KIẾM LĨNH LINH TỪ

Viết theo bản dịch của ông Nguyễn Văn Quyết.

Dịch sách  “Tô Đài Trung Nghĩa Đại Vương”

viết bằng chữ Hán còn lưu ở đền.

 

Linh Từ Kiếm Lĩnh là nơi danh lam thắng cảnh lưu truyền hàng ngàn năm nay, nhân dân xã Điềm Xá tôn nghiêm công đức của Ngài Tô Hiến Thành để lại cho hậu thế muôn đời tưởng niệm.

Sự tích núi Kiếm Lĩnh(1), truyện xưa kể rằng, thuở nhỏ Đinh Bộ Lĩnh mồ côi cha,  ở đi chăn trâu cho chú là Đinh Công Trứ. Bộ Lĩnh thường rủ trẻ chăn trâu lập thành thế trận, quân hai bên tập trận đánh nhau. Bộ Lĩnh cầm đầu một bên, thường đánh thắng trận bắt quân  bên thua phải khoanh tay làm kiệu để ông ngồi mà rước, lấy bông lau làm cờ, đẽo kiếm, gươm bằng gỗ để uy trương thanh thế. Một hôm Đinh Bộ Lĩnh thắng lớn, hội quân về cánh đồng Cúp(2) giết trâu của chú để khao quân. Bộ Lĩnh ra lệnh: Bay ăn cho hết, nếu còn thứ gì thì phải dọn dẹp sạch sẽ chỉ để lại cho tao cái đuôi! Bộ Lĩnh cắm cái đuôi trâu xuống khe ruộng nẻ.

Nghe dân làng đồn chuyện Đinh Bộ Lĩnh giết trâu của chú để khao quân, Đinh Công Trứ nửa tin nửa ngờ, chạy ra tận nơi hỏi Đinh Bộ Lĩnh: Trâu ta đâu?  Đinh Bộ Lĩnh chỉ vào đuôi trâu trả lời : Trâu chui xuống kẻ nẻ rồi chú ạ ! Đinh Công Trứ nắm lấy đuôi trâu giật mạnh bị ngã bổ chửng ra. Bọn trẻ chăn trâu vỗ tay cười ầm ĩ. Chú tức giận quá, giật lấy gươm trên tay Bộ Lĩnh rồi quát mắng đuổi đánh.

Bộ Lĩnh chạy đến bờ sông thì hết đường mà chú vẫn đuổi theo sát nút. Bộ Lĩnh hò lên rất to: Rồng rồng ơi, cứu ta với! Bỗng nhiên có con rồng vàng vắt qua sông làm cầu cho Bộ Lĩnh chạy qua.

Đinh Công Trứ sợ quá cắm gươm xuống đất, chắp tay bái ba vái rồi quay về, thầm nghĩ: cháu ta có thiên tinh phù trợ sau này ắt làm nên nghiệp bá vương. Thanh gươm gỗ từ từ lẩn vào núi, từ đó có tên là núi Cắm Gươm, tên chữ Hán gọi là Kiếm Lĩnh hay Kiếm Sơn và sông Hoàng Long cũng có tên từ đấy(3)

Lại kể chuyện Tô Hiến Thành, cha là Tô Trung Công người làng Hạ Mỗ, xã Hồng Thái huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, mẹ là Nguyễn Thị Đoan. Ông Tô Trung Công là người học rộng, đỗ đạt cao được bổ làm quan ở phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, sau ra làm quan ở phủ Trường An, tỉnh Ninh Bình. Ông bà đã hơn bốn mươi tuổi mà vẫn chưa có con trai nối dõi tông đường. Nghe tiếng đền thờ Nguyễn Minh Không ở làng Điềm Xá, huyện Gia Viễn rất linh thiêng đã đến đấy cầu tự, đến ngày 10 tháng ba năm Đinh Hợi (1106) sinh được quý tử là Tô Hiến Thành(4).

Sau này lớn lên Tô Hiến Thành coi làng Điềm Xá như quê hương thứ hai của mình. Vì vậy theo sách kể thì năm 17 tuổi, Vua Lý mở khoa thi năm Nhâm Dần (1122), Ngài vào thi 4 kỳ đều đỗ; được vua ban kim ngân áo mũ về (bản hương) Điềm Xá vinh quy bái tổ, lễ tạ Đức Thánh Nguyễn Minh Không và năm Đinh Hợi (1167) sau khi đánh thắng 30 vạn quân Chiêm Thành, Ngài lại về Điềm Xá dâng công bái yết đền thánh Nguyễn và về nghỉ ở núi Kiếm Lĩnh. Sau khi Ngài mất, nhân dân Điềm Xá đã lập đền thờ ở chân núi Kiếm. Ngôi đền 5 gian, tường xây cột gỗ, mái lợp ngói, tựa lưng vào núi Kiếm Lĩnh, mặt nhìn ra sông Hoàng Long. Đền đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên vẻ uy nghiêm, cổ kính; tiền đường, hậu điện bề thế trang nghiêm. Trong đền có nhiều hiện vật quý như dùi đồng, phủ việt, đao kiếm, ỷ ngai sơn son thiếp vàng lộng lẫy, đặc biệt có cỗ kiệu bát cống và lá cờ đại nghĩa rộng mấy chục mét vuông. Trước cửa và trong đền có nhiều đôi câu đối chữ Hán ca ngợi công đức của Đại vương và miêu tả phong cảnh linh thanh hiển hách của nơi địa linh nhân kiệt. Ngôi đền thể hiện nét văn hóa triều Lý và đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Người xưa có thơ vịnh:

Kiếm Lĩnh, Long Giang sơn thủy tú.

Địa linh, nhân kiệt hải hà trung.

 

Và:              Thiên khai Kiếm Lĩnh thị lâu đài

Xuân Lai(5) phong cảnh hựu xuân lai

Hoa Lư vân hội hoa sơn sắc

Long Giang thủy quyện thủy lưu hồi.

Ngày nay nhân dân  xã Gia Tiến (làng Điềm Xá xưa) vinh dự được đón tiếp nhiều đoàn du khách về tham quan, nhiều đoàn hành hương về chiêm bái dâng lễ cầu an, cầu phúc đều được đắc tài, đắc lộc, vinh xương.

 

TTHTVN

 



(1) Núi Kiếm Lĩnh gần núi Thần Thiệu cũng là một địa danh có quan hệ đến các cháu 5, 6 đời của Đức Tô

(2) Cánh đồng Cúp nay thuộc địa phận các xã Gia Lập, Gia Vân, Gia Phương, Gia Hoàng, Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Tân.

(3) Đường vua Đinh chạy, nay tính từ xã Gia Phương đến bến đò Trường Yên có tên là đường Bái Yết, địa phương gọi là đường Vua Đinh.

(4) Chuyện kể tiếp về Đức Tô Hiến Thành như nhiều sách đã chép nên lược bớt.

(5) Xuân Lai là nơi quân tướng hạ trại nghỉ khi Ngài về Điềm Xá báo công.