Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn
Cây trầm cháy dở thay nén nhang
Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm
Hùng ơi, mai gió mùa đông bắc
Võng bạt, canh khuya lại nhớ Hùng
Những đêm hai đứa xong phiên gác
Bao gạo gối đầu chăn đắp chung
Nhớ khi mình ốm giữa rừng
Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi
Qủa khế rừng nấu con cá suối
Thương mình Hùng hóa trẻ đi câu
Chúng mình có ở cách xa nhau
Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi…?
Một thước đất hóa khoảng trời vời vợi
Từ nay minh thương nhớ Hùng hơn xưa
Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù
Nhận cái chết cho đồng đội sống
Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng
Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi
Chết – Hy sinh cho Tổ quốc, Hùng ơi
Máu thấm đỏ, lời ca bay vào đất
Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc
Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng
Hùng nằm trong nôi của đất rộng vô cùng
Khoảng trời biếc hương trầm thơm hơn trước
Những đoàn quân đi đánh giặc
Có hoa rừng mang đến từ xa
Đất Hùng nằm bom đạn đào trơ
Ngày hoa nở, đêm ngời sao tỏ
Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ
Thành bàn tay chỉ hướng quân thù
Cây trầm thơm từ gốc thơm ra
Như nhắc nhở với người đang sống
Thù riêng lớn, thù chung càng lớn
Hờn căm này nhân tiếp những hờn căm
Thôi mình đi Hùng nhé. Hãy yên nằm
Trận đánh đêm nay vắng Hùng gài bộc phá
Trận đánh trường kỳ vắng Hùng tham dự
Trận đánh cuối cùng chiến thắng phải về ta
Anh trinh sát hy sinh trao lại tấm bản đồ
Anh xung kích hy sinh phất cao cờ chuẩn
Xin Hùng hãy trao cho mình khẩu súng
Trận đánh vẫn còn tiếp diễn, Hùng ơi…
Quân mình đang pháo kích nơi nơi
Hùng có thấy đất rùng rùng sấm dậy
Mặt trận chuyển vào sâu rồi đấy
Thôi mình đi, Hùng nhé, hãy yên nằm
Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm
Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ
Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị
Thân hy sinh thơm đất thơm trời
Nguyễn Đức Mậu
Tôi và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu biết nhau đã lâu nhưng thân quen, hò hẹn thì mãi đến khi cả hai cùng nghỉ hưu mới có… Vừa rồi anh lại tặng tôi cuốn “Từ trong lòng cuộc chiến” do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin và Văn hóa trí tuệ Việt tuyển chọn ấn hành quý 2 năm 2010, gồm 99 bài thơ anh viết trong chiến tranh. Trong đó có bài “Nấm mộ và cây trầm” mà tôi vẫn yêu thích.
Nhớ một lần ngồi uống bia hơi, anh kể, bài này được viết khi anh còn rất trẻ, mới 22 tuổi, lính chiến của Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, Quan đoàn 1. Năm 1969, Trung đoàn anh nhận nhiệm vụ chiến đấu ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, nước bạn Lào. Mới thử lửa được mấy tháng, quân số Trung đoàn vơi đi khá nhiều do bị thương vong. Người chết vì sốt rét rừng, chết vì vướng bom mìn, nhiều nhất là chết vì quần nhau với giặc. Anh có người bạn thân, hy sinh trong trận đánh ở đồi Mâm Xôi, cạnh thị xã Xiêng Khoảng. Đó là vào một đêm mùa đông. Trên nghĩa trang biên giới, bọn giặc thả đèn dù, ném bom. Ánh sáng cứ lơ lửng, lúc nhập nhoạng, lúc bùng lên hoang dại. Những cây thông bị cháy đen lửa leo lét chĩa thẳng lên trời như những cây nhang lớn. Các anh tranh thủ đào huyệt và chôn những đồng đội đã hy sinh Trước khung cảnh đầy chất bi tráng đó, anh đã có được “cái tứ” để viết bài thơ “Nấm mộ và cây trầm”:
Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn
Cây trầm cháy dở thay nén nhang
Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm…
Cây thông ở nghĩa trang biên giới được thể hiện bằng hình tượng cây trầm - Một loài cây quý thay cho nén nhang thắp lên mộ bạn. Bài thơ được viết trong hang đá rừng Lào, dưới ánh đèn dầu làm từ vỏ đồ hộp. Viết sau khi chôn xác bạn trở về, viết trong tâm trạng sa xót, tiếc thương:
Hùng ơi, mai gió mùa Đông bắc
Võng bạt, canh khuya lại nhớ Hùng
Những đêm hai đứa xong phiên gác
Bao gạo gối đầu chăn đắp chung
Nhớ khi mình ốm giữa rừng
Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi
Qủa khế rừng nấu con cá suối
Thương mình Hùng hóa trẻ đi câu
Chúng mình có ở cách xa nhau
Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi…?
Một thước đất hóa khoảng trời vời vợi
Từ nay mình thương nhớ Hùng hơn xưa
Do cảm xúc mạnh, tứ thơ vững vàng nên bài thơ được viết nhanh, câu nọ nối câu kia, đoạn này tiếp sang đoạn khác. Từ trường hợp hy sinh của người bạn, người đồng đội, anh có được những đoạn thơ mang tinh khái quát cao về sự hy sinh lớn lao của người chiến sĩ Việt Nam:
Đất Hùng nằm, bom đạn đào trơ
Ngày hoa nở, đêm ngời sao tỏ
Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ
Thành bàn tay chỉ hướng quân thù..
Bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” được in lần đầu tiên trên Tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn; được Hội Nhà văn và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trao giải chính thức viết về đề tài Thương binh Liệt sĩ. Quý hơn cả là 41 năm qua, bài thơ luôn được các thế hệ bạn đọc yêu quý và thuộc nằm lòng.
Mùa đông 2009
Tô Kiều Thẩm
- Câu chuyện lịch sử về dòng sông Tô Lịch
- NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ THÁI ÚY TÔ TRUNG TỪ
- TRẦN LÝ LÀ CON RỂ ĐỨC TÔ HIẾN THÀNH - TƯ LIỆU THÀNH VĂN HAY TRUYỂN KHẨU ?
- Trao đổi về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong Báo cáo tổng kết 20 năm “Chắp nối dòng họ - Tìm về cội nguồn”
- Trao đổi thêm về nguồn gốc cộng đồng người Việt ở vùng Tam Đảo, Quảng Tây, Trung Quốc
- Bài hát “Nam bộ kháng chiến” và tác giả Tạ Thanh Sơn
- Ở chiến trường tôi vẽ chân dung Bác
- Những vần thơ về Cách mạng tháng Tám
- TÔ TỘC TRONG VIỆC BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO ĐẦU TIÊN
- TÔ LỊCH LÀ NHÂN DANH HAY LÀ ĐỊA DANH
- Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
- Lễ báo công truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đồng chí Tô Quyền
- Thuỷ Tổ Họ Tô Việt Nam là ai?
- ANH HÙNG “MÌN GẠT”
- VÀI NÉT VỀ QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ HIỆN NAY.
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN
- Ai soạn thảo “Bản thông cáo số 1” của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày 30-4-1975?
- LỚP TRƯỞNG TÔ HIỆP NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
- Đôi điều cần làm rõ trong sự tích Tô Hiến Thành
- Đất nước và người mẹ trong thơ Tạ Hữu Yên
Hôm nay : 116
Tháng hiện tại : 38457
Tổng lượt truy cập : 2812255