Bài hát “Trước ngày hội bắn” và nhạc sĩ Trịnh Quý


                                             Ảnh minh họa

          1-
Tiếng chim rừng chào mừng bình minh

Hót trên cành rộn ràng đây đó.

Hạt sương thấm ướt cành đào

Tưởng như ta bước lạc vào động tiên.

Quê hương ta ơi... Núi cao suối ngàn của ta.

Kìa ai như bóng anh chàng

Ngày mai thi bắn xuống làng làm chi?


2-

- Ớ cô nàng mà anh yêu mến

Có xuống làng ngựa vàng anh đón?

Kìa sao không cất súng về

Cùng anh đi xuống chợ mà nàng ơi...

- Anh sao không nhớ... Sớm mai bắn tập rồi sao?

Ngày mai anh bắn ra ngoài

Thì hoa em sẽ tặng người bản bên.


3-

- Ớ cô nàng mà anh yêu mến

Nếu mai mà đạn kia anh bắn

Cả ba viên trúng vòng mười

Thì hoa em sẽ tặng người nào đây?

- Ai tin anh nói? Sớm mai bắn vào điểm đen!

- Vì sao em nói nghe nào?

- Vì hôm nay vẫn xuống làng

Thì mai tay súng vững vàng làm sao?


4-

- Nếu anh ở lại tập cùng em?

- Có ai mà lại tin anh nói?

- Vì sao ơi hỡi cô nàng?

- Vì anh đã có ngựa vàng của anh...

- Em sao không rõ... Thế cây súng này của ai?

Còn kia hai chú ngựa vàng

Là anh mang đến đón nàng cùng đi!


5

- Ớ cô nàng mà anh yêu mến

Sóng ngựa vàng cùng anh xuống núi.

Ngày mai anh quyết thi tài

Cả ba viên trúng vòng mười

- Thì em đây sẽ là người của anh...

(Quê hương ta ơi)

Quê hương ta ơi... Núi cao suối ngàn của ta

Ngàn hoa thơm ngát núi đồi

Rừng xanh in bóng hai người

Và hai cây súng đang ngồi bên nhau..

Nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết: Nhạc sĩ Trịnh Quý sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm và hoạt động tại Đoàn Văn công Việt Bắc. Năm 1959, Nhà nước ta từng bước xây dựng quân đội chính quy và hiện đại, toàn quân, toàn dân ta tập luyện hăng hái không ngừng. Hàng ngày tiếp xúc với bà con dân tộc, thấy các anh bộ đội dạy dân quân, nhất là đồng bào dân tộc bắn súng và những ngày hội thi bắn tưng bừng rộn rã tình quân dân, nhạc sĩ Trịnh Quý đã dựa trên âm hưởng dân ca các dân tộc miền núi Việt Bắc và đặc biệt là tiếng đàn Tính của dân tộc Tày để sáng tác nên bài hát “Trước ngày hội bắn”. Giai điệu rộn ràng, reo vui với những ca từ:

"Tiếng chim rừng chào mừng bình minh

Hót trên cành rộn ràng đây đó

Hạt sương thấm ướt cành đào

Tưởng như ta bước lạc vào động tiên"…

“Trước ngày hội bắn" là một lời hẹn ước của đôi trai gái yêu nhau trước khi bước vào ngày hội vui của các nam nữ quân dân miền núi phía Bắc. Qua giọng hát trong trẻo, cao vút của NSƯT Lê Hằng và sự mộc mạc trong chất giọng của chính tác giả (nhạc sĩ Trịnh Quý), bài hát “Trước ngày hội bắn” ngay từ khi ra đời đã được khán giả, đặc biệt là các anh bộ đội yêu thích, nhanh chóng trở thành bài "đinh" trong các buổi liên hoan văn nghệ và  được đông đảo khán giả ủng hộ. Bởi nó nói lên được không khí vui tươi của các buổi tập bắn súng, lại có tình cảm lứa đôi, có sự khích lệ thi đua nên dễ đi vào lòng người. Năm 1960, khi mang tiết mục này tham gia Hội diễn văn nghệ toàn miền Bắc tại Thị Cầu, Bắc Ninh, tiết mục đã đạt tới 3 huy chương. Ngoài huy chương bạc cho giọng nam Trịnh Quý thì giọng nữ Lê Hằng và tiết mục cùng nhận được huy chương Vàng.

Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, nhạc sĩ Trịnh Quý tiếp tục phục vụ cho chiến sĩ ta dọc truyến đường Trường Sơn và đã sáng tác nhiều bài hát về Trường Sơn, tuy nhiên không có bài nào nổi bằng “Trước ngày hội bắn”. Năm 1973, trong Đoàn hộ tống Hoàng thân Sihanuc về nước, nhạc sĩ Trịnh Quý bị trúng bom và đã hy sinh tại Trường Sơn.

Nhân kỷ niệm 50 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957 - 2007), Hội đã làm cuốn Nhạc sĩ Việt Nam và có vinh danh ông trong số 14 liệt sĩ - nhạc sĩ của Việt Nam, đây là một niềm an ủi lớn đối với gia đình nhạc sĩ. Tuy nhiên, bài hát “Trước ngày hội bắn” của ông bao lâu nay vẫn sống trong lòng người yêu nhạc với giai điệu tươi vui:

Tiếng chim rừng chào mừng bình minh

Hót trên cành rộn ràng đây đó

Hạt sương thắm ướt cành đào

Tưởng như ta bước lạc vào động tiên (…)

Quê hương ta hỡi, núi cao suối ngàn của ta

Mùa xuân hoa thắm núi đồi,

Rừng xanh in bóng hai người và hai cây súng đang ngồi bên nhau...

                                                                                                            Tô Trúc Phương