Ca khúc Bác đang cùng chúng cháu hành quân của Huy Thục


                            Đại tá , nhạc sĩ Huy Thục

Kỷ niệm về Bác Hồ là hồi ức không thể nào phai trong cuộc đời nhạc sĩ Huy Thục. Tình cảm đối với Người luôn là nguồn cảm hứng vô tận, để ông viết nên những bài ca đi cùng năm tháng. "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" là một trong những bài ca như thế:

“Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận.
Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác.
Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên người,
Dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời.
Cờ sao quyết thắng lấp lánh soi sáng đường cháu đi.
Đi, ta đi giải phóng miền Nam,
Khi quê hương nhà vẫn còn bóng quân xâm lược thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi.
Lời Bác thúc giục chúng ta,
Chiến đấu cho quê nhà Nam Bắc hòa lời ca.

Năm xưa Bác cùng đoàn con đi chiến dịch.
Núi rừng vẫn nhớ, suối vẫn in bóng hình của Bác.
Cả đoàn quân tiến theo Người như thác đổ.
Điện Biên năm nào vọng lời Bác giữa chiến hào.
Toàn quân hôm nay vẫn phất cao cờ đỏ Bác trao.
Đi ta đi giải phóng miền Nam,

Khi quê hương nhà vẫn còn bóng quân xâm lược thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi
Lời Bác thúc giục chúng ta.
Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân.

Hôm nay Bác gọi cả non sông đáp lời.
Giương lê xốc tới quyết tiến lên ta giành chiến thắng.
Đường hành quân dốc núi cao bao vực thẳm.
Gian nan nào bằng lòng hờn căm cao ngút trời.
Miền Nam ta ơi, hãy phất cao cờ đỏ thắm tươi.
Ta xông lên giải phóng thành đô, phá hết bót đồn quét sạch hết quân xâm lược.
Vì độc lập tự do quyết giành ấm no giành lấy những mùa xuân.
Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân”.

Nhạc sĩ Huy thục cho biết: Tôi đã gặp Bác Hồ nhiều lần, nhưng có hai lần để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Ấy là khi Cách mạng tháng Tám thành công, tôi ở trong Đoàn Nhi đồng cứu quốc Mai Hắc Đế. Do có nhiều thành tích nên tháng 10 năm 1946 được chọn cùng một số đội viên vinh dự đến Ga Hàng Cỏ, đón Bác Hồ dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô (Pháp) trở về. Được theo Bác về Bắc Bộ phủ, tại đây, tôi đại diện Đoàn, đọc một bài thơ chúc mừng Bác trở về; được Bác ôm hôn và chia kẹo. Hôm sau chúng tôi lại được chụp ảnh cùng Bác tại Ấu trĩ viên (nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội), khi Bác gặp gỡ và cảm ơn Đoàn thủy thủ người Pháp...". Những tình cảm thiêng liêng từ thuở ấu thơ ấy đã theo tôi suốt những năm tháng trường kỳ qua hai cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Lần thứ hai, vào đêm 31 tháng 12 năm 1968, Đội xung kích của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị vừa từ mặt trận Quàng Trị ra Hà Nội nhận Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Hai và biểu diễn báo cáo tại Phủ Chủ tịch, có các tác phẩm của tôi sáng tác là: “Tiến lên chiến sĩ đồng bào” (phổ thơ chúc Tết 1969 của Bác), “Dòng suối La La”, “Người con gái Pa Cô” và “ Tiếng đàn Ta Lư”. Trước đó, có ý kiến cho rằng, bài “Tiếng đàn Ta Lư” có tiết tấu sôi nổi, không phù hợp khi biểu diễn cho Bác nghe, đề nghị nhạc sĩ sửa lại tôi chưa sửa, bài hát được nghệ sĩ Tường Vi thể hiện. Khi Tường Vy vừa hát xong đoạn đầu, bỗng nhiên, Bác bảo dừng lại. Cả hội trường lặng đi, hồi hộp. Tôi toát mồ hôi. Bác hỏi: Chú nhạc sĩ sáng tác bài hát này có mặt ở đây không? Tôi liền đến bên Bác, thưa: Dạ, cháu ạ. Bác lại hỏi: Chú hiểu gì về người Pa Cô? Tuy lo lắng nhưng đã từng sống với người dân Pa Cô, nên tôi bình tĩnh: Thưa Bác, người dân tộc Pa Cô - Vân Kiều không có họ. Họ ơn Đảng, ơn cách mạng, họ mang họ Hồ. Hình ảnh quen thuộc mà cháu nhận thấy là trước ngực họ đeo đàn Ta Lư, sau lưng gùi lương thực của cách mạng. Nghe đến đây, Bác quay lại, nói với tất cả mọi người: "Chúng ta phải học tập người Pa Cô - Vân Kiều, dù họ phải uống nước suối, ăn rau rừng nhưng họ không tơ hào một hạt gạo của cách mạng". Cả hội trường vỡ òa. Còn tôi đẫm mồ hôi, vừa hồi hộp, vừa xúc động ghi nhận một bài học lớn. Sau hôm đó, tôi Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi được Bác thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai. Tôi cũng đã viết nhiều những ca khúc về Bác như “Ngọn lửa Bác Hồ trao”, “Thủy điện Hòa Bình sáng tình Bác”, “Tượng đài Bác trên thủy điện sông Đà”, “Hành khúc từ làng Sen”.

Đến tháng 9 năm 1969, Bác Hồ về cõi vĩnh hằng, cả nước đau thương. Có nhiều nhạc sĩ viết lên những bài ca bi tráng để “khóc Bác” như: Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có “Trông cây lại nhớ đến người”, nhạc sĩ Chu Minh có “Người là niềm tin tất thắng”... Những nhạc sĩ đó viết hay quá, “khóc Bác” mà nghe bi hùng quá. Tôi cũng sáng tác bài "Đời đời nhớ ơn Bác", nhưng cảm thấy không hài lòng. Đúng những ngày này tôi nhận lệnh điều động, bổ sung quân vào miền Nam. Vào chiến trường, tôi đã gặp những chiến sĩ trẻ trên trận địa pháo, tên lửa, ngày đêm hướng nòng súng về phía kẻ thù; gặp những cô gái thanh niên xung phong không quản đạn bom, san lấp mặt đường để từng đoàn xe nối nhau ra trận; khi tới sông Gianh, vẫn thấy trùng trùng những đoàn xe, đoàn dân công tiếp lương, tải đạn; gặp đồng bào Pa Cô - Vân Kiều,... Tất cả đều tỏ rõ một niềm tin quyết tâm giải phóng miền Nam, quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác. Chúng tôi, trong tâm khảm vẫn cảm thấy Bác Hồ chưa đi xa. Người vẫn ở bên và dẫn dắt chúng ta đến thắng lợi cuối cùng là độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Ở Hà Nội không tìm được ra ý tưởng sáng tác thì vào đây, đề tài cho ca khúc lại xuất hiện. Thật tuyệt vời. Thế là bài hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” đã ra đời dựa trên tinh thần “Biến đau thương thành hành động”. Cảm xúc ấy dâng trào mãnh liệt, hòa vào từng ca từ, nốt nhạc:

“Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận.

Trùng trùng đoàn quân, tiến bước theo con đường của Bác

Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên người,

Dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời.

Cờ sao quyết thắng lấp lánh soi sáng đường cháu đi.

Đi, ta đi giải phóng miền Nam,

Khi quê hương nhà vẫn còn bóng quân xâm lược thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi.

Lời Bác thúc giục chúng ta,

Chiến đấu cho quê nhà Nam Bắc hòa lời ca…”

Bài hát gửi đi, nhưng mãi tới ngày 26 tháng 3 năm 1970 thì được đăng trên báo Thanh Niên và phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi thật sự xúc động khi các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt. Đối với thanh niên chúng tôi khi đó, phải có niềm tin mới hành động thắng lợi. Có lẽ, tất cả các nhạc sĩ đều ước mong làm thế nào đưa được lời dạy của Bác Hồ vào ca từ của bài hát và tôi đã vinh dự làm nên điều đó:

Vì độc lập tự do, quyết giành ấm no...” và:

Khi quê hương nhà vẫn còn bóng quân xâm lược thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi”.

Lời Bác thúc giục chúng ta,

Chiến đấu cho quê nhà Nam Bắc hòa lời ca.

Thời gian trôi qua, bản thân tôi cũng không thể ngờ rằng, đây là bài hát được toàn dân hưởng ứng, là 1 trong 10 bài hát quy định của quân đội và cho đến ngày hôm nay, các cháu vẫn đang cất cao tiếng hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”.

Đại tá, nhạc sĩ Huy Thục, tên khai sinh là Lê Huy Thục (bút danh Lê Anh Chiến),sinh ngày 22 tháng 12 năm 1935, quê ở Chỉnh Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông hoạt động cách mạng từ tháng 8 năm 1945 trong Đoàn Nhi đồng cứu quốc Mai Hắc Đế (Hà Nội), bắt đầu đi vào con đường âm nhạc từ năm 1950 bằng chơi đàn violon. Từ năm 1954-1956, ông vào Đoàn Văn công Quân khu Hữu Ngạn; sau đó theo học lớp sáng tác âm nhạc đầu tiên tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện quốc gia Việt Nam). Một thời gian sau, ông được cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện Li szt ở Hungary. Về nước ông tham gia giảng dạy ở Trường Nghệ thuật Quân đội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huy Thục nhiều lần và chiến trường Đường 9, Khe Sanh, Nam Lào (Quảng Trị). Sau đó ông về làm lãnh đạo và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. “Tiếng đàn Ta Lư”là bài hát đầu tiên nhạc sĩ Huy Thục chính thức dùng tên thật của mình sau hàng loạt những sáng tác ký tên Lê Anh Chiến.

Đại tá, nhạc sĩ Huy Thục là một nhạc sĩ có khối lượng sáng tác lớn: trên 450 tác phẩm. Nhiều tác phẩm của ông đã để lại dấu ấn trong quần chúng: “Kèn xuất trận” (thơ Tô Đức Chiêu), “Tiếng hát trên đường quê hương”, “Ơi dòng suối La La”, “Tiếng đàn ta-lư”, “Tiến lên chiến sĩ đồng bào” (phổ thơ Bác Hồ), “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” (1969), “Đợi (thơ Vũ Quần Phương), “Trăng khuyết”, “Mưa xuân”, “Xa biển”, “Cánh diều tôi”, “Tiếng ca hạnh phúc”…Hợp xướng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Về tác phẩm khí nhạc: Độc tấu đàn bầu “Vì Miền Nam”, Độc tấu trống dân tộc “Nhịp điệu nước non”, âm nhạc cho vũ kịch "Ngọn lửa Nghệ Tĩnh" (viết cùng Nguyễn Thành và Lương Ngọc Trác), “Tiến lên giành toàn thắng” (chương I)... Ngoài ra ông còn viết phần âm nhạc cho kịch nói, phim truyện, phim tài liệu, múa...  Huy Thục xuất bản hai Tuyển tập ca khúc và album "Tiếng đàn ta lư".

Đại tá, nhạc sĩ Huy Thục được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt 1 cho các tác phẩm “Tiếng đàn Ta Lư”, “Ơi dòng suối La La”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật cho Vở vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” (phần âm nhạc viết chung với nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, Nguyễn Thành); Huân chương Độc lập hạng Ba; Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1993, 1995); Giải thưởng Bộ Quốc phòng (1994); Giải thưởng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (1980)…

Một lần Huy Thục trở lại Hướng Hóa, Đắk Krông (Quảng Trị) thăm những người bạn Pa Kô, Vân Kiều thời chiến tranh được đồng chí Bí thư chi bộ mời uống rượu. Vì dạ dày bị đau nặng, Huy Thục khéo léo khước từ. Anh bạn Vân Kiều nói: “Huy Thục ngày nay khác xưa rồi. Trước đây trong bom đạn Huy Thục uống rượu, ăn thịt rừng với người Vân Kiều. Nay về Thủ đô sung sướng Huy Thục không uống với mình nữa. Thế là không tốt đâu”. Ông trả lời: “Huy Thục ngày nay vẫn như trước đây thôi, vẫn yêu quý người Vân Kiều, yêu quý quê hương Đắk Krông, không bao giờ quên những ngày tháng gian khổ ác liệt trong kháng chiến đâu. Huy Thục không uống được rượu vì cái dạ dày bị đau vừa phải cắt hơn một nửa rồi. Bác sĩ không cho uống rượu đâu”. Nói xong, ông vén cao áo để lộ một vết sẹo dài trên ổ bụng. Đồng chí Bí thư chi bộ tiến lên phía trước gục đầu vào vai Thục khóc nói: “Mình xin lỗi Thục. Mình đã hiểu Thục rồi”.

Với “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, Huy Thục cho biết: Tôi viết ca khúc này vì với tôi và với những người con đất Việt, Bác Hồ vẫn sống mãi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của chúng ta. Bác vẫn đưa đường dẫn lối để những người lính bước đi trên con đường hành quân chiến đấu vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

                                                                    Tô Trúc Phương