Bà Nguyễn Thị Yến ân cần chăm sóc mẹ VNAH Tô Thị Trinh
Gần 13 năm qua, bà Nguyễn Thị Yến (58 tuổi), đã nhận chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Tô Thị Trinh (92 tuổi) ở tổ dân phố An Trường, phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi. Nghĩa cử cao đẹp của bà Yến đã viết nên câu chuyện đong đầy tình người.
Cảm ơn vì đã ở lại
Cuối năm 2020, trong một lần cùng Đoàn công tác của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh do Phó chủ tịch Phan Thị Thắng làm Trưởng đoàn về thăm, chúc tết Mẹ VNAH Tô Thị Trinh, thấy mẹ tuy già yếu nhưng khá minh mẫn, một cán bộ trong Đoàn công tác ân cần hỏi thăm:
"Tuổi cao nhưng trông da dẻ mẹ hồng hào, sức khỏe mẹ vẫn còn khá tốt mẹ nhỉ". Nghe có người hỏi thăm, mẹ VNAH Tô Thị Trinh nhỏ nhẹ đáp: "Cũng nhờ con Yến và nhiều người nữa thường xuyên chăm sóc, động viên nên mẹ mới sống được đến ngày hôm nay đấy".
Tuổi đã cao, câu nói của mẹ cũng ngắt quãng, lúc nghe lúc không, song trong câu chuyện ngắn ngủi ấy, mẹ vẫn ân cần nhắc về một người phụ nữ là bà Nguyễn Thị Yến, người nhận chăm sóc mẹ suốt gần 13 năm qua. Chuyến thăm chúc tết lúc ấy rất vội vì ai cũng bận bịu với công việc vào những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Bẵng đi một thời gian, chúng tôi có dịp quay trở lại ngôi nhà của mẹ VNAH Tô Thị Trinh. Căn nhà nhỏ trước cánh đồng lúa bạt ngàn, cây cỏ trong khu vườn được dọn dẹp sạch sẽ. Hôm chúng tôi đến cũng đúng lúc bà Yến chuẩn bị bữa cơm trưa cho mẹ Trinh. Nghe tiếng chân người bước vào phòng, khuôn mặt mẹ Trinh tươi tắn hẳn. Mẹ bảo bà Yến đỡ mình ngồi dậy cho đỡ mỏi lưng.
Tiếp chuyện, bà Yến chia sẻ: "Mẹ già, lại sống côi cút một mình nên nghe có người đến thăm là mẹ vui lắm, bởi vậy tôi phải thường xuyên túc trực. Ban ngày tôi lo cơm nước, săn sóc mẹ, còn ban đêm thì ngủ cạnh mẹ để bà yên tâm, nhất là những hôm trái gió trở trời".
Mẹ VNAH Tô Thị Trinh có một con trai duy nhất là liệt sĩ Huỳnh Đoàn Nguyên, tiểu đội phó, đi theo cách mạng và hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Nhớ về người con trai của mình, mẹ Trinh chia sẻ:
"Con trai tôi tuổi Sửu. Nếu còn sống thì năm nay đã trên 70 tuổi rồi. 19 tuổi nó đi theo cách mạng đánh giặc giữ nước, hai năm sau thì hi sinh. Tuổi già không còn chồng con bên cạnh, người thân nhất là em trai của tôi cũng làm việc và sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh, may có con Yến chăm sóc, bầu bạn lúc tuổi xế chiều. Tôi chỉ biết cảm ơn con Yến vì đã chịu ở lại với tôi".
Nhiều năm nay, ngoài số tiền được Nhà nước trợ cấp, còn có Công ty Cao su Kon Tum nhận phụng dưỡng mẹ với số tiền 1,5 triệu đồng/tháng. Kinh phí trợ cấp cho mẹ đầy đủ, nhưng riêng chuyện tìm người chăm sóc hằng ngày cho mẹ luôn là nỗi trăn trở của những người làm công tác đền ơn đáp nghĩa.
Trước bà Yến đã có bốn người nhận chăm sóc mẹ, tuy nhiên người lâu nhất chỉ gắn bó với mẹ được hai năm, người nhanh nhất chỉ khoảng một tháng. Việc chăm sóc người lớn tuổi không nặng nhưng nhọc bởi răng mẹ rụng hết, mỗi bữa cơm người chăm sóc phải ngồi đút cho mẹ ăn khoảng một tiếng rưỡi mới xong.
Bà Yến thổ lộ: "Mình phải thương mẹ trước đã. Vì có thương thì mình mới tận tâm chăm sóc mẹ. Tôi với mẹ không phải họ hàng thân thích, nhưng gắn bó với nhau suốt một thời gian dài nên tôi thương mẹ và mẹ cũng thương tôi, có chuyện gì cũng tâm sự cùng nhau. Người già rất nhạy cảm nên mình phải tâm lý, dỗ dành từng chút một như chăm con mọn vậy thì mẹ mới yên lòng".
13 năm chưa từng đi bệnh viện
Nhà bà Yến cách nhà mẹ VNAH Tô Thị Trinh khoảng chừng 100 mét nên từ nhỏ bà Yến đã biết về hoàn cảnh của mẹ. Cách đây khoảng 13 năm, thấy những người nhận săn sóc mẹ lần lượt ra đi nên chính quyền, bà con lối xóm động viên bà Yến nhận chăm sóc mẹ Trinh.
Từ sự cảm mến từ lâu, bà Yến nhận lời. Lúc đầu cũng nhiều lời ra tiếng vào, nhiều đêm bà Yến cũng thao thức, nhưng rồi bà nghĩ mình làm việc này với cái tâm trong sáng, vậy nên không nề hà, đắn đo việc chi cả.
Câu chuyện về cái duyên kết nối hai người không thân thích dần trở nên thân mật như ruột thịt được mẹ VNAH Tô Thị Trinh giãi bày: "Giọt máu duy nhất là đứa con trai tôi đã hi sinh nhưng tôi không rõ ngày mất, nên lấy ngày 27-7 hằng năm làm ngày giỗ cho con. Nhiều năm nay, từ công việc lo cúng con trai vào ngày giỗ, ngày tết... rồi tắm rửa, dọn vệ sinh cho tôi hằng ngày đều một tay con Yến quán xuyến. Nếu không có con Yến, mình tôi không biết xoay xở thế nào".
Thấy tình cảm của mẹ Trinh và bà Yến khắng khít như ruột thịt, nhiều bà con hàng xóm ai nấy đều rất cảm mến. Ông Nguyễn Điền ở tổ dân phố An Trường, phường Phổ Ninh bảo; mỗi lần có thời gian ghé thăm mẹ, chứng kiến cảnh bà Yến kiên trì ngồi hàng giờ đút cơm, ông thấy nể phục sự kiên nhẫn của bà Yến. Có người tốt như bà Yến âu cũng là cái duyên bù đắp phần nào những mất mát, hi sinh của mẹ VNAH Tô Thị Trinh.
Nhà bà Yến có 4 sào đất ruộng, hằng ngày ngoài thời gian chăm sóc mẹ, bà còn làm thêm ít công việc đồng áng để duy trì kinh tế gia đình. Chồng bà đang làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, cách đây nửa tháng chồng bảo bà vào TP.Hồ Chí Minh sinh sống để vợ chồng có cơ hội được đoàn tụ. Vì chồng con, bà Yến loay hoay khắp nơi để tìm người thay thế mình chăm sóc mẹ nhưng chưa có ai gánh vác được.
Hay tin bà Yến có ý định vào TP.Hồ Chí Minh với chồng con, mẹ Trinh thầm thì với bà: "Mẹ còn sống không được bao lâu nữa, thôi thì con cố gắng ở thêm với mẹ đến hết đời. Con mà đi, mẹ buồn lắm". Nghe vậy, bà Yến bảo: "Mẹ nói vậy thì con không đi nữa, nên mẹ cứ yên tâm". Mẹ Trinh bộc bạch cũng nhờ bà Yến chăm sóc nên suốt gần 13 năm qua mẹ không đau ốm gì nặng, cũng ít khi dùng đến thuốc nên không phải đi viện. Những ngày trái gió trở trời, bão lũ, có bà Yến bên cạnh mẹ cũng đỡ lo.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Phổ Ninh Trần Thị Hội chia sẻ: "Có lần chúng tôi dạm hỏi ý kiến mẹ VNAH Tô Thị Trinh là muốn đưa mẹ vào Trung tâm chăm sóc người có công để phụng dưỡng nhưng mẹ nhất quyết không chịu. Mẹ chỉ chịu mỗi chị Yến chăm sóc, phụng dưỡng.
Việc chị Yến thầm lặng chăm sóc mẹ VNAH Tô Thị Trinh được chính quyền, nhân dân ủng hộ, hoan nghênh. Người tốt không hiếm, nhưng vừa tốt vừa nhẫn nhịn như chị Yến thì không phải ở đâu cũng tìm được".
Bài và ảnh: Ngọc Viên (Tuổi trẻ)
- CÁC DÒNG HỌ VIỆT NAM
- Cần làm rõ nguồn gốc, cộng đồng người Việt ở vùng Tam Đảo, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc
- ƯỚC TÍNH MỘT VÀI SỐ LIỆU VỀ HỌ TÔ VIỆT NAM
- Nàng Tô Thị - Con người có thật
- TRAO ĐỔI THÊM THÔNG TIN VỀ THÂN THẾ ĐỨC TÔ HIẾN THÀNH
- HỌ TÔ ẤP CÁI TRÁM A2 XÃ LONG THẠNH, HUYỆN VĨNH LỢI, TỈNH BẠC LIÊU
- HỌ TÔ THỊ TRẤN NÚI SẬP HUYỆN THOẠI SƠN, TỈNH AN GIANG
- VẤN ĐỀ ĐÃ RÕ, SAO CÒN BĂN KHOĂN
- TRONG TỘC PHẢ CỦA CÁC CHI HỌ, MỘT ĐỜI THƯỜNG LÀ BAO NHIÊU NĂM
- LỜI NGƯỜI BIÊN SOẠN
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐÃ GÓP TIỀN LÀM SÁCH HỌ TÔ VIỆT NAM TRONG QUÝ IV-2013
Hôm nay : 263
Tháng hiện tại : 21570
Tổng lượt truy cập : 2664640