Ở chiến trường tôi vẽ chân dung Bác


Thượng tá, họa sĩ, nhà báo Phạm Ngọc Linh (bút danh Nhật Lệ), sinh năm 1943, ở Hạ Hoà, Phú Thọ. Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội), ông về công tác tại Ty Văn hoá tỉnh. Nhập ngũ năm 1967, ông vào chiến đấu tại Quân khu Trị Thiên rồi ra Cục Xuất bản Bộ Quốc phòng. Nghỉ hưu năm 1997 tại tổ 18, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thủ đô Hà Nội. 

Biết ông là tác giả của nhiều mẫu Huân, Huy chương, lô gô, biểu tượng, trong đó có Huy hiệu CCB Việt Nam và Kỷ niệm chương CCB Việt Nam. Nhất là có nhiều thành công trong vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã gặp và nghe ông kể về một kỷ niệm của mình: 

Mùa mưa năm 1969, tôi làm trợ lý Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324. Đơn vị vừa đánh thắng Lữ đoàn 101 Mỹ trên điểm cao 903, dãy núi A bia phía Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế, rồi chuyển về chân núi Xê Côi, để tổng kết chiến dịch và củng cố lực lượng. Hôm ấy, tôi được phân công đi gùi gạo, đang trên đường đến kho thì đồng chí liên lạc tiểu đoàn đuổi theo gọi tôi về để  “nhận nhiệm vụ gấp”. Tôi băn khoăn trở lại. Trong gian nhà hầm nửa chìm nửa nổi vừa làm xong còn ngai ngái mùi đất mới, tôi thấy Tiểu đoàn trưởng Núp và Chính trị viên Mẹo đang rì rầm bàn bạc vẻ rất hệ trọng. Khi tôi đã ngồi im, anh Núp mới nói: “Bác Hồ mất rồi”. Tôi cảm giác như có một dòng điện chạy dọc theo sống lưng, lạnh buốt, tim đập rộn lên và mắt nhòa đi như có ai dốc ngược đầu xuống đất. Anh Mẹo ngồi bên vội xoa lên vai tôi như muốn động viên “hãy bình tĩnh”. Lát sau, anh mới nói:

-Ngày mai, Tiểu đoàn làm lễ truy điệu Bác, khó một nỗi là đơn vị chiến đấu lại đóng quân trong rừng sâu. Xem lý lịch biết đồng chí Linh là hoạ sĩ, vậy anh có thể nhớ lại mà vẽ một bức hình cho mọi người thấy Bác lúc đau thương này, được không?

Trước đây, tôi xác định “gác bút nghiên theo việc đao cung” nên từ khi nhập ngũ tôi chưa hề cầm bút vẽ lại. Nhưng tôi đã may mắn được gặp Bác hai lần. Lần đầu là Bác đến thăm Trường Mỹ thuật Việt Nam. Chúng tôi tập trung đón Bác ở hội trường thì Bác lại đi vòng xuống nhà ăn, kiểm tra từng xuất cơm, sang xem khu nhà ở của sinh viên, lên phòng học rồi mới qua hội trường. Bác nói ý như: Mỹ thuật là nghệ thuật, là làm đẹp, các chú vẽ tranh đẹp thì cũng phải sống cho sạch đẹp, làm tôi nhớ mãi. Lần thứ hai vào năm 1962 Bác lên thăm tỉnh Phú Thọ, tôi đứng chỉ cách Bác chừng một tầm tay với. Tôi đã mải mê ngắm Bác và nghề nghiệp đã giúp tôi nhận thấy thần thái của Người còn đẹp hơn rất nhiều so với những bức tranh, bức ảnh trước đây.

Chính trị viên Mẹo cắt trong sổ tay của mình bốn tờ giấy cho tôi dán thành khổ rộng hơn. Tôi xuống bếp cời than tìm những viên nhỏ, xốp và mịn để làm màu đen, Quân y tiểu đoàn cho thuốc đỏ, viên ký ninh vàng và thuốc mê-ty-len xanh. Bút vẽ là một đoạn dây mây nhỏ tôi lấy ngoài rừng một đầu đập dập như tơ cho dễ đưa lên, hạ xuống. Không có bàn ghế, tôi chọn một đoạn dốc thoải rồi lấy cuốc chim cuốc thành hai bậc. Bậc trên tôi nện nhẵn, nhặt hết những viên sỏi cộm cứng, sau đó trải ni lông làm mặt bàn. Xong xuôi, tôi quỳ xuống bậc dưới, sửa soạn bút mực, vuốt phẳng tờ giấy và bắt đầu vẽ. Khi ấy tôi đã nhớ tới hai khuôn mặt đẫm nước mắt của anh Núp và anh Mẹo lúc giao nhiệm vụ cho tôi. Thế là nước mắt tôi cũng trào ra, chảy xuống môi mằn mặn. Tôi liền thấy Bác rất gần, chỉ cách tôi một tầm tay với, khuôn mặt hơi gầy, vầng trán cao, đôi mắt sáng và dịu hiền, chòm râu mềm rung rung cùng khoé miệng rất tươi. Cứ thế, tôi vẽ liền một mạch. Những đường nét như có linh cảm, có trái tim mách bảo và chân dung Bác cũng dần dần hiện ra âu yếm nhìn tôi… Thật bất ngờ khi tôi đứng dậy, thấy anh em trong cơ quan Tiểu đoàn bộ đã vây quanh từ lúc nào, mắt ai cũng ngần ngận nước lặng lẽ xem tôi vẽ…

Hôm sau, cả Tiểu đoàn tập trung trong một khu rừng rộng, bằng phẳng, bức chân dung của Bác được treo trang trọng trên một thân cây cổ thụ. Sau phút chào cờ, chính trị viên Mẹo lên đọc điếu văn. Gọi như vậy thôi chứ không có tài liệu, anh chỉ nghẹn ngào nói vắn tắt về Bác mà anh nhớ được, rồi Tiểu đoàn cùng tuyên thệ và mọi người theo một hàng dọc lần lượt lên viếng Bác.

Từ đó tôi lại tiếp tục với nghề cầm bút, đã gần bốn mươi năm, nhiều lần vẽ chân dung Bác nhưng chưa có lần nào sâu sắc và ấn tượng như lần vẽ và buổi lễ truy điệu Bác dưới chân núi Xê Côi của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, năm 1969.

                                                          Mùa thu 2007

                                                          Tô Mai Anh