Kỳ tích dẫn đường (tiếp theo và hết)


                                    Đại tá Nguyễn Văn Chuyên

          Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chuyên, nguyên Phó tham mưu trưởng quân chủng Không quân, quê ở Bình Định. Ông nhập ngũ năm 1949, được đào tạo tại Trường Hàng không cao cấp Nam Uyển (Trung quốc) và Học viện Không quân Ga-ga-rin (Liên xô). Về nước, từ năm 1965 đến 1972, ông đã dẫn đường cho máy bay tiêm kích chiến đấu 110 trận, người lái bắn rơi 117 máy bay thuộc 14 kiểu loại và bắn bị thương 1 B52 của Mỹ. Nghỉ hưu đã lâu tại Hà Nội, một lần ông tâm sự:

          Đoán đường bay của địch để tính thời gian ta cất cánh

          Sáng ngày 19 tháng 12 năm 1967, không quân ta đã tổ chức đánh hiệp đồng giữa hai loại máy bay MiG-17 và MiG-21. Biên đội MiG-21 do hai phi công Kính và Nhu đã bắn rơi 1 chiếc F-4 ở Phú Thọ; biên đội MiG-17 có các phi công Xuân, Sinh, Điệp, Hùng bắn rơi 2 chiếc F-105 ở Tam Đảo, hai biên đội đều an toàn trở về. Đến lúc 13 giờ chiều, Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên nhận được tin; địch sẽ đánh bom Nhà máy Điện Yên Phụ (Hà Nội) và Bộ Quốc phòng truyền đạt Chỉ thị của Bác Hồ là; Phòng không - Không quân phải bảo vệ cho bằng được nhà máy điện này. Buổi chiều ấy, ta trực ban 2 chiếc MiG-21 ở sân bay Nội Bài và 4 chiếc MiG-17 ở sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Khi nghe Tư lệnh phổ biến nhiệm vụ, tôi tiến hành làm công tác hiệp đồng và tập trung suy nghĩ xem địch sẽ bay theo đường nào để vào đánh nhà máy điện. Có hai đường bay chính; một là từ Thái Lan, qua Pa Thí, Sầm Nưa, sang Tuyên Quang rồi vòng xuống Bắc dãy Tam Đảo vào Hà Nội. Đường này chậm hơn 6 phút so với đường thứ hai từ Thái Lan tới Pa Thí sang thẳng Suối Rút (Hòa Bình) vào Hà Nội. Như vậy nếu ta phán đoán sai đường bay của địch thì thời cơ cất cánh của máy bay ta cũng không tốt, ảnh hưởng đến hiệu quả chiến đấu. Tôi đoán, địch sẽ vào theo đường bay Hòa Bình vì nhà máy điện Yên Phụ là mục tiêu nhỏ, khó phát hiện nên địch phải bay theo hướng xuôi ánh mặt trời từ phía Tây vào Hà Nội. Với lại buổi sáng chúng đã bay vào theo đường Tam Đảo thì buổi chiều phải thay đổi đường bay để không thành quy luật. Từ phán đoán đó, khi nhận được tin tình báo chiến lược, tôi đề nghị mở ra đa dẫn đường sớm hơn mọi ngày. Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên và Chính ủy Phan Khắc Hy cùng ngồi túc trực tại Sở chỉ huy ở chùa Trầm. Khi ra đa dẫn đường báo nhiễu cường độ 1, phương vị 230 độ tôi đề nghị Tư lệnh cho biên đội hai đồng chí Ngự và Cốc MiG-21 cất cánh và sau 4 phút thì biên đội MiG-17 ở Gia Lâm bay lên. Lúc đó trên bàn tròn chỉ huy còn trắng, ít tốp địch hoạt động nên Tư lệnh không đồng ý.

          30 giây sau, tôi lại đề nghị cho cất cánh, kẻo sẽ bị muộn không đánh được. Tư lệnh suy nghĩ rồi đồng ý. Nhưng khi hai chiếc MiG-21 bay đến Hòa Lạc và bốn chiếc MiG-17 chuẩn bị rời đường bay Gia Lâm thì Tư lệnh đứng lên, nhìn tôi và hỏi: “Địch đâu mà anh đề nghị cho cất cánh”. Tôi trả lời: “Báo cáo anh, theo tính toán của tôi, khi MiG-21 đến Mai Châu (Hòa Bình) thì địch sẽ xuất hiện ở biên giới Việt - Lào”. Tư lệnh không nói gì, lặng lẽ ngồi xuống. Đến lúc tiêu đồ đánh dấu MiG-21 đến Mai Châu mà chưa thấy địch thì Tư lệnh lại căng thẳng và ra lệnh: “Anh cho vòng lại, không bay ra xa”. Tôi cho biên đội vòng phải, hướng bay 90 độ. Nhưng vừa hô xong, phi công bẻ cần lái thì 3 tốp máy bay địch xuất hiện ở biên giới, đúng như tôi đoán. Tôi cho Ngự và Cốc vòng gấp hướng bay 320 độ, độ cao 5.000 mét bay về hướng mục tiêu đang tiến vào. Hai chiếc MiG-21 gặp 4 chiếc F-4 yểm hộ ở tư thế gần như đối đầu. Ta và địch bám, quần nhau nhưng không bên nào bắn được, sau đó biên đội MiG-21 bay về hạ cánh an toàn. Biên đội MiG-17 có các phi công Xuân, Sinh, Điệp, Hùng bay đúng phương án, phát hiện đội hình F-105 ở suối Rút, Chợ Bờ (Hòa Bình), không có F-4 yểm trợ và bắn rơi 1 chiếc F-105, giặc lái nhảy dù ra ngoài, số F-105 còn lại bay ra, ta trở về an toàn tại sân bay Gia Lâm. Nhà máy điện bảo đảm an toàn như Chỉ thị của Bác Hồ. Tư lệnh rời bàn tròn chỉ huy không nói gì. Đêm hôm ấy tôi nằm khóc một mình, tôi không trách gì Tư lệnh mà càng mến anh hơn. Chúng tôi đều chung một áp lực của nhiệm vụ chiến đấu rất khó khăn.

          Quyết đoán, liên tục tiến công

          Ngày 3 tháng 1 năm 1968, không quân ta trực ban 3 MiG-21 ở sân bay Nội Bài và 4 MiG-17 ở sân bay Gia Lâm. Buổi sáng biên đội MiG-21 hai phi công Kính và Nhu bắn rơi 1 chiếc F-4 trên Ba Vì. Biên đội MiG-17, gồm bốn đồng chí Chao, Điệp, Sưu và Hải bắn rơi 1 chiếc F-105 tại khu vực Nhã Nam, tỉnh Bắc Giang. Buổi chiều chỉ còn một chiếc MiG-21 của đồng chí Hà Văn Chúc trực ban. Sau khi được tin tình báo, tôi tính toán thời cơ cất cánh mà không phán đoán được địch sẽ vào đường nào, vì trên không nói chính xác mục tiêu chúng đánh phá như lần trước. Tôi tự chuẩn bị đánh địch bay vào theo đường Hòa Bình với lý do nếu có sai thì khi địch vào đường Tam Đảo máy bay MiG-21 vẫn đánh được từ đoạn Bắc Yên Châu đến đường quốc lộ số 2. Khi Sở chỉ huy Quân chủng lệnh cho MiG-21 cất cánh, ra đa Trung đoàn Không quân 921 mở và Trung đoàn tự dẫn đường cho máy bay. Tổ dẫn đường Quân chủng chúng tôi chỉ theo dõi và hỗ trợ khi cần thiết. Trận này do Trung đoàn trưởng Trần Mạnh chỉ huy, trung đoàn cũng dẫn đường tiếp địch rất tốt. Khi còn cách nhau 15km thì tốp F-4 vòng lại để đối phó với MiG. Dẫn đường hiện sóng ra đa Lê Thiết Hùng báo cáo: “F-4 vòng lại, đề nghị cho ta vòng phải gấp (thoát ly chiến đấu)”. Nghe đồng chí Hùng lệnh cho phi công Chúc vòng phải gấp, tôi vội bóp mi-cờ-rô nói chen vào yêu cầu đồng chí Chúc tiếp tục hướng bay 40 độ, mục tiêu phía trước 12km. Đây là trường hợp phải hành động quyết đoán ngay. Sau đó tôi báo cáo với chỉ huy, rằng F-4 tuy quay lại nhưng chưa có thể tăng tốc độ vì đang bay vòng. Máy bay ta đang bay thẳng, tốc độ gần 1.200km/ giờ, F-4 không thể đuổi kịp ta, khi ta bám vào đội hình của F-105 thì F-4 yểm trợ cũng chịu. Chỉ huy nhất trí, Quân chủng chỉ huy vượt cấp từ lúc này. Đồng chí Hà Văn Chúc lái chiếc MiG-21 có 3 lần tiến vào đội hình 36 chiếc F-105; lần thứ nhất không phóng được tên lửa, lần thứ hai cũng vậy. Lần thứ ba khi gần đến Tuyên Quang mới bắn rơi chiếc F-105, giặc lái là Đại tá Bean, biên đội trưởng chỉ huy bị bắt sống,  35 chiếc còn lại vội quảng bom rồi bay ra. Đây là một trận đánh tốt, 1 chọi 36 của Anh hùng Hà Văn Chúc. Về tổ chức chỉ huy là một trận đánh hiệp đồng giữa Sở chỉ huy quân chủng và chỉ huy Trung đoàn 921. Tôi có thêm một bài học dẫn đường là phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên, cũng như trước Đảng và nhân dân.

          Bay thấp, đánh nhanh, rút nhanh

          Ngày 31 tháng 3 năm 1968, Tổng thống Mỹ Giôn xơn tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và cử người đàm phán với Chính phủ ta tại Pa ri. Binh chủng Không quân liền khẩn trương sửa chữa gấp sân bay Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, rồi cơ động Mig-17 và MiG-21 vào làm nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ các tuyến đường vận chuyển vào Nam trên địa bàn Quân khu 4. Tháng 7 năm 1968, ta đánh 3 trận đều thắng vì địch bị bất ngờ. Điển hình là trận ngày 29 tháng 7 năm 1968, biên đội MiG-17 của các phi công Cháo, Ích, Hải và Điệp bắn rơi 2 chiếc F-8 ở Diễn Châu.

          Chiến thắng của ta khiến không quân Mỹ cay cú. Chúng tìm mọi cách đối phó như: sử dụng nhiễu “đối không”, mở ra đa theo dõi không quân ta 24/24 giờ trong ngày, khi không chiến thì kéo MiG-21 lên cao và ra phía biển để tên lửa hạm hải đối không ở ngoài khơi tiêu diệt, đã có 1 chiếc MiG-21 của ta bị tên lửa hạm đội bắn cháy. Trước tình hình đó, ngày 10 tháng 8 năm 1968, Tư lệnh binh chủng Không quân Nguyễn Văn Tiên vào Sở chỉ huy tiền phương (B3) Nghệ An tổ chức Hội nghị quân chính dân chủ bàn cách đánh mới. Phải nói rằng đánh địch càng ngày càng khó. Ta bắn rơi một máy bay địch thì ta cũng rút kinh nghiệm, tại sao lại bắn rơi. Mỹ thì ngược lại, vì đâu mà thua, đối phó như thế nào. Trưởng ban dẫn đường binh chủng cho tôi chuẩn bị và trình bày cách dẫn đường trong Hội nghị. Tôi đã chú ý nghe và phân tích các ý kiến của mọi người, căn cứ vào tình hình địch ở Quân khu 4 và kinh nghiệm của mình, tôi mạnh dạn đề xuất một phương án táo bạo và hoàn toàn mới với tiêu chí “bay thấp, đánh nhanh, rút nhanh” được Hội nghị và Tư lệnh chấp thuận. Đó là: Giữ bí mật tuyệt đối về thông tin liên lạc cả trước và trong trận đánh; kết hợp dẫn đường giữa Sở chỉ huy với người lái tự dẫn đường và đài bổ trợ bằng mắt; mạo hiểm bay ở độ cao thấp trên địa hình rừng núi. Cái khó nhất của phương án là phi công phải tự tính toán và bay thấp một đoạn đường gần 100km từ Thọ Xuân vào núi Trọc, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) gọi là “khu chờ”, mà không có sự dẫn đường của Sở chỉ huy. Chỉ khi máy bay ta tới “khu chờ” núi Trọc rồi và địch từ biển bay vào thì người lái mới mở máy dẫn đường Sở chỉ huy (B3) liên lạc đối không để nhận hướng bay, tốc độ, độ cao vào khu vực chiến đấu. Giai đoạn này thì phải đánh nhanh, không quần nhau mà rút nhanh, hạ thấp độ cao, thoát ly về sân bay Thọ Xuân.

          Theo phương án này, ngày 17 tháng 8 năm 1968, tôi trực tiếp dẫn đường cho biên đội MiG-21 của Tôn và Minh bắn rơi 1 chiếc F-4, bắt sống giặc lái, ta trở về an toàn. Ngày 25 tháng 8, tôi dẫn đường biên đội MiG-21, hai phi công Ngân và Thiên bắn cháy 1 chiếc F-4 ở Hà Tĩnh, ta an toàn. Tiếp theo ngày 17 tháng 9 năm 1968, tôi dẫn đường cho biên đội Cốc và Thái đánh máy bay F-8 ở khu vực Anh Sơn, Nghệ An, hai bên quần nhau kịch liệt, ta trở về an toàn, địch bị rơi 1 máy bay F-8 do chúng bắn vào nhau. Ngày 19 tháng 9 năm 1968, biên đội Tôn và Rạng do tôi dẫn đường, phát hiện 4 chiếc F-8 từ phía Nam bay lên Đô Lương, Nghệ An. Máy bay Tôn bám được một F-8 nhưng khi phóng tên lửa tiêu diệt thì tên lửa không ra. Chiếc F-8 vòng lại, Tôn không thoát ly chiến đấu mà tiếp tục đuổi theo. Nhưng F-8 lại bám vào máy bay của Rạng và phóng tên lửa, chiếc MiG-21 rơi ở cống Mụ Bà, Đô Lương, đồng chí Rạng nhảy dù an toàn. Đây là một bài học sâu sắc về việc bảo quản vũ khí, khí tài cho máy bay. Nếu tên lửa không bị ẩm, không xuống cấp thì đồng chí Tôn đã bắn rơi chiếc F-8, đúng phương án và không có chuyện máy bay của Rạng bị bắn cháy.

          Phương án của tôi còn đánh thắng một trận nữa vào ngày 26 tháng 10 năm 1968, biên đội MiG-21 của Kính và Hiếu được tôi dẫn đường bắn cháy 1 chiếc F-4 ở Hà Tĩnh. Đây cũng là trận đánh cuối cùng của Không quân nhân dân Việt Nam với không quân Mỹ ở Khu 4. Bởi lẽ, vào lúc 19 giờ ngày 2 tháng 11 năm 1968, Tổng thống Mỹ Giôn xơn lại tuyên bố ngừng ném bom vô điều kiện miền Bắc Việt Nam.

             Bảo vật Quốc gia” MiG-21: “Hung thần trên không” đối với máy bay Mỹ

          Bại không nản, không hình thành quy luật

          Một lần, tôi có hỏi hỏi Đại tá Nguyễn Văn Chuyên rằng trong 8 năm làm nhiệm vụ dẫn đường cho máy bay của ta chiến đấu có lần nào thất bại không? Ông lặng im một lúc, mắt nhìn như đang đếm từng sợi khói của ly trà thơm trước mặt rồi ngậm ngùi: Trong chiến đấu có trận thắng, trận thua là việc bình thường. Tôi luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi cho nhiệm vụ dẫn đường thắng nhiều hơn thua. Nhưng đánh nhau với kẻ địch mạnh hơn mình cả về tiềm lực kinh tế, binh khí kỹ thuật và kinh nghiệm nhà nghề thì không thể có trận nào cũng thắng. Trong 110 trận dẫn đường cho máy bay của ta chiến đấu, tôi đã góp phần bắn rơi 117 máy bay các loại của Mỹ. Nhưng trong đó có 13 trận thua với 24 máy bay MiG-21 và MiG-17 bị bắn rơi. Trong đó có hai trận thua nặng nhất là trận ngày 2 tháng 1 năm 1967, có 5 MiG-21 bị bắn rơi và trận ngày 19 tháng 5 năm 1967 của MiG-17. Tuy ta có bắn rơi được 2 chiếc F-8 của địch nhưng 3 đồng chí Phương, Phi và Tài biên đội MiG-17 bị hy sinh do nhảy dù quá thấp, không thành công. Đây là chuyện buồn chung, đối với người dẫn đường như chúng tôi thì càng buồn đau hơn. Hai trận này là địch có kế hoạch đánh trả thù, sau khi liên tục bị thua và không ném được bom vào Hà Nội.

          Đó là: giữa năm 1966, không quân ta mới được trang bị máy bay MiG-21, sau mấy tháng chiến đấu, ta đã tìm ra cách đánh, cách dẫn đường phù hợp, phá tan nhiều đội hình ném bom của F-105 Mỹ. Riêng tháng 12 năm 1966, MiG-21 đã chiến đấu và bắn rơi 10 chiếc F-105 của địch, trở về an toàn. Chỉ có một thắc mắc là sao không gặp máy bay F-4. F-4 đi đâu? Ta không biết rằng trong thời gian này Mỹ tập trung huấn luyện cho máy bay tiêm kích F-4 tại Thái Lan để không chiến với MiG-21 của ta. Sáng ngày 2 tháng 1 năm 1967, trời đầy mây, địch cho 32 chiếc F-4 vào khu vực sân bay Nội Bài với độ cao 10km phục sẵn trên mây. Ra đa cảnh giới của ta không phát hiện được. Tiếp theo là một tốp 24 chiếc F-105 nghi binh bay vào như mọi lần ở độ cao từ 5.000 đến 6.000 mét. Ra đa cảnh giới và dẫn đường của ta đều phát hiện tốt. Tư lệnh Phùng Thế Tài ra lệnh cất cánh 8 chiếc MiG-21 (2 biên đội 4 chiếc) để đánh 24 chiếc F-105. Nhưng khi đội hình MiG-21 rời sân bay xuyên lên khỏi mây thì bị F-4 phục trên cao lao xuống đánh, 5 chiếc MiFG-21 của ta rơi ngay ở đầu Tây sân bay Nội Bài. Người lái đều nhảy dù thành công, khỏe mạnh. Chỉ tiếc mất 5 máy bay trong một trận. Nguyên nhân MiG-21 cất cánh bay tới gần Phúc Thọ, tốc độ còn nhỏ, những chiếc F-4 ở tư thế mai phục trên cao, tốc độ cao, cho nên MiG-21 phải quay về sân bay, tức thì F-4 bám theo phóng tên lửa. Đây là trận thua nặng nhất của MiG-21 trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ.

          Để rửa hận, tôi nghiên cứu một phương án dẫn đường với lực lượng 4 biên đội MiG-17 gồm 16 chiếc và 2 biên đội MiG-21 gồm 4 chiếc, cất cánh từ 3 sân bay Gia Lâm, Nội Bài và Hòa Lạc. Cụ thể là 8 chiếc MiG-17 (thuộc Trung đoàn 923) trực ban tại sân bay Gia Lâm; 4 chiếc MiG-17 (vẫn của Trung đoàn 923) trực ban tại sân bay Hòa Lạc; 4 chiếc MiG-21 (thuộc Trung đoàn 921) trực ban tại sân bay Nội Bài và 4 chiếc MiG-17 trực ban ở Sân bay Nội Bài do phi công bạn lái. Đây là trận đánh lớn nhất từ trước thời điểm đó. Về phân chia khu vực chiến đấu, tôi để 2 biên đội MiG-21 (4 chiếc) đánh vòng ngoài, từ suối Rút, tỉnh Hòa Bình đến Mộc Châu, tỉnh Sơn La lên biên giới Việt – Lào; 3 biên đội MiG-17 (12 chiếc) của ta đánh từ vòng hỏa lực tên lửa bảo vệ Hà Nội đến suổi Rút; Biên đội MiG-17 của bạn đánh từ khu vực Nội Bài đến Ba Vì, Hà Nội.

          Chuẩn bị xong tối tôi báo cáo với Trưởng phòng Không quân, Bộ Tham mưu quân chủng. Đồng chí suy nghĩ hồi lâu rồi nói ý là không thể sử dụng lực lượng lớn như vậy mà chỉ đánh nhỏ và vừa, cất cánh 8 máy bay. Tôi đề nghị chỉ đánh một lần với lực lượng lớn thôi nhưng vẫn không được chấp thuận. Với một niềm tin cao nhất, tôi xin gặp rồi trình bày phương án với Tham mưu trưởng quân chủng Đào Đình Luyện. Tham mưu trưởng nói: Tôi nhất trí với phương án của Chuyên, nhưng không quyết định được. Vậy Chuyên lên gặp trực tiếp với Tư lệnh Phùng Thế Tài. Tôi lại đi báo cáo rồi phấn khởi đến rơi nước mắt vì được Tư lệnh đồng ý ngay mà chỉ sửa một điểm là để biên đội MiG-17 của bạn chỉ đánh và hoạt động ở khu vực sân bay Nội Bài cho đến Bắc sông Hồng, không được sang Ba Vì. Bởi ta và bạn không cùng chung ngôn ngữ dễ đánh nhầm phải nhau.

          Sau khi hiệp đồng với các đơn vị xong thì trời cũng chuyển giai đoạn từ sương mù nhiều mây sang nắng ấm. 11 giờ trưa ngày 19 tháng 4 năm 1967 trời tốt hẳn lên, có một tốp trinh sát F-4 bay qua Hà Nội. Tôi đoán máy bay Mỹ sẽ đánh vào buổi chiều và bay vào đường Hòa Bình như phương án tôi chuẩn bị. Vì đường bay của trinh sát F-4 từ Hồng Gai, Quảng Ninh vào Hà Nội rồi bay ra Hồi Xuân, Thanh Hóa, không bay theo quốc lộ 2 xuống Hạ Hòa, Phú Thọ mới bay ra như những lần địch bay vào đường Tam Đảo. Hơn nữa đánh buổi chiều theo đường Hòa Bình, xuôi hướng mặt trời địch dễ thấy mục tiêu từ xa.

          Đến 13 giờ 30 tôi nhận được tin: từ 14 đến 14 giờ 30 phút có một đợt đánh phá của địch vào phía Nam Hà Nội. Tôi liền hiệp đồng bổ sung với các trung đoàn không quân và đề nghị mở ra đa dẫn đường theo kế hoạch. Khi ra đa dẫn đường báo nhiễu cường độ 1 tôi đề nghị chỉ huy cho biên đội MiG-21 cất cánh ở sân bay Nội Bài. Sau 3 phút thì 2 biên đội MiG-17 ở sân bay Gia Lâm và Nội Bài cất cánh. Biên đội MiG-21 gặp tốp F-4, quần nhau một hồi nhưng không bắn được nhau, rồi MiG-21 về hạ cánh an toàn. Biên đội MiG-17 ở sân bay Gia Lâm lên do đồng chí Mẫn làm Biên đội trưởng phát hiện tốp máy bay F-105 với 36 chiếc ở khu vực chợ Bờ, Hòa Bình, liền bắn rơi tại chỗ một chiếc, giặc lái nhảy dù ra ngoài, 35 chiếc còn lại vội vàng quăng bom lung tung để bay ra. Địch tổ chức cứu giặc lái. Lúc này, 2 biên đội MiG-17 ở sân bay Hòa Lạc và Gia Lâm tiếp tục cất cánh theo kế hoạch. Tôi dẫn đường cho biên đội MiG-17 của đồng chí Quang Trung từ sân bay Hòa Lạc vào khu vực Nam Hòa Bình đánh bọn cứu giặc lái. Biên đội đã bắn rơi thêm 1 chiếc F-105 và 2 chiếc AD-6. Trận đánh kết thúc, ta an toàn và bắn rơi 4 máy bay Mỹ. Khí thế của bộ đội Không quân lên cao. Từ ngày 19 tháng 4 năm 1967 đến ngày 22 tháng 5 năm 1967, Không quân ta đánh 14 trận và bắn rơi 29 máy bay Mỹ, ta bị rơi 5 chiếc. Cả năm 1967 tôi dẫn đường cho phi công MiG-17 và MiG-21 bắn rơi 59 máy bay địch, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Bài học dẫn đường của tôi là dù thất bại cũng không nản, luôn luôn thay đổi khu vực chiến đấu, không hình thành quy luật. Đó là kỳ tích dẫn đường.

                                   Tô Hoài An (ghi)