được pháo binh ta mô phỏng làm ra những ống phóng rời mang vác nhẹ nhàng và đặt trên bệđất để phóng đạn. Trước khi đưa vào chiến trường, đã được bắn trình diễn, để Bác Hồ xem và được Bác rất khen ngợi).

    Tài liệu chuẩn bị xong tôi đưa cho đồng chí Hải phiên dịch chuyển sang tiếng Tây Ban Nha và yêu cầu đồng chí Hải đọc nhiều lần để nắm vững nội dung, khi dịch không cần nhìn vào văn bản. Tôi cũng dành thời gian giảng thử để bảo đảm đúng thời gian và cũng không lệ thuộc vào tài liệu bài giảng.

        Ngày thuyết trình chúng tôi đến cơ quan MINFAR (MINFAR: Ministerio de las Fuerzas Armadas Revolucionarias: Bộ các lực lượng vũ trang cách mạng), cùng đi có đồng chí Thiếu tướng Bùi Đình Hòe - Trưởng đoàn, đồng chí Thiếu tướng Phạm Bân - Phó trưởng đoàn chuyên gia. Chúng tôi đưa xe vào bãi xe của Bộ có hàng mấy trăm xe đậu ngay hàng thẳng lối. Xin nói thêm là sĩ quan Cu Ba phần lớn đều có xe riêng, những người đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Angola về số đông được mua trả góp một chiếc xe Lada (do Liên Xô sản xuất), giá bán chỉ 3000 pêxô mà lương tháng sĩ quan cấp tá gần ngàn pêxô. Số đi Angola về rất đông, vì sĩ quan Cu Ba được luân lưu cử đi làm quen với chiến trận (như sĩ quan ta luân phiên đi chiến trường B trước đây), vì vậy cũng phải “xếp hàng” dài, đợi đến lượt phân phối xe ô tô như ta đợi phân phối xe đạp thời bao cấp.

        Chúng tôi vào tòa nhà 18 tầng của MINFAR, theo thang máy lên giảng đường lớn. Gần 200 sĩ quan cấp tướng, cấp đại tá của bạn đã có mặt đông đủ, phần đông đầu đã hói, tóc đã bạc, cũng có người nhuộm bạc, vì ở Cu Ba đàn ông tóc muối tiêu được coi là mốt, thể hiện phong độ nên nhiều người đã nhuộm tóc đen thành tóc muối tiêu (và mái tóc muối tiêu của tôi sang đó lại trở thành có giá).

        Đúng 8 giờ, đồng chí Ulisez, Trung tướng Tổng Tham mưu trưởng quân đội Cu Ba vào hội trường và ngồi cùng hai đồng chí Trưởng, phó đoàn của ta.

        Sau lời giới thiệu ngắn của đồng chí Thiếu tướng Bùi Đình Hòe - Trưởng đoàn chuyên gia, tôi bước lên bục giảng. Được chừng nửa giờ, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng quay lại gọi đồng chí Cục trưởng Pháo binh lên ngồi bên cạnh:

        - Đồng chí chuyên gia pháo binh Việt Nam đang thuyết trình một vấn đề rất lý thú (muy interesante), đồng chí Cục trưởng lên đây để nghe cho rõ!

         Trong hơn một tiếng đồng hồ, tôi cùng đồng chí phiên dịch, đã hoàn thành phần lý luận, của bài thuyết trình. Do gần hai năm tích cực tự học tiếng Tây Ban Nha nên tôi đã phối hợp rất tốt với đồng chí phiên dịch. Tôi nghe biết đồng chí đã dịch xong câu trước để chuyển ngay sang câu sau, hoặc có chỗ nào dịch chưa trọn ý, tôi nhắc lại để đồng chí dịch cho đủ, cho hết nội dung tôi thuyết trình. Đến giờ giải lao, nhiều sĩ quan vây quanh tôi và đồng chí Hải để hỏi cho rõ thêm một số vấn đề mà họ quan tâm.

        Được cử tọa tích cực hưởng ứng, tôi biết là buổi thuyết trình đã thành công được một nửa và vững tâm hoàn thành tốt hơn phần còn lại, là giới thiệu ba trận đánh đã chọn để minh họa.

        Bài giảng kết thúc, cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay tán thưởng. Tổng Tham mưu trưởng Ulisez lên kết luận buổi học:

        - Hết sức cảm ơn đồng chí Đại tá Tô Bỉnh, chuyên gia Cục Pháo binh đã có một bài thuyết trình xuất sắc. Đồng chí đã giới thiệu cho các tướng lĩnh và sĩ quan Bộ các lực lượng vũ trang cách mạng Cu Ba những kinh nghiệm tác chiến độc đáo và quý báu của Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam, đã được thể nghiệm trong cuộc kháng chiến anh hùng chống đế quốc Mỹ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu thêm những kinh nghiệm đồng chí vừa giới thiệu, nhưng ngay lúc này tôi đã có thể khẳng định nó rất phù hợp với điều kiện chiến đấu của Cu Ba, nếu đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược đất nước chúng tôi.

        Đồng chí Cục trưởng pPáo binh nắm tay tôi thật chặt: “Chúng tôi rất tự hào vì lời khen của Tổng tham mưu trưởng với chuyên gia của Cục. Đề nghị đồng chí chuyển ngay bài viết đồng chí vừa trình bày để chúng tôi chuyển lên đồng chí Tổng tham mưu trưởng theo yêu cầu của đồng chí đó”.

        Đại tá Bubađề (chúng tôi thường gọi vui với nhau là Bông Mã Đề), sĩ quan liên lạc của MINFAR với Đoàn Chuyên gia, vốn là người tính khô khan nhưng từ hôm đó, mỗi lần gặp tôi đều dơ ngón tay cái lên cười rất tươi kèm theo câu  “Muy bien!” (Mui biêng: Rất tốt)

        Cuối năm 1992, nhiệm vụ cơ bản của Đoàn Chuyên gia đã hoàn thành và có lẽ cũng để giảm căng thẳng của bạn và cả của ta với Mỹ, ta và bạn đã thỏa thuận rút Đoàn Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Cu Ba. Tôi được Hội đồng Nhà nước Cu Ba tặng Huy chương “Chiến sĩ quốc tế” và Huy chương “Tình bạn chiến đấu” và khi về nước, được Chính phủ ta tặng Huân chương Chiến công.

        Hai năm rưỡi ở Cu Ba so với 45 năm phục vụ trong quân đội là quãng thời gian ngắn ngủi nhưng đã để lại trong tâm thức tôi những ấn tượng không thể phai mờ về đất nước, con người Cu Ba và tình bạn chiến đấu Việt Nam - Cu Ba. Bên tai tôi còn văng vẳng lời hô khẩu hiệu đón chào của các bạn mỗi khi chúng tôi đến thăm các đơn vị “Viva Việt Nam - Viva Cu Ba” (Việt Nam muôn năm - Cu Ba muôn năm).

        Và tôi thấy năm 1990 tôi nhận sang làm chuyên gia quân sự trong lúc tình hình Cu Ba đang ở thời điểm gần như khó khăn nhất là một quyết định đúng.

        Tôi vẫn mong ước có được một lần thăm lại Cu Ba, “Hòn đảo Tự do”, viên ngọc trong vùng biển Caribé.

                                    Tô Bỉnh