Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng từ "Hồng ngự mang tên em" đến "Tình cây và đất"


Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, sinh tuổi Giáp Thân (năm 1944) tại quận Hồng Ngự , tỉnh Châu Đốc (ngày nay bao gồm thị xã Hồng Ngự , huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng thuộc tỉnh Đồng Tháp ). Lúc nhỏ ông sống cùng gia đình tại Đồng Tháp . Năm 1963, ông có sáng tác đầu tiên là bài " Hồng Ngự mang tên em ",  với những câu:

“Hồng Ngự ơi tôi sẽ không bao giờ quên

Tôi vẫn hay gọi tên em trong những đêm dài lưu luyến

Em yêu ơi, em nào biết trong yêu thương tôi thầm ước

          Sẽ có ngày, có ngày sống mãi bên em…”

Năm 20 tuổi, Tô Thanh Tùng lên  Sài Gòn học Trường Luật. Ở quán cà phê gần trường, ông quen một cô gái thu ngân tên Diễm, do đó mà viết bài “Mắt Diễm buồn” cho ca sĩ Elvis Phương hát ở quán. Diễm đã mê mệt Tô Thanh Tùng với những câu:

“… Diễm ơi, mắt Diễm buồn gợi hồn anh ngất ngây, gợi tình anh đắm say

Chiều nay nhớ em, mắt em là sóng nước

Thuyền anh đắm đuối theo dòng…”

Bốn năm sau, cuộc tình giữa Tô Thanh Tùng và cô Diễm kết thúc, ông viết bài “Giã từ” với tâm trạng buồn đau:


“…Người về lên xe hoa,

Kỷ niệm buồn vào hồn

Bờ môi tắt hẳn nụ cười

Giây phút bên nhau, nay còn đâu nữa

Người về trong thương nhớ

Người đi nhớ thương người”.

Năm 1971, Tô Thanh Tùng quen một cô gái ở Sa Đéc, bèn đưa lên Sài Gòn để hát thử bài “Giã từ”. Lúc đầu nhạc sĩ Quốc Dũng đã phối âm nhưng khi đem trình cho nhạc sĩ Lê Dinh, Trưởng phòng văn nghệ Đài Phát thanh Sài Gòn, thì Lê Dinh không đồng ý cho phát trên Đài. Nhưng sau khi nghe băng cassette thì lại đồng ý cho phát vào "giờ vàng" chủ nhật. Bài hát gây chú ý cho khán giả Sài Gòn lúc bấy giờ. Nhà xuất bản Minh Phát lập tức ký độc quyền phát hành bài “Giã từ”. Sau đó, Tô Thanh Tùng viết tiếp một loạt bài như “Xót xa”, “Mừng Chúa ra đời”, “Sao nỡ đành quên”, “Nhớ người tình phụ”... Trong đó bài “Sao nỡ đành quên” cũng là nói về một mối tình nữa của ông:

“Sao em nỡ đành quên bao lời tha thiết mong chờ?

Sao em nỡ đành quên chuyện tình đẹp như ước mơ?

Sao em nỡ đành quên áng mây chiều nghiêng nghiêng bóng?

Những con đường quen lối đi mà nay nằm im đó…”

Sau năm 1975, Tô Thanh Tùng giữ chức Trưởng ban văn nghệ thị trấn Hồng Ngự. Đến 1979, ông cho phát hành album cassette “Tình ca hương lúa” với một số bài như “Người hàng xóm”, “Hồng Ngự mang tên em”... do Nhật Trường và Bảo Yến hát. Có thể nói Tô Thanh Tùng là nhạc sĩ nhạc vàng đầu tiên trong nước sau năm 1975 dám phát hành album nhạc ngợi ca quê hương. Album bị nhiều người nói là "Nhạc vàng đội mồ sống dậy" nhưng vẫn được Sở Văn hóa-Thông tin Đồng THáp cho phát hành. Trong đó bài “Người hàng xóm”, phổ thơ của Nguyễn Bính có những câu:

“Nhà nàng ở cạnh nhà  tôi

Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn

Hai người sống giữa cô  đơn

Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi

Giá đừng có dậu mồng  tơi

Thế nào tôi  cũng sang  chơi thăm  nàng.

Tôi chiêm bao rất nhẹ  nhàng

Có con bướm trắng thường sang bên  này

Bướm ơi, bướm hãy vào đây!

Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi.

Chả  bao giờ thấy nàng cười

Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái  hiên

Mắt nàng đăm đắm trông lên

Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi’.

Trong 15 ca khúc mà nhạc sỹ tâm đắc nhất phải kể tới “Hồng Ngự mang tên em”, “Ngôi tôn thờ”, “Xót xa”, “Sao anh nỡ đành quên”, “Giã từ”, “Tiễn biệt”, “Dù anh nghèo”, “Nhớ người tình phụ”, “Chiếc xuồng”, “Chưa nói cùng em”, “Người hàng xóm”, “Hạnh phúc vẫn còn đây”, “Tình cây và đất”, “Về miền Tây”, “Đẹp vô thường”. Thì bài “Tình cây và đất” viết năm 1988 là một trong những bài được nhiều người yêu thích:

“Đất vắng cây đất ngừng ngừng hơi thở.

Cây thiếu đất cây sống sống với ai.

Chuyện trăm năm ân tình cây và đất.

Cây bám rễ sâu đất ôm chặt tận đáy lòng.

Những con đường trải dài bóng mát.

Những mảnh vườn trái ngọt cây xanh.

Ôi đẹp làm sao tình cây và đất, đem đến môi sinh mặt sống cho đời.

Trời xe duyên nên khiến em gặp anh

Cho lứa đôi kết thành mộng ước của ngày xanh.

Rồi mai đây anh là đất em là cây.

Vinh phúc cho ai biết rằng từ đó mùa xuân vĩnh hằng...”.

Mỗi ca từ của bài hát đều mộc mạc, giản dị như chính tính cách của ông, một người miền Tây Nam Bộ. Người nghe hiểu hơn, yêu hơn về mảnh đất ông sinh ra. Không chỉ yêu người, ông còn gắn bó với mảnh đất quê hương. Tình yêu và tâm hồn sáng tạo, thăng hoa giúp nhạc sỹ Tô Thanh Tùng viết nên những ca khúc đẹp dung dị. Nhạc phẩm “Tình cây và đất” được nhận giải thưởng của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn .

Tô Thanh Tùng qua đời vào hồi 8 giờ 15 phút, sáng 19 tháng 7 năm 2017, tại Bệnh viện Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, hưởng thọ 73 tuổi. Nhưng những bài hát của ông còn sống mãi với thời gian.

                                                                                                                         Tô Xương Giang